TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng cất sự bác ái

Thứ năm - 13/05/2021 06:16 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   598
Đừng cất sự bác ái

Chúa Nhật XXVI – TN – C

Đừng cất sự bác ái

Helen Keller nói: “Chúng ta có thể chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, sự vô cảm của con người”.

Đúng vậy, nói đến sự vô cảm, có thể nói, nó là một căn bệnh trầm kha, đeo đẳng suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Hình ảnh “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo… Cuộc sống đói rách bơ vơ. Hỏi ai ai cho nương nhờ. Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ”, bên cạnh những đại gia, tỷ phú dám chi hàng tỷ đồng cho một bữa ăn trưa theo sở thích mình, là những “chuyện thường xảy ra ở huyện”.

Niềm tin Kitô giáo không hoan nghênh lối sống này, một lối sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, lối sống vô cảm.

Niềm tin Kitô giáo dạy rằng, một Kitô hữu không chỉ mến Chúa nhưng còn phải yêu người. Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. v.v…”

Đức Giê-su, khi còn tại thế, cũng đã lên án lối sống xa hoa phung phí. Một lần nọ, Ngài đã lớn tiếng cảnh cáo những ai sống vô cảm với người đồng loại, bằng một dụ ngôn, dụ ngôn mang tên “Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó”.

**

Dụ ngôn được kể rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.

Bên cạnh đó, “nằm trước cổng ông nhà giàu”, là một hình ảnh trái ngược, “…Có một người nghèo khó tên là La-da-rô”. Nghèo, anh ta lại còn gặp cái eo, vâng, rất thảm thương, anh ta “mụn nhọt đầy mình”.

Thêm nữa, anh ta đói, đói đến độ “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. Đáng tiếc, ước mong của chàng vẫn chỉ là ước mong. Một điều, nếu được phép gọi là điều an ủi cho anh ta, đó là, chỉ có “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”.

Vâng, như người ta thường nói “mồm chó vó ngựa”. Anh Lazaro, phần vì đói, phần vì mồm những con chó liếm vào vết ghẻ của anh ta… Ôi! vết thương không nhiễm trùng mới là chuyện lạ! Lazaro chết, vì đói… vì nhiễm trùng. Sau đó, “ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn”.

Chôn rồi, chuyện gì xảy ra? Thưa, La-da-rô, sau khi chết “được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham”.

Còn ông nhà giàu? Thật thảm hại, “Dưới âm phủ” ông ta phải “chịu cực hình”. Hình ảnh La-da-rô, trước kia ở trần gian ra sao, nay ở âm phủ, nó tái hiện nơi ông nhà giàu.

Nơi âm phủ, ông nhà giàu “thèm” được La-da-rô “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi cho mát, vì ở đây bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16, 24).

Rất… rất nhiều lời năn nỉ ỉ ôi của ông nhà giàu trước “tổ phụ Áp-ra-ham”, một danh xưng mà ông cứ nhai đi nhai lại “Lạy tổ phụ, xin thương xót con… Lạy tổ phụ, vậy thì con xin… Thưa tổ phụ…” v.v…

Rất công bằng, tổ phụ Ap-ra-ham đáp: “Con ơi! Hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”. (x.Lc 16, 25).

***

Đúng vậy, rất công bằng, công bằng trước sự vô cảm của ông nhà giàu.

Thì đây, chúng ta thử làm một so sánh giữa ông nhà giàu và anh La-da-rô. Ông nhà giàu, theo lời mô tả trong dụ ngôn, rất lịch lãm. Ông ta “mặc bằng áo tía và áo bằng vải gai mịn”, (theo một bản dịch khác). Vào thời đó, đây là loại trang phục thường dành cho vua chúa, thầy tế lễ.

Và theo nhà chú giải Kinh Thánh William Bracay, bộ trang phục này trị giá bằng 4.000 ngày công của một công nhân. (lương công nhật là 4 xu/ngày, như vậy, bộ trang phục tương đương 40 bảng Anh).

Cách ăn mặc như thế, không phải để che thân, nhưng là để “khoe khoang” sự giàu có của mình. Vậy, có đáng trách không, trước sự hoang phí như thế!

Rồi đến việc ăn uống, ông ta “ngày ngày yến tiệc linh đình”. Ăn uống như thế, đâu phải là “ăn để sống”, mà là sống để thỏa mãn thú vui nhậu nhẹt theo ý thích của mình.

Chắc chắn nơi bàn tiệc của ông ta toàn cao lương mỹ vị. Những món mà theo lối nói ngày nay được gọi là “món ăn sành điệu”. Có đáng trách không, khi vào thời đó, tại Palestin, lao động cật lực 6 ngày, giỏi lắm người ta mới ăn thịt một lần!!

Cuối cùng, điều đáng trách lớn nhất đối với ông nhà giàu, đó là, giữa ông và La-da-rô, (theo như việc ông gọi Ap-ra-ham là tổ phụ), thì cả hai người đều là “con cháu Ap-ra-ham”, vậy cớ gì ông lại “vô cảm” trước sự nghèo khó của người anh em bà con với mình!!!

Ông ta và La-da-rô, (nằm trước cổng nhà ông), gần nhau như thế, thế mà ông ta lại nỡ “lạnh lùng đến thế sao!”. Thật đúng như có người đã nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là nơi không có tình thương”.

Vâng, ông nhà giàu không có tình thương. Trái tim của ông ta sơ cứng, một trái tim “vô cảm”.

****

Thiên Chúa không lên án sự giàu có. Giàu ư! Tốt, vì đó là ơn phúc Chúa ban. Giàu không phải là một cái tội. Câu chuyện dụ ngôn trên không thấy một câu hay một chữ nào lên án sự “giàu sang” của ông nhà giàu.

Hãy nhìn xem sự giàu có của ông Gióp. Kinh Thánh chép rằng, Ông ta có “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Satan cũng phải công nhận Đức Chúa đã “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (G 1, 10).

Thật ra, cũng có một vài trường hợp Kinh Thánh cảnh giác sự giàu có. Cảnh giác là bởi, giàu, có thể là cớ dẫn con người đến chỗ kiêu ngạo, chống lại Thiên Chúa, không cần biết Người là ai.

Vâng, sách Châm Ngôn có lời dạy: “Xin đừng để con nghèo túng, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ĐỨC CHÚA là ai vậy?”(x.Cn 30, 9).

Thế nên, nếu ta được hưởng phúc giàu có, hãy nghe thánh Phaolô khuyên: “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng”(1Tm 6,17).

Còn nữa: “Phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy (sẽ) tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được hưởng sự sống thật”.

Nói tắt một lời, phải có sự bác ái và lòng thương xót.

*****

Thiên Chúa là tình yêu. Con người (chúng ta) được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Thế nên, chúng ta phải là tạo vật có tình yêu, phải là một con người có lòng thương xót.

Cách để biểu lộ lòng thương xót tốt nhất, đó là hãy dựa vào luật pháp Thiên Chúa đã ban, mà thi hành, bởi vì luật của Người là luật của lòng thương xót.

Đây, hãy nghe lại luật Chúa dạy: “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho sát tới bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi không được nhặt: (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo…” (x.Lv 19, 9-10). Một lề luật tràn ngập sự bác ái và lòng thương xót, phải không, thưa quý vị!

Trở lại chuyện dụ ngôn. Vâng, thông điệp Đức Giê-su đưa ra quá rõ, đó là “đừng vô cảm” trước những đau khổ của người khác.

Nếu tôi là ông nhà giàu ư? Hãy ghi khắc vào con tim mình, lời Kinh Thánh dạy: “Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo… Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng làm ngơ”. (x.Hc 4, 2-4).

Vâng, vui thay khi Thiên Chúa nói với ta rằng: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm”. (Cn 19, 17).

Còn nếu ta là anh chàng La-da-rô? Thưa, cũng hãy vui lên, vui là bởi, đó là một cái tên đầy ý nghĩa “La-da-rô: người được Thiên Chúa giúp đỡ. La-da-rô: Chúa là sự giúp đỡ của tôi”.

Nếu ta là một kẻ nghèo khó, đừng nghĩ rằng, là do trời phạt, hoặc là do “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Biết đâu, trong cảnh khó nghèo đó, “Thiên hạ (sẽ) nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện” nơi ta, thì sao!

Vâng, Thiên Chúa để cho người giàu và người nghèo sống bên cạnh nhau chính là để mọi người có cơ hội: thứ nhất, thể hiện đời sống đức tin, tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và thứ hai, là để mọi người biểu lộ sự bác ái và lòng thương xót, với nhau.

Đừng quên Đức Giê-su đã dạy: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Tình yêu thương là nét đẹp của Ki-tô giáo. Tình yêu thương chính là “hoa trái của Thánh Thần”. Là một Ki-tô hữu, chúng ta luôn phải tìm mọi cách làm cho “hoa trái” đó nở rộ. Nếu không, chúng ta sẽ là kẻ vô cảm, mà vô cảm chính là dấu hiệu của sự vô tín.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: trước những người anh em, những người đồng loại, những người mà họ đói chúng ta có cho ăn, họ khát chúng ta có cho uống, họ rách rưới chúng ta có cho mặc, họ bịnh hoạn chúng ta có viếng thăm, hay không?

Có lẽ, câu trả lời dành riêng cho mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, những việc làm nêu trên, nếu ta “có” làm, đó là, ta “đã làm cho chính Chúa vậy”.

Hơn thế nữa, chính những việc làm đó, trong ngày phán xét, Chúa sẽ không nhìn ta bằng ánh mắt “vô cảm”, mà bằng chính ánh mắt của “lòng thương xót”.

Thật vậy, Đức Giê-su có lời truyền dạy: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Thưa bạn, bạn muốn nhận được lời chúc phúc này? Nếu muốn, hãy nghe lời khuyên của ngài Giáo Hoàng Phan-xi-cô: “Đừng cất sự bác ái và lòng thương xót, vào ngăn đông lạnh”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây