TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cắm lều giữa lương dân

Thứ năm - 02/12/2021 04:11 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   793
Người được sai đi loan báo Tin Mừng đã cắm lều giữa lương dân, trên một vùng đất hoang vu hẻo lánh, giữa núi rừng bạt ngàn, sát biên giới Việt Nam với Campuchia.
Cắm lều giữa lương dân

Một trái tim chứa đầy những khuôn mặt và những cái tên

 

Đầu năm 1993, khi vào thăm thôn 6 Bù Rter, nhận thấy bà con nơi đây không người chăm sóc, chúng tôi đã xin Băp Sưn, một thầy giảng thời các cha thừa sai, đưa gia đình vào sinh sống, để nâng đỡ đức tin của bà con.

Ngày 01.01.1994, khắp các cánh đồng, từ Bù Đăng lên Đăk Nông, tất cả các giáo lý viên phải cất bước lên đường: Băp Sưn từ Bù Rter đi tiếp qua ngã ba Đông Dương; Băp Xuân từ Kiến Đức đi tới Quảng Trực, thuộc tỉnh Đăk Nông. Nơi đây, người đầu tiên sẵn sàng tin theo là Điểu Toi cùng với 4 gia đình gồm 28 nhân khẩu.

Ngay khi vừa đón nhận Tin Mừng, như để tuyên xưng lòng tin, anh Điểu Toi đã cùng với bà con dựng một ngôi nhà tranh đơn sơ làm nơi cầu nguyện. Nhưng vì đây là vùng biên giới, và cũng là chiến khu cách mạng năm xưa, do đó ngôi nhà mới được dựng lên đã bị rỡ bỏ. Công việc loan báo Tin Mừng vì thế cũng gặp nhiều trắc trở.

Qua tới năm 1997, theo đề nghị của các anh em đang trên đường loan báo Tin Mừng, Băp Sưn đưa vợ con về sinh sống ngay tại Quảng Trực, Điểu Toi chia cho anh 2 sào đất để dựng nhà, còn ông sui gia thì nhường cho 1ha đất làm vườn, và thế là người được sai đi loan báo Tin Mừng đã cắm lều giữa lương dân, trên một vùng đất hoang vu hẻo lánh, giữa núi rừng bạt ngàn, sát biên giới Việt Nam với Campuchia.

Ban ngày vác cuốc ra vườn trồng bơ, xoài, đu đủ, khoai mì, chiều về kề cận bên lời Chúa, lắng nghe Chúa nói qua từng hơi thở của sự sống. Sau cơm tối, anh với chị, cùng với Điểu Toi, đi thăm từng nhà, miệng rao truyền Danh Thánh trong khi lòng tha thiết nguyện cầu. Cứ thế, anh chị có thể đi khắp các thôn, vừa tập ca múa hát, vừa dẫn bà con tới gặp gỡ lời Chúa, từng bước giúp bà con nhận ra vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết.

Trước tiếng gọi của Thiên Chúa tình thương, trước khuôn mặt của Đức Ki-tô được bầy tỏ trong Tin Mừng giữa lòng Hội Thánh, nơi mà mọi người thấy mình được hoan nghênh, được yêu thương và khích lệ để sống đời sống tốt lành theo phẩm giá con cái Thiên Chúa, 143 gia đình gồm 806 nhân khẩu đã tin theo. Ngày 31.05.1998, một số bà con từ Quảng Trực, sau 3 ngày băng rừng vượt suối, đi tới tận nhà thờ Bù Đăng, và đã được Đức Giám Mục giáo phận ban bí tích thêm sức. Kể từ đó, số người tin theo ngày một gia tăng, và cũng từ đó, mái nhà của anh chị trở thành nơi gặp gỡ, một mái nhà mở ra mọi nhà và vươn tới mọi nẻo đường, để anh chị mặc sức đi vào cuộc phiêu lưu của đời lữ hành, như là những người loan báo Tin Mừng.

Một ngôi nhà nhỏ ven đường, năm xưa trong buổi đầu gặp gỡ anh chị đã nên duyên vợ chồng thế nào mà nay sao thuận hòa, an bình và vui tươi đến độ không ngờ, vui từ trong nhà ra tới mọi nhà.

Trở về với những năm tháng tuổi trẻ, anh may mắn hơn các bạn nhiều lắm, được các nữ tu nuôi dậy, và đặc biệt được đào tạo trong trường các giáo phu ở Kon Tum. Năm 1971 ra trường, anh được Đức Giám Mục giáo phận đặt làm thầy giảng ngay tại vùng đất anh sinh ra. Anh học cũng khá, nói được các thứ tiếng Ê-đê, K’hor, Ba-nar và cả tiếng Pháp nữa.

Anh muốn đi tu lắm, chỉ tội một con mắt hơi kém, nhưng có một chuyện xảy ra ngoài ý muốn đã dẫn đến cuộc hôn nhân giữa anh và mẹ Sưn hôm nay. Đó là việc ông anh đã thương con người ta “rồi lại bỏ đi”, mà theo phong tục của người M’nông, đám hỏi coi như đã nên vợ nên chồng. Khi ông anh bỏ đi, bố đã bắt thằng em thế chỗ, nhận lấy mẹ Sưn, một cô gái cha mẹ mất cả, chỉ còn lại 2 chị em côi cút.

Nhân duyên là vậy, nhưng anh chị thương nhau lắm, tới bữa ăn nếu một người về trễ là cả nhà ngồi đợi, không phải ăn trước sẽ mất phần người ăn sau, nhưng là để bầu khí gia đình luôn ấm áp. Thỉnh thoảng anh chị cũng to tiếng đôi chút, nhưng hai người lại nói bằng tiếng Ê-đê, để khỏi gây ảnh hưởng cho con cái.

Sau khi đã tạo dáng cho các con lớn lên trọng ân nghĩa, đến khi lập gia đình, các con có thể tự chủ và tự lực, không ai bê tha rượu chè. Nhờ vậy, cha mẹ hoàn toàn an lòng, tận lực trên con đường tìm đến với mọi nhà, ngày lại ngày cho vinh quang Thiên Chúa hơn.

Thực vậy, trên đường, việc đến với mọi nhà để loan truyền danh thánh, những bước đi trong ân sủng đem lại cho anh chị tình yêu và sức sống, dẫn anh chị đến với mọi người bằng tình thân mầu nhiệm, một tình thân chiêm niệm. Nó là con tim của tình bạn có khả năng nhìn thấy sự cao cả thánh thiêng của người khác, của việc nhìn thấy Thiên Chúa nơi mọi người, của việc chấp nhận những phiền toái của cuộc sống bằng cách gắn bó với tình yêu của Thiên Chúa, của việc mở lòng ra cho tình thương của Thiên Chúa và mời gọi mọi người chung bước lữ hành tiến về Thiên Chúa, và chung đường loan báo Tin Mừng.

Từ năm 1998 đến năm 2003, anh chị luôn có Điểu Toi sát cánh trên cánh đồng, đến khi Điểu Toi được mời giữ những phận vụ ngoài xã hội không thể tiếp bước, thì lại có Điểu Khanh góp sức. Cũng trong thời gian này, số bà con trở lại mỗi ngày thêm đông, việc đọc kinh từ xóm này đến xóm kia thêm dày đặc, do đó một lần nữa bà con lại cố công góp sức dựng lên ngôi nhà nguyện mới, vẫn trên đất của Điểu Toi, nhưng cuối cùng vẫn bị phá bỏ.

Tới năm 2005, sau nhiều lần đi tới đi lui lo thủ tục giấy tờ, thì bà con mới nhận được phép chính thức cho dựng nhà nguyện. Ngôi nhà dựng bằng gỗ diện tích 60 mét vuông. Từ khi có nhà nguyện, sinh hoạt tương đối ổn định, số tín hữu mỗi ngày một gia tăng, vì thế ngôi nhà nguyện cứ được nới rộng mãi theo thời gian.

Đến lúc này, tuổi đời Băp Sưn đã trên 60, sức khỏe yếu dần vì những năm tháng kham khổ, một con mắt từ lâu đã hỏng, mắt còn lại cũng mờ theo, từ nhà ra đến nhà nguyện trong đêm tối cần mẹ Sưn cầm tay dắt đi. Những buổi bà con không tập trung ở nhà nguyện thì hai ông bà lại dắt nhau đi thăm những gia đình mới. Cuộc sống đều đặn như bản tình ca nhịp theo bước chân của hai con người, nắm tay nhau trong thương mến, đến với mọi nhà. Mỗi ngày thêm những khuôn mặt, thêm những cái tên được gọi từ trái tim đến trái tim, dệt lên những giai điệu mang âm hưởng bài tình ca của những bước chân đưa mọi người tìm về bên Chúa, và vui hưởng thánh nhan Người.

Ngày lễ giáng sinh năm 2008, lần đầu tiên linh mục được phép về dâng thánh lễ, lần đầu tiên bà con cảm nhận về một hình hài của Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và từ đó, hằng năm có linh mục về cử hành lễ giáng sinh. Cho mãi tới năm 2011, các cha mới về dâng lễ đều đặn, ban đầu thì một tháng một lần, sau dần có thánh lễ mỗi chúa nhật.

Trải qua những bước thăng trầm nhiều khó khăn trong đời sống đạo, nhưng đức tin của cộng đoàn luôn vững vàng. Từ lâu bà con đã mơ ước có được ngôi nhà thờ họ chính thức, thế nhưng mãi tới ngày 8 tháng 9 năm 2014 mới nhận được giấy phép chấp nhận cho hoạt động tôn giáo cùng với chủ quyền trên một miếng đất. Cũng chính từ đây Quảng Trực trở thành Giáo họ gọi tên là Tân Phúc, chọn Chúa Kitô Vua làm bổn mạng.

Ngày 23.01.2017, Băp Sưn hoàn tất hành trình cuộc đời của người môn đệ, trong khi con tim chứa đầy những khuôn mặt và những tên gọi! Hai mươi năm ghi dấu những bước chân trên những nẻo đường dẫn vào 9 thôn của Quảng Trực.

Hai mươi năm trên đường, qua lời Chúa trong Tin Mừng, mắt người môn đệ đã nhìn thấy và tay đã chạm vào khuôn mặt của Thiên Chúa và của anh chị em mình. Lời Chúa đã chỉ cho thấy hai khuôn mặt, hoặc tốt hơn nữa, một khuôn mặt duy nhất: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản chiếu trong rất nhiều khuôn mặt khác. Vì trong mỗi anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bé nhỏ nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, những người không có khả năng tự vệ và những người túng thiếu, người ta tìm thấy chính hình ảnh của Thiên Chúa. (x. Tông huấn Vui mừng Hân hoan 61).

Hai mươi năm gặp gỡ, mời gọi, cùng với các anh chị em bạn đường, và các giáo lý viên, nhờ quyền năng của ân sủng, cộng đoàn giáo họ Tân Phúc nay, chỉ tính riêng bà con M’nông, đã có gần 400 hộ, với hơn 2100 giáo dân.

Đầu năm 2018, giáo họ đã có linh mục về chăm sóc, và qua tới tháng 10.2020 giáo họ đã khởi công xây nhà thờ, để sắp tới đây 2859 tín hữu có nơi chung tiếng nguyện cầu.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây