TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Điều nào khó hơn?

Thứ sáu - 03/12/2021 23:59 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   912
“Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”; hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?”.
Điều nào khó hơn?

ĐIỀU NÀO KHÓ HƠN?

(Thứ Hai sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Is 35,1-10; Lc 5,17-26)

Sách ngôn sứ Isaia thường được xem như Tin Mừng thứ năm. Sứ ngôn Isaia loan báo nhiều về thời Đấng Thiên sai với những hình ảnh an bình rất thân thương như cảnh sói dữ sống chung với chiên con, trẻ thơ vui đùa bên hang rắn độc, sa mạc sẽ nở hoa, các bệnh nhân được chữa lành, người mù được thấy, người điếc nghe được, người câm nói được, người què lại nhảy như nai… Chính vì thế trong Mùa Vọng, Giáo hội cho đoàn tín hữu nghe trích đọc nhiều bản văn của sứ ngôn này.

Và Chúa Kitô đã làm ứng nghiệm cách rõ nét những lời tiên báo của các ngôn sứ xưa, cách riêng ngôn sứ Isaia. Tin Mừng Luca tường thuật đã có lần vào Hội đường, khi người ta trao cho Chúa Giêsu Sách thánh thì Người đã mở ra và đọc đúng đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn…” Và Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (x.Lc 4,16-22).

Bài Tin Mừng hôm nay ngày thứ Hai sau Chúa Nhật II Mùa Vọng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bại liệt được chỗi dậy ngay và vác chõng đi về. Nghe đoạn Tin Mừng này chúng ta thường mến cảm đến sững sờ trước lòng xót thương vô bờ của Chúa Cứu Thế. Chắc hẳn những người thân của anh bị bại liệt và chính bản thân anh ta chỉ muốn xin được chữa lành bệnh tật phần xác, thế mà Chúa Giêsu lại chữa cho anh ta luôn cả tật bệnh phần linh hồn là tha thứ tội lỗi cho anh. Xin một mà được hai. Một sự may mắn thật bất ngờ, khiến không chỉ những người có mặt hôm ấy mà cả chúng ta khi nghe tường thuật cũng phải kinh ngạc. Tình yêu đích thực luôn hướng đến tình trạng đủ đầy và hoàn hảo. Đôi chân mạnh khỏe nhảy cao hơn cả nai mà tâm hồn bại liệt thì chẳng hạnh phúc gì. Chúa Giêsu hiểu điều đó và Người đã ban cho người bệnh hạnh phúc đích thực đủ đầy.

Tuy nhiên điều chúng ta cần ngạc nhiên hơn, đó là khi một số kinh sư và người biệt phái hiện diện hôm ấy thầm nghĩ rằng Chúa Giêsu đã phạm thượng khi nói lời tha tội cho anh bại liệt, vì theo họ chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, thì Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”; hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?”. Chúng ta không thấy Tin Mừng tường thuật câu trả lời của các người biệt phái cũng như các vị tiến sĩ luật. Tuy nhiên với sự luận suy bình thường thì chúng ta có thể khẳng định rằng nói với người bại liệt là hãy chỗi dậy mà đi xem ra khó hơn vì người ta kiểm nghiệm hiệu quả lời nói được ngay tức khắc, cách nhãn tiền. Còn nói với người bại liệt là tội anh đã được tha thì hầu chắc không thể kiểm nghiệm bằng mắt trần được, do đó điều này xem ra có vẻ dễ hơn.

Hiểu được sự thật này, Chúa Giêsu đã làm điều mà họ cho là khó hơn. Người nói với người bất toại: “Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!”. Lời truyền của Chúa Giêsu đã thành hiện thực ngay. Người bất toại chỗi dậy vác giường đi về nhà trước sự sửng sốt và thán phục của đám đông hôm ấy. Chúa Giêsu thường dùng ân ban “bên ngoài” làm dấu chỉ để chuyển thông phúc lộc “bên trong”. Khởi đầu sứ vụ rao giảng, Người làm cho sáu chum nước đầy hóa thành rượu ngon để chúc phúc cho tình yêu đôi lứa tại Cana. Kết thúc sứ vụ, Người cúi xuống rửa chân (làm công việc người đầy tớ) cho các môn đệ trao ban tình yêu tự hiến đến cùng cho các môn sinh và nhân loại.

Trao ban phúc lộc bên ngoài hay chuyển thông ân thánh bên trong, điều nào khó hơn? Thành thật trả lời rằng trao ban phúc lộc bên ngoài để làm dấu chỉ chuyển thông ân thánh bên trong xem ra không mấy dễ. Bỗng có ý tưởng ngồ ngộ. Giáng Sinh sắp về, trong hoàn cảnh dịch bệnh, để giúp đoàn tín hữu lướt thắng sự sợ hãi dịch bệnh Covid-19 và căn bệnh “lười”, một sáng kiến nhỏ đưa ra đó là dùng lộc ân bên ngoài để chuyển thông ơn hòa giải. Cụ thể là mỗi hối nhân đến tòa cáo giải, không dám xin vị thừa tác viên chữa lành bệnh này bệnh kia vì e rằng hơi quá khả năng các vị, chỉ xin được thưởng một ngày công khoảng 300 ngàn đồng. Nhiều mục tử sẽ la toáng lên rằng đừng làm cớ cho tin hữu giữ “đạo gạo, đạo bột bắp bột xép” của một thời đã qua. Nhưng thú thực rằng làm điều này quả không dễ.

Thế mà Chúa Giêsu vẫn muốn chúng ta từ Kitô hữu đến hàng mục tử hãy biết sống yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x.Ga 15,12). Dùng nghĩa cử bên ngoài để làm dấu chỉ chuyển trao tình yêu và sự hiệp thông liên đới quả thật đáng thực hiện biết bao. “Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại”. Không nhất thiết phải là chữa lành bệnh tật hay chia sẻ cho tha nhân vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, khi đã có tấm lòng thì luôn có đó những sáng kiến bày tỏ tình yêu hiệp thông, liên đới bằng nhiều việc, dù rất nhỏ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây