TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi

Thứ năm - 13/05/2021 03:36 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   913
Chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi

Chúa Nhật III - MC – C

Chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi

Chúng ta vừa mới trải qua một cái Tết an lành. Bên cạnh niềm vui xuân của nhiều gia đình, vẫn còn có niềm u buồn của nhiều gia đình khác. Họ buồn cái gì? Thưa, nhiều lắm. Có người buồn vì “Ông Trời ơi! Sao ông lại để gia cảnh tôi nghèo khó, không có tiền sắm tết!” Có người buồn vì “ông Trời ơi! Sao mới mùng một tết mà chồng tôi lại đột ngột về bên kia thế giới!” Người khác buồn vì “Ông Trời có mắt không? Sao vợ chồng người em của tôi hiền lành như thế, lại bị một tên say sỉn đụng chết ngay đêm ba mươi!” v.v…

Có thể nói, dưới con mắt người đời, những gì là bất hạnh, là khổ đau, con người luôn lớn tiếng nói “tại Trời xui khiến”. Thì đây, có biết bao bạn trẻ đã nói: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em. Tại Trời xui khiến nên chúng mình yêu nhau”!!!

Đối với người Do Thái xưa, cũng với những sự kiện nêu trên, họ có cái nhìn còn cực đoan hơn. Với những người gặp tai ương như bệnh tật, tai nạn, tàn tật, họ cho rằng, những người đó bị như thế là do chính tội lỗi của họ gây ra.

Ơ hay! những bất hạnh, những đau khổ là tại ông Trời, là tại tội lỗi ư? Thưa, với Đức Giê-su thì không phải vậy, trong những ngày còn tại thế, trước quan niệm đầy cực đoan của người Do Thái, Ngài đã dạy cho họ (và cũng là cho chúng ta hôm nay), một bài học đích đáng, rằng: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội. Và không trả cho ta theo lỗi của ta”.

Bài học đó được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (13, 1-9)

**

Tin Mừng thánh Luca ghi rằng, hôm đó, trong lúc Đức Giê-su đang nói chuyện với đám đông về những kẻ không biết tự xét mình xem cái gì là phải, thì bỗng nhiên “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13, 1).

Những người Galilê kia phạm tội gì, khiến Philato giết, không thấy thánh sử Luca nói đến. Thế nhưng, có phần chắc, mấy “ông tám” nghĩ rằng bọn họ “tội lỗi” lắm nên mới bị thảm sát như thế.

Tại sao ta có thể nghĩ như vậy? Thưa, bởi, đó là quan niệm của người Do Thái xưa. Nhớ, hôm Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh, chính các môn đệ đã chất vấn Thầy mình, rằng; “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” (x.Ga 9, 2)

Ai đã phạm tội ư! Có lẽ, mấy người đó không biết đến những lời vàng ngọc của Thiên Chúa, qua môi miệng David, nói rằng: “lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (x.Tv 51, 7)

Ai cũng mang tội “khi mẹ mới hoài thai” vậy, cớ gì lại hỏi: Anh ta hay cha mẹ anh ta! Vâng, hôm đó, để trả lời cho đám đông dân chúng, cũng như mấy ông Do Thái cực đoan, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố “Không phải thế đâu…”.

Nói xong, Ngài đưa ra thêm một trường hợp đầy thương tâm khác, đó là chuyện “mười tám người bị tháp Si-lô-ác đè chết” và hỏi với họ rằng: Ai! ai là “người mắc tội nặng hơn”? Mười tám người đó hay “tất cả mọi người trong thành Giêrusalem”?

Hôm đó, trước sự thinh lặng của mọi người, một lần nữa, Đức Giêsu thẳng thắn phán quyết “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu” Và Ngài nhấn mạnh rằng: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

***

Tai ương, bất hạnh, khổ đau xảy đến với con người, như lời Đức Giê-su nói: “…là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện”, chứ không phải là vì người đó “tội lỗi”. Nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, đó là một sự huyền nhiệm.

Thật vậy, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện ông Gióp, một câu chuyện cho ta thấy, đau khổ, là một sự huyền nhiệm. Vâng, theo như Kinh Thánh ghi lại: “Ông (Gióp) là một con người vẹn toàn và ngay thẳng”. Ông còn “kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (x.G 1, 1).

Một người như thế, ai dám bảo ông là một kẻ tội lỗi! Ai dám bảo ông là ác nhân!

Ấy thế mà, tai ương, bất hạnh, khổ đau lại ập xuống gia đình ông ta. Chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bò lừa, lạc đà bị cướp hết, chiên dê bị lửa thiêu rụi hết.

Chưa hết, bảy người con trai và ba người con gái, khi “đang ăn tiệc trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà, nhà sập xuống đè trên đám trẻ, họ chết hết”. Thảm thương là vậy, thế nhưng, ông ta vẫn không hề “buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa”.

Còn nữa, ngay chính bản thân ông, dù bị “ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu”, ông vẫn không một lời than van. Trước lời nhạo báng, chế diễu, xúi giục của bà vợ, rằng “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi”. Ông lớn tiếng đáp rằng: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao!” (x.G 2, 10)

Tuy nói “nói cứng” như vậy, thế nhưng, môi miệng ông Gióp cũng không thể không thốt ra những lời thở than. Vâng, trước những đau khổ “quá lớn” như thế, ông than rằng: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi chào đời, cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi… Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ”.

Tuy nhiên, cái hay của ông Gióp, đó là, than thở nhưng không tuyệt vọng. Ông tìm đến Chúa với lời nỉ non: “Tôi sẽ thưa với Chúa: Xin đừng kết án con, xin cho con biết tại sao…?” Và rồi, Thiên Chúa, qua môi miệng ông Ê-li-hu, nói với ông rằng: “Kiên nhẫn thêm chút nữa… Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ” (x.G 36, 1… 15).

Thưa bạn, nếu là bạn, bạn có “kiên nhẫn thêm chút nữa”, sống trong sự đau khổ của nghèo đói và bệnh tật, như Gióp không?

Vâng, Gióp đã kiên nhẫn, và rồi, trước mặt Thiên Chúa, ông thú tội mình: “Con biết rằng, việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà không thành tựu”. Rồi ông thú nhận rằng: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến”. Cuối cùng, ông làm điều, điều mà mọi Ki-tô hữu đều làm vào ngày thứ tư Lễ Tro, đó là: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 6).

****

Qua câu chuyện, quả thật, ông Gióp đã kiên nhẫn thêm chút nữa. Thế nhưng, với Thiên Chúa, Người không chỉ kiên nhẫn mà còn có lòng thương xót. Thật vậy, qua câu chuyện của một dụ ngôn, hôm đó, Đức Giê-su đã cho mọi người biết Thiên Chúa nhẫn nại và giàu lòng thương xót, như thế nào.

Dụ ngôn được kể như sau “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy…”. (x.Lc 13, 6)

Vâng, chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để nhận ra sự kiên nhẫn của “ông chủ vườn nho”, tức là Thiên Chúa.

Này nhé, theo luật Lêvi, người Do Thái được dạy, khi “trồng bất cứ một cây ăn trái nào, thì các ngươi sẽ kể trái nó là chưa cắt bì; trong ba năm các ngươi phải coi trái nó là chưa cắt bì, không được ăn. Năm thứ tư, mọi trái nó sẽ được thánh hiến trong một buổi lễ mừng ĐỨC CHÚA. Năm thứ năm, các người được ăn trái nó” (x.Lv 19, 23)

Như vậy, theo lời ông chủ nói “đã ba năm nay tôi ra cây vả này”, thì giá chót, cây vả này cũng đã được trồng sáu năm, sáu năm kiên nhẫn đợi chờ.

Theo bạn, bạn có kiên nhẫn đợi chờ sáu năm? Với ông chủ vườn nho, sáu năm là một giới hạn vừa đủ, thế nên, ông đã ra lệnh “chặt nó đi, để làm gì cho hại đất”. (x.Lc 13, 7)

Tuy nhiên, nếu câu chuyện đến đây được chấm hết, thì sự kiên nhẫn của “ông chủ vườn nho”, tức là Thiên Chúa, có gì để đáng nhớ đến!

Hôm đó, người làm vườn nho, ông ta đã hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng, nên đã không ngần ngại xin ông chủ “Cứ để nó lại năm nay nữa… May ra sang năm nó có trái…” (x.Lc 13, 8).

Câu chuyện kết thúc, không thấy tác giả nói đến phản ứng của ông chủ vườn nho. Vâng, điều này gợi cho ta nhớ đến lời Thánh Phao-lô, sau này, có nói: “Trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm” (Rm 3, …25).

*****

“Nếu không sám hối… Nếu không sinh trái”, phải chăng, đó cũng là lời cảnh cáo Đức Giê-su gửi đến mỗi chúng ta hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Dưới gầm trời này, có ai là người không có tội!

Thánh Kinh chép “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (x.Rm 3, 23)

Chúng ta phạm tội không chỉ vì chúng ta làm những điều không nên làm, mà còn là vì không làm những điều chúng ta nên làm. Tông đồ Gia-cô-bê có nói: “Cho nên, kẻ nào biết làm điều lành mà không chịu làm, thì mắc tội” (x.Gc 4, 17).

Thế nên, hãy để một phút thinh lặng, trong tâm tình sám hối, và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sau bao nhiêu năm, từ một “cây vả trần gian”, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên “cây-vả-Kitô-hữu”, mỗi Chúa Nhật chúng ta có đến vườn-nho-nhà-thờ để các linh-mục-làm-vườn “vun xới và bón phân” bằng Thánh Thể và Thánh Kinh?

Và sau bao nhiêu năm được vun xới và bón phân bằng Thánh Thể và Thánh Kinh, tôi có sinh ra hoa quả “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Hay chúng ta lại đến “địa đàng trần gian” để được nuôi dưỡng bằng những thứ lương thực hay hư mất, những thứ lương thực chỉ sinh ra hoa trái “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng đừng quên, thời giờ “ông chủ vườn nho” gia hạn để “vun xới và bón phân” chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây