TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiếc Áo Phàm Nhân

Thứ hai - 10/05/2021 09:43 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   808
Chiếc Áo Phàm Nhân

Chiếc Áo Phàm Nhân

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

“Mặc áo hoàng tử, đeo ngọc quý quanh cổ,

con sẽ mất hết hứng thú lúc chơi đùa;

áo làm vướng vít từng bước chân đi.

Những sợ áo rách, rồi đất bụi dính vào,

con tách mình khỏi nhân sinh cuộc thế,

và chẳng hề dám nhúc nhích, cựa mình.

Mẹ, nếu tách con khỏi bụi trần gian trong lành,

ngăn không cho con vào hội chợ tưng bừng của nhân sinh bình dị,

áo quần mẹ cho sẽ buộc ràng vô ích, mẹ ơi”[1].

Mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh gợi lên một suy tư khi đọc bài thơ số 8, trong tập Lời Dâng của R. Tagore, về Tình Yêu Giáng Thế.

Tình yêu, người tình của cuộc đời, như Tagore đã tự gọi mình trong tập thơ “Người làm vườn”. Trong đó Tagore nhận mình là người tôi bộc của tình yêu, một tôi bộc không phải là người mặc đẹp, dạo cảnh xem hoa, một tôi bộc của phàm nhân bước đi trong những lao nhọc của ngày tháng để hiểu được con người. Một tôi bộc không chỉ biết yêu thiên nhiên, chăm sóc vườn cây mà còn là một thi nhân. Một thi nhân không chỉ ngồi trầm ngâm bên lề cuộc đời mà là người say đắm cuộc đời; không sợ lấm lem bụi trần, mà giữ hoài chiếc áo hoàng tử.

Tình yêu như tên gọi đúng nghĩa: Tình Yêu không chỉ là ban ơn mà còn là ngiêng trời cúi xuống. Tình Yêu không chỉ là thương cảm mà còn là gánh chung số phận. Không chỉ là một giai đoạn mà còn là một cuộc đời thuỷ chung.

Một tình yêu đúng nghĩa được gọi tên “cởi áo hoàng tử” mặc lấy chiếc “áo phàm nhân”. Một tình yêu giáng thế vào bụi trần nhưng lại là một bụi trần trong lành giữa những vẩn đục. Sinh ra giữa tội nhân là người vô tội chết thay cho tội nhân.

Tình Yêu không còn là hình tượng mà đã là một Tình Yêu nhập thế. Không chỉ là tên gọi mà là một con người hiện diện bằng xương bằng thịt. Nếu “Tình Yêu” đã cởi bỏ áo hoàng tử để mặc chiếc áo phàm nhân, thì đã chẳng phải đó là một lần sinh mới. Lần sinh mới từ trái đất mọc lên trời cao.

Đó là thời kỳ giao duyên Đất Trời như diễn tả:

“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,

hoà bình công lý đã giao duyên.

Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,

công lý nhìn xuống tự trời cao”[2]

Thiên Chúa đã mang lấy thân phận của con người, nhưng con người có quyền từ chối Ngài. “Trong đó, Thượng Đế của chúng ta phải xin gia nhập; Ở đây Ngài là khách mà không còn là chủ và muốn được mời vào Ngài phải đợi” và “Ngài kiên nhẫn chờ đợi, không bao giờ Ngài đạp tung cánh cửa mà họ khép trước Ngài”[3].

Tự do là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, với sự tự do ấy, con người có thể tự trói buộc mình vào tội lỗi mà làm mất đi tự do đích thực. Tagore gọi “bụi trần gian trong lành”, theo đó, được hiểu như là một cuộc vận hành của con người vươn khỏi những mê lầm tiến tới sự trong lành, nơi đó con người hoà quyện với thiên nhiên, thọ tạo, hoà quyện trong hạnh phúc và đau khổ, giữa những thăng trầm, giữa những hữu hạn và vô hạn.

Chỉ trong sự thiện, con người mới thực sự tự do, và trong tự do tràn đầy tình yêu. Khi chưa tiến tới được sự thiện, con người vẫn phải chịu sự đau khổ của mình, vẫn cảm thấy sự vướng víu của chiếc áo hoàng tử trong lúc vui đùa, vẫn sợ dính bụi trần mà không hề dám nhúc nhích. Trong mê lầm, tự do trở thành sợi dây trói buộc mất hết hứng thú khi vui đùa, tự do trở nên gánh nặng và sợi dây ràng buộc.

Tự do để đi tới sự thiện là một tự do vượt ra khỏi giới hạn bến mê mà bước vào vùng ánh sáng sự thật. Sự thực ở đâu? Trong trí tưởng tượng hay ở trong bao la hoặc ở nơi vô biên? Con người khó có thể tự mình tìm ra sự thật toàn vẹn bởi vì sự thật toàn vẹn không ở trong hữu hạn.

Trong “bụi trần gian trong lành” là phản ảnh sự thiện, sự thật, con người luôn cần vươn mình tới. Vươn mình tới mà không tách khỏi nhân sinh: “nếu, mẹ tách con khỏi bụi trần gian trong lành”, là một nỗ lực đưa tất cả môi trường chung quanh về với sự thật. Con đường nỗ lực này xem ra thật khó, các phản ảnh, các dấu chỉ cũng chỉ là những chỉ dẫn đi tới chứ không là điểm báo dừng đã đạt tới sự thật.

Sự thật là gì? giống như hoạ lại câu hỏi của Philatô trong phiên toà xét xử Đức Giêsu, không thấy nơi Người này có tội gì, nhưng cũng không biết rõ sự thật là gì? Nên đành rửa tay để theo con số đông. Có lẽ sự thực thuộc về số đông? Và số đông lại kết án sự thực và la lớn tiếng: “Đóng đinh nó vào Thập Giá”.

Sự thực đã quá thực nên người ta không tin chăng? Khi Đức Giêsu giới thiệu “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”[4], Sự Thật, Chân Lý, Tình Yêu trong con người cụ thể, hiện diện trước mắt, có thể đụng chạm được. Đức Kitô là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”[5] Và “Cha là Đấng Hoàn Hảo”[6]. Tuy thế, mạc khải trọn vẹn nơi Đức Kitô, nhưng vẫn là một mầu nhiệm khôn dò thấu, chúng ta được biết Người bằng trí tuệ được soi sáng, nhận ra sự khôn dò thấu về mầu nhiệm Người. Tác động này giúp chúng ta nhận biết và không ngừng vươn tới sự thật mà không e sợ lạc lối. Chúng ta vẫn bước đi trong cuộc đời này với những buồn vui, những hạnh phúc và đau khổ, giữa bóng tối và ánh sáng, nhưng như một “người đã thấy” chân lý phía trước, băng băng đi tới mà không còn lo sợ.

“Mẹ, nếu tách con khỏi bụi trần gian trong lành,

ngăn không cho con vào hội chợ tưng bừng của nhân sinh bình dị,

áo quần mẹ cho sẽ buộc ràng vô ích, mẹ ơi”

Lời cầu nguyện toát lên một ý nghĩa trọn vẹn trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu:

“Lạy Cha, khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”[7].

Được thánh hiến trong sự thật và bước đi giữa “bụi trần gian trong lành” để nhận ra Thiên Chúa bằng trái tim, lý trí giới hạn của nhân loại:

“Kể sao cho xiết những gì muốn nói;

tắt một lời: "Người là tất cả! "

Làm sao đủ sức để tôn vinh Người?

Vì chính Người là Đấng Cao Cả,

vượt trên mọi công trình Người thực hiện.

Đức Chúa khả uý và rất mực cao cả,

kỳ diệu thay quyền năng của Người!”[8]

Cởi chiếc áo hoàng tử, mặc lấy chiếc áo phàm nhân, Thiên Chúa đang chỉ cho con người một phương thể để sống yêu thương, mang lấy cuộc đời của nhau, cùng gánh vác buồn vui, cùng sống chan hòa trong tình yêu đón nhận và tha thứ. Trở về với Thiên Chúa và để sống với nhau trong thương yêu.

Xin Chúa Giáng Sinh đến và cư ngụ trong tâm hồn của chúng con.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

[1] Lời Dâng, bài 8, đỗ Khánh Hoan dịch, R. Tagore.

[2] Tv 85, 61 – 62.

[3] Sadhana, R.Tagore.

[4] Ga 14, 6

[5] Ga 14, 9

[6] Mt 5, 48

[7] Ga 14, 12 - 17

[8] Hc 43, 27 - 29

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây