Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 14/04/2021 11:41 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
739
Một giọt máu cho đi. Một cuộc đời ở lại.
Cho Máu
Lang thang trên “phây”, mình gặp một tin: một thai phụ, song thai. Sốt xuất huyết. Giảm tiểu cầu. Nhóm máu O. Cần sự giúp đỡ.
Sốt xuất huyết đang hoành hành trên khắp vùng Tây nguyên. Tại Daklak, tính tới cuối tháng 7, gần 7000 ca.
Nghĩ rằng, mình thuộc máu O. Đã từng cho máu. Mình liên lạc với số điện thoại cần giúp đỡ. Hôm sau, thân nhân gọi lại. Thai phụ phải mổ nên cần người cho máu O. Tại Bệnh viện Vùng Tây Nguyên, mình gặp khoảng 10 người. Tất cả đều cho máu. Sau khi làm xét nghiệm, chỉ có ba người đạt tiêu chuẩn: máu an toàn, tiểu cầu đạt chuẩn, trên 200.000 tiểu cầu/μl máu, trẻ tuổi, ven to và bền vững. Khi trích tiểu cầu, người cho phải nằm bất động trong gần 2 giờ đồng hồ. Cần phải ven to và vững, vì khi trích tiểu cầu trực tiếp, máu sẽ được bơm trở lại. Mình 60 tuổi, không đủ tiêu chuẩn cho máu nữa. Thôi, Thiên ý nhận tấm lòng là được. Cầu chúc thai phụ được bình an và 2 đứa trẻ được nhìn thấy mặt trời cùng những tạo vật tuyệt tác của Thiên Chúa.
Tiểu cầu là gì? Tiếng Anh: Platelets hay Thrombocytes, là một loại tế bào có mặt trong máu người. Tiểu cầu là một tế bào không có nhân, thực chất chúng là một mảnh tế bào của mẫu tiểu cầu (megakaryocyte), một loại tế bào bạch cầu sinh ra ở tủy xương.
Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong tất cả các tế bào máu, khi xem trên kính hiển vi, tiểu cầu là những đốm màu tím sẫm có đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu. Tiểu cầu có hình tròn hoặc hình bầu dục với hai mặt lồi (giống như thấu kính) với đường kính xấp xỉ khoảng 2μm (dao động từ 1.2 - 2.3 μm) đường kính lớn nhất có thể lên đến 3μm.
Bình thường số lượng tiểu cầu trong máu thường vào khoảng 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/μl máu (1 μl = 1 mm3), trung bình là 200.000 tiểu cầu/μl máu. Mỗi 1 lít máu sẽ có khoảng 150 - 400 tỷ tế bào tiểu cầu.
Trong những ngày đầu tháng bảy, thằng nhớn cũng nằm bệnh viện vì sốt xuất huyết. Tiểu cầu cũng bị hạ, nhưng chưa đạt cực điểm nguy hiểm. Ngày cuối là 130.000 tiểu cầu/μl máu. Nếu xuống dưới 100.000 tiểu cầu/μl máu phải truyền máu ngay.
Khi nói về máu làm mình nhớ lại một câu chuyện trong Tin Mừng. Người phụ nữ bị bệnh băng huyết. Máu là sự sống. Mất máu là đang mất dần sự sống, đang đi về cõi chết. Người phụ nữ tìm mọi cách để chữa lành, để có được sự sống, để rồi được chiêm ngưỡng những tuyệt tác mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Nhưng lực bất tòng tâm. Bệnh tật vẫn không hết dẫu cửa nhà đã bán hết. Gặp Thầy Giêsu. Nghe biết bao điều tốt đẹp về Thầy. Tin tưởng mãnh liệt vào Thầy. Chính Thầy sẽ ban sự sống cho chính mình. Bà đã đến. Đã chạm vào gấu áo Thầy. Giữa muôn vạn đụng chạm. Một cái chạm đã mang đến sự sống trong thân xác đang dần chết. Một cái chạm linh thánh.
Máu cũng làm mình liên tưởng tới những giây phút cuối đời của Thầy Giêsu. Trong bữa Tiệc Ly, Thầy cầm chén rượu và nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28). Máu cũng làm mình nhớ lại cái chết của Thầy Giêsu trên thập giá để cứu muôn người.
Thầy Giêsu, đã ban chính Thịt Máu Mình làm của ăn nuôi sống con người. Đã ở lại với con người một cách nhiệm mầu trong Bí tích Thánh Thể. Đã ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế.
Hằng ngày, chí ít là hằng tuần, tôi đã rước Chúa. Đã chạm đến Chúa. Thánh Thể Chúa có biến đổi con người tôi? Hay vì quá quen thuộc, vì thường xuyên lãnh nhận Mình Thánh Chúa nên cảm thức linh thánh không còn trong tôi nữa? Thánh Thể Chúa vẫn cô đơn trong Nhà Chầu? Vườn Dầu vẫn một mình Ngài cầu nguyện. Phòng Tĩnh Nguyện vẫn vắng bóng người ghé thăm!
Trong khi chờ đợi làm xét nghiệm, tôi đọc được câu ghi trên tường: Một Giọt Máu Cho Đi / Một Cuộc Đời Ở Lại.
Giọt máu Thầy Giêsu đã cho đi. Cuộc đời tôi ở lại để làm gì?