TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

NAM DU

Thứ tư - 14/04/2021 11:33 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1157
Giọt nước mắt của một người tội lỗi chạm đến cái linh thánh của Con Thiên Chúa.
NT Khuc Treo
NT Khuc Treo

NAM DU

Nhớ lại, cách đây khoảng 8 năm, tôi được hân hạnh đi cùng quý Cha, quý Soeur và anh chị em BVH-TT Giáo phận Ban Mê Thuột trong chuyến Bắc Tiến thật là thú vị. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã ghé qua khá nhiều giáo phận phía Bắc: Từ giáo phận Đà Nẵng, xuyên qua giáo phận Huế đến Vinh, Thanh Hóa, Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, ngang qua Hà Nội đến tận giáo phận Hưng Hóa. Và điểm tới là Sapa. Nhà Thờ Đá Sapa, một điểm du lịch nổi tiếng và cũng là chứng nhân đức tin ngót 100 năm hiện diện. Tại Sapa, tôi đã lách qua cửa hẹp vào Cổng Trời... nhưng rồi lại trở về cõi trần tục lụy. Chuyến Bắc Tiến năm đó đã để lại trong tôi bao kỷ niệm đẹp. Và tôi ước mong sẽ có một ngày Nam Du.


Mong ước đó đã thành hiện thực.

Hành trình Nam Du lần này, điểm nhấn là: Kính viếng Cha thánh Trương Bửu Diệp (Giáo phận Cần Thơ), kính viếng Đức Mẹ La Mã Bến Tre (Giáo phận Vĩnh Long) và Trung tâm Hành hương Ba Giồng (Giáo phận Mỹ Tho).

Tháng Bảy, trời Ban mê nóng bức. Nam Du để hưởng một bầu khí mát mẻ của vùng trời sông nước.

Cần Thơ

Khởi đi từ thành phố cao nguyên Ban-mê, trực chỉ thành phố Cần Thơ, hơn 500 km. Nam Du, tưởng rằng khí hậu dễ chịu hơn, nhưng thực sự lại là oi bức. Thế mới biết, không đâu cho bằng quê nhà.

Đến thành phố Cần Thơ vào một buổi chiều. Một thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, thành phố hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là thành phố lớn thứ 4 cả nước theo quy mô dân số và lớn thứ 5 cả nước theo vai trò và vị thế cũng như quy mô kinh tế. Cần Thơ là Đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và giáo dục của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đoàn đi thăm một người thân. Được đãi ăn những hoa quả đặc sản của người miền Tây và nhất là món bánh xèo 7 Tới. Quán không có gì là sang trọng song rất đông người. Bánh xèo to, trông rất ngon và vàng ươm, ăn với rất nhiều loại rau: rau thơm, xà lách và nhiều loại rau đặc sản như bông điên điển, lá đinh lăng hay lá non cây bằng lăng... Trong quán có rất nhiều địa danh được gắn trên tường: Campuchia, Huế, Kiên Giang, An Giang... Phải chăng đó là những địa danh mà khách du lịch đã đến? Vậy thì, nay sẽ gắn thêm 1 địa danh nữa: Đaklak. Cám ơn ân nhân đã cho đoàn một bữa ăn ngon miệng.

Trời tối dần, mọi người được ngắm thành phố trong đêm: đầy màu sắc, nhất là bến Ninh Kiều, nơi du khách đến thăm và selfie. Bến Ninh Kiều chỉ đẹp khi đêm về với muôn ánh đèn lấp lánh. Trên du thuyền, dọc theo dòng sông Hậu Giang, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của thành phố.

Đêm tới, đoàn được nghỉ ngơi tại TTMV giáo phận Cần Thơ, một trung tâm mới khởi công xây dựng ngày 22.7.2013.

Giáo phận Cần thơ được thiết lập vào năm 1955, với khoảng 50.000 giáo dân, khoảng 50 linh mục và 100 họ đạo lớn nhỏ (1). Song vào năm 2017, giáo phận có diện tích rộng 14.026.90 km2 tương ứng các tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và thành phố Cần Thơ (trừ quận Thốt Nốt và hai huyện Cờ ĐỏVĩnh Thạnh), có 191.462 giáo dân (chiếm 3,4% dân số). Số linh mục của giáo phận là 240 vị. Giáo phận gồm 7 giáo hạt, có 139 giáo xứ, 5 giáo họ và 19 giáo điểm trên tổng số dân trên địa bàn là 5.580.701 người.

Đương kim Giám mục là Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, cai quản giáo phận từ năm 2010 (2).

Ngày thứ hai trong hành trình Nam Du.

Chợ nổi Cái Răng

Về Miền Tây phải ăn bún mắm. Một đặc sản miền sông nước. Có lẽ khẩu vị của tôi không phù hợp nên không cảm thấy mặn mà.

Một điểm ai cũng muốn thăm khi tới Cần Thơ là Chợ nổi Cái Răng. Chợ ở đâu cũng có, nhưng chợ nổi chỉ có ở miền sông nước mà thôi. Chợ họp trên sông. Người mua người bán đều ở trên thuyền. Ai có gì đem bán. Ai cần gì thì mua. Từ rau củ quả đến đồ ăn uống được làm sẵn... kể cả nước ngọt và vé số.

Công tử Bạc Liêu

Thời gian còn nhiều, đoàn đi ngang qua tỉnh Bạc Liêu, ghé thăm nơi ở của công tử Bạc Liêu. Một huyền thoại đất Phương Nam với những thú chơi ngông như thi luộc trứng bằng tiền, hay khi thấy người dân tranh nhau lên xe ‘ca’, một công tử nhà họ Trần thuê luôn 5 chiếc, một chiếc chở người, một chiếc chở mũ, một chiếc chở kính, một chiếc chở gậy và một chiếc chở giày...

Công tử Bạc Liêu là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Các công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường ăn chơi để thể hiện mình. Trong số đó, công tử Trần Trinh Huy (1900-1974) đứng hàng số một, không một ai trong nhóm Công tử Bạc Liêu có thể tranh chấp, đến nỗi danh xưng Công tử Bạc Liêu gần như gán cho riêng ông.

Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi, tiêu tiền như nước.

Dẫu ruộng đồng có thẳng cánh cò bay hay nhìn xa tít tắp, nếu không biết gìn giữ và phát triển, thì nó cũng ra đi. Điều này làm tôi nhớ đến lời thầy Giêsu: Các con hãy tích trữ kho tàng của mình ở trên trời... Kho tàng của con ở đâu thì lòng con cũng ở đấy.

Có vay có trả. Luật nhân quả vẫn tồn tại trong cõi trần này.

Cà Mau

Nam Du, mọi người ước muốn đến thăm điểm cuối cùng của đất nước: Mũi Cà Mau.

Thành phố Cà Mau, một thành phố trẻ được thành lập ngày 14 tháng 04 năm 1999. Đoàn đi một vòng thành phố, với nhiều cao ốc và quảng trường rộng rãi đang được xây dựng. Không điểm dừng chân. Mũi Cà Mau cách xa hơn 60 km. Không đủ thời gian để đi – về. Đoàn quay lại hành trình ban đầu. Hẹn một ngày khác.

Nhà thờ Giáo họ Khúc Tréo

Trên đường về Tắc Sậy, chúng tôi ghé thăm Nhà thờ Giáo họ Khúc Tréo - Giáo xứ Bến Bàu, Giáo hạt Bạc Liêu, giáo phận Cần Thơ. Giáo họ Khúc Tréo được thành lập năm 1920 với 570 người tín hữu. Giáo họ Khúc Tréo là nơi an nghỉ đầu tiên của Cha thánh Trương Bửu Diệp sau khi giáo dân tìm thấy xác ngài. Một giáo họ bình yên. Khách hành hương ít. Yên bình bên dòng kênh lặng lẽ làm cho tâm hồn mọi người đến với ngài cũng cảm thấy được bình an.

Để đến Giáo họ Khúc Tréo, mọi người phải đi thuyền. Chiều ngang dòng kênh khoảng 20 m, không có cầu, buộc lòng mọi phải di chuyển bằng thuyền. Chi phí cho một lần đi lại là 1000 đồng Việt Nam. Sao lại không bắc cầu? Chiều ngang dòng kênh chỉ bằng 2 lần chiều dài con thuyền? Hay ở miền sông nước phải lênh đênh trên kênh rạch mới thú?

Trung tâm Truyền giáo Phanxicô Tắc Sậy

Từ Nhà thờ Giáo họ Khúc Tréo đến Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy, nơi đặt mộ Cha thánh Trương Bửu Diệp cách 26 km.

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Năm 1904, lúc ngài 7 tuổi thì mẹ mất. Cha ngài dời gia đình lên Battambang bên Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc.

Năm 1909, ngài vào Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới tỉnh An Giang. Học xong Tiểu Chủng viện, Ngài lên  Đại Chủng viện Nam Vang, Campuchia, (lúc đó các họ đạo An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, Ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang dưới thời Đức Cha Chabalier người Pháp.

Từ năm 1924-1927, Ngài được bề trên bổ nhiệm làm Cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Từ năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng tỉnh An Giang.

Tháng 03 năm 1930, ngài về trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Trong những năm làm cha sở, thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, Cha Bề trên địa phận khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng Ngài trả lời: “Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”.

Ngày 12-03-1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Gừa. Người ta định giết tất cả nhưng ngài nói chính ngài là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên của ngài. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài thì bị đem đi giết.

Các vị chức sắc đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Như vậy, ngài đã tử vì đạo vào ngày 12 tháng 03 năm 1946, nhằm ngày mồng 09 tháng 02 năm Bính Tuất.

Hăm ba năm sau, tức năm 1969, hài cốt ngài được cải táng, di dời về Nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài đã làm chủ chăn trong 16 năm và là cha Sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Năm 1989, ngôi mộ của ngài được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau Nhà thờ Tắc Sậy và được khánh thành vào ngày 04-06-1989. Những ngày đầu tiên, số người tham dự cầu nguyện rất ít ỏi, nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đồn thổi về sự hiển linh của ngài nên rất đông đảo, người lương cũng như giáo, trong nước và cả ngoài nước, đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài. Số khách hành hương ngày một tăng. Vì thế, kể từ 21-01-1997, Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy. Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.


 

Đầu năm 2010, một ngôi nhà mộ cực kỳ khang trang và hiện đại đã xây dựng xong, hài cốt ngài được di chuyển vào đó với lễ cải táng rất long trọng do Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên (nay là Giám mục địa phận Cần Thơ) chứng kiến. Hằng ngày đều có các tín hữu ở khắp mọi nơi trong nước cũng như ngoài nước, bên lương cũng như bên giáo, tới thăm viếng, khấn nguyện và tin tưởng vào sự linh ứng của Ngài (3). 

Đoàn đến Trung tâm Truyền giáo Phanxicô Tắc Sậy vào buổi chiều.

Sau khi tham dự thánh lễ cùng cộng đoàn và dùng cơm tối, tôi lang thang trong khuôn viên để tham quan các tượng ảnh cũng như cầu nguyện trước mộ cha thánh. Tại trung tâm rất nhiều tượng thánh, nhiều nhất là tượng cha thánh Trương Bửu Diệp. Tượng cha thánh quỳ cầm cuốn sách. Tượng ngài quỳ đưa hai tay chuyển cầu lên Đấng Cứu Độ. Tôi thấy nhiều người đến với bức tượng ngài cầm cuốn sách đang mở ra. Họ làm gì? Thưa, họ viết những tâm tư, lo lắng, những cầu xin... mà họ đang mong chờ cha thánh chuyển cầu giúp. Không chỉ người lương mà ngay cả những người giáo cũng làm như vậy! Những người chưa biết Chúa, họ cần những cụ thể bên ngoài như sờ, đụng chạm... để biểu lộ niềm tin của mình.

Trời càng khuya càng nhiều người đến. Có lẽ trời về đêm mát mẻ.

Tôi tìm một góc khuất trong nhà mộ cha thánh để cầu nguyện, cách ngôi mộ khoảng 2 mét. Rất đông người đến cầu nguyện. Họ quì, ngồi sát ngay bên mộ. Tay đặt trên ngôi mộ và vuốt khắp cả thân mình. Bỗng một gia đình trẻ, người cha và 2 con nhỏ, quì ngay bên cạnh. Họ âm thầm cầu nguyện. Một lúc sau, cả ba người quỳ lạy sát đất cha thánh một cách khiêm nhường và thành kính. Nhìn trang phục, tôi đoán họ không phải là tín hữu Kitô, cũng không phải là khách hành hương. Có thể, họ là người địa phương. Tôi tò mò, nhẩm đếm gia đình trẻ quỳ lạy thành kính bao nhiêu lần? Thưa hơn 30 lần.

Nhớ lại, trong cuộc hành hương Thánh Địa năm 2016, tôi đã đến Mộ Thánh, đã hôn Ngôi Mộ Thánh, đã đặt bàn tay mình vào bàn tay của Chúa còn ghi dấu trên tường trong hành trình thương khó khi Ngài ngã xuống đất, đã hôn lên tảng đá Thầy Giêsu quỳ cầu nguyện trong những giây phút cuối đời, đã hôn lên hình tượng Chúa còn lưu lại trong ngục thất khi Ngài bị giam cầm, đã sờ lên tảng đá Thầy Giêsu ngồi dạy kinh Lạy Cha, đã đặt tay mình trên tảng đá tại Cêsarê Philípphê, nơi thánh Phêrô tuyên xưng ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’... tôi đã khóc. Giọt nước mắt của một người tội lỗi chạm đến cái linh thánh của Con Thiên Chúa.

Tôi cầu nguyện và ra về như bao nhiêu người tín hữu Kitô khác. Thờ lạy và tin tưởng. Phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Còn sự thành kính và khiêm nhường? Có lẽ người Kitô đã đánh mất khi đã ở trong “Đạo” quá lâu nên không còn cảm thức linh thánh nữa? Tôi cũng nghe nói rất nhiều người lương được ơn chuyển cầu của Cha thánh. Phải chăng do sự thành kính và khiêm nhường mà họ tin tưởng phó thác nơi ngài?

Đêm trôi dần với bao câu hỏi và mộng mị của cuộc đời.

Nơi mộ Cha thánh, đêm cũng như ngày, người đến rồi đi. Ngài luôn hiện diện đó, giữa đoàn chiên, để che chở, để chuyển cầu. Như hai câu đối trong mộ cha thánh: “Sống Hiến Dâng Phó Thác – Chết Nêu Gương Sáng Ngời”.

Những ngày tháng 7.2019

 Nguyễn Thái Hùng

 

 

  1. https://gpcantho.com/ky-yeu-60-nam-gpct-thay-loi-ket-tr-394-400/
  2. http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gp-can-tho-31487
  3. https://www.tbdf.org/sp/CDpath1/p27/Tieu-Su-Cha-Diep/pages.html?CDpath=15.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây