TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Ba Ngôi

Thứ tư - 12/05/2021 23:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   740
Chúa Ba Ngôi

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Mùa Phục Sinh đã khép lại. Theo lịch phụng vụ, hôm nay, chúng ta tiếp tục bước vào mùa thường niên. Và theo truyền thống, để tiếp bước vào mùa thường niên, Giáo Hội long trọng mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi.

Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Vâng, có thể nói rằng, với một người tín hữu bình thường, rất giản dị, đó là: một Chúa Ba Ngôi, ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Thánh Thần. 

Thế nhưng, với các nhà thần học, để “hộ giáo” cho tín điều này, họ đã phải mất nhiều thời gian để suy tư, để biện luận, để chứng minh thế nào là “một Chúa Ba Ngôi”. Có người đã suy tư rằng: Một Chúa Ba Ngôi có thể ví như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O. Người khác đã so sánh về một quả trứng. Quả trứng có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng. Và có người đã dùng tới hiện tượng mặt trời, nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.

Vâng, có thể nói, tất cả những so sánh đó không phải là không làm ra một chút sáng tỏ, tuy nhiên, đó cũng chỉ là những diễn tả môt cách khập khiễng về tín điều một Chúa Ba Ngôi. Trong thế giới hạn hẹp con người đang sống, thật khó để mà diễn tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi, đúng hơn là không thể diễn tả đầy đủ.

Thế còn Kinh Thánh nói gì về tín điều “một Chúa Ba Ngôi”? Thưa, tuy Kinh Thánh không trực tiếp nói về Mầu Nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng, Kinh Thánh vẫn phảng phất đây đó những trình thuật, những thông điệp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Trong phần Cựu Ước, ngay đoạn mở đầu sách Sáng Thế, có một đoạn đã mô tả rằng: Thiên Chúa phán “phải có… phải có” và “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”, điều này nói lên một chân lý rằng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hai ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện nơi công trình sáng tạo.

Còn trong công cuộc sáng tạo, có đoạn mô tả Thiên Chúa đã tự xưng là “chúng ta”. “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Với cách xưng hô như thế, chúng ta có thể nghĩ rằng, đó chính là một hé lộ về chân lý Ba Ngôi Thiên Chúa.

Còn phần Tân Ước ư! Vâng, lại càng rõ ràng hơn. Phúc Âm Matthêu (3, 16-17) qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan đã cho ta thấy hình ảnh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thật rõ nét.

Thật vậy, Phúc Âm thuật lại rằng: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu, cùng với tiếng từ trời phán… phải chăng đó chính là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần? Thưa, đúng vậy.

Chúng ta không thể không nhắc đến những lời Đức Giê-su đã nói trong bữa tiệc Vượt Qua, một bữa tiệc của sự biệt ly, chính ở bữa tiệc này, Đức Giê-su đã nói đến “ngôi thứ ba”. Hôm đó, Ngài đã nói rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Thế còn Chúa Con? Thưa, đó là Đức Giêsu, đã có lần Ngài từng khẳng định mình là một “ngôi vị” khi tuyên bố rằng, “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.

Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một mầu nhiệm, mầu nhiệm đức tin. Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã nói đến mầu nhiệm này như là một lời tuyên tín cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

Hồi ấy, Ngài đã truyền dạy các môn đệ, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).

**
Một Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Vâng, có thể nói đây là “Mầu Nhiệm Tình Yêu Và Hiệp Nhất”. Tại sao lại gọi như thế? Thưa, bởi do những gì Kinh Thánh đã ghi lại đã nói lên điều đó.

Thật vậy, với Chúa Cha, Kinh Thánh cho biết, rằng: Người đã “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. 

Với Chúa Con ư! Thưa, Ngài “đến thế gian, không phải để lên án thế gian… ”, nhưng đến thế gian là để cứu độ, cứu độ thế gian bằng chính cái chết của Ngài, như lời Ngài đã nói “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Còn với Chúa Thánh Thần? Vâng, nói đến Người, đó là nói đến tuyệt tác của sự-hiệp-nhất. Thật vậy, trong ngày lễ ngũ tuần, khi Ngài xuất hiện, người ta đã thấy rõ nét về một sự hiệp nhất vô tiền khoáng hậu, đó là: hiệp nhất mọi người ở khắp mọi nơi, từ “Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam,Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Pon-tô, và A-xi-a v.v…”, tất cả họ đều có thể nghe “tiếng mẹ đẻ” của mình, dù người nói với họ chỉ là một chàng Phê-rô chài lưới quê mùa, với giọng Do Thái nặng nề của miền Galile, và hơn thế nữa, chính nhờ Chúa Thánh Thần, mọi người mới có thể trở nên “con cái Thiên Chúa”, nhờ đó mọi người có thể gọi Người là “Áp-ba! Cha ơi”.

Chúa Cha yêu thế gian. Chúa Con cứu chuộc thế gian, Chúa Thánh Thần hiệp nhất thế gian… Vâng, có gì không phải, khi chúng ta gọi Ba Ngôi THiên Chúa là “Mầu Nhiệm Tình Yêu và Hiệp Nhất”!

***
Hôm nay, một lần nữa, chúng ta long trọng mừng kính trọng thể lễ “Chúa Ba Ngôi”. Có nhất thiết phải dùng một hình ảnh cụ thể nào đó để diễn tả mầu nhiệm “một Chúa Ba Ngôi”?

Thưa, không cần. Tại sao? Thưa, là bởi, Thiên Chúa là Đấng “vô hạn” chúng ta không thể dùng những hình ảnh “hữu hạn” để mà diễn tả về Người.

Muốn giải thích rõ ràng về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi ư! Vâng, thay vì tập trung vào những hình ảnh hữu hạn, những hình ảnh khập khiễng, chúng ta nên chiêm ngắm sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự kỳ diệu của cuộc sống mà Thiên Chúa đã sáng tạo, đã ban cho con người.

Vâng, đó chính là cảm nghiệm của tông đồ Phao-lô và ngài đã chia sẻ cảm nghiệm này cho cộng đồng tín hữu ở Roma, rằng: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết được tư tưởng của Chúa! Ai đã làm cố vấn cho Người”. 

Nhờ có sự cảm nghiệm như thế, thánh nhân đã lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa, rằng: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen” (x.Rm 11, 33-36)

Thế nên, không gì tốt hơn là hãy dùng ngôn-ngữ-tình-yêu, một thứ ngôn ngữ đã được chính Đức Giê-su sử dụng, để mà diển tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngôn ngữ tình yêu ư! Nào có xa lạ gì với chúng ta! Đó chính là: lòng bao dung, sự chậm giận và sự tha thứ. Đó chính là: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”. Đó chính là “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”…

Vâng, sống đức tin bằng thứ ngôn ngữ tình yêu nêu trên, đó chính là lúc ta cho mọi người thấy “Chúa Cha”, Người chính là Đấng “từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi” (x.Tv 103, 8-9).

Sống đức tin bằng thứ ngôn ngữ tình yêu nêu trên, đó chính là lúc chúng ta “trình làng” cho mọi người biết một “Chúa Con”, Đấng “đến là để chiên được sống và sống sung mãn”.

Sống đức tin bằng thứ ngôn ngữ tình yêu nêu trên, đó chính là lúc chúng ta xây dựng ngôi vườn tâm hồn mình, một ngôi vườn tràn ngập “hoa quả của Thần Khí”, một loài hoa “bình an, hoan lạc, hiền hòa, nhân hậu, từ tâm” v.v… Nói cách khác, đó chính là lúc chúng ta đủ điều kiện để nói với mọi người rằng: có Chúa Thánh Thần - “Người là Chúa”.

****
Nói về Ba Ngôi Thiên Chúa bằng “ngôn ngữ tình yêu” quả là khó quá, phải không, thưa quý Bạn? Thế nhưng, với Đức Giê-su, thì “ngôn ngữ tình yêu” lại là điều kiện ắt có và đủ cho bất cứ ai muốn trở thành môn đệ của Ngài, vì như Ngài đã nói; “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này; là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, là một người môn đệ của Ngài, hãy tự hỏi mình rằng: mỗi khi “làm dấu thánh giá”, tôi có chấp nhận trở nên “khí cụ bình an của Chúa”? Hãy tự hỏi mình rằng: mỗi khi “làm dấu thánh giá”, tôi có cất tiếng nguyện xin “Thần Linh thánh ái… mở rộng lòng con”?

Mở-rộng-lòng-ta cũng như trở nên khí-cụ-bình-an-của-Chúa… Vâng, đó cũng là một thứ ngôn-ngữ-tình-yêu, một thứ ngôn ngữ làm “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Cuối cùng, nó làm cho chúng ta không hổ thẹn mỗi khi đặt tay lên trán và cất tiếng đọc, rằng “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Petrus.tran

 Tags: Chúa Ba Ngôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây