TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa đang ở giữa chúng ta

Thứ tư - 12/05/2021 23:38 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   804
Chúa đang ở giữa chúng ta

Chúa Nhật XIV – TN – B

Có một Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta

Cách đây khoảng hai năm, truyền thông mạng có đăng tải một bài viết nội dung như sau: “Anh Jonathan, người Mỹ gốc Hàn Quốc, là nạn nhân của việc kỳ thị chủng tộc lúc còn nhỏ. Khi lớn lên, anh cố tìm đến một nơi để không bị người ta phán đoán vì nét mặt hoặc chủng tộc. Anh trở thành bác sĩ tại một thị trấn ở phía bắc Alaska, Hoa Kỳ, nơi mà ngoại diện của anh có vẻ giống nhiều bệnh nhân tại địa phương. Anh hy vọng, tại đây, giữa cái giá rét ở Bắc Cực, anh sẽ thoát được nạn thành kiến, còn “giá rét hơn”.

Hy vọng ấy tiêu tan khi anh chữa bệnh cho một phụ nữ 25 tuổi. Lúc bệnh nhân hết hôn mê, cô ấy nhìn vào mặt Jonathan, rồi thốt lên lời tục tĩu, cho thấy sự miệt thị người Hàn Quốc ăn sâu trong lòng cô ta. Ðối với Jonathan, trường hợp này là sự nhắc nhở đau lòng, mọi nỗ lực để chuyển đến và hòa nhập với cộng đồng không thể giúp anh tránh khỏi nạn thành kiến.”

Và sau đó, tác giả bài viết đưa ra một nhận định kèm một câu hỏi, rằng: “Kinh nghiệm của anh Jonathan nhấn mạnh một thực tại đáng lo ngại. Thành kiến xảy ra khắp thế giới. Dường như nơi nào có người ta thì nơi đó có thành kiến. Ða số người ta lên án thành kiến nhưng nó vẫn xảy ra khắp nơi. Ðây thật là điều nghịch lý. Tại sao cái mà người ta ghét lại quá phổ biến? Rõ ràng, nhiều người lên án thành kiến, đã không nhận ra nó tiềm ẩn trong lòng mình. Bạn có như thế không?” (nguồn: internet)

Bạn có như thế không? Nói rõ hơn, là một Ki-tô hữu, tôi có mắc căn bệnh thành kiến không? Nếu có, phải tiêu trừ nó ngay, bởi vì, nó chính là thủ phạm giết chết đức tin, hủy hoại đức cậy và ngăn cản đức mến. Câu chuyện “Đức Giê-su về thăm Na-da-rét” là một minh chứng điển hình.

**
Vâng, câu chuyện được kể rằng: Sau những ngày dong duổi khắp nẻo đường Palestina rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về quê quán của Người. Hôm đó, khi ngày sa-bát đến, theo luật Do Thái, Đức Giê-su đến hội đường nhóm thờ phượng.

Tưởng chúng ta cũng nên biết qua về chương trình một buổi nhóm của người Do Thái. Vâng, buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Hôm đó, người vinh dự được đón nhận công việc đó chính là Đức Giêsu. Khi tất cả cử tọa đã an vị. Ngài bắt đầu giảng dạy.

Than ôi! thật đáng tiếc. Nếu ở hội đường tại Ca-phác-na-um, những lời giảng dạy của Ngài được tất cả cử tọa trầm trồ kinh ngạc nói với nhau “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”, thì ngay tại quê nhà, lời giảng dạy của Ngài lại là cớ làm cho người ta “vấp ngã”. (x.Mc 6, …3)

Tại sao lại vấp ngã? Phải chăng vì Đức Giê-su giảng quá dở… quá buồn ngủ? Thưa, không phải vậy, trái lại, lời giảng dạy của Ngài khiến cho “nhiều người nghe phải ngạc nhiên” đến nỗi họ đã thốt lên rằng: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?”

Kinh Thánh có chép rằng: “Ý kiến xấu làm cho suy nghĩ của họ đảo điên” (Hc 3, 24). Vâng, hôm đó, cử tọa vấp ngã chỉ vì tâm tư của họ trĩu nặng những ý nghĩ xấu xa về Đức Giê-su.

Thói đời, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, người ta thường cho rằng, nguồn gốc xuất thân của một người luôn được cho là yếu tố quan trọng để xác lập con người đó thuộc giai tầng nào trong xã hội.

Chính vì thế, năng lực, phẩm chất, tài năng của một người nào đó thường không được đón nhận, đôi khi còn bị khinh rẻ, nếu nguồn gốc nhân thân của người đó thuộc loại tầm thường. Mà, Đức Giê-su, tiếc thay, xuất thân trong một gia đình lao động tầm thường, thế nên, làm sao Ngài tránh khỏi những thành kiến xấu từ nơi cử tọa.

Hôm đó, nói theo ngôn ngữ @ ngày nay, toàn thể cử tọa lần lượt “ném đá” Đức Giê-su. Họ ném vào Ngài những lời lẽ đầy kỳ thị, rằng: “Ông ta không phải là bác thợ con bà Maria… sao?”

Những hòn đá thành kiến này, vâng, nếu được phép nói như thế, không chỉ giết chết đức tin, mà còn hủy hoại đức cậy và ngăn cản đức mến, nơi họ.

Thật vậy, đúng, Đức Giê-su đúng là con bà Maria, nhưng với những hòn đá thành kiến, đôi mắt đức tin của họ đã bị lòa không thể nhận ra Ngài còn là “Con Một Thiên Chúa”, Ngài đến thế gian để ai tin thì được cứu độ.

Tại những nơi Đức Giê-su đến, Ngài luôn là nguồn cậy trông của “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền”, nhưng tại quê nhà Na-da-rét, những hòn đá thành kiến đã hủy hoại niềm cậy trông, chính vì thế, Đức Giê-su “không thể làm được phép lạ nào tại đó”.

Và cũng chính những hòn đá thành kiến, nó đã ngăn cản đức mến, đã làm cho tất cả mọi người ở Na-da-rét “rẻ rúng” và “phẫn nộ” Đức Giê-su, phẫn nộ đến độ, thánh sử Mác-cô không nói, nhưng theo lời kể của thánh sử Luca, họ “lôi Người ra khỏi thành… kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (x. Lc 4, 29-30).

Kết quả là gì? Thưa, đã giết chết niềm tin của họ. Đã làm cho họ mù lòa, không nhận ra lời loan báo của ngôn sứ Isaia, rằng “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”… Hôm nay đã ứng nghiệm. (x.Lc 4, 18 - 21).

Hôm đó, Đức Giê-su đã phải thổn thức mà thốt lên rằng “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”.

Vâng, Đức Giê-su với tất cả nỗ lực của mình, nhưng vẫn không đem lại ơn ích gì cho cư dân tại quê nhà, bởi vì thành kiến đã làm cho “họ không tin”.

***
Đã hơn hai ngàn năm trôi qua, kể từ khi Đức Giê-su về thăm Na-da-rét. Dường như thành kiến vẫn là bóng ma ám ảnh bất cứ ai sống trên cõi trần này.

Là một Ki-tô hữu, sống giữa lòng Giáo Hội, một Giáo Hội với nhiều dân nhiều nước khác nhau, một Giáo Hội với nhiều thành phần khác nhau: giàu có, nghèo có, học thức có, thất học cũng có v.v… Sẽ là tự dối lòng mình, nếu chúng ta cho rằng, tôi coi mọi người là bình đẳng, không có thành kiến với ai. Thế nên, điều chúng ta cần làm, đó là hãy phá vỡ thành kiến trong ta.

Phá vỡ như thế nào ư? Thưa, tông đồ Phao-lô khuyên chúng ta chỉ cần nhớ rằng: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô… Không còn chuyên phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (x.2Cor 3, 26…28)

Làm sao để biết rằng, chúng ta “là một trong Đức Ki-tô”? Thưa, đó là khi chúng ta cùng nghe và tuân giữ lời Chúa dạy, trong Kinh Thánh, trong phần Phụng Vụ Lời Chúa. Đó là khi chúng ta cùng nghe và tuân giữ lời Chúa dạy, qua giáo huấn của Giáo Hội cũng như qua lời giảng dạy của các linh mục.

Tất nhiên, việc tuân giữ này được thực hiện trong sự tự do của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta cũng có quyền “mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá… có thể nghe hoặc không nghe” (x.Ed 2, 4-5)… Có thể tuân giữ hoặc không tuân giữ.

Nhưng, chúng ta phải biết rằng “có một ngôn sứ đang ở giữa (chúng ta)”. Nói chính xác hơn, có một Giáo Hội đang ở giữa chúng ta. Chính xác hơn nữa “có một Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây