TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa luôn hiện diện bên con

Thứ tư - 12/04/2023 05:42 | Tác giả bài viết: Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng |   1462
“Chúa Giêsu khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24:30-31).

CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN BÊN CON: Niềm Xác Tín Của Cá Nhân
 

tbd 120423a


Các bạn trẻ quý mến,

Sáng nay, Thứ Tư, ngày 12 tháng 4 năm 2023, trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, cha đã có cơ hội lắng nghe phần suy niệm Lời Chúa dựa trên đoạn Phúc Âm của Thánh Luca (24:13-35), của chương trình Phút Cầu Nguyện (PCN)[1] mô tả sự kiện Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra cùng với hai môn đệ trên đường trở về làng Emmau… và hai ông đã nhận ra “Chúa Giêsu khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24:30-31).

Điều đã đánh động cha rất nhiều chính là lời cầu nguyện đơn sơ và sự khao khát cao độ của một tâm hồn ao ước được khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, nhất là những khi chúng ta phải đương đầu với những thất bại và mang tâm trạng tuyệt vọng, giống như tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmau…, nhưng rất may thay Chúa Giêsu đã đến và đồng hành với họ và Ngài cũng đã trò chuyện, chia sẻ và mở lòng trí của họ, để họ có thể am tường và hiểu được ý nghĩa về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, nhờ đó mà họ có thể lấy lại được niềm tin và biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Đức Kitô phục sinh.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. 

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường. 

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện
.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.”[2]



Cho nên, nhân cơ hội này, cha muốn chia sẻ với các bạn trẻ Công Giáo một trong những trải nghiệm về đời sống thiêng liêng của cha, liên quan đến sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.[3]

Một trong những xác tín mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của cha, từ khi cha có trí khôn cho đến nay, đó chính là, niềm tin tưởng mãnh liệt là Chúa luôn hiện diện ở bên cha qua các biến cố thăng trầm của cuộc sống, ngay cả những khi mà cha bị địch thù bủa vây tứ phía, và cái chết dường như diễn ra ở trước mắt, thì cha vẫn cảm nghiệm được rằng: ngay cả những giây phút hãi hùng, đầy cam go và căng thẳng ấy thì Chúa vẫn hiện diện bên cha, và Ngài đã giang cánh tay quyền năng của Ngài để bảo vệ cha, và giúp cho cha vượt qua được những giây phút nguy nan đó. Chính vì lẽ đó, mà hôm nay cha muốn ghi lại và chia sẻ với chúng con là những bạn trẻ mà cha luôn quý mến, và dành nhiều sự ưu ái cho chúng con.

Trong cuộc đời của cha, từ thuở còn thơ ấu, khi ấy cha mới có khoảng 8-9 tuổi gì đó, thì cha đã thích cầu nguyện một mình và thích tham dự thánh lễ mỗi ngày vào lúc sáng sớm. Cha hầu hết đi tham dự thánh lễ mỗi sáng với Mẹ của cha, nhưng có những khi, Mẹ không đi được thì cha tự đi tham dự thánh lễ một mình. Lúc ấy, cha không rõ lý do tại sao, cha yêu mến thánh lễ và siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày, và ao ước rước Chúa Giêsu thánh thể vào tâm hồn của mình. Sau này, cha gia nhập đội giúp lễ của giáo xứ Dục Mỹ và cha được chia phiên giúp lễ ngày thường cũng như ngày chúa nhật. Cha rất hãnh diện vì mình được cha xứ, linh mục Vũ Đình Hoạt chọn và cho giúp lễ cùng với các bạn học cùng lớp với cha, lúc đó, cha khoảng 10-11 tuổi. Đến khi cha được 12 tuổi thì 4 người bạn học cùng lớp với cha[4] rủ cha đi tu ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển, thuộc giáo phận Nha Trang.[5] Cha nói với các bạn: “Tao không thích đi tu, nhưng tao muốn thi vào trường Công Lập Ninh Hòa là trường chuyên lúc đó, và nếu thi đậu thì sẽ được học từ lớp 6 đến lớp 12 mà gia đình không phải đóng tiền học phí. Vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho ba mẹ, nên cha đã quyết tâm thi đậu vào trường này và hy vọng với một ngôi trường có danh tiếng, thì mình sẽ có được một trường tốt để  học tập, ngõ hầu rèn luyện và xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp. Rất may mắn cha đã thi đậu vào trường Công Lập Ninh Hòa và cha đã học tại đây từ năm 1972-1975. Đến cuối tháng 4 năm 1975 thì miền Nam Việt Nam bị thất thủ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị giải thể. Trường của cha cũng bị đóng cửa bởi chính quyền Cộng Sản, vì lẽ đó, sau tháng 4 năm 1975, cha phải theo học trường cấp II,[6]  tại Xã Ninh Sim (Giáo xứ Dục Mỹ).[7]

Sau này đến năm 1979, cha cảm nhận được tiếng Chúa mời gọi và muốn cha dâng hiến cuộc đời của mình cho Chúa để trở thành người môn đệ của Ngài qua thiên chức linh mục. Thoạt tiên, cha rất e dè và lo sợ, vì thấy mình bất xứng và cha thực sự không có muốn đi tu tí nào cả, vì chỉ nghĩ đến việc đi tu thôi thì cũng đã cảm thấy ớn lạnh xương sống rồi, chưa nói đến việc học tập trong vòng 7 hoặc 8 năm trong Đại chủng viện. Rồi không biết, mình có học nổi không, có đạo đức và có thể vượt qua được quá trình đào tạo và rèn luyện bởi Đại chủng viện. Thêm vào đó, cái khó khăn lớn nhất, đó chính là vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, các Tiểu và Đại chủng viện đều bị đóng cửa và chưa có phép của nhà nước được điều hành và hoạt động trở lại, vì sau biến cố 1975, hầu hết các chủng sinh đều bị trục xuất và yêu cầu về sinh sống với gia đình tại điạ phương. Toàn bộ các Chủng viện đều bị đóng cửa. Một vài Chủng viện được nhà nước trưng dụng và biến thành cơ quan của nhà nước, nên khi ấy nếu đi tu thì chỉ có “tu chui” “tu lén” chứ không có “tu chính thức” vì không có sự công nhận của nhà nước Việt Nam.

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, thì Chúa lại gọi cha và bày tỏ thánh ý của Ngài cho cha biết là Chúa muốn cha đi tu làm linh mục. Cha cảm thấy như Chúa đang mời gọi cha làm một cái gì đó mà nó ngoài khả năng của mình và vượt quá sức của chính bản thân. Đứng trước những khó khăn trong cuộc sống, cái chọn lựa dễ dàng nhất mà con người hay áp dụng, đó là thối thác và từ chối và không muốn đảm nhận bất kỳ một trách nhiệm nào cả. Cha đã chọn cách này là từ chối đối với lời mời gọi của Chúa. Nhưng có lẽ Chúa không dễ dàng chịu buông tha cho cha. Ngài vẫn tiếp tục gởi những thông điệp và tín hiệu nhằm báo cho cha biết là Ngài muốn cha đi tu làm linh mục, dù cha đã đôi lần nhất quyết từ chối đề nghị này.

Sau nhiều ngày tháng đấu tranh và dằng co với chính bản thân, cộng với sự cầu nguyện tha thiết để khám phá ra thánh ý của Chúa xem Ngài muốn điều gì nơi cha… cuối cùng cha đã lấy hết can đảm và đồng ý gia nhập Chủng viện Sao Biển, được coi như là “Chủng viện hầm trú” (Underground Seminary).

Sau hơn một năm thì cha được gọi đi gia nhập quân ngũ, đi Bộ Đội, và được gởi lên vùng Mật Khu của Tỉnh Đắc Lắc (TP Ban Mê Thuột) để huấn luyện. Đây là thời điểm đầy cam go và gặp phải nhiều thử thách lớn lao trong cuộc đời của cha, khi ấy cha mới có 20 tuổi. Cha đã phải cam chịu và trải qua nhiều cảnh khốn cực từ cái đói triền miền vì thiếu thực phẩm, cho đến cái giá rét lạnh thấu xương vào thời tiết mùa đông. Tại căn cứ huấn luyện này không có bất kỳ một thường dân nào được lui tới. Hầu như chỉ có các trung đoàn lính bộ đội đóng quân tại đây. Mọi việc đi lại và ra vào đều được các “kiểm soát quân sự” canh gác gắt gao, hầu ngăn chặn sự trốn thoát.

Trong thời kỳ này, cha đã rất hoang mang về vấn đề ơn gọi của mình. Cha đã tự chất vấn và đặt câu hỏi cho chính mình: Nếu Chúa muốn con đi tu làm linh mục thì tại sao Chúa lại để con đi Bộ Đội mà không để con ở tại giáo xứ để tiếp tục theo đuổi hành trình ơn gọi của chính mình. Nay con đã nhập ngũ và sống tại trại huấn luyện thì làm sao, con có cơ hội để học hành và tiếp tục theo đuổi hay duy trì ơn gọi của chính mình. Đây là những vấn nạn hóc búa mà cha đã phải đương đầu và tự tìm cho mình có một câu trả lời nào đó, cho nó có vẻ thỏa đáng, giúp cho cha có thể chấp nhận được những nghịch lý mà cha đang phải đối đầu. Trong thời gian nói trên, cha đã cầu nguyện rất nhiều với Chúa để xin Chúa soi sáng và hướng dẫn cha hầu cha có thể tìm cho mình một hướng đi trong tương lại…, nhưng tất cả đều bế tắc và hầu như Chúa có vẻ thinh lặng… thật khó hiểu!

Sau này…, khi cha đã vượt biên thành công và đã được định cư tại nước Úc, lúc bấy giờ cha mới lấy lại niềm tin và có chút hy vọng mong manh là mình có thể tiếp tục hành trình ơn gọi tại một đất nước mới, nơi mà có lẽ Chúa đã gởi mình đến để cho mình có cơ hội học tập và theo đuổi ơn gọi làm linh mục của chính mình, ngõ hầu một ngày nào đó, mình có thể lãnh nhận sứ vụ linh mục theo như Thánh Ý của Chúa.

Trước tiên, cha gia nhập Chủng viện Saint Charles Seminary tại Tổng giáo phận Perth, Tiểu bang Tây Úc vào tháng 12 năm 1982, rồi sau đó cha lại quyết định gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) tại thành phố Sydney, Tiểu bang New South Wales vào cuối năm 1983 và bắt đầu chương trình đào tạo với DCCT vào tháng 2 năm 1984. Sau gần 12 năm định cư tại nước Úc và bắt đầu hành trình ơn gọi của mình trở lại, đến ngày 16 tháng 7 năm 1994, cha đã đón nhận hồng ân lớn lao của Thiên Chúa ban tặng qua việc đặt tay và phong chức linh mục do Đức Giám Mục  phụ tá, Peter Connor tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vùng Maidstone, tại thành phố Melbourne, Tiểu bang Victoria. Đó là ngày trọng đại và đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của cha.

 


Giờ đây, khi có dịp ngồi ôn lại những biến cố quan trọng đã diễn ra trong cuộc đời của cha, nhất là kể từ khi cha rời bỏ quê hương và mái ấm gia đình vào cuối năm 1981 để theo đuổi ơn gọi làm linh mục. Tạ ơn Chúa sau bao nhiêu gian nan vất vả và biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đổ ra, giờ đây, nhờ hồng ân của Chúa, cha đã tìm thấy sự bình an và niềm vui của đời sống thánh hiến qua thiên chức linh mục của mình. Cha cảm tạ Chúa vì đã yêu thương và đón nhận cha làm môn đệ của Chúa, dù cha bất xứng và yếu đuối trăm bề. Nhưng tình yêu bao la của Thiên Chúa đã khoả lấp và bù đắp tất cả mọi khiếm khuyết ở nơi cha và chính Chúa đã dùng ân sủng của Ngài mà tô điểm cho cuộc đời cuả cha, cho nên, suốt đời này, cha chỉ muốn được làm cây đàn vĩ cầm nứt bể trong bàn tay của Thầy nhạc sĩ Giêsu.

Linh mục Trần Mạnh Hùng

 


[1] . Đây là chương trình do cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, Dòng Tên (SJ) chủ trương thực hiện và chúng ta có thể tải xuống trên máy điện thoại di động để lắng nghe mỗi ngày. https://phutcaunguyen.net

[2] .  Xem Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ., Thứ Tư tuần Bát Nhật Phục Sinh, ngày 12 tháng 4 năm 2023 -  https://phutcaunguyen.net/#

[3] . Lm Trần Mạnh Hùng, Chúa luôn hiện diện bên con: tâm sự với các bạn trẻ về những điều kỳ diệu trong hành trình đức tin (Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đồng Nai, 2022).

[4] . Bạn Hiền, Tú, Thuận và Thắng, lúc đó 4 bạn này thi vào Tiểu Chủng Viện Sao Biển, thuộc giáo phận Nha Trang, thể theo sự yêu cầu của bố mẹ.

[5] . Mới đây, cha rất may mắn sau một thời gian khá dài, gần 48 năm tìm kiếm các bạn học cùng lớp với cha từ thời lớp 4 và lớp 5 tại trường Tiểu học Tiến Đức ở giáo xứ Dục Mỹ, cha đã kiếm được bạn Phạm Xuân Thắng là bạn học cùng lớp 5 với cha, và đến năm 1972 thì Thắng và 3 bạn khác, đó là Nguyễn Đức Tú, Thuận và Hiền đã gia nhập Tiểu Chủng Viện Sao Biển từ năm 1972 cho đến tháng 3 năm 1975, thì Tiểu Chủng Viện Sao Biển giải tán và 4 bạn ấy đã theo gia đình để đi di tản, và cha đã không bao giờ có cơ hội gặp lại 4 người bạn cùng lớp này. Cha chỉ mới liên lạc qua điện thoại đối với bạn Phạm Xuân Thắng, hiện nay đang sinh sống tại Bảo Lộc.

[6] . Trường cấp II, từ lớp 6 đến lớp 9; còn trường cấp III thì từ lớp 10 cho đến lớp 12.

[7] . Xã Ninh Sim (Giáo xứ Dục Mỹ) là điạ phương gia đình cha sinh sống cho đến hiện nay (2023), dù một số thành viên trong gia đình cha đã đi định cư tại Mỹ và Úc.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây