TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chứng nhân đích thực

Thứ hai - 10/05/2021 07:11 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   658
Chứng nhân đích thực

Chứng nhân đích thực

Theo truyền thống, mỗi khi đến Mùa Vọng, các nhà thờ thường trang trí một vòng hoa cùng với bốn cây nến.

Vòng hoa tượng trưng cho sự chiến thắng. Vòng hoa được thiết kế màu xanh lá cây, là màu chỉ năm phụng vụ, cũng là màu nói lên niềm hy vọng về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Những cành cây gộp lại với nhau để hình thành nên một vòng hoa chính là nhắc cho chúng ta biết rằng: Tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại là bất tận.

Bốn cây nến, ba cây màu tím và một cây màu hồng, mỗi cây được thắp sáng tiếp nối theo bốn tuần của Mùa Vọng.

Với Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng. Cây nến tiếp theo được thắp sáng lên là cây nến màu hồng. Đó cũng là màu lễ phục dành cho vị chủ tế hôm nay.

Tại sao không là màu khác mà lại là màu hồng? Xin thưa, màu hồng diễn tả niềm vui và sự hân hoan. Sử dụng màu hồng, ý muốn nói rằng, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng là ngày vui mừng và hân hoan, vì chỉ còn hơn một tuần nữa, toàn thể Giáo Hội long trọng tái xác nhận rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).

……

Vâng, hơn hai ngàn năm trước đó “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan” (Ga 1, 6). Ông Gioan đã  xuất hiện trong hoang địa và rao giảng rằng “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi…”. Ông xuất hiện như một chứng nhân và làm chứng với mọi người rằng: Đấng quyền thế đó đang “ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có”.  Và ông đã  kêu gọi mọi người  hãy “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1, 4).

Lời rao giảng của ông như một trái bom tấn, không chỉ nổ tung khắp miền Giuđê cùng khắp vùng ven sông Giodan, mà còn chấn động toàn vùng Giêrusalem.

Nếu ở Giuđê và vùng phụ cận ven sông Giodan từng đoàn người kéo đến “thú tội” và xin ông Gioan “làm phép rửa cho họ”. Thì ở Giêrusalem một phái bộ thuộc giáo quyền  Do Thái được cử đến gặp ông.

Họ là “một số tư tế và mấy thầy Lêvi”. (Ga 1, ...19). Đúng là “rồng đến nhà tôm”.

Trước sự việc ông Gioan làm phép rửa, một hành vi tôn giáo, lại không “xin phép” thẩm quyền của trung ương tại Giêruselem. Vâng, có lẽ sự việc này đã khiến họ phải đến gặp ông để “hỏi cho ra lẽ”.

Khi vừa mặt đối mặt Gioan, họ hỏi ông với một thái độ sinh sự:  “Ông là ai?”. 

Câu hỏi thứ hai cũng không thiếu phần hằn học: “Vậy thì thế nào?”. Thật ra câu hỏi có phần “xách mé” nếu được dịch từ bản Kinh Thánh Vulgata “quid ergo ?” “Vậy ông là cái quái gì nào?”

Ông Gioan là ai ư?  Ôi! Con cháu nhà Aharon ơi! Là tư tế, là thầy Lêvi, thế mà các Ngài lại không biết người bạn đồng chức vụ “tư tế thuộc nhóm Avigia tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabet cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon”, có một người con tên là Gioan sao?

Có lẽ họ không biết thật. Bởi nếu họ biết, thế nào họ cũng được nghe ông Dacaria nói với họ rằng: Cậu Gioan con của ta  “… sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 2, 76-77).

Đúng vậy. Kinh Thánh đã chép rằng  “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (Ml 3, 1).

Gioan biết vị thế của mình. Ông đã thẳng thắn tuyên bố “Tôi không phải là Đấng Kitô”. 

“Ông có phải là ông Êlia không?” – “Không phải”.

“Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” – “Không”.

Ba câu nói ngắn gọn và minh bạch để trả lời cho ba câu hỏi của những người được Giêrusalem sai tới. Và để theo lời thỉnh cầu của họ, muốn được biết ông là ai, để họ “còn trả lời cho những người đã cử” họ đến. Ông Gioan đã nói về chính ông rằng: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.

Vâng, ông Gioan đã trích dẫn lời ngôn sứ Isaia. Nhưng có vẻ như phái bộ của giáo quyền Giêrusalem không bận tâm đến. Họ muốn “dùng quyền phủ quyết” bắt buộc ông Gioan chấm dứt ngay mọi hành động mà ông đang làm “tại Bêtania, bên kia sông Giodan”. Họ “ngứa mắt” khi một người “không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là Êlia hay vị ngôn sứ” mà lại ngang nhiên “làm phép rửa”.

Các tư tế và mấy thầy Lêvi không hiểu. Khi từ chối vai trò là ngôn sứ, ông Gioan cho rằng mình không xứng đáng đóng vai trò đó, như lời ông đã nói với họ rằng “tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người”.  

Ông có làm phép rửa đó. Nhưng chỉ là “phép rửa trong nước”. Điều ông quan tâm và muốn công bố cho các ông tư tế và mấy thầy Lêvi biết, đó là “Có một vị đang ở giữa các ông…”. Vâng, chính vị đó “Người sẽ làm phép rửa… trong Thánh Thần và lửa”.

Thật đáng tiếc! Thế mà “các ông không biết”.

Ông Gioan khẳng định “Người sẽ đến sau tôi” (Ga 1, 26-27). 

Một chút tâm tình

Thật ra ông Gioan chính là một vị ngôn sứ, như lời cha ông là tư tế Dacaria đã được “đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 2, 67…76).

Sau này, Đức Giêsu cũng đã nói với một nhóm đông người về ông Gioan rằng “nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến” (Mt 11, 14). Và trước khi nói điều này, Đức Giêsu còn nói về ông Gioan rằng “đây còn hơn cả ngôn sứ nữa”.

Đúng, ông Gioan còn hơn cả ngôn sứ nữa. Ngôn sứ chỉ nói tiên tri về Đấng Cứu Thế. Còn ông Gioan, ông không nói tiên tri nhưng ông là chứng nhân đích thực của Đấng mà ông đã nói “Người đến sau tôi nhưng trỗi hơn tôi”.

Nói tắt một lời. Ông Gioan không chỉ là một ngôn sứ mà còn là một chứng nhân đích thực, như lời Kinh Thánh đã chép về ông rằng “ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1, 7).


Một phút suy tư

Hai tuần liền, Giáo Hội, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, đều nhắc đến Gioan Tẩy Giả. Nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội không ngoài mục đích muốn gửi đi một thông điệp rằng, đã là một Kitô hữu, phải là một chứng nhân của Chúa Giêsu.

Chứng nhân của Chúa Giêsu, trong dịp Giáng Sinh, phải chăng là nói về Chúa Giáng Sinh, qua việc thiết kế một hang đá với những dây đèn chớp tắt rực rỡ; Có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài Đồng Giêsu; Có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu? 

Vâng, đó cũng là một cách làm chứng. Hơn nữa, đó là một cử chỉ truyền thống tốt đẹp lâu nay của người Công Giáo chúng ta.

Thế nhưng, để thật sự tốt đẹp hơn nếu chúng ta thiết kế một hang-đá-tâm-hồn với dây-đèn-Lời-Chúa, và với những trái-châu-Thánh-Thần.

Vâng, hãy xem. Xưa kia các tư tế và mấy thầy Lêvi “phớt lờ” Lời Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, vì thế, họ đã không nhận ra ông Gioan chính là ngôn sứ của Thiên Chúa.

Thì hôm nay, cũng vậy đối với chúng ta. Không có Lời Chúa, không biết Kinh Thánh, chúng ta không bao giờ có thể nhận ra “Chúa đang ở giữa hang-đá-tâm-hồn” của chúng ta.

Tưởng cũng nên nhắc lại lời Thánh Giêrônimô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh đã nói một câu bất hủ mà các vị lãnh đạo và chủ chăn trong Giáo hội, các giảng viên  Kinh Thánh đều nhắc đi nhắc lại với giáo dân và học viên của mình: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” 

Còn Thánh Thần ư!  Không có Thánh-Thần, chúng ta không thể nhận được hoa trái Thánh Thần, những hoa trái của “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, để mà làm thành những trái-châu-Thánh-Thần trang trí nơi hang-đá-tâm-hồn của chúng ta.

Nếu hang-đá-tâm-hồn chúng ta chỉ treo toàn những trái châu “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy”.

Vâng, hãy nghe thánh Phaolô khuyến cáo rằng “Tôi bảo cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”. (Gl 5, 19-21).

Muốn được vào “Nước Thiên Chúa” ư!? Hãy xem lại hang-đá-tâm-hồn của chúng ta. Nó đã được giăng mắc ngọn-đèn-Lời-Chúa? Đã được trang trí những trái-châu-Thánh-Thần?

Nếu đã được! “Đừng dập tắt Thánh Thần… Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1Tx 5, 19-22).

Đó chính là những gì Thánh Phaolô đã khuyên nhủ. Ngài nói tiếp rằng, “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì hãy cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5, 25).

Vâng, hãy tin Thần Khí Chúa sẽ dẫn chúng ta vững bước trên con đường làm chứng nhân cho Chúa.

Bạn đã là chứng nhân của Chúa chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay hôm nay. Đừng quên, Chúa có thể “biến hòn đá này trở nên” chứng nhân của Người.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây