TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sám hối

Thứ hai - 10/05/2021 07:05 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   701
Sám hối

HÃY TỎ LÒNG SÁM HỐI

Lịch Phụng Vụ hôm nay bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Nhiều Nhà Thờ đã bắt đầu thông báo chương trình tĩnh tâm với nhiều chủ đề khác nhau. Và một trong những chủ đề không thể thiếu đó là sự sám hối.

Vâng. Sự sám hối là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Và “lòng sám hối” luôn là lời mời gọi khẩn thiết cho những ai muốn đón nhận “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Hơn hai mươi thế kỷ trước. Mùa Vọng đầu tiên trong lịch sử loài người, nếu có thể được gọi như thế, cũng đã được bắt đầu bằng lời mời gọi. Đó là lời mời gọi của ông Gioan. Ông đã kêu gọi mọi người “hãy tỏ lòng sám hối…”.

Ông Gioan là ai? Thưa rằng, ông là một sứ giả được Thiên Chúa sai đến, như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo rằng “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1, 2-3).

Sứ giả Gioan, người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả, xuất hiện bên bờ sông Giodan, với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu. Ông đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi.”.



Vâng, Từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất tuân. Con người “bị trục xuất ra khỏi vườn Eden”. Con người đã phải lãnh án phạt từ đời nọ đến đời kia, đó là “Án Tử”. Từ bụi đất con người trở về bụi đất.

Thế nhưng, dẫu cho con người đã bất trung và bội phản. Thiên Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn luôn là “Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương… Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10).

Sự đại lượng và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng giao ước. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16).

Rồi từ ông Apraham cho đến ông Môse và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Lời giao ước mới đã được Thiên Chúa, một lần nữa, phán qua miệng ngôn sứ rằng: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, giao ước đó đã trở thành sự thật, “Con trẻ là Emmanuel”, qua lời chứng của sứ giả Gioan, “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Ngài nói tiếp rằng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Vị sứ giả Gioan thú nhận rằng: “Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Những lời chứng đó, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèng la chập choãng lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những lời chứng của ông Gioan Tẩy giả đã vang vọng đến mọi người. Để rồi “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.

Họ đã đến, không chỉ bởi hình ảnh giản dị của vị ẩn sĩ Gioan, nhưng còn bởi chính tiếng mời gọi chân tình của người sứ giả đã kêu gọi mọi người “hãy chịu phép rửa… để được ơn tha tội”.

Dòng sông Giodan dậy sóng. Sóng nước hòa quyện lẫn làn-sóng-người đến “thú tội”. Họ thú tội. Và ông Gioan đã “làm phép rửa cho họ trong sông Giodan”(Mc 1, 5).

Một chút tâm tình

Chúng ta thường nghĩ rằng, người đóng vai trò chính trong lịch sử cứu độ chính là Đức Maria và Thánh Giuse. Thế nhưng, nếu không nói đến Gioan Tẩy Giả thì quả là một sự thiếu sót.

Khi Gioan Tẩy Giả được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Zacaria – cha của ông – được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến Gioan Tẩy Giả không phải là để giới thiệu ông như một “người mẫu” cho một kiểu thời trang mùa đông với chiếc “áo lông lạc đà”.

Nhắc đến Gioan Tẩy Giả chính là để giới thiệu cho mỗi Kitô hữu chúng ta một “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”. Một người ngôn sứ trung thực đã dám sống cho sự thật và chết cho sự thật.

Thật vậy, để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Xađốc chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hêrôđê.

Có thể kết luận rằng, nhắc tới Gioan Tẩy Giả chính là để giới thiệu với mỗi người Kitô hữu chúng ta một tấm gương mẫu mực về một con người, không phải là qua cách ăn mặc của ông: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1,6) mà là qua cách sống của ông, để sao cho bản-thân-mình chính là tiếng-nói-nối-tiếp-của-Gioan, nói lên một sự thật với mọi người rằng “hãy tỏ lòng sám hối”. Bởi vì “Nước Chúa đang gần kề”.

Thật đấy! “Nước Chúa đang gần kề”.

Một phút suy tư   

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta? Và đã có bao nhiêu lần chúng ta nghe rằng: “Nước Chúa đang gần kề”?

Chắc hẳn là nhiều lắm. Nếu tính từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với lời loan báo rằng “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ôi! đã hơn hai ngàn năm rồi. Cớ sao vẫn chưa thấy “Nước Chúa” đâu cả!!!?

Thánh Phê-rô đã có lời giải đáp cho chúng ta rằng “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, một năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải”. (2 Pr 3, 8-9)

Vâng, vấn đề không phải là bao lâu và khi nào.

Vấn đề chính đó là, chúng ta “phải sống đạo đức và thánh thiện… trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa”. Bởi vì, chỉ khi sống một đời sống như thế, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống, như lời Thánh Phêrô đã nói, “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3, 14).

Một khi có được một cuộc sống “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”; Vâng, đó là lúc chúng ta đã “dọn sẵn con đường tâm linh, sửa lối con đường tâm hồn” của chính chúng ta.

Một khi chúng ta đã “dọn sẵn con đường tâm linh, sửa lối con đường tâm hồn” của chính chúng ta; Vâng, đó là lúc chúng ta đã “san bằng những con đường tự mãn kiêu căng, đã lấp đầy những hố sâu dục vọng, đã uốn ngay những quanh co gian dối”.

Một khi chúng ta đã “dọn sẵn con đường tâm linh, sửa lối con đường tâm hồn” của chính chúng ta. Hãy tin rằng, ngày Chúa Giêsu “ngự đến trong vinh quang”, niềm trông mong được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” của chúng ta sẽ trở thành hiện thực.

Bạn đã “tỏ lòng sám hối” chưa?! Nếu chưa, Hãy thực hiện ngay hôm nay. Hãy nghe Kinh Thánh có chép rằng “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu”. (TV 51, 19).

Petrus.tran

 Tags: Sám hối

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây