TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyện Một Linh Mục

Thứ hai - 10/05/2021 09:02 |   1026
lươm rác
lươm rác

Đây là câu chuyện linh mục gỉa vờ đi bán vé số, ăn xin và lượm rác với các em nhỏ để biết thân phận của các em như thế nào và tìm cách cải thiện đời sống của các em.

Linh mục kể:
– Tôi bừng tỉnh và như quên đi cái hôi thối, tôi lao vào trong đống rác như bao đứa trẻ khác. Khoảng hơn hai tiếng, chúng tôi đã “quần nát” cái đống rác. Tôi lượm cũng gần đầy cái bao bố.
Thế là tôi đã lẽo đẽo theo các em để bán vé số và ăn xin trên các đường phố Sài Gòn được hai ngày! Không biết bao nhiêu lần giở khóc giở cười. Có lẽ giờ này nếu bạn bè hay gia đình có gặp tôi thì họ cũng không thể nào nhận ra được. Tôi đã biến thành một người nghèo nàn, đen đủi, dơ dáy và hôi hám như những mảnh đời bất hạnh lê lết hết từ quán ăn này đến quán ăn khác.

Để được theo các em đi ăn xin và bán vé số không phải là dễ. Tôi đã phải lân la làm quen và giúp các em rất nhiều, tôi đã lấy được niềm tin của các em và gia đình các em. Tôi đã ăn và ở chung với họ. Tôi đã cho họ thấy được tôi thực sự muốn sống cảnh màn trời chiếu đất với họ để có thể hiểu và cảm thông nỗi khổ của họ!

Tối hôm nay là tối cuối cùng tôi theo các em, như dự tính ban đầu, hôm nay tôi sẽ không ngủ trong các ngôi nhà bằng giấy, trong thế giới của kẻ chết, mà tôi đã chia sẻ ở trên (Bài “Tôi Đến Thăm Em”) nhưng tôi sẽ theo một nhóm trẻ mồ côi lang thang về ngủ ở khách sạn “ngàn sao” toạ lạc dưới chân cầu Chữ Y bên Khánh Hội. Chiều hôm đó tôi đã được phép theo nhóm trẻ mồ côi lang thang. Dẫu tôi cũng đã biết các em từ trước qua hai ngày đi bán vé số và ăn xin, tuy nhiên trước khi tôi đi cụ trưởng làng dặn tôi:
– Cháu cẩn thận nhé, tụi nó không có hiền giống như tụi nhỏ bên này đâu!

Khoảng 3 giờ chiều, tôi hoà nhập với các em tại công viên bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà. Tôi nhập ngay vào với bọn nó một cách dễ dàng. Bọn trẻ đang bàn kế hoạch cho tối hôm nay, chúng quyết định sẽ không đi ăn xin nữa mà sẽ đi lượm ống lon, và ve chai tại đống rác bên quận 4. Nghe chúng nói đến đó tôi đã rùng mình run sợ, tôi thật sự sợ cái mùi hôi thối bốc lên từ rác, nhất là tim tôi thì yếu, không biết có thể sống nổi không. Tôi ngước lên nhìn tượng Mẹ trước nhà thờ đọc một kinh Kính Mừng xin mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con..
Trong bóng đêm, cảnh đống rác thật hãi hùng, cao như dãy núi. Tiếng người cười nói, tiếng cãi nhau, tiếng chửi rủa hoà lẫn vào nhau, cả hàng trăm người cứ như là những bóng ma di động. Mùi hôi thối nồng nặc, tôi rùng mình run sợ. Lại đọc thêm một kinh Kính Mừng.
Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại, con bé đứng cạnh tôi thét lên:
– Nhảy vô đi cha nội, đứng đó là đói, lấy gì ăn.!
Tôi bừng tỉnh và như quên đi cái hôi thối, tôi lao vào trong đống rác như bao đứa trẻ khác. Khoảng hơn hai tiếng, chúng tôi đã “quần nát” cái đống rác. Tôi lượm cũng gần đầy cái bao bố.
Bọn trẻ đã tập họp lại với nhau và bắt đầu khoe những thứ mà chúng đã lượm được. Ngoài những cái bọc nylông thông thường, có đứa khoe lượm được cái chân gà, hay một món đồ ăn được gói kỹ. Bỗng dưng có con bé khoảng 10 tuổi la to:
– Hôm nay nhà tao không phải đói rồi.!
Nói xong nó lôi trong cái bao của nó ra một cái đầu chó! Tôi đứng đó mà nước mắt tuôn trào, cứ như là trong mơ. Đến phiên tôi, tôi không kể gì mà chỉ đưa cho thằng bé “trưởng nhóm” cái bao bố và nói là cho hết tụi nó.
Em vẫn cười tươi bên… rác

Chắc cũng khoảng nửa đêm, khi chúng tôi trở lại chân cầu chữ Y bên Khánh Hội. Các em chắc mệt mỏi, lăn ra ngủ ngay. Riêng tôi không biết vì quá mệt mỏi hay là quá xúc động không tài nào ngủ được. Tôi cứ nằm nhìn trăng chiếu xuyên qua các khe hở của thành cầu. Trăng đêm nay sáng quá, nhưng đời các em thì thật tối! Đêm nay là đêm đầu tiên trong đời tôi hiểu được ý nghĩa của “màn trời chiếu đất”. Tôi trằn trọc, nước mắt cũng không còn để mà rơi. Tôi muốn thét lên, thét lên thật to, nhưng lại dằn lòng đau xót.

Sáng hôm sau, tôi thật sự mỏi mệt và kiệt sức. Tôi đứng dậy, lê từng bước nặng nhọc ra khỏi gầm cầu, đón taxi để quay về Khách Sạn, nhưng không một chiếc nào ngừng. Nỗi mệt mỏi và đau nhức trong thể xác tôi, không tài nào so sánh với nỗi đau tinh thần, nước mắt tôi cứ tuôn trào. Nếu như mọi khi, tôi ăn mặc lịch sự thì Taxi đã nối dài thành hàng để chào mời tôi rồi, nhưng hôm nay tôi tiều tụy và nghèo nàn. Cũng chẳng trách gì được những anh lái Taxi, vì họ cũng làm thuê cả mà. Cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được một cụ già chạy Honda ôm chở tôi về.

Honda dừng trước cửa khách sạn, tôi vừa bước xuống đã bị anh bảo vệ xua đuổi, nhưng khi nhận ra tôi là khách quen, anh ta cười bẽn lẽn và xin lỗi. Cụ già đứng ngoài chờ tôi vào Khách Sạn lấy tiền. Tôi đến bàn tiếp tân, xin chìa khoá phòng 205. Cô tiếp tân mọi ngày niềm nở với tôi lắm, bỗng dưng hôm nay cáu gắt lạ thường, cô nói và liếc nhìn tôi thật khó chịu:
– Ông tìm ai! Chủ nhân phòng 205 đi ra ngoài rồi!!
Tôi giở chiếc mũ lụp xụp ra, mùi hôi bốc lên, và mỉm cười nói với cô bé:
– Thưa cô, tôi là chủ nhân của căn phòng 205 đây!!
Cô nhìn tôi, tí nữa thì té lăn ra khỏi ghế, cô đứng bật giậy và hỏi tôi:
– Anh Thông, anh có sao không? Bị cướp giật à?!
Tôi nói cho cô biết tôi không sao, chỉ mệt mỏi và muốn lên phòng nghỉ. Cô cầm chìa khoá phòng và còn dẫn tôi lên đến tận cửa… Tôi nhờ cô lấy 50 ngàn trả cho cụ già chạy xe ôm. Tôi lao vào phòng cởi quần áo và lăn ra ngủ! Một giấc ngủ bình yên và hạnh phúc!

Lạy Chúa, không có khoảng cách nào lớn hơn giữa lòng người với người, giữa các con tim của nhân loại. Cái hố sâu ngăn cách giữa giàu sang và nghèo đói đã làm cho lòng người chai đá, làm cho con tim họ dửng dưng trước những đau khổ và bất hạnh của người khác. Xin Chúa hãy thay thế quả tim bằng đá khô cằn của chúng con bằng quả tim bằng da bằng thịt, trái tim với những vòng chảy không ngừng của những giọt máu yêu thương. Xin cho chúng con biết chia sẻ với anh em những ân huệ chúng con lãnh nhận từ Chúa, Amen.

LM Martino Nguyễn Bá Thông (nguồn: sinhvienconggiao.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây