TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cội nguồn của sự bình an

Thứ năm - 13/05/2021 03:59 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   680
Cội nguồn của sự bình an

Chúa Nhật VI – PS – C

Đức Giê-su: cội nguồn của sự bình an

Hôm nay bạn có bình an không? Hay bạn đang cảm thấy có điều gì đó bất an? Vâng, quả là một câu hỏi khó trả lời, khó là bởi, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy bất an và bất ổn, những bất an và bất ổn đến từ muôn phía. Có những bất ổn đến từ thiên nhiên như: động đất, mưa bão, sóng thần, môi trường ô nhiễm, khiến nảy sinh bệnh tật chết chóc. Có những bất an do con người gây ra, như: chiến tranh, tai nạn giao thông v.v… hỏi, kiếm đâu ra sự bình an!

Thật ra, ngay từ ngàn xưa, thế giới này, không ngày nào mà không có bất an và bất ổn. Và, lịch sử con người, có thể nói: là một lịch sử của triền miên những bất an và bất ổn.

Trong viễn cảnh đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ở đâu mới thật sự có an bình? Ở đâu mới thật sự đem đến cho ta sự bình an đích thật? Làm thế nào để tôi có sự bình an trong một thế giới đầy bất an và bất ổn?

Vâng, Kinh Thánh, và điển hình là câu chuyện về vua David, cho ta câu trả lời. Thật vậy, David là một con người cũng đã từng trải nhiều sự bất ổn trong cuộc đời mình, (sự truy sát của vua Sao-lê, và sau này đã bị chính con ruột mình là Apsalon, phản nghịch), ông ta đã để lại cho hậu thế một lời khuyên, rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi…”, thật vậy, kinh nghiệm này, không chỉ có ở David, nhưng còn có ở các vị ngôn sứ xưa kia. Chính ngôn sứ Isaia cũng đã khẳng định, rằng: Trong Thiên Chúa; “Người là Đấng Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn đời, là Chúa Bình An.” (Is 9, 5)

“Trong Thiên Chúa – Chúa Bình An”, đó là một hồng phúc Thiên Chúa ban cho con người. Ngay trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần, muôn vàn thiên binh cùng với thiên sứ đã đồng thanh cất tiếng loan báo hồng phúc đó: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Lời ca vang đó đã được Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, tiếp tục tác động qua chính cuộc sống của mình, để con người nhờ đó, có được sự bình an.

Thật vậy, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy, Ngài thật sự là “Chúa Bình An”, khi cất tiếng mời gọi mọi người, rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”. Ngài đã cho mọi người thấy mình chính là “Chúa của Bình An”, khi lớn tiếng khẳng định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x.Ga 10, 10).

Còn các môn đệ, thì sao? Vâng, họ là những người khiến cho Đức Giê-su trăn trở nhất. Là tập hợp của những con người nhiều cá tính, mạnh mẽ lẫn yếu đuối, can đảm lẫn nhát đảm, thì lại càng cần có được sự bình an.

Thế nên, trước giờ phút từ biệt, giờ phút mà Đức Giê-su sẽ “đi dọn chỗ” cho các ông, “để Ngài ở đâu, các ông cũng ở đó”. Vâng, hôm đó, Đức Giê-su, Chúa của bình an, đã thổ lô với các môn đệ, rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em”.

Mười một con người (Giuđa đã bỏ đi), “những người bé nhỏ của Đức Giê-su”, họ đã nghe rõ mồn một lời Ngài công bố: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (x.Ga 14, 27)

**

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Có thể nói, Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ một thứ bình an rất đặc biệt, đó là: “bình an của lòng thương xót”.

Thì đây, hãy nhìn xem, làm sao Đức Giê-su không thương xót được, khi tâm hồn các môn đệ lúc đó, đúng là… đúng là các ông đang “xao xuyến và sợ hãi”. “Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Và rồi đến anh cả Simon Phê-rô: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”.

Và, bốn mươi ngày, sau khi Thầy Giê-su Phục Sinh, hồng phúc “bình an của lòng thương xót” thật sự ngự trị trong con người các môn đệ.

Chuyện được ghi lại, rằng: hôm đó, Đức Giê-su đã hiện đến và nói với các ông: “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…” (x.Ga 20, 21).

Chính nhờ có sự bình an của lòng thương xót, sau này, với tác động của Thánh Thần Chúa, các tông đồ đã tỏ lòng thương xót của mình đến những người tín hữu (không phải gốc là người Do Thái), bằng một quyết định: “quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác (như cắt bì), ngoài những điều (thật) cần thiết”.

Cũng như Thầy Giê-su đã chúc bình an cho các ông. Các ông cũng đã chúc những người tín hữu của mình, lời chúc “Chúc anh em an bình” (x.Cv 15, …29).

***

Xưa, Đức Giê-su nói với các tông đồ: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Rồi đến các tông đồ nói với các tín hữu tiên khởi: “Chúc anh em an bình”.

Và, hôm nay, là các linh mục. Trong thánh lễ, trước lúc mời các tín hữu “dự tiệc chiên Thiên Chúa”, các vị chủ tế có lời chúc đến mọi người, rằng: “Bình An của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Cộng đồng tín hữu đáp: “Và ở cùng cha”.

Đức Giê-su, qua các linh mục, Ngài vẫn tiếp tục ban bình an cho chúng ta, và vẫn là một thứ bình an không theo kiểu thế gian.

Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, thế nào là sự bình an “không theo kiểu thế gian?

Phải chăng, đó chính là một sự bình an không dựa trên “sức mạnh của họng súng?” Không dựa vào “quyền lực của thế gian?” Không thỏa hiệp với bạo quyền? Không cúi đầu trước dối trá? Không quay lưng trước sự thật?

Thưa, đúng vậy. Sự bình an “không theo kiểu thế gian”, đó là đặt Đức Giê-su chính là trọng tâm của cuộc đời mình. Tại sao? Thưa, vì Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống”, là cội nguồn để có sự bình an đích thực, cho cuộc đời này.

Làm thế nào để biết tôi đã đặt Đức Giê-su chính là trọng tâm của cuộc đời mình?

Thưa, nguyên tắc căn bản, đó là: siêng năng cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, tham dự Tiệc Thánh Thể, (và cuối cùng,) thể hiện lòng thương xót với tha nhân. Bởi, bình an của Đức Giê-su ban cho ta, đó là: “bình an của lòng thương xót”.

Điển hình cho những người đã áp dụng vào “nguyên tắc căn bản” nêu trên, đó là cộng đoàn tín hữu tiên khởi. Vâng, các vị đó đã: “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Và, kết quả mỹ mãn, đã được thánh sử Luca gói gọn trong năm chữ: “được toàn dân thương mến” (x. Cv 2, 42-47)

Sẽ là sai lầm khi chúng ta cho rằng, để có được một cuộc sống bình an, cần chọn cho mình “con đường rộng rãi và thênh thang”, một con đường được mô tả là đầy cảnh đẹp, với những lạc thú, có tiếng nhạc xập xình, đủ thứ trò mua vui tiêu khiển. Thay vì nghe theo Lời Chúa (Thánh Kinh) chọn “con đường hẹp”, một con đường đầy gai góc và đá sỏi, nhiều đau khổ, nhiều hy sinh và từ bỏ v.v…

Tại sao? Thưa, bởi vì, con đường rộng rãi thênh thang, như lời Thánh Kinh nói: “thì đưa đến diệt vong”, trái lại, con đường hẹp “thì đưa đến sự sống”, tất nhiên, một sự sống an bình.

Một ví dụ điển hình về một con người đã chọn cho mình “con đường rộng rãi thênh thang”, để rồi tuyệt vọng, và cuối cùng dẫn đến cái chết.

Con người đó chính là siêu sao điện ảnh Mỹ: Marylin Monroe. Ngày 5 tháng 8 năm 1962, cô Marylin Monroe đã tự tử. Tại sao cô ta lại tự kết liễu đời mình? Phải chăng là vì cô ta nghèo túng, và không có danh vọng? Thưa không, trong bức thư tuyệt mạng, người ta chỉ thấy lời thở than của cô ta, rằng, “Tôi không tìm thấy sự bình an”. Thế đấy!

Một ví dụ khác, về một con người chọn “con đường hẹp”, nhưng cuối cùng, đã trở thành một con người bất tử và được cả thế giới ngưỡng mộ, (một con người đã làm những việc phi thường), con người đó chính là Mẹ Teresa Calcutta.

Tại sao bà ta chỉ là một con người tầm thường mà lại là người làm được những việc phi thường? Thưa, rất giản dị, bà ta đã có được sự “bình an của lòng thương xót”. Thật đáng để chúng ta noi theo.

Không có sự bình an, sẽ nảy sinh sự bất an, dễ dẫn tới bất hòa, khó ngăn cản bất đồng, điều tất yếu sẽ xảy ra, ở phạm vi lớn, đó là: chiến tranh, bạo lực. Ở phạm vi cá nhân, đó là: tình yêu, hôn nhân gia đình dễ đổ vỡ.

Vâng, xin mượn một nhận xét rất dí dỏm của một tờ báo, xuất bản vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, để kết luận, rằng: “thế kỷ 20 nhiều người giàu hơn, mập hơn, nhưng không hạnh phúc hơn”.

****

Giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi mình rằng: đã bao nhiêu năm là Ki-tô hữu: “Tôi đã thật sự bình an trong Chúa”?

Nếu chưa? Hãy tự hỏi điều gì khiến tôi không có sự bình an trong Chúa? Phải chăng là vì “tội lỗi” ngăn cản chúng ta tiếp cận với Ngài?

Vâng, có phần đúng đấy. Điển hình là nguyên tổ Adam và Eva. Ông bà, khi “nghe thấy tiếng Đức Chúa… (liền) trốn vào giữa cây cối trong vườn”, cũng chỉ vì đã phạm tội.

Rồi đến trường hợp người con của ông ta là Cain. Anh ta đã “phải trốn tránh để khỏi giáp mặt (Thiên Chúa)” cũng chỉ vì phạm tội. (x.St 4, …14).

Nếu biết rằng, chính tội lỗi đã ngăn cản chúng ta tiếp cận Thiên Chúa, thì, đừng chần chờ gì nữa, chỉ cần một động tác của tâm hồn. Vâng, một động tác như động tác của người con thứ trong dụ ngôn người cha nhân hậu, cất tiếng lên thưa với Chúa, rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha”.

Hãy nhìn xem, điều gì đã xảy ra sau lời thú tội chân thành như thế? Thưa, Đức Giê-su cho biết: “Người cha liền bảo các đầy tớ: mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (x.Lc 15, 11- 30)

Vâng, trong câu chuyện, Đức Giê-su không nói ra, nhưng chúng ta có thể tin rằng, người con thứ, sau khi có sự tái hợp mật thiết với người cha, anh ta đã có được sự bình an, “bình an của lòng thương xót”.

Cuối cùng, thưa bạn, bạn có biết người cha trong câu chuyện này, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến ai? Phải chăng là chính Ngài! Thưa, đúng vậy.

Vậy thì, có gì để chúng ta nghi ngờ rằng: Đức Giê-su chính là “Chúa của Bình An”. Là “cội nguồn của sự bình an”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây