TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy là chứng nhân

Thứ năm - 13/05/2021 04:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   605
Hãy là chứng nhân

Lễ thăng thiên

Hãy là chứng nhân về những điều này

Chúa Nhật hôm nay (08/05/2016), toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Chúa Giê-su lên trời. Giáo Hội Công Giáo tin rằng: Đức Giêsu “…Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…”

Niềm tin “Chúa Giê-su lên trời” không do Giáo Hội tự đặt ra, nhưng do chính các tông đồ truyền dạy. Thánh Luca, người được biết đến là môn đệ thánh Phao-lô, có ghi lại biến cố này như sau: Đức Giê-su “Người được cất lên ngay trước mắt các (môn đệ), và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (x.Cv 1, 9-11)

**

Thật ra, những ngày đầu, sau khi Đức Giê-su Phục Sinh, có thể nói, các môn đệ vẫn chưa nghĩ rằng, rồi đây Thầy của mình sẽ “lên trời”.

Chứng kiến tận mắt sự Phục Sinh của Ngài, với hai môn đệ trên đường về Emmau, tâm hồn họ vẫn chỉ quanh quẩn trong niềm vui “nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.

Còn mười một vị trong nhóm mười hai ư! Vâng, có thể nói, sự kiện Thầy Giê-su Phục Sinh đã đem đến cho các ông niềm vui khôn tả, với tin tưởng và hy vọng rằng, đã đến lúc “Thầy khôi phục vương quốc Israerl”.

Nhưng… không… đó không phải là điều Đức Giêsu sẽ thực hiện.

Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Nhưng, mỗi khi hiện ra với các ông, Ngài chưa một lần có những lời nói hay việc làm ngụ ý như thế. Trái lại, Đức Giêsu đã cảnh báo với các ông rằng: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt…”

Điều Đức Giêsu chú trọng đến, đó là những lời dạy dỗ và giải thích Kinh Thánh.

Thật vậy, trong lần hiện ra cuối cùng, Đức Giêsu khuyến cáo các ông rằng “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.

Không thấy tác giả Tin Mừng nói Đức Giê-su đã trích dẫn chương nào, đoạn nào trong sách Thánh Vịnh, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, chắc hẳn, Ngài đã nói đến chương 68, câu 19: “Ngài đã lên cao… ở bên cạnh CHÚA TRỜI”.

Và như thánh sử Luca cho biết, Ngài đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 44-45).

Mở trí cho các ông, để các ông biết rằng: Đức Giê-su đã Phục Sinh. Nhưng, Ngài không Phục Sinh chỉ để quanh quẩn và cùng các ông “lang thang trên đồi vắng, qua rừng sâu”, tiếp tục thi thố những phép lạ, thu phục nhân tâm, hầu khôi phục vương quốc Israel, nơi trần thế này.

Mở trí cho các ông, để các ông nhớ lại những gì Ngài đã nói với các ông, trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, trước lúc tử nạn, rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Và rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16, 7).

Và, cuối cùng, mở trí cho các ông, để các ông hiểu đến tầm quan trọng về “Đấng Bảo Trợ” mà các ông sẽ “nhận được”, đó chính là “sức mạnh của Thánh Thần khi người ngự xuống” trên các ông.

Trở lại câu chuyện Đức Giê-su lên trời. Vâng, Kinh Thánh đã chép rằng, “Đức Giê-su dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành các ông. Và khi đang chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (x.Lc 24, 50-51).

Chứng kiến tận mắt sự kiện này, câu chuyện được kể tiếp rằng, các môn đệ “trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 52).

***
Qua biến cố Đức Giê-su lên trời, thánh Phao-lô đã để lại cho chúng ta một lời chia sẻ sâu sắc, rằng: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20).

“Người” ở đây, thánh Phao-lô ngụ ý nói đến “Chúa Cha”.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để nói rằng: sẽ thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng sự lên trời của Đức Giêsu có nghĩa là “Ngài bay bổng lên không trung và các tầng mây quyện quanh thân Ngài.” – Suy nghĩ như thế là một cách suy nghĩ vô ý thức. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện.

“Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Như có lời được ghi trong Thánh Vịnh: “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.

Còn với Lm. Charles E.Miller, qua một bài giảng, đã hướng chúng ta đến “lời chỉ bảo sau hết” của Đức Giê-su, (lời chỉ bảo: chính anh em là chứng nhân về những điều này), khi ngài giảng rằng: “Ta phải nhìn nhận rằng, Chúa Giê-su đã làm tốt phần việc của Người để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Rày là đến phần chúng ta. Anh chị em phải là những người nhận trách nhiệm về sứ vụ của Giáo Hội”.

Ai… ai sẽ là “những người nhận trách nhiệm về sứ vụ của Giáo Hội?”. Thưa, không nhất thiết phải là một giáo sĩ, một giám mục hay một linh mục mới có thể nhận trách nhiệm, mà là tất cả mọi người Ki-tô hữu.

Theo tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, do Đức Gioan Phaolo II viết, thì: “Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô (x. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân”, 31).

Do ơn sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao…

Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).

“…Làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. Vâng, không nhất thiết chúng ta phải có mặt ở Phi Châu, ở Trung Đông hay một nơi nào đó trên thế giới.

Trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta.

Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống, là nhà giáo dục đầu tiên, và tất nhiên cũng là một tập hợp để hình thành Giáo Hội.

Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi có là một chứng nhân cho Đức Ki-tô, ngay trong gia đình tôi?” Mà, “làm chứng nhân” ngay trong gia đình nào có khó chi!

Vâng, chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn gắn bó với Đức Giê-su Ki-tô, với lời nguyện: “Xin Người soi lòng mở trí” như xưa “Người (đã) mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh”, để chúng ta thấy rõ “đâu là niềm hy vọng… đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú… đâu là quyền lực vô song Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (x.Ep 1, 18).

Đâu là “Niềm hy vọng… gia nghiệp vinh quang phong phú… quyền lực vô cùng lớn lao Thiên Chúa sẽ thi thố cho chúng ta?”

Thưa, rất rõ ràng, tất cả những điều đó đã được Đức Giêsu gói gọn trong một bài giảng, một bài giảng chúng ta quen gọi là “bài giảng trên núi” (x.Mt 5, 1-12).

Nói cách khác, sống một cuộc sống dựa vào những lời dạy của Đức Giêsu trong “bài giảng trên núi”, những lời truyền dạy như: “hiền lành, khao khát nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình” v.v… đó chính là một cuộc sống “chứng nhân” trong gia đình, tuyệt hảo nhất.

Hãy tưởng tượng, khi đức tính “hiền lành” hiện diện trong tâm hồn mỗi thành viên trong gia đình, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là sự “nóng giận” sẽ bị đẩy lui? Khi sự sự nóng giận bị đẩy lui, phải chăng, sẽ không dẫn đến bất hòa, khó dẫn tới bất đồng?

Cũng vậy, với tất cả thành viên trong gia đình đều có “tâm hồn trong sạch”, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là sẽ chẳng có ai sống “dâm bôn, phóng đãng”? Phải chăng sẽ không có cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”? Phải chăng là chẳng cần dùng đến “tường lửa” để chặn những trang web đen?

Có lẽ, mỗi chúng ta đều cất tiếng trả lời, rằng: “Đúng vậy”.

Vậy thì, hôm nay, sau khi mừng kính trọng thể lễ Chúa Giê-su lên trời, chúng ta đừng như các môn đệ xưa, “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi” nữa, mà hãy nhìn vào quyển Kinh Thánh, nơi có những lời truyền dạy của Ngài, (tám mối phúc thật, chẳng hạn), và tự hỏi: Tôi có là “chứng nhân về những điều (Ngài dạy)?”

Vâng, đó là lời-chỉ-bảo-sau-hết Đức Giê-su đã truyền dạy cho các tông đồ xưa, và cho chúng ta, hôm nay, rằng: “Anh em hãy là chứng nhân về những điều này”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây