TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐEM LẠI ĐÂY CHO THẦY

Chủ nhật - 09/05/2021 05:10 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   857
ĐEM LẠI ĐÂY CHO THẦY

ĐEM LẠI ĐÂY CHO THẦY

Lòng trắc ẩn nghĩa là gì? Thưa, lòng trắc ẩn là một biểu lộ của tình cảm, của lòng thương xót trước cảnh đau khổ của nhân loại. Lòng trắc ẩn biểu lộ sự quảng đại và lòng bao dung. Lòng trắc ẩn không ngần ngại cho đi một cách nhưng không. Lòng trắc ẩn không ngần ngại tận hiến. Tận hiến mạng sống mình vì người mình yêu.

Với những điều được trình bày trên, có thể nói tắt một lời, lòng trắc ẩn là tuyệt đỉnh của tình yêu thương. Một thứ tình yêu được gọi là “Agape”. Một tình yêu “vô điều kiện” mà chỉ có nơi Thiên Chúa. Như Thánh Vịnh 86,15 đã chép rằng: “Phần Ngài, muôn lạy Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín”.

Trong lịch sử của nhân loại, ai đã có thể thực hiện lòng trắc ẩn một cách tuyệt hảo? Ai đã có thể thực thi một thứ tình “Agape” một cách tuyệt đối vô điều kiện?

Xin thưa, người đó chính là Con Một Thiên Chúa.

Hơn hai mươi thế kỷ trước, Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Con người đó tên là Giêsu. Được gọi là Giêsu người Nazareth. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Đức Giêsu khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã đi khắp các thành phố, làng mạc để dạy dỗ Chân Lý Nước Trời. Rao giảng Phúc Âm Cứu Rỗi trong những hội đường (nhà thờ của người Do-Thái).

Danh tiếng của Đức Giêsu được đồn ra khắp xứ Xyri. Người ta đồn rằng, Ngài không chỉ có những lời giảng dạy đầy uy quyền, nhưng còn đầy quyền năng có thể “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”. Chính vì thế, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, lập tức dân chúng tìm mọi cách đến để đi theo Ngài. Dù có phải vất vả bằng những chuyến “bộ hành” gian nan, họ vẫn tìm kiếm Đức Giêsu.

Thật vậy, hôm ấy, dù đã biết “Đức Giêsu đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt”. Nhưng dân chúng vẫn cứ đổ xô “từ các thành đi bộ mà theo Người”. (Mt 14,13).

Phải chăng họ đến để chia buồn với Đức Giêsu về việc người anh họ của Ngài là Gioan Tẩy giả, vừa mới bị bạo chúa Hêrôđê chém đầu, chỉ vì đã ngăn cản ông ta làm một điều xấu?!

Thưa không. Không thấy Kinh Thánh mô tả chuyện dân chúng đến chia buồn. Nhưng đúng là Đức Giêsu có “nghe tin ấy”. Chính môn đệ của Gioan Tẩy giả đã “đi báo cho Đức Giêsu” (Mt 14:12) biết tin buồn này.

Chỉ vì một vũ điệu “dâm dật” của con gái bà Hêrôđia, tên bạo chúa Hêrôđê đã không ngần ngại “hành quyết” Gioan tẩy giả, một con người đã dám nói lên “chân lý và sự thật”. Ôi! một người được coi là “không có ai cao trọng hơn”, thế mà lại “dưới cơ” một cô “vũ nữ thân gầy”! Thế có đáng buồn không kia chứ!

Đang khi Hêrôđê “tít mắt” trước vũ điệu chết người đó, thì “con dân” của ông ta, với tấm thân đói ăn, đói măc, bệnh hoạn tật nguyền, đang đứng chờ Đức Giêsu bên kia Biển Hồ Tiberia.

Bản chất của Thiên Chúa là lòng trắc ẩn. Là “Agape”. Là tình yêu thương vô điều kiện. Hôm nay, bản chất đó đã được thể hiện qua Giêsu-Con-Một Thiên Chúa.

Câu chuyện được kể tiếp rằng “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương xót”. Trong ba năm loan báo Tin Mừng. Có thể nói rằng, chính hôm nay, quyền năng và lòng trắc ẩn của Đức Giêsu được thể hiện một cách trọn vẹn.

Ngày hôm ấy, khi chiều đến, các môn đệ của Đức Giêsu bắt đầu bối rối và lo lắng. Thật vậy, không lo lắng sao được; người thì quá đông mà “nơi đây hoang vắng” (Mt 14,15). Lương thực thì… than ôi! chỉ có “năm chiếc bánh và hai con cá”. Theo đúng “logic” thì nên giải tán đám đông, phần ẩm thực cho họ tự túc, nhẹ gánh nặng, Thầy và trò còn có thời gian nghỉ ngơi sau nhiều ngày mệt nhọc. Hợp lý quá đi chứ!

Nhưng không. Đức Giêsu nói: “Đem lại đây cho Thầy”. Vâng, chỉ năm chữ, nhưng nó đã làm cho một chiều hoàng hôn tím như bừng sáng lên với niềm tin và hy vọng. Từng “nút thắt” của nan đề đã được Ngài tháo gỡ một cách ngoạn mục. Từng băn khoăn lo lắng của các môn đệ đã được Đức Giêsu hóa giải.

Chỉ với năm-chiếc-bánh-và-hai-con-cá. Đức Giêsu đã thỏa mãn cơn đói cho “năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,21).

Hãy để cho trí tưởng tượng bay bổng về chốn hoang vắng năm xưa, nơi hơn năm ngàn người “ai nấy đều ăn và được no nê”. Vâng, hãy tưởng tượng rằng, họ vừa ăn vừa cất cao tiếng hát “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng lo sợ gì”.

Cũng hãy để cho trí tưởng tượng hướng về nhóm mười hai. Chắc hẳn, nhìn hơn năm ngàn người được ăn no nê, lại còn dư “mười hai giỏ bánh đầy”, các môn đệ đã cảm nhận được quyền năng của Đức Giêsu. Và chắc hẳn, giờ đây, các ông đã nhận ra “lòng trắc ẩn” của Đức Giêsu, khi Ngài nói với các ông rằng, dân chúng “không cần đi đâu cả” và hãy lấy năm chiếc bánh và hai con cá mà “đem lại đây cho Thầy”.

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Thánh sử Matthew thuật lại rằng: Đức Giêsu “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng”.(Mt 14, 19)

“Trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng”. Qua việc làm này, phải chăng, Đức Giêsu muốn nói tới vai trò của các môn đệ trong công việc cùng Ngài loan báo Tin Mừng?

Đúng vậy, người môn đệ của Đức Giêsu không có chuyện “bỏ của chạy lấy người” khi phải đối diện với những nan đề khó khăn. Người môn đệ, hay nói đúng hơn, người mục tử của Đức Giêsu không có chuyện, chỉ vì “nơi đây hoang vắng” và chỉ “có năm chiếc bánh và hai con cá” mà để chiên của mình “tản lạc không người chăn dắt”…

Người mục tử của Đức Giêsu phải là cánh tay nối dài của Ngài. Phải tiếp tục dang rộng đôi tay “Chăm sóc chiên con của Thầy”. Phải tiên phong trong việc “Chăn dắt chiên của Thầy”. (Ga 21,16-17).

Nói tắt một lời, người môn đệ phải là người cộng tác tích cực với Chúa trong chương trình cứu độ.

Vẫn biết rằng, bất cứ thời điểm nào, người môn đệ của Chúa cũng đều phải đối diện với những nan đề của thời đại. Nhưng có phải vì thế mà người môn đệ thoái thác sứ vụ của mình!

Hãy nhìn ngôn sứ Êlisa. Ngài chính là một mẫu mực cho vai trò của người mục tử. Tuy chỉ có “hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị”, nhưng nhờ tin tưởng vào Lời Thiên Chúa phán “Họ sẽ ăn và sẽ còn dư”, nên ông ta đã bảo tiểu đồng “Cứ phát cho người ta ăn”. Và quả thật “họ đã ăn và vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán” (2V 4,44).

Cũng vậy với người mục tử hôm nay, hãy tin tưởng vào Lời Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào Lời Đức Giêsu. Hãy lấy năm-chiếc-bánh-và-hai-cá… Hãy mang tất cả những nan đề của thời đại, đem lại đây cho Thầy Giêsu.

Chỉ khi mang tất cả mọi nan đề, đem-lại-đây-cho-Thầy-Giêsu. Vâng, khi đó, người mục tử mới có thể vũng tin để cất tiếng nói với Chúa rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:9).

MỘT PHÚT SUY TƯ

Thật ra, khi đã trở thành một Kitô hữu, tất cả chúng ta đều phải trở nên cánh tay nối dài của Đức Giêsu.

Hãy nhìn xem! Thế giới hôm nay, tự hào là một thế giới văn minh hiện đại. Tự hào là một thế giới có một nền kinh tế vững chắc, phồn vinh. Thế mà, đi tới bất cứ nơi đâu trên hành tinh này, vẫn còn biết bao con người “ngồi quanh đây trán in vết nhăn”. Những vết nhăn, tựa hình cái mão gai, mà khi xưa, quân dữ đã đặt lên đầu Đức Giêsu để nhạo báng.

Vâng, quả đúng là nhạo báng cho những quốc gia, tự cho mình là “con rồng… con hổ…” thế mà vẫn còn đó những “con người” nhăn vì đói ăn, nhăn vì đói mặc. nhăn vì đói tình yêu thương.
“Around the World - 25.000 people – Die of hunger – everyday”. Đây là câu kết của Video Clip có tựa đề: “Chicken a-la-carte”. Vâng, Khắp thế giới, 25.000 người chết đói mỗi ngày!

Một thông điệp đã quá cũ nhưng thiết tưởng vẫn không cũ cho những ai có “lòng trắc ẩn”…

Chúng ta sẽ động lòng trắc ẩn khi đọc thông điệp này! Chúng ta sẽ noi tấm gương “người Samari… thấy và chạnh lòng thương xót”! (Lc 10: 31-33). Hay chúng ta sẽ phớt lờ “mac-ke-no” như thầy tư tế và thầy Lêvi: “tránh qua bên kia mà đi”!

Hãi hùng thay! nếu chúng ta tự biến mình thành ông-nhà-giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazarô”!

“Chính anh em hãy cho họ ăn”. Đúng vậy, chính chúng ta chứ không ngoài ai khác. Chúng ta phải là “cánh tay nối dài của Đức Giêsu” để mà “cầm, dâng, bẻ ra và trao cho” tha nhân.

Đừng nghĩ rằng, để trở thành cánh tay nối dài của Đức Giêsu, chúng ta phải giàu có như Bill Gates. Và phải tin chắc rằng, Đức Giêsu không khuyến kích cái ý nghĩ điên rồ của cô Katie-Ann Lamb, 21 tuổi, sinh viên Đại học Newcastle. Đã cùng với mười hai nữ sinh khác, chụp những bức ảnh nude nghệ thuật cho các báo ở Anh và Australia, in thành sách ảnh, lịch để bán và chuyển tiền vào quỹ ủng hộ cho các bệnh nhân. (nguồn internet).

Hãy nhớ lại coi. Bà góa chỉ với “hai đồng bạc” dâng cúng, thế mà đã được Đức Giêsu cho rằng “đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12, 43).

Vấn đề không phải là “con số”. Nhưng vấn đề là chúng ta có cầm hai-đồng-bạc mà “đem đến cho Chúa” không ?!

Các môn đệ xưa đã cầm năm chiếc bánh và hai con cá mà “đem đến cho Thầy Giêsu”. Kết quả ra sao, chúng ta đã rõ.

Còn chúng ta hôm nay! Nếu chúng ta cũng cầm những gì, dù là nhỏ bé nhất, dù chỉ là một nụ cười, dù chỉ là một sự thứ tha, dù chỉ là một chút hy sinh, của chúng ta, mà “đem đến cho Chúa”… Hãy tin rằng, không chỉ là năm ngàn người, nhưng sẽ còn hơn thế nữa, họ sẽ được no nê.

Vâng, họ sẽ không chỉ no nê cơm bánh, mà còn no nê tình yêu thương, sự quảng đại và lòng bao dung của chúng ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây