TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đôi nét về chiều kích “Hiệp Thông”

Thứ ba - 03/10/2023 23:46 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   1324
Điều mới mẻ của Tân Ước là dám sử dụng từ “hiệp thông” cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, bởi vì, con người được thông phần bản tính Thiên Chúa (theias koinonoi physeos, x. 2 Pr 1,4).

ĐÔI NÉT VỀ CHIỀU KÍCH “HIỆP THÔNG”

tbd 041023a


Khái niệm “hiệp thông”: tiếng Latinh là “communio”, tiếng Hylạp là “koinonia”. Trong Cựu Ước, tương đương với “koinonia” tiếng Hípri là “haburah” dùng để gọi cộng đoàn các tín hữu, chứ không được áp dụng cho mối tương quan với Thiên Chúa, bởi vì, con người chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa. Điều mới mẻ của Tân Ước là dám sử dụng từ “hiệp thông” cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, bởi vì, con người được thông phần bản tính Thiên Chúa (theias koinonoi physeos, x. 2 Pr 1,4).

Hiệp thông với Đức Kitô: Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. 1Cr 1,9); chúng ta được hiệp thông với Mình và Máu của Người (x. 1Cr 10,16); và được hiệp thông với những đau khổ của Người (x. Pl 3,10), v.v…

Hiệp thông trong Thánh Thần: chúng ta được tham dự vào trong bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1,4), cộng tác vào trong cuộc loan báo Tin Mừng (x. Pl 1,5). Hiệp thông là một ân huệ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Chúa Thánh Thần là tác nhân của sự thông hiệp (x. 2Cr 13,13; Pl 2,1). Thánh Phaolô không nói hiệp thông với Thánh Thần, nhưng là, trong Thánh Thần.

Hiệp thông Ba Ngôi (Communio Trinitatis): Ý tưởng này muốn nói lên sự khác biệt và hợp nhất nơi Tam Vị Nhất Thể. Hơn thế nữa, còn có thuật ngữ tiếng Hylạp “Perichoresis” để diễn tả sự “thấm nhập” lẫn nhau, chứ không chỉ “hướng về nhau” (relatio, tương quan) mà thôi, và được dịch sang tiếng Latinh là “circuminsessio” hay “circumincessio”. Tam Vị Nhất Thể không chỉ là nguồn gốc mà còn là mẫu mực và cứu cánh của sự hiệp thông trong Hội Thánh.

Hiệp thông Thánh Thể (Communio eucharistica): Ý tưởng này dựa vào 1Cr 10,16: Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Trong ngôn ngữ bình dân, chúng ta thường hiểu “communio”, hoặc “sacra communio” là chịu lễ, hiệp lễ, rước Mình Thánh Chúa.

Hiệp thông giữa các thánh (Communio sanctorum): Cụm từ này được hiểu theo hai nghĩa: sự hiệp thông “trong những sự thánh” (Bí Tích), hay là “giữa các thánh”. Các “thánh” được hiểu về tất cả những người đã lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, như chúng ta đọc thấy trong các thư của thánh Phaolô. Trong tiếng Việt, chúng ta thường gọi là “các thánh thông công”.

Hiệp thông Hội Thánh (Communio ecclesialis): Thuật ngữ này được hiểu là sự hợp nhất trong nội bộ Hội Thánh, dựa trên tư tưởng của thánh Phaolô trong thư Êphêsô 4,4-6: Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Thuật ngữ này cũng được hiểu về sự hợp nhất giữa các Hội Thánh địa phương (communio ecclesiarum). Hiệp thông với Hội Thánh: cộng đoàn các tín hữu chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất (x. Cv 2,42-45;4,32-37), tham gia các hoạt động liên đới của cộng đồng (x. 2Cr 8,4), công tác của vị tông đồ ở các cộng đoàn khác (x. 2Cr 8,23), v.v...

Thượng Hội Đồng Giám Mục, khóa ngoại thường năm 1985 nhằm kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng Vaticanô II, đã tuyên bố rằng khái niệm “communio” là đặc trưng của Giáo Hội Học. Cuộc canh tân Giáo Hội Học trong thế kỷ XX tìm cách nêu bật chiều kích siêu nhiên và vô hình của Giáo Hội, khởi đi từ khái niệm “Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô”, được đánh dấu bởi Thông Điệp “Mystici Corporis” của Đức Giáo Hoàng Piô XII (1943).

Một khái niệm khá phổ biến vào những năm trước Công Đồng Vaticanô II là “Bí Tích”. Hiến Chế Lumen Gentium du nhập thêm hai khái niệm quan trọng là “Mầu Nhiệm” và “Dân Thiên Chúa” được đặt làm tựa đề cho hai chương đầu. Trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô I, thuật ngữ “communio” chỉ có xuất hiện 4 lần, trong khi, trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, xuất hiện đến 112 lần.

Công Đồng Vaticanô II dùng thuật ngữ “communio” theo nhiều nghĩa khác nhau: (1) “communio” là sự liên kết giữa các Kitô hữu với Đức Kitô và với nhau trong Người; (2) “communio” được dùng để ám chỉ những mối tương quan giữa các nhóm ở trong Dân Thiên Chúa; (3) Công Đồng còn sử dụng thuật ngữ “communio hierarchica”, nhất là ở chương 3 của LG, để diễn tả cơ cấu của Dân Thiên Chúa; (4) Công Đồng còn áp dụng từ “communio” trong lĩnh vực đại kết để nói về những cấp độ liên kết khác biệt: trọn vẹn hoặc chưa trọn vẹn.

Có nhiều lý do khiến Công Đồng quan tâm đặc biệt đến chiều kích “hiệp thông” (communio), ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến hai lý do chính: (1) Lý do nhân bản: con người thời đại cảm thấy cần phải gắn kết với nhau, để không bị rơi vào tình trạng cô độc do chủ nghĩa cá nhân đề xướng; (2) Lý do thần học: ý thức về sự tham gia vào đời sống Giáo Hội được gợi lên từ hình ảnh Dân Thiên Chúa: hiệp nhất trong khác biệt, hiệp nhất trong đa dạng.

Sau khi đã khảo sát sơ lược về khái niệm “hiệp thông” theo dòng lịch sử, chúng ta nhận thấy rằng: Hội Thánh Hiệp Hành mà chúng ta đang tiến tới xây dựng, phải là một Hội Thánh Hiệp Thông. Hội Thánh Hiệp Hành phải thật sự là ngôi nhà hiệp thông và là trường học hiệp thông. Đây là một thách đố lớn đối với chúng ta, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Thiên Chúa và đáp ứng những ước vọng sâu xa nhất của con người thời đại.

Chúng ta cần phải cổ võ một linh đạo hiệp thông: Một linh đạo dạy cho biết: chiêm ngắm mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh, để kín múc nguồn sức mạnh, động lực và kiểu mẫu, để rồi, chúng ta cũng có khả năng làm lan tỏa ánh sáng “hiệp thông” đó, đến những nơi tăm tối nhất, những vùng ngoại biên, nơi những con người bị gạt ra bên lề xã hội, hầu để, tất cả mọi người đều nhận ra nhau là anh chị em: có cùng một Cha trên trời, cùng hiệp thông với Đức Kitô trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, và cùng hiệp thông trong Thần Khí sáng tạo. Xin ngự đến! Lạy Thánh Thần sáng tạo! Veni Creator Spiritus!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây