TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giêsu sẽ cùng lên núi với ta

Thứ bảy - 04/03/2023 07:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1451
Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. (x.Mt 17, 2).

tbd 040323a

Chúa Nhật II – MC – A

Đức Giêsu sẽ cùng lên núi với ta

Trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, một ngày nọ, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

Đó… đó chính là sứ mạng Đức Giê-su phải chu toàn. Chính Ngài đã ba lần công bố điều này cho các môn đệ mình. Lời công bố này đã làm cho “các môn đệ buồn phiền lắm”.

Riêng tông đồ Phê-rô, khi nghe lời công bố của Thầy Giê-su, ông cho rằng làm thế nào việc này lại có thể xảy ra! “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” sao có thể bị-giết-chết!

Thế là, không một chút đắn đo, ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện đó”. Nhưng Đức Giê-su đã bảo Phê-rô rằng: “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Không thể để cho tư-tưởng-của-Phêrô loanh quanh trong mớ tư-tưởng-của-loài-người, Đức Giê-su đã “đem ông Phê-rô… đi theo mình… tới một ngọn núi cao.” Tại ngọn núi này, Đức Giê-su đã cho ông thấy trước “vinh quang của Ngài”, vinh quang mà trong tương lai ông sẽ được nhìn thấy, đó là “vinh quang của Ngài lúc sống lại từ cõi chết”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu.

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu thuật lại thì thật ra Đức Giê-su không chỉ đem ông Phê-rô mà còn có cả hai ông “Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo”.

Hôm ấy, “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”. Khi Thầy và trò đang ở trên núi, một sự kiện vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Đó là, “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. (x.Mt 17, 2).

Mô tả về sự kiện này, thánh Mác-cô cho chúng ta có một khoảnh khắc như thể Nước Trời đang hiện ra: “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.” (Mc 9, 3).

Vào những ngày đầu ra đi rao giảng Tin Mừng, một lần nọ Đức Giê-su đã nói với Nathanaen, khi ông ta gặp Ngài: “Anh em sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

Điều-lớn-lao-hơn-thế-nữa là điều gì? Thưa, đó là hơn cả việc Đức Giê-su đã thấy Nathanaen “đang ở dưới cây vả…” trước khi Philipphe gọi ông ta đến gặp Ngài.

Mà thật vậy, hôm ấy, điều-lớn-lao-hơn-thế-nữa mà Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an thấy (tiếc quá! Nathanaen không được thấy), đó là: “Các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su”.

Mô-sê và Elia đàm đạo chuyện gì với Đức Giê-su? Thánh sử Mát-thêu không ghi lại chi tiết cuộc đàm đạo. Nhưng thánh sử Luca có ghi lại rằng: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9, 31).

Vậy là đã rõ, đây mới chính là tư-tưởng-của-Thiên-Chúa. Chắc hẳn… chắc hẳn tới lúc này, ngài Phê-rô đã nhận ra sứ vụ của Thầy Giê-su là “phải lên Giê-ru-sa-lem”!

Chúng ta… chúng ta có thể tin như thế. Tin như thế là bởi, sau khi “thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a đàm đạo với Người”, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su: “Lạy Ngài chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”. (x.Mt 17, 4).

Thế nhưng, khi ông còn đang nói, thì… thì sao nhỉ? Thưa, chuyện được ghi lại, rằng: “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Đức Giê-su là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Điều này cũng đã được xác thực tại sông Gio-dan. Hôm đó, sau khi Ngài “chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên…” cũng có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (x.Mt 3, 16-17).

Vâng, hai lời phán “từ trời” rất giống nhau. Rất giống, nhưng trong sự giống đó, lại có một sự khác biệt, khác biệt ở người nghe. Trước kia, khi nghe lời phán từ trời, ông Gio-an Tẩy Giả đã trở thành một nhân chứng sống động, một nhân chứng “chứng thực rằng (Đức Giê-su) - Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (x.Ga 1, 34).

Còn hôm nay, tại ngọn núi này, ba chàng ngự lâm Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê sau khi nghe lời phán từ trời, chuyện kể rằng: “các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất”.

Hôm ấy, để xoá tan nỗi kinh hoàng của các ông, Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”. Cái chạm của Đức Giê-su đã đem các ông trở về với thực tại. Chuyện kể tiếp rằng: “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi”. Trên đường thầy và trò xuống núi, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

***
Xưa, Đức Giê-su đã đưa ông Phêrô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo Ngài lên núi. Đưa các ông lên núi, không phải để “cắm trại” như các Hướng Đạo Sinh thời nay thường tổ chức cắm trại trên núi.

Đưa các ông lên núi, để các ông nhìn thấy rõ một Giê-su, một Đức Giê-su không chỉ là “con bác thợ mộc tên là Giu-se”, nhưng còn là “Con yêu dấu của Thiên Chúa”.

“Con yêu dấu của Thiên Chúa” phải thực hiện cuộc xuất hành lên Giê-ru-sa-lem. Cuộc xuất hành lên Giê-ru-sa-lem phải được “hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”.

Nhờ lên núi, các ông đã “ngộ ra” điều này. Và các ông đã hiểu rằng, phải cuốn lều “xuống núi”, Xuống núi và vâng nghe lời Người, vác-thập-giá-mình, như lời Người đã truyền dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (x.Mt 16, 24).

Theo truyền tụng, tháng 8 năm 64, hoàng đế Nero bắt đầu bách hại Ki-tô giáo. Tông đồ Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” Chúa Giê-su đáp: “Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo. Phê-rô đã “Vâng nghe lời Người”.

Nay, Đức Giê-su cũng gọi đích danh mỗi chúng ta cùng lên núi với Ngài. Lên núi cùng Đức Giê-su hôm nay, không nhất thiết phải làm một tour du lịch, tour du lịch Đất Thánh chẳng hạn, để lên núi… ngọn núi ngày nay người ta gọi là Tabor, nơi Ngài đã biến hình năm xưa. Lên núi cùng Đức Giê-su, hôm nay đó là đến nhà thờ, là tham dự thánh lễ.

Đến nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ gặp được con người lịch sử “Mô-se và Ê-li-a” khi nghe công bố Lời Chúa phần Cựu Ước. Đến nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ được nghe tiếng phán của Thiên Chúa, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Đến nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ được nhìn thấy sự “hiển dung của Đức Giê-su” nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Nơi bàn tiệc thánh thể, chúng ta sẽ được nhìn thấy “bánh và rượu – qua lời truyền phép của linh mục chủ tế” sẽ biến thành “Mình và Máu Đức Giê-su”.

Lời Chúa (Kinh Thánh) sẽ “biến đổi” tâm hồn chúng ta. Từ một tâm hồn nặng trĩu sự hận thù, sự ganh tỵ, sự nóng giận, sự tranh chấp, sự chia rẽ, sự bè phái v.v… sẽ “biến thành” một tâm hồn hoan lạc, một tâm hồn tràn ngập tình yêu thương, sự bác ái, lòng từ tâm, sự trung tín, sự hiền hòa, sự tiết độ.

Điều này sẽ thành hiện thực, hiện thực khi chúng ta để Thiên Chúa “đặt lời Chúa trong miệng” chúng ta. (x.Gr 1, 9).

Với Bàn Tiệc Thánh Thể thì sao! Thưa, sẽ có một sự ‘biến đổi” phi thường. Đó là, thể xác chúng ta không còn phải chết, nhưng “được sống muôn đời”. Tại Caphanaum, Đức Giê-su chẳng phải là đã phán: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”, đó sao! (x.Ga 6, 54-55).

****
Vì tương lai cho sự sống đời đời, chúng ta hãy cùng Đức Giê-su “lên núi”. Đừng để mất nhiều thời gian “lên mạng”.

Nói tới “mạng” chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều xem đó như là thứ không thể thiếu cho cuộc sống hôm nay. Đúng, không thể thiếu. Nhưng coi chừng, vì nó có thể được ví như là con dao hai lưỡi.

Mà, thật là vậy. Những ngày gần đây, cụ thể là “hồi tháng 11/2022, sự ra mắt của chương trình trò chuyện trực tuyến trí tuệ nhân tạo (AI) có tên ChatGPT đã gây chấn động thế giới. Chương trình này ‘thông minh’ đến mức nó đưa ra những phản ứng giống con người một cách đáng sợ và dường như có rất ít sai sót so với các phiên bản trước.

Mọi người không chỉ xem công cụ này như một người bầu bạn mà còn bắt đầu sử dụng công nghệ AI này cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như hoàn thành bài tập về nhà, tạo ra những bức ảnh ngoài sức tưởng tượng, làm thơ, v.v…

(Người viết nghe nói, có một luật sư đã sử dụng ChatGPT để h trợ cho việc bào chữa phạm nhân).

Sử dụng ChatGPT giống như truy cập vào bộ não của một siêu máy điện toán, khiến công nghệ này trở nên hấp dẫn và thú vị nhưng cũng hơi đáng sợ và mang tính đe dọa.

Năm 2014, ông Elon Musk đã cảnh báo rằng với AI, “chúng ta đang triệu hồi quỷ dữ…” (nguồn: internet).

Có rất nhiều điều để nói về chuyện “lên mạng”, nhưng người viết xin phép dừng ở đây. Dừng ở đây với lời cảnh báo (nêu trên) của ông Elon Musk và tự hỏi: có thật như thế không? Nếu thật, thì quả là một điều đáng sợ.

Mà, sợ thật đấy! Lm. Lê Đình Phương CSrS, trong một bài giảng, khi nói tới ChatGPT, cũng có lời khuyến cáo: “Trí khôn nhân tạo là điều hứa hẹn cho tương lai nhân loại, nhưng cũng đồng thời là một sự đe dọa khủng khiếp.”

Rất khủng khiếp, khi “các Linh mục không cần soạn bài giảng nữa, và nếu như vậy cũng chẳng cần các Linh mục nữa”. Vâng, ngài Lm. Lê Đình Phương đã có lời chia sẻ như thế, trong bài giảng của mình. Ghê quá! phải không, thưa quý vị?

Thôi, chúng ta hãy dành thêm ít phút nữa trở lại câu chuyện Đức Giê-su cùng ba môn đệ lên núi. Theo trình thuật của thánh Luca, chúng ta được biết, trong lúc Mô-sê và Ê-li-a đàm đạo với Đức Giê-su, thì “ông Phê-rô và đồng bạn ngủ mê mệt…” (Lc 9, 32).

Nhắc đến sự kiện này để làm gì? Thưa, để khuyến cáo với chúng ta, rằng hôm nay, dù chúng ta có “lên núi” cùng Đức Giê-su, dù chúng ta có đến nhà thờ, có đọc Kinh Thánh, có tham dự Tiệc Thánh Thể, nhưng rất có thể chúng ta vẫn cứ “mê mệt” trước những quyến rũ của satan, trước những nền văn minh của thế gian, những nền văn minh tưởng chừng như sẽ “làm cho danh (chúng ta) lẫy lừng”. Và, đó mới chính là sự khủng khiếp chúng ta sẽ phải đối diện.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng, chẳng có nền văn minh nào ở thế gian này lẫy lừng mãi mãi. Rome như một điển hình. Là một đế quốc hùng mạnh với một nền văn minh rực rỡ, thế mà Rome đã sụp đổ vào thế kỷ thứ V.

Chẳng có nền văn minh nào ở thế gian này cho chúng ta sự sống đời đời. Chỉ có “vinh quang của Đức Giê-su”, một Đức Giê-su hoàn thành cuộc khổ nạn ở Golgotha mới có thể cho chúng ta sự sống đời đời.

Do vậy, chúng ta hãy cùng Đức Giê-su lên núi. Vâng, chắc chắn Đức Giê-su sẽ cùng lên núi với chúng ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây