TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng lên án

Thứ sáu - 14/05/2021 05:18 | Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện |   623
Nếu bạn chỉ tay vào người khác thì 3 ngón còn lại chỉ thẳng vào bạn. Nếu bạn không kiêu ngạo thì không khó chịu vì sự kiêu ngạo của người khác.
Đừng lên án

ĐỪNG LÊN ÁN ĐỂ KHỎI BỊ LÊN ÁN

Trong năm 2014, Đức Phanxicô có bài nói chuyện liệt kê 14 căn bệnh của giáo triều Roma rất nổi tiếng. Ngài còn nói thêm: Đó cũng là những căn bệnh và cám dỗ của mọi Kitô hữu. Tôi muốn nói một chút về căn bệnh có lẽ là phổ biến nhất của người giáo dân là việc lên án anh em và bàn chuyện bề trên.

Nếu bạn chỉ tay vào người khác thì 3 ngón còn lại chỉ thẳng vào bạn. Nếu bạn không kiêu ngạo thì không khó chịu vì sự kiêu ngạo của người khác. Bạn bực mình vì không chừa được một thói xấu nào đó, nên khi thấy người khác cũng giống bạn thì bạn mạnh mẽ lên án họ, để che lấp đi cái xấu của mình. Nếu bạn không ích kỷ thì không khó chịu vì sự ích kỷ của người khác. Nếu bạn thường chê cha xứ giảng không hay hoặc nói không đúng thì bạn đang ghen tị với ngài vể sự kính trọng và bạn muốn khoe tài nghệ của bạn, muốn chứng tỏ mình cũng là một ‘nhân vật, someone’. Tật nói xấu và lên án người khác là tấm gương phản chiếu của chính nội tâm bạn, tựa như trò chơi xấu đã bị lật tẩy vậy.

Khi bạn nói xấu ai, bạn tự dựng nên một bức tường ngăn cách giữa 2 người. Càng nói xấu người khác, bạn càng thấy cô đơn. Người nói xấu người khác là tự làm mất giá trị và nhân cách của chính mình, vài người hay nịnh hót kẻ có mặt, thì cũng hay chê bai khi vắng mặt người.

Lời Chúa nói: “Đừng lên án để khỏi bị lên án. Các ngươi đong bằng đấu nào thì sẽ bị đong lại bằng đấu ấy”.

Tôi nhớ lại một vài câu chuyện: Lúc đương thời Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực không khoe mình và cũng chẳng nặng lời kết án ai, đúng là bậc vĩ nhân; vua Đavit lúc bị con mình là Absalon truy đuổi, có một thường dân xỉ vả nhà vua thậm tệ, các cận vệ xin vua cho giết quách đứa lộng ngôn đó, nhưng nhà vua bảo: “Chính Chúa sai nó nói những lời đó”. Nhà vua nuốt nỗi nhục vào lòng như cơ hội đền tội. Cha Phaolô Nguyễn Công Minh vẫn thường nói: sắc đẹp thì mau qua, danh vọng thì hão huyền.

Biết bao nhiêu vị thánh, lúc đương thời, đã phải chịu tiếng oan rất xấu xa và thậm chí là bị giam lỏng. Các vị đó không đánh mất sự bình an, đã vui lòng chấp nhận tiếng xấu như cơ hội thanh luyện bản thân và chìm sâu trong cầu nguyện. Đan cử là Thánh Vianey và Thánh Pio được in 5 dấu. Thánh Vianey bị các linh mục viết đơn tố cáo lên bề trên về sự kém cỏi thần học mà dám giải tội cho đủ hạng người, còn cha Thánh Piô thì đã nhiều lần bị bề trên cấm tiếp xúc với giáo dân. Chính Chúa Giêsu, dầu là Con Thiên Chúa, còn bị vu cáo là quỷ ám và lộng ngôn đáng ‘đóng đinh vào thập giá’. Thế thì bạn và tôi là ai mà đáng cho người đời kính trọng!

Ấy vậy mà ta thường khó chịu và mất an bình khi bị ai đó chê, chửi và coi thường; ta thường nóng nảy phát biểu những lời thiếu khôn ngoan, vì lúc đó cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu. Đó là vì tự ái của ta còn quá lớn và ta chưa học bài học khiêm nhường và hiền từ của Chúa Giêsu: Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã bỏ cõi trời, mặc phận hèn nhân loại như chúng ta mọi đàng, Ngài sống nghèo và vô danh, Ngài đã chết cô đơn và đớn đau như một tên tội phạm… vì tội nhân loại. Khi bị nói xấu, hãy sống thế nào để không ai tin vào lời nói xấu đó.

Xin Chúa đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Xin cho chúng con vui lòng chịu mọi sự sỉ nhục vì lòng yêu Chúa và như một cơ hội học đức khiêm nhường là nền tảng các nhân đức, vì như Đức Phanxicô nói: ‘người ta không thể học được đức khiêm nhường nếu không bị sỉ nhục’. Hãy luôn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài giúp bạn biết gìn giữ miệng lưỡi: không nóng giận, không khoe khoang và không nói xấu.

Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây