TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mùa Vọng: Mùa Tỉnh Thức và Cầu Nguyện

Thứ sáu - 14/05/2021 05:48 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   1074
Trong cuộc sống chúng ta nhận ra rằng, mùa xuân là mùa khởi đầu một năm mới, vì sắc xuân mang lại sắc thái vui tươi, sự tái sinh cho thiên nhiên và con người.

Mùa Vọng: Mùa Tỉnh Thức và Cầu Nguyện


Trong cuộc sống chúng ta nhận ra rằng, mùa xuân là mùa khởi đầu một năm mới, vì sắc xuân mang lại sắc thái vui tươi, sự tái sinh cho thiên nhiên và con người. Riêng với Mẹ Giáo Hội: Mùa vọng là Mùa xuân khởi đầu một năm phụng vụ mới. Tuy rằng, bầu khí mùa vọng tràn trề sắc tím trong sự chờ đợi, nhưng màu tím này không buồn thảm, mà ngược lại là chứa chan hy vọng, vì nỗi mong chờ là niềm hy vọng. Nhưng khác với bao cuộc chờ đợi trong cuộc đời, niềm mong chờ của mùa vọng nhắc nhớ chúng ta ý thức thêm về một sự thay đổi trong đời sống thiêng liêng. Vì thế, Giáo Hội dành cho chúng ta một khoảng thời gian để nhìn nhận lại chính bản thân và chuẩn bị tâm hồn đón chào Con Thiên Chúa ra đời giữa lòng nhân loại. Nhưng dường như, đôi lúc chúng ta quá chú trọng đến hình thức bên ngoài mà bỏ quên những yếu tố nội tâm. Chúng ta chỉ ngồi suy nghĩ viễn vông  hơn là việc dọn lòng sao cho xứng hợp để đón Chúa đến.

Trong mùa vọng này, Giáo hội hướng chúng ta đến ba chiều kích của mầu nhiệm nhập thể: thứ nhất là chiều kích quá khứ: Biến cố Con Thiên Chúa làm người, Chiều kích này nhắc nhớ ta về điều gì? Thứ hai là chiều kích hiện tại: Chúa đang đến với chúng ta mỗi ngày, ta đã có thái độ như thế nào khi Chúa đến với ta? Sau cùng là chiều kích tương lai: niềm mong chờ Chúa quang lâm, chúng ta phải cần chuẩn bị những hành trang nào để đợi Chúa đến lần thứ hai?

Ngày hôm nay, có lẽ chúng ta đang khao khát nhiều thứ: khao khát chân lý trong một thế gian còn nhiều giả dối; khao khát sự công bằng trong một xã hội đầy bất công; khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều hận thù; khao khát hạnh phúc trong hoàn cảnh sống bất hạnh; khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi nan, v.v... Tất cả những khao khát đó chỉ là khát vọng vươn tới hạnh phúc. Có một sự bất hạnh vô cùng mà chúng ta cảm nghiệm được khi nhắm mắt xuôi tay, đó là sự đau khổ do tội lỗi. Vì thế, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô – Đấng Cứu Thế muôn đời, Ngài đến để giải thoát chúng ta. Mùa vọng mời gọi chúng ta hãy sống lại tâm tình “mong chờ” mãnh liệt như người Do Thái xưa. Đó là sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến đem họ ra khỏi nỗi thống khổ. Cũng thế, mùa vọng cũng hướng chúng ta nhìn nhận lại lối sống cũ, để thay đổi đời sống hiện tại nên xứng hơn với ơn cứu độ đã được khấn ban nơi Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có ý thức về điều này không? Đây chính là lúc mỗi người tự đối diện với chính mình.

Chúa Giêsu thực sự hiện diện giữa lòng nhân loại. Ngài đến với tất cả mọi người, trong tâm hồn và trong chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta: "Ai yêu mến Ta, thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ cư ngụ trong người ấy", (Ga 14, 23). Nhiều lúc có lẽ chúng ta cũng tự hỏi bản thân: “Tôi đâu có thấy Chúa đến với tôi bao giờ đâu?” Không phải như vậy, Ngài đã đến với chúng ta qua hình ảnh của những người khốn khổ, bé mọn: một thai nhi trong lòng mà ta vô tâm giết bỏ, như những đứa con dị tật ta hất hủi hay người cha người mẹ già yếu mà ta bỏ rơi… Ngài khao khát tình thương, nhưng chính vì vô cảm mà chúng ta vô tình khước từ Ngài ra khỏi trái tim mình.

Một khía cạnh khác trong cuộc sống hiện tại, Chúa đang đến để mang ơn cứu độ và bình an từ trời xuống trên mỗi người, qua Mẹ Giáo Hội, qua các Bí Tích và đặc biệt qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Nếu bấy lâu nay, chúng ta chỉ biết mãi mê chạy theo lối sống 3T “Tiền- Tài -Tình” của thế gian, mà làm cho lòng chúng ta chai đá, không còn nhận ra và không còn kết hiệp với Chúa trong mối dây thân tình, thì ngay mùa vọng này, chúng ta hãy trỡ về với Chúa, kết hiệp lại với Ngài, kín múc sự bình an phát xuất từ lòng thương xót vô biên của Ngài.

Mùa vọng nào cũng vang câu điệp khúc 
Hãy dọn đường cho Chúa đến viếng thăm
Mà lòng con cứ chìm trong bể đục
Đam mê đời dẫn bước về xa xăm.

                                                            (Hương Nam)

Cuộc đời con người là một cuộc lữ hành tiến về quê hương nước trời. Trên con đường này, những thách đố, cám dỗ từ tiền tài, vật chất danh vọng, quyền lực và dục vọng khiến lòng người nhiều lúc rối ren. Cho nên không ít thì nhiều, con người đã từng lỗi lầm với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân. Vì thế, con người luôn được mời gọi sám hối, quay về giao hòa với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính mình. Trong mùa vọng, chúng ta còn được mời gọi “hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3, 4-5). Vì thế, đừng ngủ mê và mê ngủ trong lối sống cũ; ngay lúc này chúng ta hãy uốn cho ngay những con đường gập ghềnh trong nhận thức, loại bỏ những đam mê, dục vọng, khiến chúng ta sa lạc và làm nô lệ cho tội lỗi. Tội lỗi làm tâm trí ta trở nên đen tối không còn khả năng nhận diện và gặp gỡ Chúa. Vì thế, chúng ta hãy “thanh tẩy” suy nghĩ, lối sống của chúng ta cho hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng; đó là hành động cần phải làm trước khi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chóp đỉnh của mùa vọng chính là mong chờ Chúa Giêsu đến lần thứ hai, ngày cánh chung của toàn nhân loại. Thời gian của ân sủng và của lòng thương xót mà Thiên Chua ban cho con người để họ thực hiện cuộc đời trần thế, hầu quyết định số phận của mình đã hết. Ngài đến để xét xử, muôn dân sẽ được diện kiến trước tôn nhan Ngài và chịu phán xét. Điều này làm cho chúng ta rất đổi hoang mang và lo sợ, vì ngày Chúa đến thật bất ngờ “chính lúc anh em không ngờ thì con người sẽ đến”(Mt 24, 44), Người sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm. Nói vậy không phải Chúa đang thách thức chúng ta, cũng không lợi dụng lúc chúng ta lơ là thì Ngài đến, nhưng Ngài chỉ nhắc nhở: “hãy luôn tỉnh thức, đừng miệt mài trong cõi đời tạm này mà quên cõi phúc trường sinh, đừng mãi mê thú vui trần gian mà đánh rơi hạnh phúc nước trời”. Chúa đến bất ngờ là một biến cố vui mừng vì niềm vui luôn có mặt trong sự bất ngờ, và chỉ bất hạnh cho những ai không khôn ngoan, không tỉnh thức và không trung thành với bổn phận. Ngược lại, những ai tỉnh thức và trung thành thì việc Chúa đến bất ngờ là một bất ngờ thú vị. Chẳng có ai biết được Chúa đến khi nào, và với ai, nhưng chắc chắn rằng Chúa sẽ đến. Tương tự như vậy, chẳng ai biết chính xác giờ chết của mình lúc nào, nhưng điều chắc chắn là giờ ấy sẽ đến. Một điều nguy hiểm của những người đang chờ đợi là nghĩ rằng mình đang còn nhiều thời giờ, nhưng thực tế đã không còn thời gian nữa. Bên cạnh đó, sự chờ đợi kéo dài, làm cho con người thêm ảo tưởng là Chúa không đến, nhưng có thể đây là khoảng thời gian chờ đợi của Ngài, vì xót thương nên Ngài đang cho chúng ta thêm một thời gian, để mỗi người biết sửa đổi nên hoàn thiện hơn: “xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi" (Lc 13, 8-9). Vậy nên, chúng ta cần phải canh tân, đổi mới đời sống của mình.

Một trong những cách thức canh tân thật lòng và ý nghĩa nhất là hãy mở rộng tấm lòng mình ra để biết cho đi, biết yêu và thương cảm những người bất hạnh, đến nâng đỡ họ như đến cùng Chúa, và rồi nối lại tình liên đới giữa con người với con người. Cho đi cũng là phương thế dứt bỏ những nhỏ nhen, ích kỷ, và kiêu ngạo, làm cho căn phòng tâm hồn chúng ta thêm gọn gàng, rộng rãi, để khi Chúa đến Ngài có thể ở lại với chúng ta. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần học cách không lệ thuộc vào thế gian và hãy sống hướng về ngày Chúa đến, khi sống hướng về ngày Chúa đến đòi buộc  chúng ta phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào, đồng thời cũng “hãy sống với Chúa trong từng giây phút hiện tại” (Đường hy vọng - Đức Fx. Nguyễn Văn Thuận), để những khuôn khổ được thiết lập và cũng cố. Khi xưa Chúa đã nói “anh em không biết khi nào chủ nhà về” (Mc 13, 35), chắc chắn Ngài sẽ đến trong giờ chúng ta không ngờ, nếu sống tốt thì Ngài đến để dẫn đưa chúng ta đến một cuộc sống đẹp hơn và tốt hơn. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng sống theo tình thần của mùa vọng, để đón Chúa đến trong cuộc đời của chúng ta.

 

Ứng Sinh Chủng viện Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh - Bmt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây