TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm C

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. (Ga 8, 1-11)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng ném đá - đừng phạm tội

Chủ nhật - 06/04/2025 06:02 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   62
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nói xong “Người lại cúi xuống viết trên đất.” (x.Ga 8, 7-8).

Chúa Nhật – V – MC – C
Đừng ném đá - đừng phạm tội

tbd 060425a


Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương chúng ta vì thế Chúa sinh ra. Chúa thương chúng ta vì Chúa muốn thương ta, vì Thánh ý của Ngài là luôn luôn thương ta.”

Vâng, những dòng chữ trên đây là điệp khúc của bài thánh ca có tựa đề: “Chúa thương chúng ta”, tác giả là Lm. Thành Tâm. Có thể nói, mỗi khi bài thánh ca này được hát lên, nó đã làm cho biết bao trái tim người nghe phải thổn thức.

Không thổn thức sao được, khi “Ca đoàn Cecilia - Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn” đồng thanh cất tiếng hát: “Ðâu phải ta ngoan mà Thiên Chúa mến thương ta, đâu phải ta hay để Ngài thương ta, nhưng do nơi lòng hay thương xót của Ngài, ngàn đời thời gian không xóa.”

Đúng vậy. Sách Thánh Vịnh cũng có lời chép rằng: “CHÚA là ĐẤNG từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm”. (Tv 102, 8-10).

Đó là chân lý ngàn đời. Và, chân lý ngàn đời này đã được Đức Giê-su tái khẳng định trong những ngày Ngài còn tại thế. Chân lý ngàn đời này, có khi được Đức Giê-su diễn đạt bằng dụ ngôn. Và, có lúc được thể hiện bằng chính con người thật của mình.

Nói về dụ ngôn, chúng ta biết rồi, đó là dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Còn về chuyện chính Đức Giê-su thể hiện ư! Thưa, đó là câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình”. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 8, 1-11).
 
**
Chuyện được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: Hôm ấy, “Vừa tảng sáng, Đức Giê-su trở lại Đền Thờ”. Biết Đức Giê-su trở lại, “toàn dân đến với Người”. Và, như một thông lệ, “Người ngồi xuống giảng dạy họ”.

Đức Giê-su đã giảng điều gì? Thưa, thánh Gio-an không nói đến. Điều ngài thánh sử đề cập đến, đó là: cùng lúc đó “các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.” (Ga 8, 3).

Và rồi, ngay lập tức, một vòng tròn đồng tâm khép kín được thiết lập bằng một nhóm đông người. Đó là những ông kinh sư và Pha-ri-sêu, là những kẻ hiếu kỳ, là những người thích lên án người khác, với những “ánh mắt cuồng căm”. Người phụ nữ bị đẩy ra “đứng ở giữa”.

Khi mọi sự đâu vào đấy, họ lớn tiếng nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Thầy nghĩ sao ư! Vâng, đây là một câu hỏi rất khó xử cho Đức Giê-su.

Khó xử thứ nhất, đó là, nếu Đức Giê-su lên án theo đúng luật Mô-se, Ngài sẽ bị cho là qua mặt chính quyền Roma. Israel vào thời của Đức Giêsu thuộc quyền bảo hộ của đế quốc La Mã. Phán quyết về mạng sống của một người, không thuộc thẩm quyền của bất cứ một người công dân nào trong xã hội thuộc địa Do Thái. Thẩm quyền đó, thuộc về nhà nước bảo hộ La Mã.

Khó xử thứ hai, nếu đồng ý lên án, Đức Giêsu sẽ tự tạo ra những mâu thuẫn, mâu thuẫn về những gì Ngài đã giảng dạy, như Ngài đã từng dạy, rằng: “anh em đừng xét đoán nhau… anh em hãy tha thứ”, và quan trọng hơn, đó là mất đi hình ảnh một con người “hiền lành và khiêm nhường”.

Còn nếu không lên án, thì sao! Trong trường hợp này, Đức Giê-su sẽ bị cho là dám chống lại bộ luật của Mô-se, bộ luật đã được lưu hành trong xã hội Do Thái từ khoảng năm 1250 trước Công Nguyên.

Nói tắt một lời, một câu hỏi như thế, nói theo cách nói của dân chơi “domino”, quả đúng là họ đã tạo ra một thế cờ triệt buộc, mà Đức Giê-su lại là người đang cầm con “bò trống” mười ba điểm, thua chắc!

Thì đây, thánh sử Gio-an cho biết: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6) Và, đó là lý do, hôm ấy. “Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.”

Đức Giê-su viết gì, thánh sử Gio-an không đề cập đến. Có người đoán Ngài viết ra tội của những người tố cáo người đàn bà ngoại tình. Cũng có thể Đức Giê-su chỉ vẽ nguệch ngoạc để chờ đợi phản ứng của đám đông vây quanh, chăng!

Trở lại câu chuyện. Hôm ấy, “vì họ cứ hỏi mãi”, nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nói xong “Người lại cúi xuống viết trên đất.” (x.Ga 8, 7-8).

Sau lời tuyên bố của Đức Giê-su, những tiếng gầm gừ, những tiếng hò, tiếng hét, tiếng y uông… tắt lịm. Quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu cùng với những kẻ hiếu kỳ, những kẻ thích lên án người khác “bỏ đi hết”.

Vâng, họ bỏ đi hết. Rất… rất trật tự “kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Bình luận về sự kiện này, cha Giuse Nguyễn Hữu An có lời, rằng: “Vì càng lớn tuổi càng có bề dày cuộc sống, càng dễ nhận ra bề dày tội lỗi (của mình)”. Có thể lắm chứ! Phải không, thưa quý vị!

Trở lại tòa án… cứ gọi là vậy đi… “Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su , và người phụ nữ thì (vẫn) đứng ở giữa”. Người phụ nữ đang chờ một bản án cho mình. Đức Giê-su là người duy nhất có quyền xét xử cô, thế nhưng Ngài không nói gì. Ngón tay Ngài vẫn viết trên đất.

Và rồi, sự thinh lặng bị phá vỡ. Phá vỡ bởi tiếng nói nhẹ nhàng của Đức Giê-su: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người phụ nữ ngập ngừng đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”

Sự thinh lặng, một lần nữa, lại bao trùm, tim người phụ nữ như ngừng đập, chị ta nín thở chờ đợi lời phán quyết của Đức Giê-su.
“Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!”. Đức Giê-su đã phán quyết rất rõ ràng như thế. Kèm theo đó, là một lời khuyên dạy: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

“Chúa là người duy nhất có quyền làm việc đó (lên án) nhưng Ngài không làm. Ngài bày tỏ một tình yêu vô điều kiện, chấp nhận vô điều kiện. Ngài là Đấng thánh khiết, Đấng ghét tội lỗi, nhưng Ngài lại yêu tội nhân, yêu bạn và tôi, yêu những con người lầm lạc. Chúa đến để cứu chúng ta ra khỏi tội.

Ngài không chỉ nói Ta không định tội cô, nếu Ngài chỉ nói vậy thì ngày mai dễ lắm, cô lại phạm tội và rồi một ngày nào đó, lại bị bắt. Nhưng nếu Ngài chỉ kết tội cô như những công tố viên kia thì cũng không thể làm cô thay đổi được. Ngài tha thứ cho cô và ban cho cô một giải pháp, một định hướng cho cuộc đời mới của mình”.

Cô “Debbie Thủy” một người tin Chúa, có lời chia sẻ như thế, một lời chia sẻ nói lên niềm tin của mình, rằng: “(Thiên Chúa) không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

***
Câu chuyện này đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Xảy ra hơn hai ngàn năm, nhưng không vì thế mà nó không còn tính thời sự đối với chúng ta, hôm nay.

Đúng, còn-tính-thời-sự. Và, đó là lý do, nhạc sĩ Song Ngọc, qua nhạc phẩm “Chuyện Người Đàn Bà Hai Ngàn Năm Trước”, đã buồn bã thốt lên, rằng: “Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước. Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên”.

Thật vậy, đống-đá-còn-nguyên và rất dễ để chúng ta cầm lên ném ai đó. Chỉ cần một “cú nhấp chuột”, chúng ta có thể ném từ Việt Nam qua tận Mỹ Quốc. Thậm chí, cùng một lúc, chúng ta ném ra toàn thế giới.

Rất có thể, có những lúc, chúng ta “ném đá” một ai đó trên net, chỉ vì, “cái mặt con nhỏ đó dễ ghét quá đi!”. Rất có thể, vào một lúc nào đó, chỉ vì ganh tỵ, chúng ta sẵn sàng “ném đá” một ai đó bằng lời nói thâm độc, bằng cử chỉ tẩy chay, bằng sự gây chia rẽ, bè phái v.v…

Điều đáng buồn, rất đáng buồn là trong Giáo Hội ngày nay, giữa “Cha và con” lại xảy ra chuyện ném đá nhau chí tử. Nhiều lắm! Đau lòng lắm! Ai đúng ai sai, chúng ta không biết.

Nhưng có một điều chắc chắn, Chúa Giê-su biết. Và Ngài sẽ nói với tất cả những ai muốn cầm đá ném vào nhau, rằng: “Ai trong các con sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Đừng quên, Đức Giê-su đã có lời dạy rằng: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?”

Chúng ta… chúng ta nghĩ sao về lời khuyến cáo này! Có nên lấy “cái xà” trong con mắt của mình ra, trước khi lấy “cái rác” trong con mắt của người anh em!

Chắc nên là vậy! Thế nên, thật phải đạo, sau khi nghiền ngẫm câu chuyện này, chúng ta nên là người “bỏ đi”, đi thật xa khỏi những đống đá bẩn thỉu, những đống đá gây ra sự hận thù, sự ganh tỵ, sự tranh chấp v.v… ngõ hầu tránh khỏi một cuộc phán xét nghiệt ngã của chính Thiên Chúa, trong ngày sau hết. 

Đừng ném đá! “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Thiên Chúa…”, thánh Phao-lô đã có lời khuyến cáo như thế với cộng đoàn tín hữu tại Rô-ma. Tất nhiên, cũng là cho chúng ta, hôm nay.

Thế nên, điều tiếp theo của chúng ta là… là “từ nay đừng phạm tội”, nữa!

Vâng, hãy ghi khắc trong con tim mình lời Đức Giê-su truyền dạy, một lời truyền dạy, tuy hai-mà-một, tuy một-mà-hai, đó là: “Đừng ném đá - đừng phạm tội.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây