TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hái lộc đầu năm

Chủ nhật - 09/05/2021 00:17 |   811
Hái lộc đầu năm

HÁI LỘC ĐẦU NĂM

Hái lộc đầu năm, một nét văn hóa đã có tự rất lâu đời. Hái lộc ngày xuân được coi là một trong những phong tục, tập quán ngày Tết ở Việt Nam. Vào lúc giao thừa và trong ngày đầu năm, người ta thường đến đình chùa, miếu mão hái lộc xuân để xin lộc, xin ơn, cầu phúc, cầu tài cho năm mới.

Lộc là nhánh cây non, như người ta thường nói: cây nẩy lộc. Lộc cũng có nghĩa là bổng lộc, phúc lộc của trời, của thiên nhiên ban tặng.

Tương truyền: Ngày xưa, xưa lắm rồi, người ta phát hiện mỗi năm sau một mùa đông lạnh kéo dài, hoa Đào và hoa Mai bắt đầu nở rộ mỗi độ xuân về. Đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi dẹp xong giặc ngoại xâm, vua có ý định truyền ngôi cho con. Hôm ấy, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”. Lang Liêu, con trai thứ 18, suy tư không biết phải dâng lên vua cha lễ vật gì cho có ý nghĩa, chàng thẩn thơ bẻ một cành đào mang về nhà. Trong đêm ấy, Bụt hiện ra báo cho chàng cách làm bánh chưng, bánh dầy làm lễ vật tiến vua. Tỉnh giấc, nhìn thấy cành đào đã nở rộ, cho là điềm lành, chàng quyết tâm làm theo lời bụt dạy và đã được vua cha ban thưởng.

Có lẽ tục lệ Hái lộc đầu năm và văn hóa ẩm thực: Bánh chưng, bánh dầy cho ngày tết bắt nguồn từ đây chăng?!

Ngày nay, khi phút Giao thừa đã điểm, người ta còn tổ chức nhiều cuộc hái lộc cách rầm rộ, dẫn đến chỗ quá đà, gây ra sự phá hoại môi sinh ở các nơi, như trường hợp lễ hội Hoa Anh Đào ở Hà Nội mấy năm trước đây. Xưa kia, vào thời nhà Lý, năm 1126, vua Lý Nhân Tông đã phải xuống chiếu cấm không được chặt cây, hái lộc.

Từ khoảng đầu thập niên 1980, sau thánh lễ Mồng một Tết Nguyên Đán, nhiều nhà thờ Công giáo tổ chức hái lộc Lời Chúa như một kiểu hội nhập văn hóa mới. Những câu Lời Chúa trích từ Kinh Thánh, được in offset rất đẹp, cuộn tròn lại treo trên cành mai hay cành đào đặt trang trọng tại gian cung thánh. Sau thánh lễ Minh niên, mỗi người lên hái một cuộn, như là hái lộc Lời Chúa, thầm cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình và người thân.

Lộc Thánh Lời Chúa đã biến đổi ý nghĩa của việc hái lộc đầu năm thành việc làm có giá trị cho đời sống tâm linh. Trong năm mới, cả gia đình sẽ cố gắng sống theo câu Kinh thánh từ lộc Lời Chúa mà mình “hái” được. Khi hái lộc Lời Chúa, người Công giáo không nhằm cầu may hay để tìm tương lai hậu vận… nhưng là chọn cho mình một lời răn dạy của Chúa để cả gia đình thực hành suốt trong năm. Bởi vì Lời Người “là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho ta đi” (x. Tv 118, 105); “Lời Chúa là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu” (Mc 17).

Xin Chúa cho chúng con nhận biết Thánh ý Chúa qua việc hái lộc Lời Chúa đầu xuân, để Lời Chúa trở thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, và là nguồn sinh lực tinh tuyền cho đời sống chúng con. Amen

Đinh Viết Cường (GX. Phúc Lộc)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây