TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tết Tân Mão, tản mạn chuyện Mèo

Thứ bảy - 08/05/2021 23:22 |   689
Tết Tân Mão, tản mạn chuyện Mèo

Tết Tân Mão, tản mạn chuyện Mèo

Canh Dần qua, Tân Mão tới. Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Mèo chỉ có trong 12 con giáp của Việt Nam. Trong khi đó “nhân vật” thứ tư này đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn độ, Thái Lan lại là… thỏ.

Nhiều quan niệm khác nhau về mèo.

Người Trung Quốc tin rằng con mèo là sứ giả của điềm lành. Nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, người ta còn mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng. Người Campuchia thường dùng mèo như vật dâng cúng trong các lễ hội cầu mưa. Ở Nhật Bản, mèo là con vật báo điềm dữ. Người Nhật tin rằng mèo có khả năng giết chết đàn bà và nhập hồn vào thân xác họ. Ở Ấn Độ, mèo tượng trưng cho kẻ khổ hạnh đi tìm phúc lạc. Những người cổ Hylạp và Lamã đã nuôi mèo để diệt loài gặm nhấm. Tại Rôma, mèo đã là biểu tượng của tự do và được coi là thần bảo hộ cho các bà nội trợ. Người Đông phương hâm mộ vẻ đẹp và sự huyền bí của mèo. Con vật này trở thành chủ đề hấp dẫn cho các nghệ sĩ và văn sĩ tại Trung Hoa và Nhật Bản. Người Ai cập cổ đại khắc họa mèo như một vị thần có khả năng ban phúc và bảo hộ. Mèo là con vật huyền bí. Họ đã thờ thần tình ái Bastet bằng một pho tượng đồng người phụ nữ có đầu là đầu mèo. Nếu ai giết một con mèo, người ấy sẽ bị tử hình. Khi con mèo họ nuôi bị chết, người Ai cập xưa cạo đôi lông mày như một dấu hiệu để tang cho mèo. Họ đem ướp xác con mèo đó và chôn cất tử tế. Các nhà khoa học đã tìm được tại Ai cập một nghĩa địa cổ chôn đến hơn ba trăm ngàn con mèo đã được ướp xác cẩn thận

Trong thế giới đạo Phật, mèo được xem là kẻ vô cảm, không biết xúc động. Đạo Hồi dành cho mèo một vị trí của kẻ được trọng vọng, ngoại trừ mèo đen. Người Hồi giáo tin rằng con mèo có bộ lông đen mượt cùng với cặp mắt xanh lè là kẻ có nhiều ma thuật. Trong một vài nền văn hóa ở Châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ. Tại đây, người ta coi mèo tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt được mục đích.

Sở dĩ có sự không đồng nhất trong quan niệm về mèo, ngoài vấn đề văn hóa, có lẽ còn bởi sự mâu thuẫn từ hình thức đến đời sống của mèo.

Tính cách hai mặt của mèo.

Mèo là con vật dễ thương, gần gũi với con người, dáng nhỏ nhắn, cử chỉ đáng yêu. Nơi mèo đầy sự mâu thuẫn ngay từ hình thức bề ngoài của nó. Mèo là con vật đẹp và có tính cách hai mặt đối kháng. Mèo thật hiền lành khi nó nằm dài ngủ yên, khi nó cạ nhẹ vào chân người. Mèo cũng thật dữ dằn khi nó nhe răng gầm gừ và giơ móng nhọn chiến đấu với chó, hay vồ chuột nhanh như chớp. Uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy sự vờ vĩnh. Vẻ đài các từ màu sắc, độ óng mượt của bộ lông, cho đến mỗi bước đi, nhưng kèm theo là khả năng cắn xé tàn bạo, giết con mồi trong chớp mắt. Một thực tế cay nghiệt là mèo chỉ thực sự hấp dẫn, có thiện cảm khi lao thẳng vào con chuột với những móng vuốt sắc nhọn. Từ hành động khả ái nhất này cũng đã hàm chứa sự ghê tởm của kẻ rình rập gieo tai họa cách bất ngờ cho đối phương. Cứ xem mèo vờn chuột và thịt chuột mới thấy sự tàn bạo của hành vi kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Vờn uy hiếp cho chuột mất vía để kích thích dịch vị ăn cho ngon, mèo tung chuột văng xa rồi nhảy theo vồ lấy rèn luyện kỹ năng săn mồi, sau đó mới chén chuột đã tả tơi.

Phim “Tom và Jerry” coi mèo Tom là nhân vật phản diện, đần độn to xác đáng ghét, còn chuột nhắt Jerry lí lắc dễ thương. Con người ghét kẻ mạnh hiếp kẻ yếu nên thường mượn chuyện ngụ ngôn để dạy đời. Mèo to xác mà ăn hiếp con chuột nhắt bé tí. Nếu mèo vồ con hổ, người ta lại bốc thơm mèo ngay.

Theo truyện cổ của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, khi Ngọc Hoàng mở cuộc thi chọn 12 con vật để làm đại diện cho 12 năm thì chuột (Tí) đã lừa mèo (Mão) bằng cách thông báo sai thời gian thi khiến hôm ấy mèo ngủ quên. Mèo không có mặt trong 12 con giáp và đó là nguyên nhân khiến mèo thù chuột!

Riêng với 12 sự tích của Việt Nam thì mèo cùng chuột đi thi. Khi đi ngang qua con sông lớn, cả hai phải nhờ trâu để quá giang. Giữa dòng, chuột lựa mèo lúc sơ ý bèn đạp mèo ngã xuống sông, còn trâu cõng chuột đến cửa thiên đình sớm nhất. Lúc ấy cửa hé mở và chuột đã nhanh nhẹn lẻn vào trước, trâu chậm hơn đành xếp thứ hai. Riêng phần mèo may mắn khi rớt xuống sông thì gặp hổ cứu và cặp này chiếm vị trí thứ ba và thứ tư trong 12 con giáp. Cái kết của sự tích 12 con giáp ở Việt Nam hay các nước đều giống nhau: mèo thù chuột do cuộc thi này mà ra!

Trong văn học nghệ thuật, nhất là mảng dân gian, mèo thường đóng vai trò nhân vật phản diện. Người ta phủ nhận mọi sự tu dưỡng của mèo! Mèo già... chỉ có thể hóa cáo, một cấp độ còn cao hơn về sự suy đồi đạo đức, bởi cáo bị ví như kẻ gian xảo, tiểu nhân. Khi cần diễn đạt sự hư hỏng, người ta nghĩ ngay đến những con mèo hoang sống lang thang ở những nơi tăm tối, nhơ bẩn.

Ngay bản thân từ mèo khi được dùng trong ngữ cảnh bình thường của đời sống, dùng một cách “vô tư”, cũng không hàm ý một cái gì nghiêm túc, tử tế. Nói chung, hình tượng mèo phần lớn gắn với những gì đáng phê phán. Trong trường hợp phải ẩn dụ kín đáo thì mèo biểu tượng cho thói khuê các không phải lối, ám chỉ những người sống không đúng với vị thế, tư cách của mình “Mèo khen mèo dài đuôi”. Thông thường hơn cả là người ta gán mèo cho những gì gần với sự thô lậu về tính cách. Vì thế, mèo luôn là hình tượng dùng khi cần đả kích chế giễu. Đặc sắc nhất về mặt hài hước gắn với mèo, có lẽ là bài đồng dao: “Con mèo mà trèo cây cau...”. Con mèo ở đây chứa tất cả những phẩm chất của một kẻ võ biền, cậy quyền lực nhưng ngu dốt và lố bịch. Có lẽ mèo trở thành hình tượng bất hủ về sự hung ác, nguy hiểm, đáng ghét hơn cả chính là ở bức tranh “Đám cưới chuột”. Nội dung bức tranh có thể còn nhiều cách hiểu như đa phần những tác phẩm nghệ thuật có thể rộng lớn, thú vị và sâu sắc hơn nội dung tố cáo thói tham tàn của các bậc “đèn Trời” được mệnh danh là “cha mẹ dân”, hoặc đả kích thói hèn hạ của đám nịnh thần... nhưng nếu chỉ xét những nội dung dễ thấy ấy thôi, thì con mèo cũng không có mảy may cơ hội được hiểu như một kẻ vô tội, vô can hay lương thiện. Ở góc độ nào, nó cũng là nhân vật xấu xa và đáng sợ, cần phải cảnh giác bằng cách tránh xa. (x.Tạ Duy Anh, báo Tuổi trẻ cười, số Xuân Tân Mão,).

Mèo, nguồn cảm hứng của võ thuật.

Mèo là loài vật có biệt tài săn mồi. Tất cả mọi sinh hoạt của mèo có đầy đủ tố chất cần thiết để có thể nghiên cứu, chuyển hóa, phổ quát thành những bài võ, bài thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu, nhất là trong những tình huống lấy nhu hóa cương. Đặc biệt ưu điểm của loài mèo là “đánh nhanh, rút êm”, có khả năng quan sát tinh tế, phán đoán linh ứng, phóng cao, chạy nhanh, xoay chuyển linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại, nhanh nhạy, tinh khôn… nên mèo trở thành nguồn cảm hứng của võ thuật. Đi không tiếng động, nhảy vọt, leo trèo cực giỏi, khi lâm trận có những cú tát bằng hai chân trước rất nhanh. Theo ông Phạm Đình Phong, Phó chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam thì những đặc tính đó của loài mèo đã khiến nó trở thành nguồn cảm hứng của võ thuật. Ông viết trong báo Tuổi trẻ, số Xuân Tân Mão thật đặc sắc về võ mèo.

Chúng ta thường thấy võ khỉ, võ hổ, võ đại bàng… Và mèo, đương nhiên cũng là nguồn cảm hứng cho võ thuật khi con vật này có quá nhiều ưu điểm để các bậc võ sư học theo. Này nhé, dáng đi uyển chuyển không tiếng động là nguồn cảm hứng cho những ai nghiên cứu khinh công, những cú tát mạnh mẽ với hai bộ vuốt sắc như dao và ra đòn nhanh như chớp giật là cảm hứng cho những ai chuyên về trảo. Tuy nhiên, đối với những người nghiên cứu khoa học về những võ thuật như chúng tôi, chuyện võ mèo cần phải được chứng minh cụ thể chứ không chỉ nghe kể là như thế này hoặc thế kia. Còn nếu có thì võ mèo ra đời từ lúc nào và những quyền năng đặc biệt của nó ra sao? Qua nhiều năm nghiên cứu dựa theo các tư liệu, hiện vật, bài võ có liên quan đến võ mèo sưu tập ở một số bảo tàng, thư viện, vùng đất võ, môn phái võ nổi tiếng trong cả nước, tôi được biết ở nước ta võ mèo xuất hiện rất sớm. Trước hết, người Việt xưa rất giỏi võ vì xuất phát từ nhu cầu đấu tranh sinh tồn nhằm chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, trộm cướp và kẻ thù luôn rình rập, xâm hại. Điều thú vị là trong thời kỳ sơ khai, võ nghệ của người Việt cổ chủ yếu dựa theo các thao tác lao động hằng ngày như: săn bắt, leo trèo, ném đá, phóng lao, bắn nỏ của người miền núi; cày bừa, mang vác, đâm chém, hái lượm, chạy nhảy của người miền xuôi và chèo chống, kéo đẩy, bơi lặn, chài lưới của người miền biển. Đồng thời con người còn tập trung quan sát, mô phỏng (bắt chước) theo các tính năng di động, tư thế rình mồi, vờn mồi, vồ mồi, bắt mồi, tấn công, phòng thủ của một số loài động vật. Và dĩ nhiên trong đó không thể thiếu con mèo loài vật rất gắn bó với con người. Chính vì vậy võ mèo không chỉ tồn tại như một tất yếu khách quan trong buổi đầu manh nha của các hình thái võ thuật sơ đẳng, cùng với các loại hình võ khác mang tính đặc thù của một số động vật có khả năng tương tự, như: võ hổ (hổ quyền), võ khỉ (hầu quyền), võ rắn (xà quyền), võ gà (kê quyền)… mà còn được các nhà nghiên cứu võ học chuyển tác, xây dựng thành các bài võ, đòn thế võ tuyệt chiêu, với vô số tính năng độc đáo, đa dạng. Võ mèo thực sự đã góp phần làm phong phú các loại hình võ thuật chiến đấu, góp phần bổ sung vào kho tàng võ cổ truyền dân tộc và sau này là nền võ học chân truyền Việt Nam thêm đồ sộ, phong phú hoàn mỹ.Tuy nhiên, do phần lớn bài võ, thế võ được mô phỏng, tạo tác từ các loài vật chủ yếu truyền khẩu là chính và trải qua hàng ngàn năm không được sưu tầm, đúc kết, bảo tồn nên bị mai một rất nhiều. Trong khi đó các vị võ sư tiền bối am hiểu sâu về võ mèo đều lần lượt qua đời nên hầu hết đã bị “tam sao thất bản” hoặc mất dần theo thời gian. Đến nay các bài võ mèo còn lại không nhiều và cùng không được phổ biến rộng rãi. Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, có lẽ bài “miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) là một trong những bài võ mèo tồn tại lâu đời trên đất nước ta. Năm 1965, tôi có học qua thầy Huyền Ấn Khoa và thầy Nghĩa Hiệp, sau đó có xem lão võ sư Quách Cang, Tạ Cảnh Thâm (ở An Thái) cùng một số thầy võ ở Bình Định biểu diễn bài “miêu tẩy diện”. Bài này có khoảng 32 động tác, được phân thành các thế liên hoàn, biến hóa linh diệu, phối hợp nhịp nhàng giữa bộ tay với bộ chân theo nguyên lý âm dương tương tác và cương nhu phối triển, trong đó có phần nghiêng về nhu thuận. Các tư thế di chuyển, né tránh, lập chủ, đảo “ngựa” (chân), phát động tấn công, lui về phòng thủ, phá giải các đòn thế… thường mô phỏng theo các đặc tính của loài linh miêu là hết sức nhẹ nhàng, biến hóa khôn lường, không nghe tiếng động, tựa như chiếc lá đang bay. Trong đó có một số động tác mang hình tượng “mèo đang rửa mặt”. Ngoài ra, bài này còn phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các bộ pháp như: thần pháp, tâm pháp, khí pháp, nhãn pháp… tạo nên bài võ cực kì độc đáo, hóc hiểm, hội đủ các yếu tố về nội công lẫn ngoại lực theo phương châm “mền nhưng không yếu, cứng nhưng không gẫy”. Nhờ vậy, bài võ không những thích ứng với mọi tình huống chiến đấu, tự vệ, nhất là các chiêu thức ẩn mình mai phục, tiến đánh cận chiến, mà còn góp phần bồi bổ sức lực, điều hòa khí huyết cho những người thường xuyên luyện tập đúng phương pháp. Bên cạnh các bài võ mèo, còn có nhiều đòn thế tạo tác từ tính năng đặc thù của mèo như: thế võ “linh miêu mai phục, tấn thích ngưu” (mèo đang mai phục rình mồi, tiến đánh thế đâm trâu), trong bài “Thái sơn thảo pháp”, thế “Thoái bộ kim cương, Miêu tẩy diện” (lui về đứng bộ thương vàng, rồi chuyển thế mèo rửa mặt), trong bài hầu quyền, hay trong 18 đường quyền tuyệt kỹ võ công có thế “ Linh miêu tróc thử” (mèo vồ chuột), hoặc trong bài “Trường côn thế pháp” có thế “Trích thủy linh miêu, thôi sơn tắc hải”, “Hắc miêu lưỡng đả tầm xà”… là những đòn thế cực kỳ lợi hại, mang tính sát thương cao.Mặc dù bị thất truyền rất nhiều do tính chất truyền khẩu của các bài võ cổ truyền, nhưng tôi biết có một số lò võ cố gắng sưu tầm, gìn giữ những bài võ mèo. Ví dụ, võ đường Hà Trọng Ngự và Hà Trọng Khánh (đệ tử của võ sư huyền thoại Hà Trọng Sơn) ở Gò Vấp, Tp. HCM còn lưu giữ và truyền dạy một số bài võ mèo tiêu biểu như “Linh miêu độc chiến” và “Bạch miêu quyền”.

Người tuổi mèo

Con người đã nuôi mèo từ rất xa xưa. Vì dáng điệu con mèo dịu dàng, nhanh nhẹn khôn khéo, coi như nhàn hạ nên được chọn làm biểu tượng cho chi Mão trong 12 địa chi, đề tính thời gian theo âm lịch. Giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ con mèo no nê ngơi nghỉ sau khi săn mồi, giờ rạng đông và bình minh của một ngày mới. Ngày Mão thường là những ngày có nhiều điều nên làm mà ít điều cấm kỵ. Tháng Mão là tháng giữa mùa Xuân, thời tiết mát mẻ cây cối đâm chồi nẩy lộc xanh mầu xanh non lá mới, cũng là tháng mà mèo cái xốn xang muốn được truyền giống. Năm Mão là năm thứ bốn theo cách tính âm lịch, qua chu kỳ 12 năm lại tới năm Mão, năm có vũ điều phong thuận, khiến nhà nông được mùa.

Chi Mão có con mèo cầm tinh, nên để đoán thời vận cho người tuổi mão, người ta tìm ra những tính nết của con mèo, rồi bàn rộng ra áp dụng cho cái gọi là vận mệnh của người sinh năm mão. Trong 12 con giáp, mèo là con vật dịu dàng nhất. Ảnh hưởng của thiên nhiên vũ trụ dường như cũng theo chu kỳ mà lặp lại, khiến cho người sinh ra trong năm Mão tuy không thuộc loại nghiêng nước nghiêng thành, nhưng lại toát ra một khí chất đặc biệt, rất dịu dàng, không thích gây gỗ, luôn mong muốn mọi người đều là bạn, nên cũng được nhiều người thương mến. Tuy nhiên, người tuổi mão cũng rất hiếu động, quyết không ngồi yên khi họ bị chèn ép, mà ngay lập tức họ có phản ứng thích hợp. Đó là một số những nhận xét của những nhà tướng số khi đoán vận mệnh cho người tuổi mão, tin hay không tin là tuỳ theo nhận thức của từng người.

Năm nay nhiều người mang tuổi Mão hẵn đã vui vì hầu hết các lá số bói đầu năm đều cho rằng người tuổi Mão thông minh, ôn hòa, giàu nhân ái và nên cẩn trọng trong cuộc sống. Các lời giải bói toán có điểm giống và khác nhau theo từng tuổi, nhưng tựu chung đều có sung sướng, có may mắn và cũng có rủi ro, xui xẻo để đề phòng; và rồi tất cả đều tai qua nạn khỏi nếu biết “ăn hiền ở lành”, vì rõ ràng là “đức năng thắng số”.

Năm cũ đang qua đi, năm mới đang đến gần. Xuân đã về trước sân nhà. Xuân bước nhẹ qua mọi nẻo đường lối ngõ. Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho mọi người, mọi nhà.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây