TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Lễ Lá -Năm C

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. (Lc 22,14-23.56)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

Thứ bảy - 12/04/2025 06:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   41
Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!

Chúa Nhật Lễ Lá
Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

tbd 120425a

 

Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần lễ tiếp theo được gọi là tuần “tam nhật thánh”, bắt đầu.

Tam Nhật Thánh được bắt đầu từ chiều thứ năm Tuần Thánh. Vào ngày này, Giáo hội cử hành một thánh lễ kỷ niệm việc Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Kế đến là thứ sáu Tuần Thánh, với ngày này, Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su.

Sau đó, vươn tới cao điểm là việc cử hành một thánh lễ trong đêm thứ bảy, gọi là Vọng Phục Sinh. Cuối cùng, kết thúc với một thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh được cử hành chính ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, hầu hết ở mọi giáo xứ đều có tổ chức cuộc “đi đàng Thánh Giá”. Mừng Chúa Giê-su Phục Sinh, mà không cử hành việc “đi đàng Thánh Giá”, thì đó là một thiếu xót lớn. Tại sao? Thưa, bởi vì đó là cách chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su, rất sống động.

Không giản dị như những lời chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”, tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su đem lại cho chúng ta một cái nhìn rõ nét “con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường…”

Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su, còn giúp chúng ta tìm được nguồn cảm hứng để dám cất tiếng nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi”.

Giờ đây, chúng ta hãy mở đôi mắt tâm hồn mình, nhìn lại cuộc thương khó của Chúa Giê-su, qua những lời tường thuật chi tiết, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, sau đây.

**
Khởi đầu cuộc thương khó của Chúa Giê-su là sự kiện Ngài lên Giê-ru-sa-lem. Lên Giê-ru-sa-lem… Vâng, đây là điều Đức Giê-su nói với các môn đệ mình tới ba lần. Cả ba lần, với cùng một nội dung, rằng: “…Con Người bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá…”

Nhưng, hôm nay… hôm nay khi Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem, chuyện kể rằng: “Người đi tới đâu, dân chúng… lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Rồi “khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”

Về sự kiện này, thánh Mát-thêu có ghi thêm một chi tiết, đó là ngoài việc lấy áo choàng trải xuống đất, một số người khác “lại chặt nhành chặt lá mà trải lên lối đi.”

Lễ lá… một thánh lễ gọi là lễ lá, được Giáo Hội long trọng cử hành trước tuần tam nhật thánh, là dựa vào sự kiện này.

Như vậy, lời loan báo của Đức Giê-su rằng, lên Giê-ru-sa-lem các thượng tế và kinh sư, họ-sẽ-kết-án-xử-tử-Người, không đúng sao! Thưa, rất đúng. Các thượng tế và kinh sư “tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng.” (Mt 22, 46). Nói cách khác, “Giờ của Ngài” chưa đến!

Và “khi giờ đã đến”… thảm kịch, thảm kịch bắt đầu xảy ra, khi “Người đi ra núi Oliu”. Tại đây, trong thinh lặng của nguyện cầu, Đức Giêsu quỳ gối cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”.

Có thể nói, lời cầu nguyện của Đức Giê-su, là lời cầu nguyện có-một-không-hai trên thế gian này. Có ai cầu nguyện xin Thiên Chúa điều mình muốn, nhưng rồi lại nói “xin đừng cho ý con thể hiện”, đâu!

Hơn hai ngàn năm trôi qua, đây là một lời cầu nguyện đã khiến biết bao con tim rung động… làm sao không rung động khi chính mình đối diện với đau buồn, đối diện với cô đơn, đối diện với phản bội.

“Cha ơi! Cha ơi! Bây giờ con buồn lắm, linh hồn con buồn lắm, nhưng sao Cha nỡ bỏ con. Cha ơi! Cha ơi! Bây giờ con sợ lắm, linh hồn con chìm đắm trong xao xuyến với cô đơn. Chén đắng! Nếu được con khỏi uống, nếu được con khỏi uống hồn con xiết bao ưu phiền. Chén đắng! Lẽ nào con chẳng uống lẽ nào con chẳng uống xin vâng ý Cha mà thôi.”

Cha Ân Đức, sau khi nghe lời cầu nguyện này, ngài đã để cho con tim mình hòa theo con tim của Đức Giê-su, qua bài thánh ca “chén đắng”, với phần trích đoạn nêu trên.

Vâng, chén đắng… rất đắng!

Đắng… vì có một người trong nhóm mười hai phản bội Ngài. Và tệ thật, bàn tay kẻ phản bội Ngài lại cùng đặt trên bàn với Ngài. Người đó chính là Giuđa Iscariot.

Đắng… đắng đến nỗi dẫu “có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người…” Đức Giê-su vẫn xao xuyến, bồi hồi… “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, …44).

Trở lại với Giuđa Iscariot. Vài hôm trước, tên phản bội đã âm thầm đi gặp các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ. Gặp để thảo luận về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ và thương lượng về tiền thưởng cho y.

Cuộc thương lượng ngã ngũ, với một “bản hợp đồng” có điều khoản “cho hắn ba mươi đồng bạc”. Thế là “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.”

Rồi, khi được Giuđa cho biết dịp thuận tiện đã đến, một toán người liền được các thượng tế và kỳ mục phái đi truy bắt Đức Giêsu. Họ đến núi Oliu, nơi Giu-đa biết chắc rằng Đức Giêsu cùng các môn đệ đang hiện diện.

Chẳng bao lâu, sự thinh lặng và trang nghiêm của nguyện cầu tại đây bị phá vỡ. Nó bị phá vỡ bởi “tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng loa vang”. Một đám đông xuất hiện. “Kẻ dẫn đầu là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người.”

Hôn Chúa! Vâng, chúng ta sẽ hôn chân Chúa vào ngày thứ sáu tuần thánh. Nhưng, nụ hôn của chúng ta có là nụ hôn của lòng mến Chúa! Hay lại là nụ hôn của Giu-đa. Một nụ hôn phản bội… nụ hôn thần chết!

Hôm ấy, nhìn thẳng vào mặt tên phản bội, Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao!” Đúng vậy. Đó là ám hiệu mà y đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.”

Trở lại “hiện trường” vụ bắt bớ. Thấy mối nguy hiểm cho Thầy Giê-su, “những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: Lạy Chúa! Chúng con tuốt gươm chém được không?” Không đợi sự đồng ý của Đức Giê-su “một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải.” Thấy thế, Đức Giê-su lên tiếng: “Thôi ngừng lại. và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.”

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59). Nhưng hôm nay, tại núi Oliu, Giêsu người Nazareth, Ngài đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. (Tv 55).

Nhìn thẳng vào những kẻ đến bắt mình, Đức Giê-su lớn tiếng chất vấn họ: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”.

Chúng ta đang ngắm “Chặng Đằng Thánh Giá” thứ mấy nhỉ! Thưa, trước “chặng thứ nhất”. Vậy, nên chăng, gọi núi Oliu là chặng “mở màn”!

Vâng, ở chặng mở màn, lời Đức Giê-su nói “đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”, không có nghĩa là Ngài không thể chiến đấu và chiến thắng họ.

Theo lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu, hôm đó Ngài đã nói với người chém đứt tai tên đầy tớ rằng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm.”

Rất rõ ràng, Ngài lớn tiếng nói tiếp rằng: “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mươi hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng ngiệm sao được?”

Vâng, không có đạo-binh-thiên-thần nào đến. Phần Đức Giê-su - Người “giương mắt buồn say ngắm chân trời xa”, nơi “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.” (Mc 14, 50).

Bấy giờ, toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái liền ập đến bắt Đức Giêsu. Họ điệu Người đến nhà vị thượng tế. Người môn đệ tên là Phê-rô “thì theo xa xa”.

Một đống lửa được đốt giữa sân. Ông Phê-rô “đến ngồi giữa họ.” Thật không may, ông bị một người tớ gái nhận diện, cô ta nói với ông: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Có thêm hai người nữa cũng đã nhận ra ông Phê-rô, họ quả quyết rằng: “Bác cũng thuộc bọn chúng…. Bác cũng đã ở với ông ấy, vì bác là người Ga-li-lê.”

Cả ba lần, ông Phê-rô đều ú ớ trả lời quanh co, rằng: “Tôi có biết ông ấy đâu! Không phải đâu! Tôi không biết anh nói gì!”.

Có, có tiếng “gà gáy… ngay lúc ông còn đang nói.” Đúng lúc đó “Chúa quay lại nhìn ông…” Vâng, chuyện kể rằng: “ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.” (Lc 22, 61).

***
Như đã nói ở trên, Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (13/10/2025) được gọi là Lễ Lá. Phụng Vụ Lời Chúa, ngoài việc nhắc lại biến cố Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem và đã được đông đảo dân chúng đón rước tung hô chúc tụng, còn nhắc đến sự kiện Đức Giê-su bị bắt tại núi Oliu.

Những bài đọc có vẻ khá dài, dài như đoàn người rồng rắn “dẫn độ” Đức Giê-su đến nhà vị thượng tế. Đoàn người rồng rắn này có hai người, mỗi người có một cái tên rõ ràng. Đó là Giu-đa Iscariot và Si-mon Phê-rô. Cả hai đều là môn đệ của Chúa Giê-su.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta tự hỏi mình rằng, tôi cũng là môn đệ của Chúa, liệu một lúc nào đó, tôi chính là Giu-đa Iscariot hoặc tôi cũng là Si-mon Phê-rô!

Nói rõ hơn, vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời mình, tôi có “bán đứng” Chúa chỉ vì quyền lợi, danh vọng, tiền bạc v.v…! Vào một giây phút nào đó, tôi có “chối Chúa” chỉ vì phải đối diện trước “sức mạnh của họng súng”!

Vào một lúc nào đó, chỉ vì yếu đức tin, tôi đã không dám “xưng danh Chúa trước mặt thiên hạ”! Về điều này, rất… rất có thể lắm chứ!

Sau biến cố 30/04/1975, nhiều người không dám “xưng danh Chúa” nơi công cộng lắm lắm. Và, bây giờ, sau năm mươi năm, số lượng người không dám xưng-danh-Chúa, ngày một thêm đông.

Nhiều lắm… nhiều cách bán đứng Chúa, nhiều hình thức chối Chúa, lắm! Và, có phần chắc, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần, phải nói lên quyết định của mình rằng, bán hay không bán, chối hay không chối…

Vâng, chúng ta sẽ phải đối diện, bởi vì hôm nay, vẫn là “thời của quyền lực tối tăm”. Thời mà satan và bè lũ của chúng, dùng mọi chiêu trò, để dụ dỗ chúng ta bán Chúa, chối Chúa.

Thế nhưng, đừng vì thế mà chúng ta run khiếp, mà chúng ta sợ hãi. Bởi vì “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi, trong mọi nơi ngươi đi.” (x.Gs 1, 9).

Xưa, Thiên Chúa đã phán truyền “với con ông Nun là ông Giô-suê”, như thế. Và hôm nay, có phần chắc, Người cũng sẽ phán truyền với mỗi chúng ta, như thế.

Tuy vậy, điều chúng ta cần phải làm, để được Thiên Chúa “sẽ ở với ta, trong mọi nơi ta đi” đó là, khi “tay lỡ nhúng chàm”, chúng ta đừng như Giu-đa (Giu-đa làm gì, chúng ta biết rồi!), mà hãy theo gương tông đồ Phê-rô “ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”.

Đó là dấu hiệu của “ăn năn và thống hối”, là điều mà Thiên Chúa luôn khuyến khích. Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có lời phán truyền, rằng: “Hãy đến, để cùng nhau tranh luận. Dù tội các ngươi đỏ như nhiễu điều, Ta sẽ tẩy sạch như tuyết. Dù có đỏ như son, Ta sẽ khiến trắng như lông chiên.”

Hôm nay, không phải cái tên là Giu-đa Iscariot, hoặc là Si-mon Phê-rô… mà là tên của mỗi chúng ta. Và, mỗi chúng ta hãy để tâm hồn mình chìm vào trong thinh lặng, trong thinh lặng “xét mình”.

Xét mình xong, tiếp đến, và chắc phải là vậy! Hãy đến “Bờ Đá Xanh Tạ Tội”… tạ tội với Chúa rằng: “Con giơ cao tay, xin tạ lỗi những ngày đã qua. Theo chân loài người, lên án Cha hiền hòa. Con giơ cao tay, xin lần nữa những lần thứ tha. Cho ân tình đầy, ngọt mối say đàn ca.”

Tạ tội như thế được chưa! Được nhưng chưa đủ. Còn phải đến “tòa giải tội… tạ tội”.

Đúng vậy, chúng ta “hãy đến tòa giải tội… tạ tội.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây