TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy kiên nhẫn chờ đợi Chúa

Thứ tư - 26/05/2021 22:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1085

Chúa Nhật XIX – TN – C

Hãy kiên nhẫn chờ đợi Chúa

“Có những bất ngờ làm con ngất ngây. Có những bất ngờ làm con xót xa. Chúa đến bất ngờ con sẽ ra sao? Con lao đao hay niềm vui dạt dào, con khổ đau hay tình yêu dâng trào?”.

Vâng, những dòng chữ nêu trên là một phần trích đoạn của bài thánh ca mang tên “tỉnh thức và cầu nguyện” và tác giả là Lm. Thái Nguyên.

Khi nói đến tỉnh thức và cầu nguyện, có thể nói rằng, đó chính là hành trang không thể thiếu trong cuộc đời của một Ki-tô hữu. Người Ki-tô hữu được khuyên rằng: phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Lời khuyên này, không tự Giáo Hội đề ra nhưng là do chính Đức Giê-su truyền dạy.

Trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su không chỉ nói cho mọi người biết về một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, mà Ngài còn tuyên bố rằng, vị Thiên Chúa đó, sẽ có một ngày “…Uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác”. (x.Mt 24, 30-31). Cái ngày đó, Đức Giê-su nói: sẽ xảy ra vào “chính giờ phút anh em không ngờ”.

Vâng, chính vì yếu tố “không ngờ” đó, Ngài đã có lời khuyên rằng: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Và, để cho mọi người thấu hiểu thế nào là “không ngờ”, Đức Giê-su đã kể một câu chuyện, câu chuyện “ông chủ đi dự tiệc cưới” như là một lời cảnh tỉnh.

**

Câu chuyện được ghi lại như sau: Hôm ấy, Đức Giê-su đã có lời truyền dạy, rằng: “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về”.

Tại sao Đức Giê-su lại dùng một bữa tiệc cưới để làm đề tài cho một lời khuyên dạy? Thưa, là bởi, theo phong tục Do Thái, tiệc cưới thường kéo dài trong bảy ngày và thậm chí có thể kéo dài hai tuần, vì thế, việc ông chủ về thật khó đoán. Chính vì khó đoán, nên việc ông chủ về rất bất ngờ, không ai có thể ngờ được.

Vì, không ai có thể ngờ được, nên Đức Giê-su có lời khuyên rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”.

Lời khuyên “hãy thắt lưng” hàm ý nghĩa gì? Thưa, qua lời khuyên này, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến sự “sẵn sàng”, sự sẵn sàng của một chiến binh nai nịt vũ khí sẵn sàng chiến đấu, một hình ảnh không người Do Thái nào lại không hơn một lần trải nghiệm.

Còn việc “thắp đèn cho sẵn” ư! Cũng rất cần thiết. Cần thiết bởi như câu chuyện đã được Đức Giê-su kể thì: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về” thì rõ ràng lúc đó trời hãy còn tối, mà trời còn tối thì lời khuyên “thắp đèn cho sẵn” quả là lời khuyên “vàng ngọc”.

(Khẳng định lúc đó trời còn tối, vì người Do Thái tính giờ cũng không khác Việt Nam của chúng ta là mấy. Việt Nam ngày xưa, tính “đêm năm canh ngày sáu khắc”. Còn người Do Thái ư! Vâng, họ tính hơi khác chúng ta, “bốn canh đêm và bốn canh ngày”. Vào ban đêm, canh thứ nhất bắt đầu từ lúc hoàng hôn đến 9 giờ khuya; canh thứ hai từ lúc 9 giờ khuya đến nửa đêm, canh thứ ba từ nửa đêm đến 3 giờ sáng; và canh thứ tư từ 3 giờ sáng đến lúc mặt trời mọc” (nguồn: internet).

Hôm đó, sau những lời khuyên, Đức Giê-su kết thúc với lời khuyến cáo: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (x.Lc 12, 39-40)

***

Lời khuyến cáo là như thế đấy. Và, tất nhiên, Đức Giê-su không chỉ khuyến cáo các môn đệ xưa, mà cũng là khuyến cáo mỗi chúng ta, hôm nay.

Đừng… đừng chất vấn Đức Giê-su khi Ngài không trả lời câu hỏi của tông đồ Phê-rô, khi ông ta hỏi rằng: “Lạy Chúa! Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”

Trái lại, hãy tự chất vấn mình về những điều Đức Giê-su đã đáp lời Phê-rô, rằng: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”

Với lời đáp như thế, câu chuyện dụ ngôn, không nói ra, chúng ta cũng có thể tin rằng Đức Giê-su muốn xem đó như là một thông điệp… một thông điệp dành cho tất cả mọi người.

Và, dựa vào lời của Đức Giê-su, chúng ta thấy rằng, Ngài đã đặt vào tay người đầy tớ một nhiệm vụ mới, anh ta bây giờ không chỉ là một anh gác cửa, nhưng còn được giao trọng trách là người quản gia. Anh ta không chỉ ngồi đó chờ chủ về để mở cửa, nhưng còn phải làm tròn trách nhiệm những gì ông chủ giao phó.

Tới đây, chúng ta hiểu thế nào về lời nói của Đức Giê-su? Thưa, rất dễ hiểu. Là một Ki-tô hữu, mỗi chúng ta cũng là người quản gia của Đức Giê-su.

Mỗi chúng ta phải “coi sóc kẻ ăn người ở”. Kẻ ăn người ở, đó là giáo dân, nếu chúng ta là Giám Mục hay Linh Mục. Kẻ ăn người ở, đó là con cái, nếu chúng ta là cha, là mẹ.

Mỗi chúng ta phải “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc, đó là những bài giảng trong thánh lễ, nếu chúng ta là Giám Mục hay Linh Mục. Cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc, đó là giáo dục con cái, lo cho con cái có cái ăn, cái mặc đầy đủ, nếu chúng ta là cha, là mẹ.

Nếu mỗi chúng ta làm tròn những phần việc nêu trên, người đó mới có thể được nhìn nhận là người quản gia trung tín, và hơn thế nữa, như lời Đức Giê-su nói: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta”.

Còn nếu chúng ta không làm tròn những phần việc nêu trên. Là cha là mẹ chúng ta bỏ bê con cái, sống chết mặc chúng… Là Giám Mục hay Linh Mục chúng ta chỉ lo làm sao cho ngôi nhà thờ mình to lớn, lộng lẫy với những tháp chuông cao hàng trăm mét, những quả chuông nặng hàng trăm ký, mà không lo cho ngôi nhà tâm hồn của giáo dân, không lo chuẩn bị thức ăn tâm linh (bài giảng) cho giáo dân một cách nghiêm túc… thì có khác nào chúng ta đang “đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”!!

Tất cả những hạng người đó, hãy coi chừng! Đến ngày Đức Giê-su đến, Ngài sẽ “loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những kẻ thất tín” (x.Lc 12, …46)

****

Vâng, là phàm nhân đầy yếu đuối, có phần chắc chúng ta sẽ có đôi lúc không làm tròn trách nhiệm Chúa giao phó. Sẽ có đôi lúc chúng ta “ngã lòng”, khi thời gian chờ đợi ngày Chúa sẽ đến, quá lâu.

Đó là chưa nói đến chuyện khi mà trong thời gian chờ đợi đó, chúng ta luôn phải đối phó với biết bao nghịch cảnh như: chiến tranh, bịnh tật, sự dữ và biết bao nhiêu là cám dỗ của thế gian, với nhan nhản “phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn, chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian” (Tv 12, 9)

Để rồi, sẽ có lúc chúng ta phải gào thét lên, như xưa kia vua David đã phải gào thét: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày?” (x.Tv 13, 1-2)

Điều gì có thể giúp chúng ta can đảm đối mặt với những hoàn cảnh bi đát nêu trên? Thưa, tông đồ Gia-cô-bê có lời khuyên, rằng: “Thưa anh em, xin anh em hãy kiên nhẫn cho đến ngày Chúa quang lâm. Kìa, xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá, họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5, 7-8)

Thưa quý vị, hãy tin ngày Chúa quang lâm đã tới gần. Và, điều quan trọng nhất cho chúng ta hôm nay, đó là hãy xin được ơn kiên nhẫn. Xin ai? Thưa, xin Chúa.

Ngôn sứ Mikha chính là tấm gương kiên nhẫn tuyệt vời mà chúng ta cần noi theo. Hãy nghe ngài cầu nguyện với Thiên Chúa với tất cả tấm lòng phó thác: “Phần tôi, tôi ngóng đợi ĐỨC CHÚA, tôi cậy trông Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi; Thiên Chúa của tôi sẽ nghe tiếng tôi kêu cầu” (Mk 7, 7)

Vâng, hoàn cảnh của chúng ta không phải là hoàn cảnh của một tử tù chờ ngày hành quyết. Người tử tù đó bắt buộc phải “chờ đợi” ngày hành quyết, chờ đợi trong tuyệt vọng. Chúng ta khác hẳn. Chúng ta sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa sẽ đến vì biết rằng Người sẽ thực hiện lời hứa, hứa ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu vào đúng thời điểm tốt nhất.

Thế nên, có gì ngăn cản chúng ta “chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng” (x.Cl 1, 11-12). Kinh Thánh có ghi lại rất nhiều tấm gương kiên nhẫn, kiên nhẫn trong nghịch cảnh như: Áp-ra-ham, Giu-se, David, v.v…

Thiên Chúa không đòi chúng ta kiên nhẫn nếu Người không sẵn sàng kiên nhẫn. Thiên Chúa đã nêu gương về việc sẵn sàng chờ đợi. Chúng ta hãy nghe lời chứng thực của tông đồ Phê-rô: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3, 9).

Vì thế, mỗi chúng ta cần sẵn sàng tỉnh thức chờ đợi và tỏ ra kiên nhẫn. Điều gì sẽ giúp chúng ta làm như thế? Thưa, hãy cầu xin Thần Khí của Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng, kiên nhẫn là một khía cạnh của hoa trái Thần Khí. Hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng.

Thế nên, dù phải đối mặt với biết bao thách thức cho việc làm người quản gia trung tín của Thiên Chúa, cũng như việc chờ đợi ngày Con Người sẽ đến, chúng ta cũng đừng sợ mà hãy cất tiếng nguyện rằng: “ĐỨC CHÚA là phần sản nghiệp của tôi, tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi Người” (Ac 3, 24).

Vâng, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi Chúa.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây