TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Biển gọi

Thứ tư - 26/05/2021 22:15 | Tác giả bài viết: GB. Nguyễn Thái Hùng |   1127
Biển gọi

BIỂN GỌI

 
Mùa hạ đến. Như bao mùa hạ khác. Người người tìm về biển để được xả tress, để được gột rửa thể xác và tâm hồn... và cũng để chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới.
 
Năm nay, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Thánh Tâm cho quý chức được hưởng một chuyến đi biển Phan Thiết để thắt chặt tình hiệp nhất và mối dây yêu thương giữa mọi người.
 
Wine Castle - Lâu Đài Vang RD
 
Từ canh 2, khi bóng tối đang bao phủ, mọi người đã tập trung và chuẩn bị lên đường trực chỉ thành phố Phan Thiết, cách xa khoảng 500 km.
 
Sau hơn 10 giờ trên xe, đoàn đến Lâu Đài Rượu Vang và dùng cơm trưa tại đó.

 

 
Lâu Đài Rượu Vang - RD Wine Castle-  là công trình kiến trúc ấn tượng tọa lạc trên diện tích rộng lớn đến 12.000 ha, nằm trong quần thể khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp 5 sao Sea Links City ở phố biển Phan Thiết. Lâu đài được thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc đặc trưng của Châu Âu cổ kính, với nguồn cảm hứng đến từ thung lũng rượu vang Napa ở bang California.
 
Từ phía xa xa, đã có biết bao người xiêu lòng trước vẻ đẹp độc đáo của lâu đài rượu vang RD. Rồi khi có dịp tham quan, ngay từ những bước chân đầu tiên đặt chân đến, lâu đài đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và choáng ngợp trước vẻ đẹp lung linh, tráng lệ, đồ sộ và kì vĩ của nó. Từng đường nét, chi tiết vừa có nét tinh tế, sắc sảo riêng lại vừa hội tụ hài hòa trong vẻ đẹp tổng thể. Lâu đài trông như một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ, là tuyệt tác của kiến trúc sư và cả những người thợ lành nghề tạo ra.
 
Lâu Đài Rượu Vang RD mang đến không gian vừa cổ kính lại vừa hiện đại, sang trọng, xa hoa và lộng lẫy, cho du khách được trải nghiệm những khoảnh khắc như được hóa thân thành tầng lớp quý tộc, trở thành những vị bá tước quyền thế, những công nương xinh đẹp. Thật tuyệt vời phải không nào? (1)
 
Sau khi tham quan Lâu Đài Rượu Vang, đoàn về giáo xứ Rạng, thuộc giáo phận Phan Thiết.
 
Giáo Phận Phan Thiết
 


 

Giáo phận Phan Thiết đã được cưu mang ròng rã suốt 310 năm, lần lượt từ: Giáo phận Đàng Trong (1659-1844), Giáo phận Đông Đàng Trong, nay là Quy Nhơn (1844-1905), Giáo phận Tây Đàng Trong, nay là Sài Gòn (1905-1957), cuối cùng là Giáo phận Nha Trang (1957-1975).
 
Giáo phận Phan Thiết được thành lập ngày 30.01.1975, bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, là giáo phận thứ 25 của Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam, và được tách ra từ Giáo phận Nha Trang. 
 
Vì Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục được chọn cho Giáo phận Phan Thiết, bị cản trở không đến nhận giáo phận mới, nên ngày 29.03.1975, Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết. Ngày 17.04.1975, ngài từ Sài Gòn đến nhận chăm sóc Giáo phận. Ngày 06.12.1979, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính Tòa tiên khởi Giáo phận Phan Thiết.
 
Bổn mạng Giáo phận là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (01.01).
 
Đia lý: Lãnh thổ giáo phận Phan Thiết từ khi thành lập bao gồm hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy (cũ), nay chỉ còn một là tỉnh Bình Thuận với diện tích 7.813 km2. Phía Bắc giáp với tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, và phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ở phía Đông và Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192 km.
 
Dân số: Tính đến 2017, dân số của tỉnh đạt 1.266.228 người.
 
Năm 1975, giáo phận có khoảng 77.000 tín hữu và tính đến 31/12/2017 là 185.843 tín hữu.
 
Tính đến năm 2017, Giáo phận bao gồm 05 Giáo hạt: Bắc Tuy, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Đức Tánh; gồm 95 giáo xứ có linh mục coi sóc. Giáo phận có 145 linh mục triều và 33 linh mục dòng; 12 linh mục hưu dưỡng và 133 linh mục đang làm việc, 13 phó tế, 161 chủng sinh (Gồm 94 đại chủng sinh và 57 dự bị); khoảng 919 tu sĩ (Nam: 197; nữ: 722) thuộc nhiều dòng tu và tu hội khác nhau đang làm việc mục vụ tại giáo phận Phan Thiết.
 
Hiện diện trên địa bàn Giáo phận có nhiều dòng tu: Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy, Đan Viện Cát Minh Phan Thiết, các Hội Dòng và Tu Đoàn thuộc Giáo phận: Mến Thánh Giá Phan Thiết, Phúc Âm Sự Sống, Ánh Sáng Phúc Âm, Nam Thừa Sai Thánh Mẫu, Nữ Thừa Sai Thánh Mẫu, Anh Em Bác Ái Xã Hội, Nữ Bác Ái Xã Hội và nhiều dòng tu khác. 
 
Giám mục đương nhiệm: là Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm làm Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết từ ngày 14/3/2017 cho đến nay. Ngài hiện Giám mục Chính Tòa Tiên Khởi Giáo phận Bà Rịa: 22/11/2005.
 
Tòa Giám mục: 422 Trần Hưng Đạo, P. Lạc Đạo, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
 
Trung Tâm Hành Hương: Giáo phận đã và đang xây dựng Trung tâm hành hương Thánh Mẫu Tàpao, thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Đây là địa điểm hành hương rất quen thuộc đối với nhiều người. Cứ mỗi ngày 13 hằng tháng, Đức Giám mục đến hiện diện và chủ sự thánh lễ đồng tế với các linh mục trong và ngoài giáo phận, cùng sự tham dự đông đảo của khách hành hương từ khắp các nơi tập trung về. Hiện tại, Trung Tâm đã xây dựng được quảng trường A có lễ đài chính, với sức chứa khoảng 15 ngàn chỗ ngồi và quảng trường C với sức chứa khoảng 8000 chỗ ngồi, có tầng hầm bao gồm hội trường, nhà sinh hoạt và các phòng ở cho dịp tĩnh tâm, hội họp. Các sinh hoạt mục vụ các đoàn thể trong giáo phận thường được tổ chức tại Trung tâm hành hương này (2).
 
Chiều đến, đoàn tới Nhà thờ Giáo xứ Rạng. Địa chỉ 322/12 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Hàm Tiến, T/P Phan Thiết, thuộc giáo hạt Phan Thiết, giáo phận Phan Thiết. 
 
Đoàn nghỉ ngơi và ra biển tắm. Mặt sau của Giáo xứ Rạng là biển, vì thế, rất thuận lợi cho mọi người khi đến đây. Ngụp lặn trong biển hoàng hôn làm cho tâm hồn con người khoan khoái, trút bỏ mọi muộn phiền. Cuộc sống như dâng trào. Một sinh lực mới đang bắt đầu.
 
Chiều muộn, đoàn dâng thánh lễ Tạ Ơn. Và dùng cơm tối.
 
Sau cơm tối, tôi lang thang trên bãi biển. Biển đêm không như biển hoàng hôn. Biển đêm như cuồng nộ. Những con sóng bạc đầu như khiêu khích con người, như muốn lôi kéo con người ra giữa lòng đại dương. Như nhận chìm con người. Con người thật nhỏ bẻ giữa biển cả, nhất là trong đêm tối.
 

 
 
Biển Galilê
 
Đứng trước biển, tôi lại nhớ Biển Hồ Galilê.
 
Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Ghennêxarét, Hồ Kinneret hoặc Hồ Tiberias (tiếng Do Thái: ים כנרת), là một hồ nước ngọt lớn nhất ở Israel. Hồ có chu vi khoảng 53 km (33 dặm), chiều dài khoảng 21 km (13 dặm), chiều rộng khoảng 13 km (8 dặm), với diện tích tổng cộng là 166 km². Hồ có chiều sâu tối đa là 43 m. Hồ nằm ở độ sâu 214 mét dưới mực nước biển, là hồ nước ngọt thấp nhất trên Trái Đất và hồ thấp thứ nhì trên Trái Đất (Sau Biển Chết, 1 biển hồ nước mặn ở độ sâu  417,5 m dưới mực nước biển) (3).
 
Đây là một hiện tượng địa chất rất đặc biệt: một đường gãy sụp của mặt đất kéo dài từ đây xuống tới hồ Victoria ở Phi châu, khiến cho Biển hồ Galilê và Biển Chết ở dưới mực nước biển Địa Trung Hải hơn 400 m. Thung lũng này là miền đất trù phú giữa vùng núi đá và sa mạc, nhờ nguồn nước từ vùng núi Hécmon đổ vào Biển Hồ rồi chảy thành dòng sông Giođan. Thung lũng này là đường bay của loài chim di trú, vì đường sụp mặt đất này tạo ra luồng gió nóng nâng cánh chim di trú từ Bắc xuống Nam, để tránh mùa đông băng giá chẳng còn gì ăn, và trở về miền Bắc hưởng mùa hè nắng ấm và phong phú thức ăn (4).
 
Hồ này thường xuất hiện trên các bản đồ và trong Tân Ước gọi là Hồ Galilê hoặc Hồ Tiberias (Ga 6,1), trong khi Cựu Ước gọi là Biển hồ Kinneret (Dân số 34,11; Giôsuê 13,27) (5).
 
Tên hồ có thể phát xuất từ tiếng Do Thái kinnor (“đàn hạc” hoặc “đàn lia”) vì hồ có dạng giống như một trong hai loại đàn trên. Các bản văn Kitô giáo gọi là Hồ Ghennêxarét (Lc 5,1) hoặc Biển hồ Ghennêxarét theo tên vùng đồng bằng nhỏ phì nhiêu nằm ở bờ phía tây của hồ. Tiếng Ả Rập gọi là Buhairet Tabariyya  (بحيرة طبريا) nghĩa là Hồ Tiberias. Ngoài ra còn có các tên khác là Ginnosar, Hồ Gennesar, Biển hồ Chinneroth và Biển Tiberias (Roman) (6).
 
Phần lớn hoạt động rao giảng của Chúa Giêsu diễn ra trên vùng bờ hồ này. Thời đó, có một dải làng mạc và nơi định cư liên tiếp chung quanh hồ với việc buôn bán thịnh vượng và chở thuyền trên hồ. Phúc âm Nhất lãm (Mc 1,14-20, Mt 4,18-22 và Lc 5,1-11) đều mô tả cách Chúa Giêsu kêu gọi 4 tông đồ đầu tiên trong số 12 tông đồ trên bờ hồ này ra sao: các người chài lưới Phêrô cùng anh là Anrê và 2 anh em Gioan và Giacôbê (7).
 
Một trong các bài giảng nổi tiếng của Chúa Giêsu, Bài Giảng Trên Núi, diễn ra trên một ngọn đồi trông xuống hồ (Mt 5,1-7,28). Nhiều phép lạ của Chúa Giêsu cũng diễn ra tại đây. Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi 5.000 người (tại khu Tabgha) (Mt 14,13-21; Lc 9,10-17; Mc 6,30-44; Ga 6:1-13); đi trên mặt nước hồ (Mt 14,22-33; Ga 6,16-21), dẹp yên bão tố (Mc 4,35-40)... (8).
 
Trong cuộc hành hương Đất Thánh, chúng tôi cũng đã tới biển Galilê. Lên thuyền ra khơi. Nhưng có lẽ con thuyền hôm nay lớn hơn rất nhiều so với con thuyền của 2000 năm trước. Con thuyền Thầy Giêsu và các môn đệ đã đi. Biển yên sóng lặng. Thuyền trôi đi êm ả. Nhưng biển đời luôn luôn dậy sóng trong mỗi con người.
 
Ngày đó, sau khi giảng dạy cho dân chúng các dụ ngôn, Thầy Giêsu cùng các môn đệ qua bờ bên kia. “Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4,31-40).
 
Thầy Giêsu ở đó, giữa các ông. Thầy luôn mãi hiện diện với các ông. Nhưng khi gặp gió to sóng lớn, các ông đã hoảng sợ. Cầu cứu Thầy.
 
Ngày hôm nay, giữa biển đời cuồng nộ, người tin Chúa, người theo Chúa gặp bao nhiêu thử thách, bao nhiêu gian nan. Nhiều lúc con không thấy bóng Chúa đâu hết. Nhiều lúc con phải chiến đấu một mình. Nhiều lúc con vô vọng.
 
Trong sâu thẳm tâm hồn, con nghe tiếng Thầy: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 17,27). Nhưng tiếng Thầy nhiều khi con nghe rõ, nhiều lúc như gió thoảng. Giữa biển đời sóng gió: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14,30).
 
Đêm về. Nghe tiếng sóng vỗ, như tiếng ru của Mẹ. Ru con về tuổi thơ dại. Ru con vào giấc ngủ nhiều mộng mơ.
 
Đức Mẹ Tàpao
 
Sáng sớm hôm sau, lúc mặt trời chưa mọc, Đoàn lên đường kính viếng Đức Mẹ Tàpao.
 
Tượng Đức Mẹ trên núi Tàpao (gọi tắt là tượng Đức Mẹ Tàpao) nằm ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, thuộc giáo hạt Đức Tánh, giáo phận Phan Thiết. Tượng Đức Mẹ này đúc bằng xi măng trắng cao 3m,  đặt trên một bệ vuông cao 2m.
 
“Tà Pao” là tên đặt theo tiếng của dân tộc K’Ho có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp” (“Tà”: đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”.
 
Nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1858), tượng Đức Mẹ Tàpao (1959) ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáo phận Phan Thiết; Đức Mẹ Phượng Hoàng (1959) ở Pleiku, tỉnh Gia Lai, giáo phận Kon-Tum; Đức Mẹ Trinh Phong (1961) tại Eo gió, điểm cao nhất của Đèo Ngoạn Mục, ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, giáo phận Nha Trang; Đức Mẹ Thác Mơ (1959) tọa lạc trên một ngọn đồi dưới chân núi Bà Rá thuộc phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, giáo phận Ban Mê Thuột và Đức Mẹ Giang Sơn (1960) nằm trên đồi Giang Sơn, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km về phía đông nam theo Quốc lộ 27 đường đi Đà Lạt, giáo phận Ban Mê Thuột; cùng với Đức Mẹ La Vang (1798) Tổng giáo phận Huế và Đức Mẹ Trà Kiệu (1898) giáo phận Đà Nẵng, tạo thành một Chòm Sao Bắc Đẩu, với ngôi sao sáng nhất là Đức Mẹ La Vang, với ước nguyện đặt mọi sự dưới bàn tay Mẹ dẫn dắt.

 

 
Tượng Đức Mẹ Tàpao được Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang, cử hành lễ Cung Hiến và Khánh thành vào ngày 8.12.1959, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha Trang, Ban Mê Thuột, đồng bằng sông Cửu Long…
 
Từ năm 1964 đến năm 1975, toàn bộ vùng Bắc Ruộng thuộc quyền kiểm soát của Chính quyền Cách mạng Lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…

 

 
Vào khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Khoảng Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Khoảng cuối tháng 6 năm 1991, nhân dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX. Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia An hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành (9).
 
 
KINH ĐỨC MẸ TÀ PAO
 
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái, chúng con chúc tụng Chúa vì từ đời đời Chúa đã chọn Đức Mẹ Maria là mẹ, hạ sinh con Thiên Chúa làm người cho chúng con, và đã tôn vinh Người làm Nữ Vương và là Mẹ chúng con, để nhờ Mẹ Chúa yêu thương và chăm sóc đoàn con đang lữ hành dưới thế.
 
Chúng con tạ ơn Chúa đã thương nhận núi rừng Tà Pao, nay làm linh địa để Mẹ gặp gỡ chúng con, và qua Mẹ, chúng con gặp gỡ được chính Thiên Chúa nơi tận sâu thẳm lòng mình. Và để tại nơi đây, Mẹ chuyển trao lòng thương xót Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ tinh thần cũng như thể xác, biết hết lòng tin tưởng chạy đến khẩn cầu cùng Mẹ.
 
Lạy Đức Mẹ Tà Pao, giữa thế giới hôm nay đang ngày càng có xu hướng tục hóa, sống hưởng thụ và vị kỷ, lo âu sợ hãi và bạo lực, hận thù chiến tranh. Chúng con thành tâm chạy đến cùng Mẹ, xin Mẹ dạy chúng con biết hết lòng phụng thờ Thiên Chúa, lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, yêu thương và phục vụ theo tinh thần Tin Mừng, tôn trọng mạng sống. Vì phẩm giá con người cùng nhau xây dựng trời mới, đất mới.
 
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, luôn luôn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh ở đời, sống thanh sạch, khiêm tốn, vị tha, dấn thân phục vụ, suốt cuộc đời hết lòng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, để được cùng Mẹ hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trong Chúa. Amen.
 
Dưới chân Mẹ Tàpao, trước khi dâng thánh lễ, Đoàn làm việc kính Đức Mẹ. Việc Mẹ yêu thích nhất khi con cái đến với Mẹ, là cùng với Mẹ đi trọn con đường dương thế. Từ thôn làng Nadarét yên bình đến miền sơn cước Ain Karim; từ Bêlem giá lạnh đến thánh đô Giêrusalem nhộn nhịp. Từ sông Giođan đến tiệc cưới Cana; từ Biển hồ Galilê đến núi Tabor và nhà Tiệc Ly. Từ Vườn Cây Dầu đến đỉnh đồi Golgotha. Từ Ngôi Mộ Trống đến Bêtania và sự vinh thăng Đức Maria. Đến với Mẹ, đi trọn con đường dương thế với Mẹ. Con đường đầy chông gai, vất vả nhưng cũng đầy mật ngọt, yêu thương.

 

 
15 Lời Đức Mẹ Maria
Hứa Ban Cho Những Ai Lần Chuỗi Mân Côi
 
1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.
 
2. Mẹ hứa sẽ ban những ơn lớn lao và sự che chở đặc biệt cho những ai lần Chuỗi Mân Côi.
 
3. Kinh Mân Côi sẽ là vũ khí cực mạnh chống lại hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm tẩy tội lỗi và chiến thắng ma quỷ.
 
4. Kinh Mân Côi sẽ khiến nhân đức và các việc lành phát triển; sẽ đem lại nhiều lòng thương xót của Chúa xuống trên các linh hồn; sẽ rút lòng họ khỏi sự yêu mến thế tục và sự hư ảo của nó, và sẽ dẫn đưa họ đến ước ao những sự vĩnh cửu. Ôi, những linh hồn ấy sẽ được thánh hóa biết bao bởi những ý nghĩa này!
 
5. Linh hồn đến với Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ không phải hư mất.
 
6. Những ai lần Chuỗi Mân Côi sốt sắng và áp dụng các Mầu Nhiệm Mân Côi vào đời sống mình sẽ không bao giờ bị rủi ro. Chúa sẽ không trừng phạt họ trong cơn thịnh nộ của Ngài; họ sẽ không phải chết bất tử; nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn nghĩa của Chúa và trở nên xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.
 
7. Những ai thực lòng tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.
 
8. Những ai trung thành lần Chuỗi Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết sẽ được Ánh Sáng Chúa soi dẫn với đầy dẫy ân huệ của Ngài. Và khi lâm tử, họ sẽ được tham dự vào những công nghiệp của các Thánh trên Thiên Đàng.
 
9. Mẹ sẽ đưa ra khỏi Lửa luyện tội những ai đã trung thành lần Chuỗi Mân Côi.
 
10. Những con cái trung thành lần Chuỗi Mân Côi sẽ được thưởng vinh quanh cao cả trên Thiên Đàng.

11. Các con sẽ được hết những điều các con xin Mẹ nhờ sự lần Chuỗi Mân Côi.
 
12. Những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ khi cần thiết.
 
13. Mẹ đã xin cùng Con Chí Thánh Mẹ cho những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được nguyên cả Triều Đình Thiên Quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.
 
14. Những ai lần Chuỗi Mân Côi đều là con Mẹ và là anh em với Con Duy Nhất của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.
 
15. Tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi của Mẹ là dấu chỉ chắc chắn sẽ được về Thiên Đàng.
           
Sau thánh lễ Tạ ơn, mọi người ra về trong hân hoan và thắm tình huynh đệ. Cám ơn Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Thánh Tâm đã cho quý chức một chuyến đi đậm tình thương mến và đầy tình thân.
 

Cuối Hạ Vàng 2019
Nguyễn Thái Hùng

 
 
Chú thích
 
1. x. https://mytour.vn/location/11873-lau-dai-ruou-vang
2. x. http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/gp-phan-thiet-31440
3. https://vi.wikipedia.org/wiki/ Galilee
4. Giuse Nguyễn Công Đoan, Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.
2019, tr 37.
5,6,7,8. https://vi.wikipedia.org/wiki/Galilee
9. x. http://www.giaoxugiaohovietnam.com/PhanThiet/-DongKho.htm

https://photos.app.goo.gl/SLcGfZtWdcKfyTZC7

 Tags: Biển gọi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây