TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hết Cả Trí Khôn

Thứ sáu - 03/09/2021 06:08 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1126
Chúa Giêsu đã thêm vào một yếu tố trong giới răn mến Chúa mà Sách Đệ Nhị Luật không nói đó là “hết cả trí khôn” (Mt 22,27).
Hết Cả Trí Khôn

HẾT CẢ TRÍ KHÔN

Khi trả lời cho vị luật sĩ hỏi rằng trong các lề luật điều nào trọng nhất thì Chúa Giêsu đã lấy lại lời Thánh Kinh trong Sách Đệ Nhị Luật tóm lại trong hai giới răn “Mến Chúa và yêu người”. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã thêm vào một yếu tố trong giới răn mến Chúa mà Sách Đệ Nhị Luật không nói đó là “hết cả trí khôn” (Mt 22,27).

Một trong nhưng ưu phẩm của loài người trỗi vượt trên các loài hữu hình bậc thấp đó là trí khôn. Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Người, yêu mến Người, tôn thờ Người trong sự ý thức, tự giác và tự nguyện. Một trong những nét biểu lộ của người có ý thức là biết mình làm gì, vì sao làm điều ấy và làm điều ấy với mục đích gì. Và khi đã thông hiểu thì sẽ biết làm điều ấy cách chính đáng và hữu hiệu. Qua bài Tin Mừng ngày thứ Sáu sau Chúa Nhật XXII TN B chúng ta cùng đến với một trong những hình thái biểu lộ lòng tin đó là việc ăn chay. Với cả trí khôn chúng ta cùng hỏi với nhau ăn chay nghĩa là gì, vì sao ta ăn chay, ta ăn chay để được sự gì và ăn chay như thế nào cho đúng và đẹp ý Thiên Chúa?

Ăn chay là một hình thái biểu lộ sự thống hối ăn năn tội lỗi qua một số kiêng khem, tiết chế các nhu cầu về thể lý cũng như tinh thần. Chúng ta ăn chay là vì chúng ta nhận biết mình đã phạm tội mà theo Kinh Thánh thì đây là những trọng tội. Và mục đích ăn chay thì quá rõ ràng đó là nài xin lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Sách Giona cho chúng ta thấy dân chúng, vua quan thành Ninivê đã ăn chay để biểu lộ sự thống hối ăn năn vì tội lỗi của họ quá nặng nề và qua đó nài xin Thiên Chúa thứ tha (Gn 3,1-10). Chúa Giêsu cũng đã minh định rõ điều này khi trả lời với những người cật vấn tại sao các môn đệ của Người không ăn chay: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy” (Lc 5,34-35).

Theo viễn kiến của thần học luân lý thì tội lỗi là tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa. Khi phạm tội nhẹ là chúng ta để Thiên Chúa ra một bên. Còn phạm trọng tội là xua đẩy Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi cuộc đời của mình. Đến đây chúng ta mới hiểu rõ lời Chúa Giêsu là khi nào cuộc đời chúng ta hoàn toàn vắng bóng “tân lang” là chính Người thì khi ấy chúng ta mới ăn chay nghĩa là thành tâm sám hối tội lỗi đã phạm.

Nhiều biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu lầm tưởng rằng ăn chay là một trong những cách thế lập công tích đức. Chính vì thế họ đã khó tránh được chước cám dỗ là dùng việc ăn chay để tô vẽ mức độ đạo đức của mình. Vì thế họ rất dễ rơi vào thói đạo đức giả muốn được người ta ca tụng và lắm khi còn kể công trước mặt Thiên Chúa.

Hãy thờ phương và yêu mến Thiên Chúa hết lòng… và hết cả trí khôn. Vẫn có đó và còn đó tình trạng sống đạo một cách máy móc kiểu “xưa bày, nay làm” và vô tình thiếu đi sự ý thức về các hành vi sống đạo của mình. Mong sao các vị mục tử hướng dẫn đoàn chiên sống đức tin cách trưởng thành nghĩa là có ý thức hơn. Chúa Giêsu đã từng cảnh báo là đừng lấy vải mới mà vá vào áo cũ, đừng đổ rượu mới vào bầu da cũ, thế mà nhiều khi chúng ta và cả nhiều đấng bậc lại quá bám víu vào nhiều hình thức sống đạo xưa cũ xem ra không còn phù hợp và nhiều khi còn thiếu ý thức. Biết ăn chay là gì và vì sao ăn chay thì chúng ta sẽ hiểu lời ngôn sứ Gioen là “Hãy xé lòng chớ đừng xé áo” vậy (x. Ge 2,12-18).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây