TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hoang địa: nơi Chúa cùng ta tâm tình

Thứ năm - 27/05/2021 22:20 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   720



Chúa Nhật I – MC – B


Hoang địa: nơi Chúa cùng ta tâm tình
 
Thứ Tư vừa qua (17/02/2021), toàn thể Giáo hội bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay. Cuộc hành trình với bốn mươi ngày hướng đến Lễ Phục Sinh, một thánh lễ được xem là trung tâm của năm phụng vụ và cũng là trung tâm của đức tin Công giáo.
 
Giáo hội khởi đầu mùa chay bắt đầu bằng thứ tư “Lễ Tro” với tâm tình ăn năn sám hối. Gọi là lễ Tro vì trong thánh lễ, sau phần phụng vụ lời Chúa, từng người một sẽ tiến lên cung thánh, tiến lên một cách trang nghiêm và vị chủ tế sẽ xức tro lên đầu trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro…”.

“Tro” là cách người xưa sử dụng để bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Theo dòng lịch sử, việc sử dụng tro như một dấu hiệu của sự sám hối, đã được Cựu Ước ghi chép lại, và Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (Mt 11, 21). 

Tertulianô, thánh Xyprianô, thánh Ambrôxiô, thánh Giêrônimô, thánh Augustino, và nhiều Giáo phụ khác thường nhắc đến việc thực hành này, đặc biệt là trong tương quan với việc thực hành để khởi đầu một giai đoạn của sự sám hối công khai cho các tội trọng… Lúc đầu, nghi thức được thực hiện ngoài Thánh lễ, nhưng rồi được đưa vào Thánh lễ khoảng thế kỷ XII. (nguồn: Nguyễn Trọng Đa - Giải đáp phụng vụ: Làm phép tro và xức tro như thế nào?).

Trở lại với bài thánh ca lúc xức tro, có thể nói, bài thánh ca này gợi cho chúng ta nhớ đến lời tuyên phạt của Thiên Chúa, sau khi nguyên tổ Adam và Eva “sa vào chước cám dỗ” của Sa-tan: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3, …19).

Sa vào chước cám dỗ của Satan… Vâng, đó là nỗi ám ảnh suốt chiều dài lịch sử con người. Ông Gióp, một nhân vật thời Cựu Ước, trước nỗi ám ảnh này, cũng đã nghẹn ngào thốt lên rằng: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Chỉ là một cám dỗ liên lỉ… nghe mà thấy nản, phải không, thưa quý vị! Vâng, đừng nản. Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài cũng đã từng bị Satan “liên lỉ” cám dỗ. Tuy nhiên, Ngài đã không ngã gục như nguyên tổ Adam và Eva, xưa kia. Trái lại, Ngài đã chiến thắng. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Vâng, qua phần trích đoạn Tin mừng Mác-cô (1, 12-15), câu chuyện được thuật lại rằng: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày”.

Và trong bốn mươi ngày đó, Đức Giêsu đã phải “chịu Sa-tan cám dỗ” (Mc 1, 13). Với thánh sử Mác-cô, ngài không mô tả chi tiết về những gì mà Sa-tan đã cám dỗ Đức Giê-su, như thánh sử Mát-thêu và Luca đã mô tả.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không tin rằng Sa-tan đã “liên lỉ” cám dỗ Đức Giê-su. Chúng ta tin vì Sa-tan, như lời thánh Mát-thêu nói: nó là “tên cám dỗ” (x.Mt 4, 3).

Liên lỉ cám dỗ Đức Giê-su, nhưng Ngài đã không ngã gục trước những lời cám dỗ của Satan. Đức Giê-su đã không ngã gục, bởi vì, trong hoang địa, Ngài đã không nghe lời-nào-khác ngoài “Lời của Chúa Cha”. Đức Giê-su đã không ngã gục, bởi vì, Chúa Cha sai Thần Khí “đưa (Ngài) vào hoang địa, để cùng (Ngài) thổ lộ tâm tình” (x.Hs 3, 16).

Vâng, Đức Giê-su đã cùng Chúa Cha thổ lộ tâm tình, và đó là lý do Ngài nói với tên cám dỗ, nói rằng: “satan kia, xéo đi” (x.Mt 4, 10).

***
Satan kia, xéo đi! Vâng, nói rất dễ nhưng để đuổi nó đi thực sự không dễ chút nào, phải không, thưa quý vị! Không dễ là bởi chúng ta vẫn lắng nghe lời Satan nói, hơn là lắng nghe Lời Chúa nói.

Mà, làm sao lắng nghe “được” Lời Chúa nói, khi mà chúng ta không chịu “vào hoang địa”! Trong hoang địa, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Chúng ta nghe Lời Thiên Chúa như nghe một âm thanh thoang thoảng. Trong hoang địa ta tìm thấy sự thân mật với Chúa, tình yêu của Chúa. Chúa Giêsu thích lui vào nơi thanh vắng mỗi ngày để cầu nguyện (x.Lc 5, 16). Ngài dạy chúng ta cách tìm kiếm Cha, Đấng nói với chúng ta trong thinh lặng”.

Vào hoang địa theo cách thức của hôm nay, ngài Phan-xi-cô nói, đó là: “Tắt tivi và mở Kinh thánh. Đây là lúc ngắt kết nối với điện thoại nhưng kết nối với Tin Mừng; là thời gian để từ bỏ những lời vô bổ, tán gẫu, tin đồn, buôn chuyện nhưng trao chính ‘bạn’ cho Chúa.

Đây là thời gian để dành riêng cho một hệ sinh thái trái tim khỏe mạnh. Chúng ta sống trong một môi trường bị ô nhiễm bởi quá nhiều bạo lực bằng lời nói, bằng nhiều từ ngữ xúc phạm và có hại, vốn là mạng lưới khuếch đại.

Chúng ta bị bao phủ bởi những lời trống rỗng, với những quảng cáo, với những thông điệp tinh tế. Chúng ta quen với việc nghe mọi thứ về mọi người và chúng ta có nguy cơ rơi vào một thế giới làm suy yếu trái tim chúng ta.

Chúng ta nỗ lực để phân biệt tiếng nói của Chúa dành cho chúng ta, tiếng nói của lương tâm, của sự tốt lành. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta trong sa mạc, Ngài mời chúng ta lắng nghe những gì quan trọng.

Đối với ma quỷ đã cám dỗ Ngài, Ngài trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4). Giống như cơm bánh, và còn hơn cả cơm bánh, chúng ta cần Lời Chúa, chúng ta cần nói chuyện với Chúa, chúng ta cần cầu nguyện.

Bởi vì chỉ trước Thiên Chúa, những khuynh hướng của trái tim mới lộ ra ánh sáng và tính nước đôi của linh hồn mới chấm dứt. Đó chính là sa mạc, một nơi của sự sống, chứ không phải cái chết, bởi vì cuộc đối thoại trong im lặng với Chúa cho chúng ta sự sống trở lại”. (nguồn: vaticannews).

****
Lời chia sẻ của Đức Thánh Cha dài quá chăng! Vâng, dài nhưng không “dở”. Không dở là bởi, nếu chúng ta “suy đi nghĩ lại trong lòng” lời chia sẻ của ngài, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Tin Mừng của Thiên Chúa, niềm tin về một “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, nay thật sự đang dần hiện thực.

Thì đây, thế giới hôm nay, chẳng phải là một thế giới đang “bị ô nhiễm bởi quá nhiều bạo lực bằng lời nói, bằng nhiều từ ngữ xúc phạm và có hại, vốn là mạng lưới khuếch đại”, đó sao! Thế giới hôm nay, chẳng phải là đang bị “bao phủ bởi những lời trống rỗng”, đó sao!

Vâng, đó chính là những “dấu chỉ”, những dấu chỉ đã được tác giả sách Khải Huyền cảnh báo, rằng: “Bấy giờ tôi thấy một Con Thú từ dưới biển đi lên; nó có mười sừng và bảy đầu; trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm Thiên Chúa” (Kh 13, 1).

Trước lời cảnh báo này, chúng ta cần phải làm gì? Thưa, hãy nghe theo lời khuyên của tác giả sách Khải Huyền, lời khuyên rằng: “Đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan”. Sự khôn ngoan mà chúng ta cần có, đó là đi theo con đường Đức Giê-su đã đi. Con đường Ngài đã đi, đó là vào hoang địa. Bởi vì, hoang địa chính là nơi Thiên Chúa sẽ “cùng chúng ta thổ lộ tâm tình”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây