TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ký thác đường đời cho Chúa

Thứ tư - 26/05/2021 04:32 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   631
Ký thác đường đời cho Chúa

Chúa Nhật V – TN – C

Đừng quên Ký thác đường đời cho Chúa

Shalom, theo tiếng Hebrew, có nghĩa là xin chào. Người Israel khi gặp nhau, họ đều chào nhau một cách trân trọng như thế. Gọi là trân trọng vì shalom còn có nghĩa là bình an hay hòa bình.

Bình an hay hòa bình là một trong những điều chúng ta rất cần đến trên cõi đời này, nhất là trong một thế giới (hôm nay) đầy dẫy những bất an và bất ổn.

Vui mừng thay! vào ngày mùng một Tết Âm Lịch hằng năm, theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo cử hành một thánh lễ rất đặc biệt, đó là thánh lễ cầu Bình An.

Cầu cho sự bình an, (mà không phải cầu cho phát tài phát lộc), Giáo Hội muốn mọi gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, được sống hòa hợp với nhau, vì khi sống hòa hợp với nhau, mọi người sẽ có an bình.

Cầu cho sự bình an, Giáo Hội còn muốn gửi đến mỗi người tín hữu bản thông điệp, thông điệp rằng: tư tưởng, đường lối của chúng ta cần phải hòa hợp với tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa.

Vì sao? Thưa, vì “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

Vua David xưa, đã từng trải nghiệm như thế. Từ khi còn là một chàng trai trẻ, cho tới lúc tuổi đã xế chiều, ông luôn phải đối diện với sự ganh tỵ, đố kỵ (của vua Sao-lê) cùng với sự chết chóc (do người con là Apsalon mưu phản), thế nhưng, ông đã vượt qua, đã thoát chết. Vâng, chỉ nhờ một điều duy nhất, đó là ông đã biết: “Ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Thưa quý bạn, sau khi tham dự thánh lễ cầu bình an (nếu có), quý bạn đã ký thác đường đời cho Chúa?

Nếu chưa, “hãy ký thác”, chắc chắn “Người sẽ ra tay”. Câu chuyện “Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên”, được thánh sử Luca ghi lại, như một điển hình. (x.Lc 5, 1-11)

**

Vâng, chuyện kể rằng: Hôm đó, khi vầng thái dương xuất hiện ở phương đông và mọi cảnh vật cùng vươn mình trong ánh nắng, xa xa từng đoàn thuyền đánh cá nối tiếp nhau kéo về neo đậu bên hồ Ghen-ne-xa-ret sau một đêm vật lộn với sóng gió để mưu sinh, thì ở bờ hồ, người ta thấy Đức Giêsu đang đứng ở đó.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu lập tức được loan truyền rất nhanh, nhanh đến độ chẳng mấy chốc người ta thấy dân chúng đã phải chen lấn nhau mới có thể đến gần Ngài.

Dân chúng đến với Đức Giêsu với mục đích gì? Thưa, với những lần trước, dân chúng đến gặp Ngài nhằm mục đích xin chữa bệnh. Còn hôm nay, họ đến là để “nghe lời Thiên Chúa”.

Vâng, làm sao không nghe cho được, khi những lời giảng của Thầy Giê-su mới mẻ và đầy quyền uy.

Hôm đó, trước tình trạng dân chúng “chen lấn nhau”, Đức Giê-su “xuống một chiếc thuyền” và Ngài đã nói ông Simon, chủ nhân chiếc thuyền đó, “chèo thuyền ra xa bờ một chút” như một cách để tái lập trật tự.

Trên thuyền, Đức Giê-su ngồi xuống và Ngài bắt đầu giảng dạy. Hôm đó, sau khi giảng xong, Đức Giêsu nói với ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (x.Lc 5, 4)

Ôi! chỗ nước sâu là chỗ nào, trước một biển hồ mông mênh bể sở? Mà, Thầy Giê-su ơi! Thầy chỉ là một bác thợ mộc, sao có thể rành ngư trường hơn ngư phủ Simon!

Suốt cả đêm, một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá, thế mà các ông vẫn “không bắt được gì cả”, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi lại bảo ra khơi thì có nghịch lý không kia chứ!

Suy nghĩ là suy nghĩ vậy, nhưng, ngư phủ lão luyện Simon lại “nghe lời” anh thợ mộc Giêsu. Tại sao ư! Thưa, bởi Simon nhìn ra Đức Giêsu là một bậc Thầy, không phải là một loại “thầy dạy nghề” nhưng là bậc Thầy của quyền năng.

Chính mắt Simon chứng kiến anh thợ mộc Giêsu, chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ” của ông ta “đang bị sốt nặng” bỗng nhiên “cơn sốt biến mất”. Chưa hết, chính mắt Simon thấy ông thầy Giê-su đã “chữa lành nhiều người đau yếu” (Lc 4, 40)

Cho nên, hôm nay, tuy đã quá mệt tại ngư trường đêm qua, ông Simon vẫn thi hành “lệnh” của Thầy Giêsu. Một lần thôi, thì đã có sao! Thế là họ ra khơi. Và phép lạ đã xảy ra...

Câu chuyện được kể lại rằng, “họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa”. Vâng, ông Simon và các bạn của ông đã ký thác. Sự ký thác đó, không chỉ đem lại cho các ông “hai thuyền đầy cá”, nhưng còn cho các ông nhìn thấy Thầy Giê-su chính là “Chúa”, một Đức Chúa mà các ông đã dám “bỏ hết mọi sự mà theo Người”.

***

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa”. Phải chăng đây cũng là lời mời gọi mỗi chúng ta? Thưa, đúng vậy.

Cuộc lữ thứ trần gian của chúng ta, không phải lúc nào cũng đầy ắp niềm vui, còn có cả những ngày tháng “vất vả suốt ngày mà không kiếm được gì cả”.

Có những lúc, cuộc lữ thứ của chúng ta phải đương đầu với bão táp của sự suy thoái kinh tế dẫn đến thất nghiệp để rồi chán nản.

Có những lúc, chúng ta phải đối diện với những cơn giá lạnh của bệnh tật để rồi phải thổn thức trong tuyệt vọng.

Có những lúc, chúng ta phải chống chỏi những trận cuồng phong của mất mát, của chia ly “người đi một nửa hồn tôi chết”, để rồi chúng ta rơi vào thảm cảnh “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã có lời mời gọi: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Vâng, một lời mời gọi không chỉ dành cho những người ngày xưa, nhưng còn dành cho mỗi chúng ta, hôm nay.

“Hãy đến cùng Ta”. Hãy đến cùng Chúa Giêsu, Ngài sẽ “ra tay”. Quý Bạn có tin như thế!

****

Một năm mới đã đến. Có lẽ, không ít người trong chúng ta đang uể oải xem lại mình đã được gì sau một năm “cày cục” làm ăn. Có lẽ, không ít người trong chúng ta có điều gì đó cũng tương tự như các môn đệ xưa, nay xảy ra cho chúng ta, rằng: chúng ta cũng chẳng “được gì cả” sau một năm lam lũ cực nhọc…

Nếu đúng vậy, chúng ta sẽ phải làm gì? Đừng làm gì cả, đừng phàn nàn, oán trách mà hãy mặc lấy tâm tình của thánh Phao-lô, một tâm tình đón nhận bất cứ gì Thiên Chúa gửi đến, một tâm tình phó thác, rằng: “…Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” (x.Cr 15, 10)

Vâng, ơn Chúa ban không bao giờ vô hiệu, chỉ vô hiệu khi chúng ta “đào lỗ chôn dấu” ơn Người ban cho.

Hiểu được điều này, điều chúng ta cần quan tâm đến, không phải là mỗi tháng chúng ta thu nhập được bao nhiêu, nhưng là, tôi đã xử dụng phần thu nhập của mình, do Chúa ban, như thế nào!

Đừng quên, sau khi cho các môn đệ “hai thuyền đầy cá”, điều Đức Giê-su muốn nơi các ông, không phải lưới cá, nhưng là “lưới người”.

Thế nên, vấn đề của chúng ta hôm nay, không phải là ngồi tính toán năm qua chúng ta lưới được bao nhiêu cá, thu nhập được bao nhiêu tiền, nhưng là chúng ta đã lưới được bao nhiêu “tình người”.

Hãy nhớ rằng “tình người” (yêu người) là một phần Đức Giê-su sẽ đề cập đến trong ngày Ngài “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” – “Mỗi lần các người đã làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Làm sao để có thể “làm như thế”? Thưa phải “ra khơi”, như ông Simon đã “vâng lời Thầy, tôi sẽ ra khơi”, dù ở trong hoàn cảnh nào.

Cuối cùng, trong cuộc hành trình ra khơi đó, chúng ta đừng bao giờ quên: “Ký thác đường đời cho Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây