TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hành trình một linh mục Việt Nam ở Osaka

Thứ tư - 26/05/2021 04:48 |   662

Hành trình một linh mục Việt Nam đầu tiên của giáo phận Osaka
(Nhân kỷ niệm hồng ân 10 năm Linh mục của cha Lưu Vĩnh Cửu. Bài viết lúc cha được chịu chức)



Mùa hè năm 1981, chiếc thuyền con mong manh chở 34 con người, già trẻ lớn bé, phát xuất từ một làng chài ở Vũng Tàu đi tìm tự do. Hầu hết những người trên con tàu này xuất thân từ giáo xứ Kim Châu - Ban mê Thuột, một khu vực tập trung những người di cư có đời sống đức tin vững mạnh. Trong đó có một thiếu niên 15 tuổi.

Không ai ngờ... chuyến ghe trở nên kinh hoàng... thê thảm khi lênh đênh hơn 40 ngày trên biển.

Bao nhiêu tàu đi qua nhưng không đoái hoài, cũng không cho được một miếng nước. Từng người, từng thây người chết đói... chết khát được vứt xuống biển. Ban đầu người sống còn nước mắt cho người chết... sau đó thì không còn một giọt nước mắt nào cho nhau... người họ đã cạn nước và nghĩ rằng trước sau gì cũng đến phiên mình.

Tuy nhiên, tiếng cầu kinh vẫn cất lên không một lời oán than Thiên Chúa... Ngày thứ 41, anh R. Trưởng thuyền... cũng là anh ruột của cậu trai 15 tuổi thều thào với mẹ, vợ và những đứa em:

- Con sắp ra đi, con có lỗi với Chúa, với mọi người... là đã không đưa tất cả đến được bến bờ bình an. Tuy nhiên sau khi con chết, những người còn lại sẽ được tàu đến cứu.

Nói xong anh R. nhắm mắt. Cậu thiếu niên... lấy chút sức lực còn sót lại, cùng mọi người thả xác anh nhẹ nhàng xuống biển. Dường như không nỡ bỏ hai đứa con và cái bào thai nhỏ bé đang trong bụng vợ... Anh R. nhấp nhô người dọc thẳng theo làn nước, bám theo con thuyền; một hồi rồi mới trôi ra xa.

Nửa tiếng sau, một chiếc tàu lớn tiến lại chiếc ghe đang vật lộn cùng sóng biển... mọi người không còn sức mà vẫy tay ra hiệu kêu cứu. Những đứa bé nhanh chóng được bế lên tàu, cậu thiếu niên cũng được đưa lên theo. Trong đầu cậu văng vẳng tiếng cầu kinh, tiếng người anh đã mất, và dường như trong cơn mê man cậu hình dung được con đường tiếp nối mà Đấng trên cao đã sắp đặt.

Đúng như anh R. đã trăn trối... anh là người cuối cùng trong chuyến ghe 10 người chết. Sau này người viết được biết trong những người ra đi vĩnh viễn, còn có cậu H. là em của Cha T. Giáo xứ Giang Sơn.

Số người sống sót được chuyển tới một cảng thuộc miền Bắc Nhật Bản; nhanh chóng trở thành một tin lớn truyền khắp cả xứ Phù Tang và trong cộng đồng còn rất nhỏ bé của ngưởi Việt Nam. Cha Harrie, giám đốc trại tị nạn Caritas-Himeji ở miền Nam, vội đi đón họ để đưa về trại. Gương mặt và ánh mắt của hơn 20 con người vẫn còn thất thần... dường như họ chưa cảm được cái hạnh phúc tồn tại sau chuyến đi vì những mất mát quá lớn.

Thời gian trôi qua... đại gia đình của cậu trai 15 tuổi định cư ở một thành phố gần Osaka, thuộc giáo xứ Sonoda. Người viết trở nên một thành viên của gia đình này. Hai anh em có nhiều cơ hội gần gũi, trò chuyện nhau nhưng chưa bao giờ người viết được cậu ta bày tỏ gì về dự định tương lai. Người trong nhà hoặc bạn bè đôi lúc đòi giới thiệu cô này, cô nọ, nhưng cậu chẳng tỏ vẻ hứng thú với chuyện lập gia đình. Có điều, thỉnh thoảng sau thánh lễ ngày Chủ Nhật, một bà sơ Nhật già tiến tới nói với cậu: “Chúa cho Sơ biết là đang gọi anh đó”... Nghe xong cậu ta chỉ cười trừ...

Cho tới năm 2001; đúng 20 năm sau chuyến ghe kinh hoàng, cậu mới thố lộ cùng gia đình, đã chuẩn bị hành trang để dâng mình cho Chúa. Ai nấy đều vui mừng mặc dù biết con đường trước mắt còn lắm nhiều khó khăn. Riêng người viết, từng là một tiểu chủng sinh, thì niềm vui đó còn kèm theo nhiều cảm xúc khó tả. Thế rồi chuyện đi tu theo dòng nào hoặc theo địa phận - mà VN còn gọi là Triều, được đặt ra... Vì thật sự với vốn liếng tiếng Nhật vừa đủ sống và tiếng Anh còn bập bõm, cậu phải cố gắng nhiều lắm mới đủ tiêu chuẩn để vào chủng viện. Nghe tin, người cha tinh thần Harrie phán một câu: “Đi vào Dòng Thánh Tâm của cha, không cần phải biết nói tiếng Anh hay Nhật, chỉ cần hiểu và nghe được tiếng Chúa! Cám ơn cha vô cùng.

Tuy nhiên, do sự thiếu hụt linh mục địa phận Osaka, cậu được nhận cách riêng với một năm đầu phải lên miền bắc giá lạnh Akita để thử thách. Ở đây sau những giờ lao động tay chân, trồng trọt trong tu viện, tân chủng sinh được học những điều căn bản, chuẩn bị cho chương trình triết - thần học trên đại chủng viện Tokyo. Những thú vui cá nhân bỏ lại, những lo toan đời thường gác qua... để chỉ còn con đường chông gai thánh giá đang chờ đợi trước mắt.

Thế rồi 6 năm trôi qua, cậu tân chủng sinh ngày nào trở thành phó tế Lưu Vĩnh Cửu. Cái tên cha mẹ đặt, dường như đã được Chúa sắp sẵn con đường và tình yêu nói lên sự vĩnh cửu của Ngài. Thầy Cửu rời khỏi nước Nhật để đi giúp xứ bên Philippine một năm. Đầu năm 2009, thầy trở về và ngày 20-3... trong vòng tay yêu thương của gia đình, của giáo xứ Nhật đã đùm bọc, cậu thiếu niên của chuyến tàu định mệnh 28 năm trước, trở thành chứng nhân của Thiên Chúa; trở thành Linh mục Việt Nam đầu tiên của giáo phận Osaka và là linh mục triều đầu tiên xuất thân từ giáo xứ có truyền thống Sonoda.

34 người ra đi năm xưa với một bào thai nhỏ, sống sót 24 người... một số trong 24 người cũng đã về nước Chúa, trong đó có mẹ và chị của cậu... hai người thân hơn ai hết mong mỏi có mặt trong ngày trọng đại của đứa con – đứa em mình. Tuy nhiên thay vào đó là gần 1000, những người cha, người mẹ, anh em... con cháu trong giáo hội Chúa đã đến nhà thờ chính tòa Osaka để tham dự lễ tấn phong tân linh mục trong niềm vui tràn ngập.

Người viết cũng xin được gởi những dòng chữ này để chia sẻ niềm vui riêng của gia đình, của cá nhân, trong đó gói ghém ước mơ thầm kín của một “chú tiểu” ở ngôi trường Sao Biển những ngày còn thơ, xa lắc xa lơ.

Cầu xin Thiên Chúa với sự gìn giữ của Mẹ Maria, ban cho tân Lm Cửu thêm nhiều sức mạnh và can đảm, biết hy sinh cho tha nhân như người anh của LM đã xả thân bỏ mình trên biển cả năm nào.

 



Hình một đứa cháu của cha Cửu được cứu trong chuyến ghe kinh hoàng


Hình Gia đình cha Cửu

 

 

Vincent Luyen sưu tầm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây