TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy tư Mùa Chay 2019

Thứ tư - 26/05/2021 04:44 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   663

Suy tư Mùa Chay 2019
(YẾU ĐUỐI ĐỂ NÊN MẠNH MẼ)


 


Ngay từ đầu, thân phận mỏng giòn của con người đã được tỏ lộ rõ nét. Đó là khi ông bà nguyên tổ đã lạm dụng tự do mà bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa; và cũng vì sự yếu đuối của mình mà ma quỷ đã cám dỗ ông bà và chúng đã thành công. Đó là một lý chứng cho thân phận làm người, phải nói rằng bản chất của con người là yếu đuối dễ bị sa ngã cuốn theo điều xấu. Thánh Phaolô đã hiểu được kinh nghiệm này nên ngài nói: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Thánh nhân nói như thế không phải tỏ ra bất lực trước những thách đố của sự dữ, nhưng là để ý thức cho sự hèn yếu của mình mà luôn biết cậy trông phó thác vào Chúa, nhờ ơn Ngài để trở nên mạnh mẽ và đứng vững trước những cám dỗ của thế gian.
         
Chúng ta có thể định nghĩa như thế nào về sự yếu đuối? Yếu đuối có nhiều nét nghĩa, yếu đuối có thể là mong manh dễ vỡ, dễ bị tổn thương, là không có khả năng tự bảo vệ, không làm chủ được cảm xúc trước những thách đố hay biến cố trong cuộc sống. Thật khó khăn để nói về yếu đuối vì đó là một phần thương tích và rách nát của bản thân. Yếu đuối được thể hiện cách khái quát là không đủ sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuộc sống diễn ra đôi khi không như ta mong đợi. Bước vào sa mạc tâm hồn, bạn mới cảm thấy mình yếu đuối như thế nào, có thể là các khó khăn nảy sinh từ các mối quan hệ giữa chúng ta với người khác, các bệnh tật, những thất bại, cảm giác cô đơn hay thất vọng tràn trề đang bủa vây. Trong lúc ấy bạn như thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, và không cảm thấy được sự hiện diện của Ngài nữa. Yếu đuối thể hiện ở hai bình diện, đầu tiên là bình diện tinh thần và tiếp theo là bình diện thân xác. Nhưng sự yếu đuối ở lại bền bỉ đầu tiên trong chúng ta chính là tư tưởng của mỗi người. Satan biết cách rất rõ để lợi dụng tư tưởng đó, những lúc ta buông xuôi là những lúc nó hoạt động mạnh mẽ nhất, nó tác động lên tư tưởng và dẫn đưa việc làm của chúng ta theo ý nó. Từ đó yếu đuối được thể hiện bên ngoài thân xác của chúng ta, lúc này đây thì ta đã thật sự mất định hướng và lạc lối. Nhưng không phải mọi sự đã chấm dứt ở đây, chúng ta không phải đã thất bại dưới sự cám dỗ đó, cuộc chiến chưa kết thúc và chúng ta đang phải tiếp tục chiến đấu, thánh Phaolô mạnh dạn: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 10). Quả thật như thế, điều đó nói lên một sự thật cao cả của đức tin. Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ nghịch lý ấy bằng cái chết, sự sống lại và chiến thắng tội lỗi, Ngài đã trực tiếp thắp sáng lên cho chúng ta niềm tin hy vọng. Thiên Chúa có thể xua tan sự dữ bằng giảng dạy hay một vài phép lạ nhưng Ngài đã không làm vậy, vì chính tình yêu mới làm nảy sinh công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng thế, khi đau khổ vì những giây phút cô đơn, bị bỏ rơi bị hiểu lầm, chiến đấu chống lại những tư tưởng xấu nhưng thất bại… Hãy xem đó là những giây phút quý báu, vì khi ta yếu đuối chính là lúc Thiên Chúa có cơ hội giang tay đón lấy ta. Đừng nên nghĩ rằng chỉ mình tôi mới giúp được tôi, nhưng hãy nghĩ đến những trẻ thơ đang phải cần được cha mẹ dìu dắt nâng đỡ thế nào thì chúng ta cũng cần có Chúa là người Cha giúp đỡ thế ấy vì: “Không có Thầy các con chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Kinh nghiệm yếu đuối giúp chúng ta khám phá ra được nhu cầu cần đến Thiên Chúa và biết mình hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài. Thoát được những yếu đuối đó là điều mà bất cứ ai trong chúng ta vẫn luôn mong ước, thế nhưng điều này thật khó thành hiện thực vì chúng ta là con người. Chỉ có Chúa mới làm được điều này vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài sẽ thực hiện điều ấy khi chúng ta cho Ngài cơ hội đi vào trong tâm hồn, chỉ ra những sai lầm cần sửa chữa hàn gắn những vết thương và đưa chúng ta đi theo đúng con đường mà chúng ta mong muốn. Có thể trên cuộc hành trình trần thế đầy nguy nan, chúng ta cảm thấy quá nhiều thách đố, khó khăn khiến thân xác, tinh thần của chúng ta mệt mỏi. Vậy hãy tạm dừng lại để thân xác và tâm hồn nghỉ ngơi trong thinh lặng, nghỉ ngơi đây không phải là hoàn toàn bỏ cuộc, nhưng là để lấy sức đi tiếp, Chúa Giêsu cũng có nhiều lần té ngã vì sức nặng của khúc gỗ của những tội lỗi do con người lỗi phạm đang đè nặng. Thế nhưng hãy chiêm ngắm hình ảnh mà Ngài gượng dậy bước tiếp không bỏ cuộc, không cho phép sự dữ lấn lướt. Thật vậy, có lẽ chúng ta phải để hình ảnh đó ăn sâu vào tâm trí để luôn chiêm ngắm và làm động lực cho cuộc chiến đấu đang dang dở của mình. Đừng xấu hổ vì nhiều lần vấp ngã, đừng thất vọng vì nhiều lần nỗ lực mà vẫn thất bại, và nếu có thực sự thấy xấu hổ thì hãy cứ xấu hổ nhưng đừng ngủ mê trong trong dục vọng xác thịt vì: “Ngã vào tội là người, còn nán lại trong tội là quỷ”. Vậy cố gắng hãy cứ cố gắng, nỗ lực hãy cứ nỗ lực và bắt đầu lại từ đầu, vì con đường nên thánh còn dài và còn lắm trắc trở thế nên phải liên tục trang bị cho mình đầy đủ những dụng cụ phương tiện cần thiết: Lời Chúa, giáo lý của Ngài, sự thánh thiện và lòng đạo đức mà Ngài đã dạy, đặc biệt là đức tin và lòng tín thác đó là điều không thể thiếu trên hành trình bước theo ơn gọi làm con Chúa.

 


Để vượt qua yếu đuối, chúng ta hãy khoan xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh hay ơn này ơn khác, nhưng hãy xin Ngài cho chúng ta luôn biết phó thác vào Ngài. Bởi lẽ khi có sức mạnh vượt qua được khó khăn chúng ta sẽ ỷ lại và mau quên Chúa, còn sự phó thác tin tưởng thì chúng ta cảm thấy luôn cần đến Ngài nâng đỡ và cũng cảm thấy nhẹ nhàng và gần gũi với Ngài hơn. Lúc này đây sự yếu đuối của con người sẽ không còn nữa, và Thiên Chúa cũng không còn là một vị Thiên Chúa xa vời nhưng là một người Cha một người bạn đồng hành tuyệt vời. Đau khổ sẽ làm cho tình yêu tròn đầy hơn, sẽ làm cho chúng ta lớn lên trong tình yêu của Ngài, yếu đuối là dịp để chúng ta thêm kinh nghiệm vượt qua; yếu đuối là quá trình gọt dũa tâm hồn, yếu đuối không còn là tội lỗi nữa nếu chúng ta ý thức được mình là người con nhỏ bé luôn cần đến Cha.
 


Lạy Chúa là Cha nhân lành Chúa biết rõ sự yếu đuối của chúng con, Chúa biết rõ chúng con chẳng thể làm gì nếu không có Ngài. Vậy, xin Ngài luôn đồng hành nâng đỡ, soi lòng mở trí cho chúng con biết được điều cần phải làm, nhất là luôn biết cậy trông, tin tưởng và phó thác vào Chúa. Xin Chúa tiếp tục kiên nhẫn đợi chờ chúng con ở cuối con đường mà chúng con đang tiếp bước. Amen.

 (Người con Cv. Phaolô Lê Bảo Tịnh - BMT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây