TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời tạ ơn đầu năm

Thứ bảy - 05/02/2022 03:29 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   1124
Lời tạ ơn đầu năm xin dâng lên Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Mùa Xuân – Xuân hy vọng, Xuân yêu thương.

Lời tạ ơn đầu năm
 

Thang 2 2022a

 

Tết Nguyên đán là lễ hội cổ truyền của dân tộc. Nguyên Đán có nghĩa là sự khởi đầu trọn vẹn. Để có sự khởi đầu trọn vẹn, người ta phải bỏ ra bao công lao khó nhọc và thời gian chuẩn bị.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
(Câu đối dân gian).

Để có sự khởi đầu trọn vẹn, phải trải qua bao nhiêu vất vả, tất bật và nỗ lực. Đôi khi, sự vất vả ấy, sự nỗ lực ấy vẫn không trở thành hiện thực mà chỉ mơ màng trong nỗi nhớ:

Tết về, nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.
Nhớ cành đào thắm đầy hoa,
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành.
Nhớ tam cúc đẹt: Nhớ... mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì...
(Bàng Bá Lân - Tết xưa).

Để có ngày Tết đủ đầy, những ngày trước Tết, người ta phải lo lắng bao nhiêu chuyện. Lo nhất là chuyện nợ nần, rồi đến sắm sửa quần áo cho con cái, dọn dẹp cửa nhà, trang trí cây mai, cành đào cho có không khí tết, rồi gắng dè sẻn để có khoanh giò, cút rượu,…

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
(Nguyễn Công Trứ).

Thế nhưng, Tết Nguyên đán không chỉ gói gọn trong ba ngày, nhiều người còn chơi đến hết mùng 10 tháng Giêng. Vì vậy, dân gian gọi là “ba ngày tết, bảy ngày xuân”. Có nơi còn kéo dài suốt cả tháng.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà…

Theo truyền thống người Việt xưa, ngày mùng 1 Tết là ngày quan trọng nhất trong năm, mọi người quây quần bên mâm cỗ gia đình nội tộc. Tục lệ gọi là: Mùng Một Tết Cha. Ngày mùng 2 Tết, các gia đình đưa nhau về quê ngoại. Tục lệ gọi là: Mùng Hai Tết Mẹ. Thanh niên chuẩn bị lập gia đình phải đến mừng tuổi cha mẹ vợ tương lai gọi là “Đi sêu”. Ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tuổi thầy dạy học. Tục lệ gọi là: Mùng Ba Tết Thầy.

Đối với người Công giáo Việt Nam, ngày mùng Một là ngày Minh niên, các tín hữu hiệp ý dâng thánh lễ cầu xin bình an cho năm mới. Ngày mùng Hai kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ tỏ lòng hiếu thảo với những người còn sống, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các vị đã qua đời. Ngày mùng Ba cầu xin cho công ăn, việc làm trong năm mới được hanh thông, thuận lợi, tốt đẹp.

Một điều quan trọng không thể thiếu, đó là Lời tạ ơn đầu năm. Lời tạ ơn đầu năm xin dâng lên Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Mùa Xuân – Xuân hy vọng, Xuân yêu thương. Lời tạ ơn đầu năm xin gửi đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tất cả mọi người đã chung tay gìn giữ Mùa Xuân – Xuân hạnh phúc, Xuân thanh bình. Lời tạ ơn đầu năm xin gửi đến quý vị Ân sư, quý vị ân nhân, bạn bè thân hữu, những người đã tô điểm cho Mùa Xuân – Xuân xinh đẹp, Xuân tươi vui.

Cùng với Lời tạ ơn, xin cầu chúc mọi người, mọi nhà một Năm Mới Hiệp Hành: Hồng Ân và Phúc Lộc.

Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây