TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiền nào của nấy

Thứ ba - 08/02/2022 05:32 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1778
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được;” (x.Mc 7,14-23)
Tiền nào của nấy

TIỀN NÀO CỦA NẤY
(Thứ Tư sau Chúa Nhật V TN – 1V 10, 1-10; Mc 7,14-23)

Theo giáo lý Công giáo, khôn ngoan là nhân đức đứng hàng đầu trong bốn nhân đức luân lý (khôn ngoan – công bình – dũng cảm – tiết độ). Khôn ngoan là nhân đức giúp chúng ta biết phân biệt sự vật này với sự vật kia, điều này với điều nọ, điều tốt với điều xấu, sự gì là chính đáng và phải đạo với điều bất chính, vô đạo… đồng thời giúp chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng, nhất là mối liên hệ nhân quả… Người khôn ngoan không chỉ biết phân biệt mà con biết chọn điều tốt thay điều xấu, chọn điều chính đáng phải đạo thay vì điều vô đạo, bất minh, bất chính, biết quan tâm đến bản chất hơn là hiện tượng, biết tìm hiểu và làm chủ nguyên nhân hơn là kết quả…

Xưa lẫn nay, người khôn ngoan luôn được thiên hạ trọng vọng. Dù nhiều khi họ không có quyền cao hay chức trọng nhưng vẫn được người đời tôn kính, mến yêu. Hiểu nhân đức là thói quen tốt (habitus) thì để được khôn ngoan cần phải chuyên cần học hỏi và kiên trì tập luyện. Sách các Vua kể lại chuyện nữ hoàng Phương Nam đi học hỏi sự khôn ngoan nơi vua Salomon. Chính Chúa Giêsu đã từng nói đến bà hoàng này như là một dấu lạ để chúng ta noi gương (x.Lc 11,29-32). “Tiền nào của nấy” (you get what you pay); “của rẻ là của ôi”. Những thành ngữ trên nhắc nhớ chúng ta rằng để thu tích được sự khôn ngoan thì phải có những gì đó để trao đổi cho tương xứng.

Để học biết khôn ngoan, nữ hoàng Phương Nam đã “bán đi” cái tôi quyền cao chức trọng của mình. Cũng là đứng đầu một vương quốc, thế mà bà đã biết khiêm hạ thân chinh đến gặp gỡ vua Salomon để học hỏi sự khôn ngoan. Không biết “bán đi” cái tôi của mình, bỏ đi sự kiêu căng, tự tôn, cao ngạo thì chắc chắc khó mà học được sự khôn ngoan. Quyền cao, chức trọng trong giáo hội hay ngoài xã hội là một trong những nguyên cớ khiến chúng ta có thể dừng lại, không khiêm nhu học hỏi lẽ khôn ngoan vì những tưởng rằng mình đã khôn ngoan đủ và có khi tự cho rằng không ai khôn ngoan bằng mình. Bà con tín hữu Công giáo có nhận xét dí dỏm về hiện tượng này: “khi đã làm “thầy cả” thì thích và tưởng mình “làm thầy tất cả!”

Sách các Vua còn tường thuật nữ hoàng Phương Nam đã dâng tặng vua Salômon nhiều lễ vật quý giá. Chúng ta vốn quen với câu nói “sự tự do không bao giờ là miễn phí (freedom never free) thì cũng thế, sự khôn ngoan (wisdom) luôn có cái giá phải trả. Hàng hóa càng quý thì giá càng cao. Trên thế giới có loại hình tổ chức nói chuyện của nhiều chuyên gia, nhiều học giả, nhiều danh nhân và người tham dự buổi diễn thuyết phải trả tiền cân xứng cách nào đó. Là người trưởng thành, nếu bạn chưa bỏ ra chút núm ruột của mình (đồng tiền) thì bạn khó mà chăm chú và tích cực thu tích điều nghe và thấy để học hỏi thêm nhiều lẽ khôn ngoan.

Sau khi nói với đám đông: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là những ý định xấu (tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng) mới làm cho con người ra ô uế” (x.Mc 7,14-23) thì Chúa Giêsu đã nói thêm rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Người biết nghe là người vừa khiêm nhu vừa biết nỗ lực xét suy để đón nhận. Dù Tin mừng không nói rõ nhưng có đó nhiều biệt phái và kinh sư lúc bấy giờ không biết “bán đi” cái tôi của mình và hầu chắc họ khó có thể thu được lẽ khôn ngoan từ Chúa Giêsu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây