TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một cái nhìn về Tiếng Thở Dài

Thứ tư - 09/02/2022 22:21 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   946
Xin có một vài nghĩ suy về “tiếng thở dài” của Chúa Giêsu trước khi nói “Epphata” nghĩa là hãy mở ra để chữa lành.
Một cái nhìn về Tiếng Thở Dài

MỘT CÁI NHÌN VỀ TIẾNG THỞ DÀI

 

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Thường Niên – Mc 7, 31-37)

Tin mừng Maccô tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người vừa điếc vừa nói ngọng với nhiều chi tiết lạ thường thú vị. Có đó nhiều diễn suy về những chi tiết như “kéo riêng người bệnh ra khỏi đám đông”, “đặt tay vào lỗ tai”, “bôi nước miếng vào lưỡi” anh ta. Xin có một vài nghĩ suy về “tiếng thở dài” của Chúa Giêsu trước khi nói “Epphata” nghĩa là hãy mở ra để chữa lành.

Tiếng thở dài của một ai đó biểu lộ tâm tư tình cảm của họ. Có thể đó là một trạng thái sảng khoái vì đã cất được một gánh nặng tâm lý nào đó hoặc đã hoàn thành một việc khó nhọc. Tiếng thở dài cũng rất có thể là một cách thế biểu lộ tâm trạng phiền muộn trên mức bình thường. Tiếng thở dài của Chúa Giêsu trong trường hợp này xem ra không ở trường hợp đầu vì Chúa Giêsu thở dài rồi mới nói “Epphata (Hãy mở ra)” và sau đó thì Người lại bảo người ta không được kể chuyện chữa bệnh với ai cả. Nếu tiếng thở dài của Chúa Giêsu thuộc trường hợp thứ hai thì thử hỏi Người đang phiền muộn chuyện gì?

Chắc chắn những người bị khuyết tật về thính giác và khả năng nói thì không nhiều. Tuy nhiên có đó rất nhiều người thính giác bình thường nhưng lại không biết nghe, đúng hơn là không chịu nghe những điều phải nghe. Thánh sử Maccô trong đoạn trước đó đã tường thuật việc Chúa Giêsu giải thích cách biện phân chuyện “sạch – nhơ” và tiếp liền sau đó Người nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mc 7, 16). Chữa lành một vài người bị điếc về thể lý đối với Chúa Giêsu thì có lẽ không quá khó, nhưng chữa lành rất nhiều người có tai mà không chịu nghe, không biết nghe thì quả là không dễ.

Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế. Người nói với chúng ta qua các kỳ công tay Người tác tạo là vũ trụ thiên nhiên, tiếng lương tâm, qua Kinh Thánh qua lời huấn dụ các mục tử và các ngôn sứ chính danh, chính hiệu, qua ý lòng của đoàn dân thấp cổ bé phận. Hình như chúng ta ít để ý đến cách thế sau cùng này dù rằng vẫn nói “ý dân là ý trời”. Sinh thời khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường khiển trách nhiều lãnh đạo Do Thái giáo về điều này. Họ ngồi trên “tòa Môsê” chất lên vai lên cổ dân chúng những gánh ách nặng nề mà chính họ lại chẳng buồn giơ một ngón tay lay thử (x.Mt 23, 1-4).

Khi đã không biết nghe thì chúng ta sẽ không biết nói và nếu có nói thì cũng “ngọng nghịu” cách nào đó. Một trong những cách thế nói ngọng đó là nói nguyên tắc chung chung, nói ở đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng không sợ sai mà thực ra không nói cho ai cả. Người rơi vào chước cám dỗ này có thể gọi là “ăn xôi chùa ngọng miệng”. Được hưởng lợi lộc nào đó thì người ta dễ tìm kiếm sự an phận nên chọn thái độ “làm thinh” khi có chuyện cần phải nói hoặc có nói thì cũng nói chung chung, không đụng đến những người đang nắm quyền cao chức trọng.

Vẫn có đó những tiếng nói cất lên từ những vị hữu trách trong các tập thể tôn giáo. Tuy nhiên cần thú nhận rằng đa số là những vấn đề mang tính luân lý cá nhân và đối tượng là đoàn dân kém phận. Còn những vấn đề mang tính luân lý xã hội đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân như chuyện hiểm họa chiến tranh, chuyện các chế độ chuyên chế toàn trị, chuyện nhiều nhà độc tài trên thế giới đang làm cho dân chúng lầm than, sống không xứng với nhân phẩm… thì xem ra còn quá ít tiếng nói được cất lên. Phải chăng “tiếng thở dài” của Chúa Giêsu vẫn còn vọng vang đâu đó?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây