Thương xót như Chúa Cha
Đức Hữu
2024-04-07T09:51:56-04:00
2024-04-07T09:51:56-04:00
https://gpbanmethuot.net/trang-ban-doc/misericordes-sicut-pater-thuong-xot-nhu-chua-cha-15668.html
https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2024_04/logo-long-thuong-xot.jpg
Giáo Phận Ban Mê Thuột
https://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 07/04/2024 08:24 |
Tác giả bài viết: Đức Hữu |
1144
‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23).
Thương xót như Chúa Cha
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót như Chúa Cha. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Ngày 28 tháng 04 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có hai ngày viếng thăm mục vụ tại Ai Cập. Chuyến đi này được đánh giá là nguy hiểm trong 18 lần ngài đã viếng thăm mục vụ nước ngoài tính đến lúc bấy giờ. Tại sao đó lại là một chuyến đi nguy hiểm? Chúng ta biết là năm 2013, tất cả các nhà thờ tại đây đã đồng loạt bị đốt phá, và số người Kitô hữu lúc ấy giờ phải sống trong nơm nớp lo sợ. Đức Thánh Cha đã có một chuyến viếng thăm đồng hành và an ủi để cho thấy sự hiện diện của Chúa hầu nâng đỡ niềm tin cho cộng đoàn tín hữu nơi đây.
Có thể nói, xưa kia Chúa Giêsu đã hiện đến với các tông đồ. Chúa Giêsu đến với họ vào thời điểm khó khăn nhất trong đời sống của các ông. Khó khăn bởi vì các ông đang bị khủng bố, bị lùng bắt sau sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đến nỗi Thánh Gioan kể: Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái (Ga 20, 19). Chúng ta thấy rằng, các tông đồ sợ không hẳn là cái sợ của ngoại cảnh bề ngoài mà là cái sợ của lương tâm, sợ vì các đã bỏ chạy trốn hết khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, các ông đã công khai từ chối Chúa. Đó chính là cái sợ tự trong tâm. Chính vì việc “sợ ngoài sợ trong” khiến cho các ông trở thành những người phải chỗ chui trốn lủi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hiện đến ở trong hoàn cảnh đó. Người đến vào lúc con người sợ hãi, thất vọng hầu củng cố sự hiệp thông nơi họ.
Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-31), được chọn vào lễ kính Lòng Chúa thương xót. Vậy chúng ta có thể dựa vào đâu để thấy được Lòng Thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại? Có lẽ, chúng ta dựa vào dấu chỉ của đời sống của gia đình để có thể thấy. Nếu có thời gian để nắm lấy bàn tay cha, bàn tay mẹ, chúng ta sẽ thấy được những nốt chai sần ở trên bàn tay của họ. Đó là dấu tích của sự vất vả, của sự hi sinh để đem lại niềm vui bình an cho con cái. Qua mái tóc bạc, qua da mồi nếp nhăn trên khuôn mặt của cha mẹ chúng ta chúng ta sẽ thấy bằng chứng thuyết phục của tình thương của cha mẹ cho con cái.
Cũng vậy, để thấy được Lòng Thương xót, Chúa Giêsu muốn các tông đồ hãy xem tay, xem chân và cạnh sườn của Người. Nơi ấy có những vết thương khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá và nhất là vết thương nơi cạnh sườn khi bị ngọn giáo đâm vào. Qua những vết thương đó, tình thương của Chúa Cha được thi thố qua người con duy nhất của mình đã chịu hi sinh vì tội lỗi chúng ta. Những dấu tích trên thân thể của Chúa Giêsu chính là một bằng chứng thép khiến người đứng lòng tin nhất như Tôma phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Chúa Giêsu đã thuyết phục được ông Tôma. Ngài đến trong cơn khủng hoảng của các tông đồ để ban bình an cho chúng ta.
Hơn nữa, Lòng Thương xót của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta không chỉ qua sự tha thứ nhưng mà Ngài còn mong muốn trao ban cho các tông đồ ơn để trao ban bình an cho người khác. Sách Công vụ Tông đồ kể lại cho chúng ta chuyện kỳ lạ khi Thánh Phêrô cùng các tông đồ khác rao giảng về Chúa Phục sinh và rất nhiều người ăn năn xin trở thành chi thể trong thân thể của Chúa Kitô.
Ngày hôm nay, mừng lễ lòng Thương xót Chúa, hãy nhìn vào những vết thương trên thân thể của Chúa để thấy chúng ta thấy vẫn còn đầy bóng tối nhưng cũng le lói lên ánh sáng chiếu soi cuộc đời. Trong thế giới hôm nay, bóng tối được ví như vết thương trên thân thể Chúa qua con người. Đo là những cuộc tấn công quân sự, những sự đe doạ hạt nhân khiến con người ta phải nơm nớp lo sợ. Nhưng qua Thiên Chúa, chúng ta thấy được thấy ánh sáng. Đó là ánh sáng của ơn bình an, ánh sáng của sự tha thứ và nhất là ánh sáng của chính Chúa. Mừng lễ lòng Thương xót Chúa, xin chúa cho mỗi người ơn bình an đích thực để qua lời nói, việc làm trong môi trường trong gia đình, trong xã hội… chúng ta có thể đem bình an của Chúa đến cho mọi người bằng tình yêu thương của chúng ta dành cho mỗi người như một minh chứng hùng hồn tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Đức Hữu
Đây là khẩu hiệu của Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót (hay gọi ngắn gọn là Năm Thánh Lòng Thương Xót hoặc Năm Thánh 2016, tiếng Latinh: Iubilaeum extraordinarium misericordiae) là một sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo được tổ chức từ ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội (8 tháng 12 năm 2015) đến Lễ Chúa Kitô Vua (20 tháng 11 năm 2016. Đây là Năm Thánh lần thứ 27 trong lịch sử Công giáo, sau Năm Thánh 2000 thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Giống như các Năm Thánh trước đây, Năm Thánh 2016 sẽ là một thời gian đặc biệt mà Giáo hội Công giáo đề cao lòng mộ đạo, sự tha tội và tha thứ, nhất là tập chú vào sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là một Năm Thánh ngoại thường vì nó không theo niên lịch cố định của một Năm Thánh là mỗi 25 hoặc 50 năm mới có một lần. Việc cử hành Năm Thánh 2016 đã được Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố vào ngày 13 tháng 3 năm 2015, ngày khai mạc cũng là kỷ niệm 50 năm ngày Công đồng Vatican II khép lại.
Ai cập là một quốc gia thuộc Bắc Phi, rộng hơn 1 triệu cây số vuông trong đó khu vực có dân cư sinh sống không vượt quá 6% diện tích toàn quốc. Phần lớn dân chúng sống ở vùng bình nguyên sông Nilo, con sông dài nhất thế giới với 6.671 cây số. 82% lãnh thổ còn lại của Ai Cập là sa mạc.
Trong số 90 triệu dân nước này, khoảng 90% theo Hồi giáo Sunnit, 10% là tín hữu Chính Thống Copte, và có 270 ngàn tín hữu Công Giáo Copte, tương đương với 0,31% dân số, một Giáo Hội được thành lập khi một số tín hữu Chính Thống xin trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi thế kỷ 18.
Giáo Hội Chính Thống Copte thuộc vào số các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, là những Giáo Hội ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo la tinh và Chính Thống Hy Lạp vì họ không chấp nhận Công đồng chung Calcedonia năm 451. Cùng thuộc nhóm này có Giáo Hội Arméni Tông truyền, Chính Thống Siriac, và Chính Thống Etiopi, Chính Thống Syro bên Ấn Độ. Các Giáo Hội này cũng được gọi là các Giáo Hội tiền Công đồng Calcedonia.
Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập, ngoài các tín hữu theo nghi lễ Copte chiếm đa số, còn có 6 nghi lễ khác là la tinh, Arméni, Maronite, Công Giáo Siriac, Canđê và Hy lạp Melkite. Từ năm 1969, các GM và các bề trên cấp cao của các dòng tu họp thành Hội đồng giáo phẩm Công Giáo Ai Cập, và được Tòa Thánh phê chuẩn qui chế hồi năm 1992. Chủ tịch Hội đồng này hiện nay là Đức Ibrahim Isaac Sedrak, 62 tuổi Thượng Phụ thành Alessandria của Công Giáo Copte.
Người viết muốn đề cập đến cuộc nội chiến ngày 30 tháng 6 năm 2013, nhân ngày kỷ niệm một năm tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi lên nắm quyền, hàng trăm ngàn người phản đối khắp mọi nơi ở Ai Cập đòi hỏi ông ta từ chức ngay lập tức vì những diễn tiến về chính trị, kinh tế, và xã hội trong nhiệm kỳ của ông ta.[ Tại Cairo, hàng chục ngàn người tập trung tại công trường Tahrir Square và bên ngoài của dinh tổng thống Heliopolis, trong khi những cuộc biểu tình khác cũng được tổ chức tại Alexandria, Port Said và Suez. Các cuộc biểu tình hầu như rất yên bình, trở thành bạo động khi 5 người phản đối Morsi bị giết chết. Cùng thời gian đó, những người ủng hộ Morsi tụ tập diễn hành tại khu phố Nasr City, một quận của Cairo.
Vào buổi sáng ngày 1 tháng 7, những người phản đối Morsi cướp phá cơ sở chính của phong trào Anh em Hồi giáo tại Cairo. Những người phản đối ném đồ đạc vào cửa sổ và cướp phá tòa nhà này. Bộ Y tế Ai Cập chứng nhận là 8 người đã chết trong các cuộc đụng độ chung quanh cơ sở này tại Mokattam.
Các cuộc biểu tình rộng lớn đã được hoạch định bởi phong trào Tamarod, một phong trào của các thường dân mà đã tuyên bố họ đã thu nhận được 22 triệu chữ ký cho một kiến nghị kêu gọi tổng thống Morsi từ chức.Tamarod được thành lập vào tháng tư 2013 bởi các thành viên của phong trào đổi mới Ai Cập (Egyptian Movement for Change), mà đã hình thành vào năm 2004 để làm áp lực đưa tới những đổi mới về chính trị dưới sự cai trị của cựu tổng thống Hosni Mubarak. Vào tháng hai 2011, Mubarak bị tước quyền sau 18 ngày biểu tình rộng lớn, chấm 29 năm trị vì của ông ta.
Trong cuộc tranh giành quyền lực kỳ này có 2 phe đối nghịch với nhau: Một bên là những người cho mình có bổn phận bảo đảm cho một chính quyền phi tôn giáo, chống lại phe kia, đồng ý cho việc hồi giáo hóa xã hội từ phía trên xuống.
Chắc chắn thánh Lu-ca mượn thuật ngữ “hiệp thông” (“koimonia”) từ thánh Phao-lô, vì từ ngữ này chúng ta không bao giờ gặp thấy trong các sách Tin Mừng, nhưng thánh Phao-lô sử dụng nhiều lần. Vả lại, thánh Lu-ca sử dụng từ ngữ này chỉ một lần ở nơi này.
Từ “hiệp thông” này, trước hết chỉ ra mọi người “đồng tâm nhất trí”. Sách Công Vụ nhấn mạnh các Ki-tô hữu tiên khởi “một lòng một ý” với nhau. Từ “hiệp thông” này cũng hàm chứa ý tưởng tượng thân tương ái: “Họ để mọi sự làm của chung; họ đem bán của cải đất đai, lấy tiền chia cho nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi người”. Thánh Lu-ca sẽ khai triển “cộng đoàn bỏ mọi sự làm của chung” này trong bức tranh thứ hai: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4, 32). Chúng ta đừng quên rằng thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng về đức nghèo khó vật chất. Về khía cạnh này, thánh nhân nhấn mạnh giáo huấn của Đức Ki-tô và thích nhắc nhớ rằng lý tưởng Tin Mừng đã được thực hành ngay từ buổi đầu.
Như đa số các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, cộng đoàn Giê-ru-sa-lem có lẽ đa số thuộc tầng lớp xã hội nghèo hèn, trong đó vài người thậm chí sống trong cảnh túng thiếu, như trường hợp các bà góa, nếu không được trợ cấp sẽ phải lâm cảnh ngặt nghèo như được nêu lên sau này (Cv 6, 1).
Thật ra, truyền thống Do thái giáo đã thực hiện tình tương thân tương ái như vậy rồi, đặc biệt ở Giê-ru-sa-lem. Hễ vào áp lễ sa-bát, người ta phân phát thực phẩm cho những người nghèo khổ nhất. Có lẽ cộng đoàn Ki-tô hữu được gợi hứng từ tổ chức này và đã mở rộng ra cho đến việc đặt mọi sự đều là của chung và hưởng theo nhu cầu hằng ngày. Nhưng điều cốt yếu chính là tinh thần mới chi phối việc tương thân tương ái triệt để này: tinh thần huynh đệ chân thật ở đó không còn có những phân chia giai cấp xã hội và ở đó mọi người đều coi nhau là “anh chị em”.
Cuối cùng, ở nơi sự hiệp thông mà những Ki-tô hữu tiên khởi sống, chúng ta nhận thấy một sắc thái cánh chung: chờ đợi cuộc tụ họp sau cùng. Đây là niềm hy vọng không thể nào chối cãi ở giữa lòng thế hệ Ki-tô hữu tiên khởi.
Chắc chắn thánh Tô-ma đã gắn bó mật thiết với Chúa Ki-tô; thánh nhân đã yêu mến Ngài và đã tin vào Ngài. Vào lúc lên Giê-ru-sa-lem lần sau cùng, với cả bầu nhiệt huyết, thánh nhân đã dõng dạc tuyên bố: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11, 16). Nhưng ông đã không mong chờ một cái chết ô nhục trên thập giá; cái chết này đã làm ông vỡ mộng. Nỗi thất vọng, buồn phiền đã khiến ông tách riêng một mình với các bạn đồng môn. Vốn là một con người thực tế, xưa kia ông đã đặt cho Đức Giê-su một câu hỏi thiết thực và thẳng thắn: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14, 5), bây giờ ông từ chối tin vào sự Phục Sinh nếu không có bằng chứng được ông đích thân kiểm chứng. Chúng ta hiểu thánh nhân. Chúng ta nhận ra con người Tô-ma đang ngủ trong chính bản thân của chính chúng ta: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
Đức Giê-su động lòng thương người môn đệ đầy nhiệt huyết đang đắm mình trong nỗi phiền muộn, trong khi các môn đệ khác hoan hỉ mừng vui; vì thế, Ngài sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy…”. Chắc hẳn thánh Tô-ma đã không làm như thế, vì trái với cung giọng của Tin Mừng Gioan. Đúng hơn phải lặp lại những gì thánh Gioan đã nói về người môn đệ Chúa yêu khi vừa mới bước chân vào ngôi mộ: “Ông đã thấy và đã tin”.
Trong các sách Tin Mừng, đây là “lần đầu tiên” tước hiệu “Thiên Chúa” được ban cho “Đức Giê-su”. Thử hỏi còn dấu lạ nào bày tỏ Thần Tính của Ngài rực rỡ hơn sự Phục Sinh của Ngài? Lời cảm thán rất riêng tư của Tô-ma diễn tả tâm tình biết ơn của ông vì Đức Ki-tô đã quan tâm đặc biệt đến ông, Ngài không bỏ mặc ông trong nỗi thất vọng và phiền muộn.
Chúa Giê-su nói: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin”. Đoạn, nghĩ đến những người đã không bao giờ được diễm phúc như ông, Chúa Giê-su ngỏ lời với đám đông những tín hữu của mọi thời: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”. Nhưng lời chúc phúc này, mối phúc độc nhất của Tin Mừng Gioan, trước hết, rõ ràng dựa trên lời chứng của Nhóm Mười Một, mà lời chứng của thánh Tô-ma là thấm thía nhất.