TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tám mối phúc là khẩu hiệu của ta…

Thứ sáu - 19/04/2024 21:23 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   340
“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

CN – IV – PS – B
Tám mối phúc là khẩu hiệu của ta…

tbd 200424a

 

Hằng năm, như một truyền thống đẹp, cứ đến Mùa Phục Sinh, Giáo Hội dành riêng một ngày Chúa Nhật – Chúa Nhật IV, còn gọi là Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH, để cầu cho ơn thiên triệu.

Ơn thiên triệu là gì? Thưa, trước Công đồng Vatican II, khi nói tới “ơn thiên triệu” (vocation) hoặc “ơn gọi” (calling), chúng ta thường nghĩ đó là ơn dành cho những người từ bỏ đời sống hôn nhân, sống đời tận hiến độc thân cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

Và ngày nay, theo “Giáo Lý Ơn Gọi - Bài 28: Ơn Thiên Triệu” chúng ta được dạy rằng: “Ơn thiên triệu là ý Chúa muốn cho mỗi người sống trong một địa vị nào đó. Nhưng theo nghĩa thông thường thì ơn thiên triệu là tiếng Chúa gọi một số người dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì để phục vụ Chúa và anh em đồng loại.”

Rất, rất đáng trân trọng. Với những người sống theo đời sống của ơn gọi này, chúng ta thường gọi là Giám Mục – Linh Mục - hoặc là tu sĩ nam nữ. Các Giám Mục hay Linh Mục được gọi bằng một danh từ rất “Kinh Thánh”, đó là người mục tử.

Nói về các vị mục tử ngày nay, tưởng chúng ta nên biết, khi được truyền chức, các vị thường lấy một “khẩu hiệu”, một khẩu hiệu như là kim chỉ nam cho sứ vụ của mình.

Ðức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, cựu Tổng Giám mục TGP Saigon, đã lấy khẩu hiệu là “Như Thầy yêu thương”. Với khẩu hiệu này, ngài GB Phạm Minh Mẫn có lời chia sẻ: “Ðây là điều tôi luôn nhấn mạnh với các linh mục tại những giáo phận mà mình từng coi sóc. Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương nhau và đối thoại trong yêu thương. Khi về coi xứ, các vị mục tử cần xây dựng được sự hiệp thông, phải làm cho Chúa hiện diện giữa Dân Người bằng tình yêu.”

Với Ðức cha GB Bùi Tuần, cựu Giám mục giáo phận Long Xuyên, ngài đã lấy khẩu hiệu là: “Giới Luật yêu thương”. Chúng ta cùng nghe lời tâm sự của ngài: “Trước khi được tấn phong ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi được thông báo mình được mời gọi nhận sứ vụ Giám mục, tôi nhớ trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: ‘Thầy trao ban cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em’(Ga 13, 34). Có thể là tình hình thời điểm đó rất phức tạp, nên chính Chúa đã soi cho tôi chọn câu ‘Giới Luật yêu thương’ trích từ đoạn Lời Chúa trên đây làm khẩu hiệu, để ơn gọi Giám mục của tôi có phương hướng rõ ràng và chắc chắn.”

Còn Đức Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng, thì sao? Thưa, ngài lấy khẩu hiệu là: “Spiritu ambulemus – Cùng đi trong Thần Khí”. Với khẩu hiệu này, trang mạng phatdiem.org có lời bình luận: “Đây vừa là quyết tâm của chính giám mục vừa là lời mời gọi gửi đến cộng đoàn Dân Chúa, định hướng cho cả hành trình sứ vụ trong và cho Giáo hội, với tinh thần hiệp hành.”

Ðức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đã chọn khẩu hiệu gì? Thưa, ngài chọn khẩu hiệu “Hiệp thông và Phục vụ" (Communione et Serviente).

Hầu hết các vị Giám Mục, theo truyền thống, đều lấy khẩu hiệu được trích trong Kinh Thánh. Thế nhưng, có một vị Giám Mục lại không theo truyền thống này. Đó là: Ðức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh.

Theo lời trần tình của ngài Anphong Nguyễn Hữu Long thì: “Năm 2013, khi được tấn phong Giám mục, tôi đã chọn cho mình châm ngôn Mang vào mình mùi chiên. Ðây không phải là một câu Kinh Thánh như các giám mục quen chọn nhưng mang đầy chất Kinh Thánh. Câu này rút ra từ bài giảng của ÐTC Phanxicô dịp Lễ Dầu năm 2013.”

Giải thích rõ hơn cho lựa chọn của mình, ngài Giám Mục nói: “Mang vào mình mùi chiên ngụ ý sự gần gũi thắm thiết giữa mục tử và chiên. Mục tử suốt ngày ở bên cạnh chiên, có khi ôm chiên vào lòng, vác chiên lên vai, thì hẳn nhiên ám mùi chiên. Hiểu theo nghĩa bóng là nhận lấy niềm vui nỗi buồn của mọi người như của mình. Bất luận hạnh phúc hay bất hạnh, ân sủng hay tội lỗi, điều tốt hay điều xấu của mọi người và mỗi người, tôi đều nhận vào mình để cảm thông, chia sẻ, đồng hóa, gần gũi với họ.”

Cuối cùng, ngài AnPhong Nguyễn Hữu Long kết luận: “Tôi lại luận thêm Chúa Giê-su cũng là chiên, Ngài là ‘Chiên Thiên Chúa’, nên trước hết tôi phải mang mùi Chiên Thiên Chúa vào mình, nơi Ngài chỉ có mùi thơm không có mùi thối, chỉ có ân sủng chứ không có tội lỗi, chỉ có điều tốt chứ không có điều xấu. Sứ vụ giám mục do đó là sứ vụ tương tác, mang mùi của anh em đến với Chúa, và mang mùi của Chúa Giê-su đến với anh em.” (trích nguồn: “Nhìn lại khẩu hiệu Giám mục” tác giả Hùng Luân. Bài được đăng trên báo điện tử Công Giáo và Dân Tộc vào thứ ba, 19/02/2019).

Khẩu hiệu của Giám Mục AnPhong “mang vào mình mùi chiên”, cùng với những lời trần tình của ngài, khiến chúng ta không thể không nhớ đến những gì Đức Giê-su đã tuyên phán, năm xưa.

Tại Palestin, hơn hai ngàn năm xa trước đó, Đức Giê-su đã tuyên phán, rằng: “Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Vâng, Đức Giê-su đã nói rất to và rất rõ ràng, rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.” Đức Giê-su còn tuyên phán rất nhiều điều khác nữa. Và, những điều này đã được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gio-an (Ga 10, 11-18).

**
Đức Giê-su đã tuyên phán nhiều điều gì nữa? Thưa, Ngài tuyên phán: “Người làm thuê vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.” (x.Ga 10, 12).

Nói xong điều ấy, Đức Giê-su tái xác nhận: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.” Vâng, với vai trò là Mục Tử nhân lành, Ngài khẳng định: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

Trong những ngày còn tại thế, một lần nọ, khi nhìn đoàn dân lũ lượt đi theo, Đức Giê-su đã phải thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (x.Mc 6, 34). Và, đó là lý do, Ngài đã có thêm lời tuyên bố: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”

Đức Giê-su còn tuyên phán gì nữa? Thưa, Ngài tuyên phán: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.” Cuối cùng, Đức Giêsu khẳng định rằng: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”. (x.Ga 10, 17-18).

***
Đức Giê-su không nói xuông. Ngài đã thi hành “mệnh lệnh của Cha” một cách trọn vẹn. Tại đồi Golgotha, Mục Tử Giêsu đã hy sinh mạng sống mình bằng cái chết trên thập giá. Một cái chết để cứu chuộc nhân loại. Một cái chết để không ai còn có thể mỉa mai nói rằng “từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Một cái chết để muôn thế hệ về sau đều phải nhìn nhận rằng, Đức Giêsu thành Nazareth, Ngài chính là “Vị Mục Tử nhân lành”.

Vâng, chúng ta còn có thể nói, Đức Giê-su là Chúa Chiên Lành. Và, không có gì phải xấu hổ khi chúng ta được Ngài gọi là “chiên”.

Kinh Thánh thường dùng hình ảnh con chiên để nói về con người. Thánh Vịnh (100, 3) có chép rằng: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt”.

Xưa, khi Đức Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”, ngay lập tức, có một số người gọi Ngài là “đồ điên”, và có một số người đã “lấy đá để ném Ngài”. (Ga 10, 31).

Nay, những hạng người đó cũng không phải là thiếu. Chỉ với một ít kiến thức ba xu, những tên bồi bút của một vài trang mạng vớ vẩn, đã ra sức “ném đá” Giáo Hội. Họ không tiếc lời công kích rằng, thì là mà, Giáo Hội đã biến “con người” thành “con vật” khi gọi những người tín hữu là “con chiên”.

Ôi trời, đúng là nhảm hết sức là nhảm… Này! Quý vị hãy nghe Skip Heittzig. Trong một bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep”, Skip Heittzig có lời viết rằng: “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết.

Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người ‘chăn tuyệt vời’. Đó là ý nghĩ của David trong Thánh Vịnh 23: CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. Skip Heittzig kết luận: “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi”.

Đúng vậy, hãy tự hỏi: Đấng chăn giữ tôi là ai? Ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi? Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, vua David đã có lời nhắn nhủ rằng: “Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.

**** 
Vâng, lời nhắn nhủ của vua David quả là một lời nhắn nhủ không thể làm ngơ. Mỗi chúng ta cần phải ghi khắc trong con tim mình lời nhắn nhủ quý báu này.

Ghi khắc lời nhắn nhủ này, không chỉ để chúng ta nhìn Đức Giê-su như là vị Mục Tử Nhân Lành, nhưng còn để nhớ đến việc cầu xin Chúa cho Giáo Hội mỗi ngày mỗi thêm “những mục tử như lòng (Chúa) mong ước”.

Vâng, Chúa Giê-su rất “mong ước” người mục tử ngày nay “lời nói đi đôi với việc làm”. Đừng như quý ông kinh sư: “Họ nói mà không làm” (Mt 23, 3) Chúa Giê-su rất mong ước người mục tử ngày nay: “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt 11, 28 – 30 ).

Chúa Giê-su rất mong ước, người mục tử ngày nay, thi hành sứ vụ mục tử của mình trong tâm tình “tám mối phúc thật”. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Thi hành sứ vụ mục tử với tâm tình của mối phúc này, con sói lạm dụng tình dục sẽ không “có cửa” vồ lấy người mục tử như lòng Chúa Giê-su mong ước.

Cuối cùng, và cũng là điều rất quan trọng mà mỗi chúng ta cần biết. Vâng, điều chúng ta cần biết, Lm. Charles E. Miller, nói: “Không nhất thiết phải quan niệm rằng các giám mục và linh mục mới là mục tử duy nhất. Giáo Hội ngày nay mời gọi các tín hữu nên những mục tử tốt lành cho nhau. Chúng ta có trách nhiệm hỗ tương, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa khi Người cứu rỗi và thánh hóa chúng ta không như cá nhân riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng quy tụ chúng ta thành một dân tộc duy nhất. Đó là giáo huấn trang trọng của Thánh Công Đồng Vatican II (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 9).

Do vậy, chúng ta phải là những mục tử nhân lành trong gia đình. Chúng ta cũng phải là những mục tử như Đức Giê-su mong ước. Chúng ta cũng phải thực thi những gì Đức Giê-su đã truyền dạy trong bản “Hiến Chương Nước Trời”.

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Thi hành sứ vụ mục tử trong gia đình với tất cả tâm tình của mối phúc này, con sói hận thù, con sói chia rẽ, con sói bè phái, con sói ganh tỵ v.v… có nằm mơ cũng không thể làm cho gia đình chúng ta “tán loạn”.

Vậy đó! Chắc chắn là sẽ như vậy, đó. Thế nên, hãy chọn “Tám mối phúc là khẩu hiệu của ta.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây