Một cô giáo gốc lương dân đã vào Công giáo hỏi rằng: “Mục đích của chủ nghĩa cộng sản là muốn xây dựng thiên đàng ngay tại trần thế. Kitô hữu được mời gọi nỗ lực làm cho Nước Chúa trị đến. Vậy tại sao thường nghe nói là chủ nghĩa cộng sản và Công giáo xung khắc nhau, có người nói là không đội trời chung?
Vì là hỏi đáp nhanh trong cuộc hội thảo nên tôi đã giải thích: Trước hết cần phân biệt chủ nghĩa cộng sản với người anh em theo chủ nghĩa cộng sản. Người anh em cộng sản và người Công giáo rất có thể sống chung hài hòa trong yêu thương và liên đới nhiều mặt. Cũng có thể có trường hợp “phải chung sống” vì nhiều lý do khách quan và cả chủ quan. Xin đề cập đến niềm tin Kitô giáo, cách riêng Công giáo với lý thuyết cộng sản xét như một chủ nghĩa. Có sự khác biệt lớn giữa hai phạm trù này và nhiều sự khác biệt xem như là tương khắc. Chẳng hạn niềm tin Công giáo là hữu thần còn chủ nghĩa cộng sản là vô thần. Công giáo thì xác tín rằng mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Để đạt mục đích tốt thì phải sử dụng những phương tiện tốt, ít nữa là trung dung nghĩa là không xấu. Chủ nghĩa cộng sản thì chủ trương ngược lại: mục đích biện minh cho phương tiện. Để đạt được mục đích tốt thì có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào. Nói cách cụ thể như lời ông Đặng Tiểu Bình đó là “không cần biết mèo vàng hay hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt”. Để đạt được sự ổn định về chính trị hay để giữ được quyền cai trị thì có thể sử dụng mọi phương thế cho dù theo cái nhìn Kitô giáo là không chính đáng và phải đạo chẳng hạn như tuyên truyền, bạo lực…
Sau khi nói rằng thế hệ này đòi điềm lạ nhưng sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào ngoài điềm lạ ngôn sứ Giona thì Chúa Giêsu khẳng định mình còn hơn cả Giona nữa (x.Lc 11,32). Điềm lạ ở đây đó là sự can đảm nói lời chân lý khi mà chân lý đụng tới lối sống bất chính của nhiều người chức cao, vị trọng. Thánh sử Luca tường thuật tiếp liền sau đó là những lời khiển trách rất gay gắt của Chúa Giêsu nhắm vào nhóm biệt phái và luật sĩ với cụm từ lặp đi lặp lại: “khốn cho các ngươi”.
Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật những lời kết án của Chúa Giêsu nhắm vào cả hai nhóm người trên. Với nhóm biệt phái thì Chúa Giêsu đã vạch rõ sự sai lạc của họ khi họ cố tình làm một việc tốt với mục đích xấu. Họ bỏ công sức xây lăng mộ cho các ngôn sứ để che đậy gian ý của họ hiện nay là đang tìm cách hãm hại Chúa Giêsu, người mà dân chúng tôn kính như là một sứ ngôn. Khi mục đích đã là xấu rồi thì việc chúng ta làm dù có tốt cũng thành xấu mà nhiều khi trở thành tệ hại vì nó thường có tính lường gạt tha nhân và nhiều khi cả chính mình cũng bị lầm.
Với các ngài tiến sĩ luật thì Chúa Giêsu khiển trách họ đã “cất giấu sự hiểu biết” con đường vào Nước Trời. Bản thân đã lầm đường mà họ lại còn dẫn dắt dân chúng đi lạc lối (x.Lc 11,52). Vì sự cao ngạo và với lòng tham lam họ đã vẽ vời nhiều con đường nhỏ quanh co mà bỏ qua chính lộ Thiên Chúa đã vạch ra. Chúa Giêsu đã trưng dẫn nhiều đan cử cụ thể: họ dạy dân chúng giữ kỹ lưỡng việc đóng thuế thập phân đến cả các thứ rau nhỏ xíu như bạc hà, thì là… mà bỏ qua đức công bình, lòng nhân và sự thành tín (x.Mt 23,23). Thậm chí họ dạy dân chúng rằng những gì mình có để phụng dưỡng cha mẹ mà nếu đã dâng vào đền thờ rồi thì được miễn sống đạo thảo hiếu (x.Mt 15,1-6). Chắc hẳn các vị tiến sĩ luật đều muốn cho bản thân và người mình dạy dỗ vào Nước Trời. Thế nhưng mục đích tốt là vào Nước Trời không thể biện mình cho cách thế giảng dạy sai lạc của họ. Vì thế chúng ta mới hiểu được thái độ nghiêm khắc của Chúa Giêsu khi phê phán nhóm người này.
Dưới ánh sáng lời mạc khải và theo lời dạy của giáo hội, thiển nghĩ rằng hàng giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và Kitô hữu giáo dân trưởng thành trong Công giáo cách nào đó vốn nắm rõ các mối tương quan giữa các phạm trù: “chính việc làm, ý hướng, mục đích và phương tiện” theo chiều kích thần học luân lý. Sự hiểu biết và việc tin nhận có song hành với cuộc sống ra sao thì còn nhiều vấn đề phải xét suy và tự kiểm. Chẳng hạn xây nhà Chúa vốn thường là một việc tốt. Nhưng để có ngân khoản để xây dựng mà dùng cách thế “khích lòng háo danh” của người dâng cúng thì có đẹp lòng Chúa không? Đã hiểu biết nguyên tắc luân lý mà còn vô tình vi phạm thì thật đáng tiếc. Giả như hữu ý sai lỗi thì chắc chắn lời khiển trách nặng nề của Chúa Cứu Thế lại phải vọng vang: “Khốn cho các ngươi! Khốn cho các ngươi!”
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn