TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa Mãi Đồng Hành Với Nhân Loại

Thứ năm - 14/10/2021 07:15 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   763
“Người là ai mà cả gió và biển đều vâng lệnh Người?”
Thiên Chúa Mãi Đồng Hành Với Nhân Loại

THIÊN CHÚA MÃI ĐỒNG HÀNH VỚI NHÂN LOẠI
(Chúa Nhật cầu bình an qua cơn đại dịch)

Lời Chúa Giáo hội dọn cho chúng ta nghe trích đọc trong Chúa Nhật mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đặc biệt xin ơn bình an trong thời gian đại dịch Côvid 19 này khởi đi từ bài đọc thứ nhất trích sáng Ai ca. Hai từ ai ca như đã nói lên khá rõ về nội hàm muốn trình bày là lời ca bi ai của con người dâng lên Thiên Chúa. Cuộc đời con người nhuốm đầy sự khổ ải. Anh em Phật tử xem đời là bể khổ dâu. Dù không quá bi quan nhưng Kitô hữu vẫn chân nhận thực tiễn như lời Chúa Giêsu đã từng nói: “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Chuyện đời cha ông chúng ta kinh nghiệm: “Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí”.

Cảnh khổ ải mà nhân loại đang phải vất vả long đong hôm nay đó là đại dịch Côvid 19. Nỗi khổ đau không dừng lại ở những người vướng phải con virus corona trong khi tuổi đã già hoặc có mắc bệnh nền mà còn cả nơi nhiều người thân của họ. Cảnh khổ đau còn lan qua cả xã hội với nỗi lo sợ canh cánh bên mình không biết khi nào mình dính phải virus. Nỗi khổ càng tăng lên nơi này nơi kia vì sự đình trệ các mối tương quan xã hội, đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là nhiều kiểu cách “chống dịch” thiếu khoa học, thiếu tình người. Và nhiều chuyên gia tâm lý còn cảnh báo về nỗi khổ của con người đang và sẽ gánh chịu lâu dài được gọi tên là hệ quả côvid và hậu côvid: tâm thần căng thẳng (stress); sự trầm uất…

Trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, Kitô hữu luôn được mời gọi hãy gắn bó với Thiên Chúa. Cách riêng trong cơn khốn khó của cảnh đại dịch này chúng ta cần phải đặt niềm tin và sự phó thác vào bàn tay đầy quyền năng và tình yêu của Đấng mà chúng ta tuyên xưng là Cha. Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc bài Tin Mừng tường thuật câu chuyện các tông đồ đang lâm cơn khốn khó trên biển hồ vì sóng to gió lớn và khi họ cầu cứu Thầy Giêsu thì Người đã ra tay uy quyền che chở họ bằng cách truyền phán cho gió yên, biển lặng (x. Mc 4,35-41).

“Người là ai mà cả gió và biển đều vâng lệnh Người?” Đã theo Thầy chí thánh một thời gian khá lâu, đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy trên bệnh tật và các thần ô uế, thế mà giờ đây khi thấy Thầy truyền cho gió trời, sóng biển yên lặng thì các tông đồ vẫn kinh ngạc đến sững sờ. Thầy là ai mà có quyền lực trên cả giới tự nhiên? Chỉ đến sau biến cố phục sinh của Người thì các tông đồ mới xác tín Thầy là Thiên Chúa thật, Con Một của Cha trên trời, là hình ảnh của Đấng dựng nên vũ trụ đất trời.

Chúng ta vốn dễ sững sờ trước quyền năng phi thường của những ai đó. Thế nhưng nhiều khi chúng ta ít kinh ngạc trước tấm lòng của người này người kia. Các tông đồ kinh ngạc vì thấy Thầy phán một lời gió biển liền yên lặng. Sao các ngài không kinh ngạc vì dù thuyền chồng chành, nước đã ập vào thuyền, thuyền sắp chìm mà Thầy vẫn ngủ say? Chắc hẳn một lúc nào đó sau này, các tông đồ mới cảm nghiệm tấm lòng yêu thương vô bờ của Thầy. Vì yêu thương nhân loại đang khốn khổ tư bề vì bệnh tật, vì quỷ ám, vì thiếu người giảng dạy, Thầy Giêsu đã vất vả lao nhọc ngày đêm đến độ không còn thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi, thậm chí người thân lầm tưởng Người đã mất trí. Sóng to gió lớn, nước tràn vào thuyền, thuyền  sắp chìm, nhưng Đấng đã tự nguyện ôm lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của nhân gian vẫn đang “ngủ say như chết”, tất thảy chỉ vì quá lao tâm và tổn sức. Chân dung Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô.

Cùng với thánh Phaolô tông đồ mong sao chúng ta có được sự xác tín rằng: “Không, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Rm 8,39). Cùng với tác giả Thánh Vịnh chúng ta xác tín rằng nếu không yêu thương chúng ta thì Thiên Chúa dựng nên chúng ta làm gì. Nếu không yêu thương thế gian thì sao Người lại phó ban chính Người Con Một cho thế gian? Thiên Chúa là Tình Yêu. Người cũng là Đấng quyền năng vô cùng. Thế thì tại sao biết bao lời khẩn cầu trong cơn đại dịch như vẫn chưa thấu tới tai Người? Trong lịch sử nhiều triết gia đã vì hiện tượng này nên đã chọn quan điểm “vô thần”, chẳng hạn như Jean-Paul Satre, Albert Camus…

Thiên Chúa mãi hiện diện với nhân trần. Khi sai Con Một vào trần gian trong kiếp người thì hẳn Người muốn tỏ bày thánh ý rằng Người muốn chúng ta, tạo vật cao trọng nhất trong các loài hữu hình vốn đã được dựng nên theo hình ảnh của Người hãy làm cho Danh Người cả sáng như Đức Giêsu, Đấng luôn tự xưng là Con Người. Và nếu có chút niềm tin chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Đấng Toàn Năng và đầy lòng xót thương nơi nhiều tâm hồn đang quảng đại hiến thân vì tha nhận trong cơn đại dịch này. Không chỉ là hình ảnh các quan chức Chính phủ xông xáo nơi này nơi kia, các y bác sĩ ở tuyến đầu hay các tình nguyện viên mà có đó nhiều nhà khoa học miệt mài lo nhân loại trong các phòng thí nghiệm âm thầm, có đó nhiều tâm hồn bé mọn với những việc nhỏ nhặt vô danh qua việc vệ sinh, khử trùng và có đó rất nhiều người hy sinh cùng với lời khẩn nguyện chân thành... Tất cả là vì một cuộc sống bình yên cho nhân loại vượt qua cơn đại dịch.

Vững tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, bạn và tôi, chúng ta làm được gì để cho Danh Cha cả sáng, để cho tha nhân cảm nhận rằng Thiên Chúa mãi đồng hành với nhân loại, đặc biệt trong những hoàn cảnh khổ đau như Chúa Giêsu ngày xưa ở cùng các môn đệ? Bằng thái độ và hành động cụ thể ước gì chúng ta có thể nói như thánh tông đồ dân ngoại rằng: Tôi sống mà không phải là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây