Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 15/04/2021 07:58 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
679
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.”
Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (8)
Ngày thứ 16
Thứ Tư, ngày 19 tháng 8
Những tia nắng bình minh chiếu rạng ngời.
Một ngày mới đã khởi đầu.
Khởi đầu ngày mới với tâm tình tạ ơn và yêu thương sẽ có một ngày bình an và hạnh phúc. Đừng để những ý nghĩ tiêu cực len lỏi vào tâm hồn làm mất đi niềm vui của ngày mới.
Ngày thứ 16 cùng Nó vào bệnh viện.
Những ngày đầu đau đớn vì 2 lần phẫu thuật cách nhau 10 ngày. Giờ đây trông Nó tươi tỉnh, chịu khó ăn uống để lấy lại sức và tập luyện theo những chỉ dẫn để có thể sớm về nhà. Trở về nhà chính là động lực thúc đẩy Nó. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để con vượt qua thử thách này.
Bệnh viện không ai muốn đến, nhưng đôi khi bắt buộc phải vào để điều trị một điều gì đó với cơ thể.
Tôi còn nhớ, vào đầu năm 1983, sau những ngày nghỉ tết trở lại chủng viện, tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh, kéo dài cả tháng. Rất may là không phải đi nằm bệnh viện.
Một lần khác, khi đang ‘lang thang’ ở Sài gòn để tìm một bến đỗ, cơn sốt rét ác tính hành hạ, tôi phải nhập bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn, để điều trị. Các bác sĩ ngạc nhiên, giữa thành phố, có người bị sốt rét rừng. Té ra, bệnh nhân đã một thời ở rừng núi Tây Nguyên. Thuở đó, làm mọi người một phen vất vả. Xin cám ơn mọi người đã đỡ nâng.
Những năm sau, tôi có dịp chăm sóc vợ, khi nàng phẫu thuật cắt bướu cổ tại bệnh viện Tăng Cường Quân đội, đường Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột.
Năm 2002, khi mẹ phải nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, tôi chỉ đến thăm mẹ. Lúc đó, có những người chị đã chăm sóc mẹ.
Năm 2005, bà ngoại nằm bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, tôi rất buồn, vì không một lần được đi thăm ngoại.
Năm 2012, cha tôi phải nằm viện, tôi trở về chăm sóc cha. Từ bệnh viện Phước Long, Bình Phước đến bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Những ngày đó thật là vất vả cho cả người bệnh và người chăm sóc. Ôi kiếp người mong manh.
Năm 2019, dịch sốt xuất huyết diễn ra trên vùng đất đỏ bazan Bụi Mù Trời, Nó nằm bệnh viện hết mươi ngày.
Con xin phó thác mọi sự cho Chúa. Như lời Thánh Vịnh 37,5: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.”
Ngày đã tàn. Đêm đang qua. Nhìn Nó ngủ say mà lòng con vui mừng vì biết rằng mọi sự sẽ tốt đẹp. Tạ ơn Chúa.
Ngày thứ 17
Thứ Năm, ngày 20 tháng 8
0g
Rồi lại một đêm thức trắng.
Một đêm như mọi đêm.
Nằm nghe tiếng quạt quay đều, quay đều.
Quay đều như sáng chiều.
Quay đều như năm tháng.
Quay đều như xuân hạ thu đông.
Quay đều như thời gian không trở lại.
Quay đều, quay đều, quay đều...
Và tôi
Thiếp đi trong vòng quay của cuộc đời...
Nhưng kìa, có người chờ gặp tôi: Đức Kitô.
Lạy Chúa, con phó thác mọi sự cho tình yêu của Chúa.
5g
Như thường lệ, các cô điều dưỡng đi một vòng để kiểm tra thân nhiệt và huyết áp của bệnh nhân.
Trong giấc ngủ chập chờn tôi nghe tiếng quay đều của quạt trần.
Tôi nghe tiếng xe đẩy của bàn thuốc.
Tôi nghe tiếng bước chân của các cô điều dưỡng.
Và tôi cũng nghe thấy đời mình đang chìm vào vòng tay của... Vô Biên/Vô Thường.
Một giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị.
Hôm nay là đúng 1 tuần sau ngày phẫu thuật lần thứ 2. Thức dậy, Nó hăng hái tập luyện. Đau đớn, mệt mỏi và mất sức, song Nó vẫn tươi cười. Ngày trở về nhà đã gần đến. Ước mơ cháy bỏng trong tim trong lúc này.
Những ngày trong bệnh viện, tầng 3, Ngoại-Chấn thương chỉnh hình, tôi thấy rất nhiều người đến và đi. Người lớn tuổi, thanh niên và cả các em bé. Họ bị đủ mọi loại tai nạn.
Có 2 em bé, 1 đứa 4 tuổi, một đứa 2 tuổi, hiếu động. Bố mẹ giữ thế nào để đứa bé té bị... nứt sọ.
Hai vợ chồng già, trên 80, sống ở vùng quê. Để sửa mái nhà, bà giữ thang cho ông leo lên. Khi trở xuống, ông bị ngã đè lên người bà làm bà gãy chân, nhập viện. Còn ông, nặng hơn, được chuyển đi Sài Gòn. Ôi tuổi già đầy mỏng giòn, yếu đuối và cô đơn.
Những ngày chờ đợi Nó phẫu thuật, tôi thấy có nhiều người được phẫu thuật nhất là gì? Là những bà mẹ sinh con. Sau thời gian vất vả mang thai, giờ chuyển mình đau đớn, nhưng một sinh linh đã chào đời, một niềm vui khôn tả (x. Ga 16,21).
Người đến người đi. Đau thương vui mừng luôn là hình ảnh của kiếp người.
Khi khám cho Nó, bác sĩ hay hỏi có đau không?
- Thưa, đau lắm.
Bác sĩ trả lời:
- Đau mới là sống. Không đau mới là chết.
Sự sống được sinh ra trong đau đớn. Chính sự đau đớn cưu mang sự sống. Một huyền nhiệm của cuộc đời.
Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng con người bằng cách lấy bùn đất nặn nên hình người và ban cho nó sinh khí để có sự sống. Con người là bùn đất nên gắn chặt với bụi tro. Hơn nữa, khi con người chối từ lời Thiên Chúa, làm con người càng xa cách Ngài. Gắn chặt vào thụ tạo bất toàn và tiêu vong. Để được sống trong tình yêu của Thiên Chúa con người phải chuyển dạ, phải chịu đau đớn... mới có thể sống hạnh phúc với ngài (x. St 3,1...).
Ôi đau thương hạnh phúc. Làm sao con hiểu thấu? Chúa ơi!!
Còn tiếp ... Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh Nguyễn Thái Hùng