TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nước Thiên Chúa (Mc 4, 26-34)

Thứ năm - 13/06/2024 20:04 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   402
Nước Thiên Chúa được ví như hạt cải nhỏ hơn mọi loại hạt, nhưng khi gieo xuống sau một thời gian, nó mọc lên thành cây, và lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.

NƯỚC THIÊN CHÚA
Chúa Nhật 11 Thường Niên năm B: Mc 4, 26-34

LmTN 140624a

 

Suy niệm

Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Phêrô ở lại Jerusalem một thời gian, và sau đó ngài sang Rôma để gầy dựng cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ở đó, vào thời Hoàng đế Nêrô. Đây là vị vua gian ác, đã giết mẹ, giết vợ. Trong một cơn say điên cuồng, Nêrô đã ra lệnh đốt cháy toàn bộ kinh thành để lấy hứng làm thơ. Sau trận hỏa hoạn đó, dân chúng nổi dậy truy tìm thủ phạm thì ông ta đổ tội cho nhóm người Kitô hữu. Từ đó gây nên sự căm phẫn đối với người Rôma, tạo ra một phong trào bách hại và tiêu diệt người Kitô giáo. Có lẽ chính trong khung cảnh đó mà thánh Máccô kể cho các tín hữu nghe dụ ngôn Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt giống, hay hạt cải gieo xuống lòng đất, để đem lại cho họ niềm hy vọng.

Dụ ngôn thứ nhất cho thấy hạt giống khi đã được gieo xuống đất thì bắt đầu nảy mầm và lớn lên, theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi. Tự nơi hạt giống có một sức sống mạnh mẽ, và cứ thế mà tăng trưởng, người gieo cũng chẳng hiểu như thế nào. Có điều gì rất mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này, để rồi cuối cùng hạt giống đã thành cây lúa và mang nặng trĩu những bông hạt. Dụ ngôn thứ hai cho thấy một điều lớn lao hơn: Nước Thiên Chúa được ví như hạt cải nhỏ hơn mọi loại hạt, nhưng khi gieo xuống sau một thời gian, nó mọc lên thành cây, và lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác. Hạt bé nhất lại thành cây lớn nhất.

Nhìn về lịch sử Giáo Hội sơ khai, khi đối chiếu giữa thánh Phêrô và vua Nêrô, tác giả cuốn “Quo va dis” đã cho thấy thánh Phêrô chỉ là ông già quê mùa, chất phác, chẳng có gì trong tay, một mảnh đất cũng không. Đang khi đó Hoàng đế Nêrô có cả một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, châu báu đầy tràn, có quyền lực bao trùm và binh lực dũng mãnh, nắm trong tay sự sống chết của mọi thần dân. Giáo Hội Chúa lúc đó mới khởi đầu với một nhóm Kitô hữu quá nhỏ nhoi. Nếu đặt mình trong bối cảnh đó, ai cũng phải đặt vấn đề: Liệu Giáo Hội có thể chịu nổi những cơn bách hại của bạo chúa Nêrô không? Liệu Giáo Hội có thể tồn tại và phát triển khi bị chận đứng dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc không? Xem ra tương lai của Giáo Hội quá mịt mù.

Thế nhưng diễn biến lịch sử không như những gì người ta lượng định. Có một triết gia nói rằng:“Không một chế độ độc tài nào kéo dài hơn một đời người”. Cho dù có kéo dài hơn nữa thì cũng tới lúc tàn tạ. Chỉ có tình yêu và sự sống linh thiêng mới tồn tại vĩnh viễn. Con người không thể đối đầu với Thiên Chúa, vì tất cả đều nằm trong dự hướng của Người. Thật thế, chỉ ít năm sau đó, Hoàng đế Nêrô đã chết trong sự ô nhục, mọi quyền lực tiếp nối lần hồi đều suy thoái. Đế quốc Rôma không đầy ba thế kỷ sau cũng suy tàn. Điều lạ lùng hơn cả là Rôma sau đó lại biến thành kinh đô muôn thuở của Giáo Hội.

Nước Trời đã khởi đầu nơi Ðức Giêsu và một nhóm nhỏ các môn đệ ít học. Và sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan rộng khắp thế giới. Lịch sử của Giáo Hội cho thấy sự thiện đã chiến thắng, nhưng thực tế, ta vẫn thấy cái ác như thắng thế; thấy quyền lực thắng vượt; thấy sự bất công và gian dối thắng lợi, và thấy Tin Mừng Đức Kitô có vẻ như thất bại… Vẫn có những cuộc bách hại mới trong một thế giới tự do, trong chiến lượt toàn cầu hóa, trong nền văn minh công nghệ vượt bực, trong lối sống văn minh hưởng thụ, và ngay trong lòng Giáo Hội với những rối ren, phân rẽ… gây ra những khủng hoảng đức tin ngay trong giới trẻ là tương lai của Hội Thánh. Tuy nhiên, như đã được minh chứng trong lịch sử thế nào, thì sự phát triển của Nước Thiên Chúa qua hai dụ ngôn vẫn cho chúng ta cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng.

Thái độ chúng ta là kiên nhẫn đợi chờ, vì hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới lòng đất, và phải đương đầu với những khó khăn để thành cây. Có những lúc ta thấy sức sống đó như bị khựng lại và suy thoái, rất khó đứng vững trước những phong ba bão táp. Thế nhưng không có gì ngoài dự định của Thiên Chúa, điều cần là chúng ta phải có một đức tin kiên vững: tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu, bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.

Phần chúng ta cứ tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa và góp phần xây dựng Nước Trời trong mọi tình trạng, dù thuận lợi hay bất lợi. Chúng ta không chỉ trông mong cho hạt giống nẩy mầm và mọc lên sinh hoa kết quả, nhưng còn phải tạo điều kiện cho cây mọc lên thật tốt bằng sự chăm bón, vun xới, cũng như làm lành mạnh hóa môi trường sống. Như nhà nông phải đổ công khó và lao nhọc để đón đợi ngày mùa, chúng ta cũng phải đổ tâm huyết để Nước Chúa ngày càng lớn lên.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã dạy cho chúng con được biết,
Nước Trời như hạt giống đã vãi gieo,
dù phong ba hay mưa nắng đêm ngày,
thì hạt giống vẫn âm thầm nẩy mộng,
trổ đòng đòng sau hết đã thành bông,
và mùa lúa chín khắp trên cánh đồng.


Nước Chúa đang lặng lẽ lớn lên dần,
con không nên nôn nóng đòi nhanh chóng,
nhưng lạc quan tin tưởng và hy vọng,
vì mọi sự trong lòng bàn tay Chúa.


Con không cần phô trương hay quảng cáo,
về niềm tin hay đạo giáo của mình,
chỉ cần sống chân tình và ngay chính,
biết thực thi những giá trị Tin Mừng.


Chúa cũng ví Nước trời như hạt cải,
lúc gieo xuống thì đúng là rất nhỏ,
nhưng mọc lên lại hóa thành cây to,
lá xum xuê đến nỗi chim làm tổ.


Việc lớn thường bắt đầu từ việc nhỏ,
nhỏ không xong thì lớn cũng không thành,
con đừng vội và hối hả phân tranh,
kẻo đưa đến những hậu quả chẳng lành.


Chúa đã gieo Hội Thánh vào thế giới,
nhưng Chúa lại trở về nơi thượng giới,
nên xem ra Hội Thánh rất chơi vơi,
qua gian nan và thử thách giữa đời,
tưởng chừng như Hội Thánh đã hết thời,
nhưng rồi lại lan tỏa khắp mọi nơi.


Vì nhờ Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn,
tiến đến mùa bội thu đang lớn dần,
con nguyện cầu cho Nước Chúa rộng lan,
để niềm vui ơn cứu độ tuôn tràn. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây