TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ơn Toàn Xá – NVMN

Thứ năm - 31/10/2024 02:13 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   484
Tháng 11, Hội Thánh mời gọi con cái mình lãnh nhận nhiều Ơn Toàn Xá và nhường lại cho các linh hồn nơi luyện ngục. Với lòng mộ đạo yêu mến Ông bà Tổ tiên và những người thân yêu, chắc hẳn không ai lại không muốn lãnh nhận Ơn Toàn Xá này. Chính đây là giây phút chúng ta sống trọn vẹn tình Chúa và tình người.
Ơn Toàn Xá – NVMN
                                                         Niềm Vui Mỗi Ngày
                                      “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
                                       Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.”
                                                     Thánh Vịnh 37,4


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Ơn Toàn Xá – NVMN

Tháng 11 Hội Thánh dành riêng để cầu nguyện cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời. Một việc đạo đức được lưu ý  trong tháng 11 này, mọi tín hữu có thể lãnh nhận được nhiều Ơn Toàn Xá và nhường lại cho các linh hồn nơi luyện ngục; và nhờ đó, các linh hồn được hưởng nhan thánh Chúa.

Ân Xá là gì?

Ân Xá là việc Thiên Chúa tha hình phạt tạm ta còn phải đền bù sau khi tội được tha thứ. Đây là sự tha thứ mà người tín hữu, khi có sự chuẩn bị xứng đáng, có thể lãnh nhận được nếu hội đủ điều kiện, và thi hành trọn việc đã được quy định, qua trung gian Giáo Hội. Giáo Hội, với tư cách là Thừa tác viên ban phát Ơn Cứu Chuộc, có quyền phân phát và áp dụng kho tàng công ơn của Chúa Kitô và của các Thánh (GLCG số 1471).

Có hai thứ Ân Xá: Ân xá từng phần (partial) hay còn gọi là tiểu xá; hai là ân xá toàn phần (plenary) hay còn gọi là toàn xá hoặc đại xá. Ơn Phần Xá/ Ơn tiểu xá tha một phần hình phạt tạm bởi tội. Ơn Toàn Xá/ Ơn đại xá/ Ân xá toàn phần tha hết mọi hình phạt tạm, tha toàn bộ hình phạt bởi tội.

Những ai được lãnh nhận ân xá và các điều kiện

Để được hưởng những ân xá, người lãnh nhận phải là:
* Người đã được rửa tội.
* Không bị vạ tuyệt thông.
* Đang sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc việc phải làm.
* Phải có ý định muốn lãnh nhận.
* Sau đây là những việc thực hành vào thời gian và theo cách thức mà giáo quyền qui định để được hưởng Ơn Toàn Xá. Theo Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban [ấn bản 1999]” liệt kê nhiều trường hợp, nhưng ở đây chỉ nêu các lời kinh và việc làm/dịp quen thuộc:
- Kinh nguyện: Kinh Dâng Loài Người Cho Chúa Kitô Vua [cách công khai, trong ngày Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ] “Lạy Đức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng là Đấng đã chuộc tội loài người ta... (Ibid., 2);
Kinh Đền Tạ Thánh Tâm Chúa [trong ngày Lễ Trọng Kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu] “Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội…(Ibid., 3);
Sốt sắng đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, trong hội dòng, gia đình, với hội đoàn tín hữu, hoặc với một nhóm tín hữu, hoặc với ĐGH qua phương tiện truyền thông phát thanh/truyền hình [Chỉ năm chục cũng được, nhưng phải đọc liên tục, không cách quãng] (Ibid., 17 § 1,1; § 2);
Sốt sắng đọc hoặc hát Kinh Te Deum vào ngày cuối năm (Ibid., 26 §1,2), v.v...
- Việc làm/dịp đặc biệt: Đón nhận Phép lành Tông Tòa với ơn toàn xá của Đức Thánh Cha (Benedictio Papalis) cho Rôma và Thế giới (Urbi et Orbi), một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua truyền hình/truyền thanh, vào những dịp trọng đại [chẳng hạn như dịp Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, nhân dịp đăng quang Giáo hoàng hay Năm Thánh…].  (Ibid., 4);
Tham dự thánh lễ trong đó Đức Giám mục chính tòa ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá ba lần một năm vào các dịp lễ trọng đặc biệt mà ngài chỉ định (Ibid., 7 § 2; Sách Lễ nghi Giám mục, các số 1122-1126);
Tham dự thánh lễ trong đó Tòa Ân Giải Tối Cao ra Sắc lệnh cho phép ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá kèm theo [theo thỉnh nguyện];
Chầu Mình Thánh Chúa ít nhất nửa giờ (Ibid., 7 § 1,1);
Sốt sắng hát Tantum Ego (Đây Nhiệm tích ...) sau Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh [lúc cất Mình Thánh Chúa cách trọng thể] (Ibid., 7 § 1,2);
Tham dự Rước Kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa [vào ngày Lễ trọng Mình và Máu Chúa Kitô] (Ibid., 7 §1,3);
Ơn Toàn Xá được ban cho người rước lễ lần đầu và những ai sốt sắng tham dự Thánh lễ này (Ibid., 8);
Tham dự trọn vẹn ít nhất ba ngày tĩnh tâm (Ibid., 10);
Sốt sắng suy tôn Thánh giá trong nghi thức phụng vụ trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh (Ibid., 13 §1);
Tự mình viếng đủ 14 Chặng Đàng Thánh giá, suy niệm và đọc thành tiếng lời nguyện ngắm có sẵn (Ibid., 13 § 2a);
Ơn toàn xá cho linh mục dâng Lễ Mở Tay và tín hữu sốt sắng tham dự Thánh Lễ ấy (Ibid., 27 § 1);
Ơn toàn xá cho linh mục dâng Lễ kỷ niệm 25, 50, 60, 70 năm thụ phong linh mục và tín hữu sốt sắng tham dự Thánh Lễ ấy (Ibid., 27 § 2);
Tuyên lại lời hứa Phép Rửa Tội trong Lễ Vọng Phục Sinh/trong ngày kỷ niệm Rửa Tội ((Ibid., 28 § 1);
Viếng đất thánh vào bất cứ ngày nào từ 1 đến 8 tháng 11 và cầu nguyện cho người qua đời (Ibid., 29 § 1, 1);
Kính viếng Nhà thờ hoặc Nhà nguyện vào ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn, đọc một Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính (Ibid., 29 § 1, 2);
Đọc Kinh Thánh ít nhất nửa giờ [với sự kính trọng Lời Chúa, như đọc sách thiêng liêng] (Ibid., 30 §1) - Nếu có lý do chính đáng không thể đọc được, thì có thể nghe người khác đọc, hoặc nghe qua máy phát thanh hay phát hình (Ibid., 30 § 2), v.v...
 
Để được hưởng Ơn Toàn Xá ngoài những điều nêu trên thì còn phải thêm những điều kiện khác nữa, đó là: xưng tội; rước lễ; cầu nguyện theo ý ĐGH; dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ (SBAX 1999, “Quy Chế” N. 20 § 1).

* Xưng tội : Việc xưng tội ở đây được hiểu là trực tiếp đến tòa giải tội để lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Thời điểm xưng tội có thể diễn ra trước hoặc sau dịp lãnh nhận ân xá vài ngày (SBAX 1999, “Quy Chế” N. 20 § 2 & 3). Theo chỉ dẫn của Tòa Ân Giải Tối Cao hiện nay, việc xưng tội phải diễn ra “trong vòng khoảng 20 ngày trước hoặc sau hành vi lãnh nhận ân xá. Như vậy, những ai xưng tội hằng tháng coi như đã thỏa mãn đòi hỏi này vì trước hoặc sau 20 ngày của hành vi lãnh nhận ân xá sẽ lên đến 40 ngày, tức là đủ điều kiện về xưng tội để lãnh ơn toàn xá cho mọi ngày.

* Rước lễ : Thứ nhất, rước lễ ở đây phải là rước lễ Bí tích chứ không phải rước lễ thiêng liêng. Thứ hai, không phải là rước lễ cách bất xứng/phạm thánh, nhưng là rước lễ trong tình trạng ân sủng (GLCG 1385, 1475). Thứ ba, tốt nhất là việc rước lễ được thực hiện cùng ngày khi lãnh nhận ân xá. Tuy nhiên, cũng như việc xưng tội, thời điểm chịu lễ có thể diễn ra trước hay sau hành vi/dịp được ơn toàn xá một số ngày, theo quyết định của Tòa Ân Giải Tối Cao hiện nay, là trong vòng khoảng 20 ngày trước hoặc sau hành vi/công việc kèm theo lãnh nhận ân xá.

* Cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng : Đối với điều kiện này, chúng ta không cần thiết phải biết tường tận và chi tiết ý nguyện của ĐGH là gì; theo Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban hướng dẫn rõ rằng cầu nguyện theo ý ĐGH được diễn tả bằng việc đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt (SBAX 1999, “Quy Chế” N. 20 § 5).

Lưu ý : Ba điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH, có thể làm trước, hoặc sau mấy ngày của ngày làm việc có ơn toàn xá. Tuy nhiên, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH nên cùng ngày với ngày làm việc của ơn toàn xá (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 3). Chi một lần xưng tội là đủ cho việc lãnh nhận một số các ơn toàn xá, còn rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH thì phải thực hiện cho mỗi lần lãnh ơn toàn xá (Ibid., N. 20 § 2).

* Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ : Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội không phải là thoát khỏi mọi tội, mà là không có tội nào mà linh hồn không muốn xa tránh hoặc không sẵn sàng từ bỏ chúng. Người dứt bỏ lòng quyến luyến các tội vẫn có thể phạm tội, điều quan trọng là tỏ ra thực sự ghét tội, thực lòng sám hối ăn năn lập tức về những yếu đuối tội lỗi của mình, kể cả những tội nhẹ nhất, tìm kiếm và đón nhận ơn tha thứ của Chúa.  Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội không chỉ dừng lại ở cam kết và tìm cách tránh xa tội lỗi, dù là tội nhẹ, vì chúng chống lại sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa. Đó chỉ là bước đầu. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội đòi hỏi phải loại trừ mọi nuông chiều hướng về tội và không tự mở đường cho tội hoành hành dưới bất cứ điều kiện nào. Tất cả hành xử này phát xuất từ lòng kính sợ Chúa, ước muốn làm đẹp lòng Chúa, khao khát phụng sự Chúa mạnh mẽ đến độ vượt lên trên sức hút của cám dỗ phạm tội, và không muốn bản thân quay về với đường xưa lỗi cũ mà làm mất lòng Chúa nữa. Khi gặp cám dỗ, nếu đầy quyết tâm và nhiều kháng cự, thì với ơn Chúa giúp, cám dỗ sẽ bị trục xuất. Đó là sự thể hiện lòng không quyến luyến với tội lỗi. (Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS : https://tgpsaigon.net/bai-viet/cac-dieu-kien-de-lanh-nhan-an-xa-67422)

Tháng 11, Hội Thánh mời gọi con cái mình lãnh nhận nhiều Ơn Toàn Xá và nhường lại cho các linh hồn nơi luyện ngục. Với lòng mộ đạo yêu mến Ông bà Tổ tiên và những người thân yêu, chắc hẳn không ai lại không muốn lãnh nhận Ơn Toàn Xá này. Chính đây là giây phút chúng ta sống trọn vẹn tình Chúa và tình người.

Lạy Chúa, con yếu đuối, xin giúp con!

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…

                                                                     Nguyễn Thái Hùng
                                                                               11.2024

 
 Tags: nvmn, Ơn Toàn Xá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây