TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếng ru.

Thứ bảy - 15/10/2022 09:06 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   796
Ai lớn lên, lẽ nào lại quên, những tháng năm đầu đời được ướp trong lời ru. Lời ru của mẹ, tiếng ru của cha, giọng hát ru của chị, của anh.
Tiếng ru.

Tiếng ru.


 
 
Ai lớn lên, lẽ nào lại quên, những tháng năm đầu đời được ướp trong lời ru. Lời ru của mẹ, tiếng ru của cha, giọng hát ru của chị, của anh. 
Những lời hát ru như là hình tượng văn hoá tiêu biểu nhất của dân tộc Việt, không biết trên thế giới các bà mẹ có ru con bằng những lời hát ru như những bà mẹ Việt không? Cần được nói lên tính tiêu biểu của lời hát ru ấy vì trong lời hát ấy chứa đựng cả một kho tàng huấn giáo, những áng văn chương bình dị, những cung nhạc dịu êm tựa như khúc nhạc đồng quê, êm ả và nhẹ nhàng, những truyền thống tâm linh cũng ướp đầy trong lời ru.
Lời ru tựa như hồn của dân tộc để đôi khi bâng khuâng ngỡ ngàng nghe vọng lại tiếng hát ru từ cõi mờ thiêng gọi vào thương nhớ.
Lời ru của mẹ:
Niềm hạnh phúc trong con, lời hát ru của mẹ ướp mãi trong cuộc đời, trong vòng tay mẹ, con cứ muốn là trẻ thơ, để được lấp đầy tiếng ru của mẹ. Nhưng thời gian vẫn không ngừng chảy trôi. “Những lời mẹ hát ầu ơ...ru con khôn lớn, bây giờ còn vang”
Đôi khi, chợt nghe đâu đó, vọng lời hát ru, giật mình nhận ra:
“Lời ru vang vọng bốn bề. Mà câu hiếu đạo chưa hề trả xong. Giờ đây lưng mẹ đã còng. Cuộc đời mẹ vẫn long đong nỗi buồn”.
Cuộc đời của mẹ, ngắn dần theo sự lớn lên của con, nỗi lòng của con ẩn trong lời hát (Mừng tuổi Mẹ):“Mỗi mùa Xuân sang, me tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”. Vừa mừng lại vừa lo, vui buồn chen lấn, để rồi có khi hốt hoảng: “Mỗi ngày qua- con lại thấy ngẩn ngơ. Ai níu nổi thời gian? Ai níu nổi? Con mỗi ngày một lớn thêm. Mẹ mỗi ngày thêm gìa cỗi. Cuộc hành trình thầm lặng phía hòang hôn.” (mẹ, Đỗ Trung Quân)
Lời ru của mẹ, ngày xưa ngăn con khỏi khóc. Rồi một ngày, con lại ru mẹ bằng tiếng khóc của con. Ngày ấy lời mẹ ru  không còn nữa, con nhận ra mình đã mất mẹ. Cổ tích ngày xưa thường bắt đầu “Một nàng công chúa”, cổ tích ngày nay còn lại bắt đầu “ngày xưa có mẹ”.
Dù sao chăng nữa, bao lâu còn sự sống, bấy lâu lời ru còn mãi, bởi bao người được làm mẹ trong ngày, rồi những đứa bé lại chào đời và lớn dần theo năm tháng.
Tiếng ru của cha.
Thông thường là lời ru của mẹ, nhưng cũng không thiếu những tiếng ru của cha, những khi mẹ vắng nhà hay bận việc chi đó hoặc buồn hơn khi mẹ không còn nữa.
Khi Thượng Đế tạo ra các ông bố, ngài bắt đầu tạo ra một thân hình cao to. Nữ thần đứng cạnh hỏi: “Đó là kiểu bố gì vậy? Nếu ngài định tạo ra bọn trẻ nhỏ bé thì sao  lại làm ra những ông bố cao lớn như vậy? Ông sẽ phải quỳ gối khi chơi bi, gập người khi đặt bọn trẻ vào giường và cúi mình khi hôn chúng”. Tại sao Thượng đế lại tạo ra đôi chân dài, ốm và đôi vai rộng, làm sao ông có thể ôm người con trong lòng? Thượng đế nói:” một người mẹ cần ôm con vào lòng, còn người cha cần có đôi vai rộng đủ để cõng con trên vai, giữ thăng bằng cho con trẻ khi tập đi xe đạp và là chỗ dựa đầu cho con ngủ trên đường từ rạp xiếc về nhà”.
Tình người cha Việt mang tâm tình người Mẹ là như thế, không ồn ào mà lắng đọng, uy nghi mà đầy tình thương mến. Có khi vắng mẹ cha lại thay mẹ vỗ về giấc ngủ cho các con. Các ông bố thì có nhiều cổ tích để kể, có nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn, mà các con cứ hoài muốn cha kể.
Tình người cha đối với con, nó là một thứ tình bình thản như đồng lúa êm ả. Nó không sôi sục, cháy bỏng như tình con chim Pélican của Alfred de Vingy, khi con đói, cha tìm mồi mỏi cánh không ra, trở về rỗng không, vì thương con, cha tự mổ bụng để con rút thịt mình ra ăn. Cái tình cha người Việt nó tự tại như tre già, để mặc sức người ta chặt mình để cho măng mọc lên. Tình cha như muốn thể hiện, mà lại không biết cách nào tỏ ra hiển hiện. Thầm lặng mà sâu, nhợt nhạt mà lại bền bỉ, đằm thắm mà nồng nàn.
Giọng hát ru của chị, của anh.
Tình cảm gia đình không chỉ bắt nguồn từ cha lẫn mẹ, mà còn mang hơi ấm của anh của chị. Cái tình nghĩa anh chị em trong nhà, được diễn dạy ở sách “Trung Dung”, là một phần lớn trong việc báo hiếu cha mẹ: “Huynh đệ kỳ hấp, hoà lạc khả đam, phụ mẫu kỳ thuận hỹ hồ” có nghĩa là “ Anh em hoà hợp vui vẻ, cha mẹ trông thấy hẳn hài lòng lăm vậy”. Người phương Tây cũng có cùng một cảm nghĩ như vậy “Một người em là một người bạn được tạo hoá ban cho” (Beaudoin).
Chính nhờ anh chị em trong nhà mà mỗi người được huấn luyện về đời sống nhân bản và đức tin của mình. Đó là một trong những điều mà Tông huấn “Familiaris Consortio” nhắc tới.
Nhìn vào hoàn cảnh Việt Nam, trong cuộc sống hiện tại, dù có nhiều tình anh chị em ruột thịt bị sứt mẻ đi chăng nữa, vẫn không thiếu bao là tình yêu anh, chị dành cho những đứa em, bằng tấm lòng của người me, sự ân cần nâng đỡ của người cha.
Ta không thể nào không trăn trở trước những hoàn cảnh gia đình tan tác, cha mẹ mất cả, một mình anh lớn đứng mũi chịu sào, nuôi đàn em nhỏ.
Ta không thể nào không trăn trở trước những hoàn cảnh gia đình, chị đứng thay nuôi đàn em ăn học.
Có những gia đình xưa, việc trị tội em, anh chị bắt đứa em nằm trước bàn thờ, đợi anh chị thắp nén hương trước vong hồn cha mẹ, rồi mới dùng roi trị tội em mình. Mà anh chị cũng đau lòng khi phải làm thế, đứa em đã không hề oán trách đem lòng giận hờn. Nếu cha mẹ chúng ta còn sống đâu đến nỗi này.
Tình anh chị em có gì đó thật thiêng liêng, như tình chị em Hai Bà Trưng “Một dạ em cùng chị, Hai vai nước với nhà”, hay cũng như tình anh em Lê Lai chết thay cho Lê Lợi thoát khỏi vòng vây.
Không chỉ nhìn ở đâu xa mới thấy tình anh chị em như vậy, ngay trong cuộc sống hằng ngày ở thôn quê thường hơn thành thị, đứa lớn bồng ẵm đứa bé, vừa học vừa chơi. Đứa này dỗ nín đứa kia, và có khi cả hai cùng ôm nhau khóc, những khi buồn tủi...Thử hỏi có sách luân lý nào dạy thế không? Dù Sách có nói tới hay không, nó vẫn là một tình cảm có thậtt trong cuộc đời.
Lời ru vẫn đầm ấm đưa những đứa trẻ vào đời, vẫn còn hát ru trong tiếng hát của mẹ, của cha và anh chị em, có lẽ nào tình cảm gia đình hôm nay, sao lại dễ đổ vỡ đến vậy? Có lẽ chăng vì thiếu những lời hát ru.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây