TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tro của người

Thứ tư - 22/02/2023 00:50 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   676
Sách Giảng Viên viết: “Phù vân tất cả là phù vân”. Rồi cũng sẽ qua đi mọi thứ vui buồn, chỉ còn tro ở lại.
Tro của người

Tro của người


 
 
Chỉ là tro sau khi đốt cháy hết còn lại. Chỉ là tro, một thân phận khi đã xong một cuộc đời. Sách Giảng Viên  viết: “Phù vân tất cả là phù vân”. Rồi cũng sẽ qua đi mọi thứ vui buồn, chỉ còn tro ở lại. Thế nhưng, trong thân phận tro tàn ấy của con người vẫn còn là một tro thiêng của ngày sống lại.
Khi nhắc về tro, ta được nhắc một điều quan trọng trong cuộc sống này. Ta hơn thua nhau làm gì, có khác gì nhau đâu khi trở về với bụi tro. Ta có nắm giữ được gì hay chỉ là chiếc hũ nắm giữ tro tàn đời ta trong đó. Ta sẽ biết cuộc đời này có giá trị gì, khi ta biết thân ta là cát bụi, một mai rồi sẽ về với bụi tro.    
Sách Giảng Viên còn viết: “Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau.” (Gv 1, 18). Biết cũng khổ, không biết cũng khổ, cái khổ của cái biết là cần đem ra phục vụ người khác, không giữ cho mình mà cũng không thu tích cho mình thêm của cải. Cái khổ của cái biết là biết đến người khác, thông cảm, chịu đựng người khác, sống bao dung, yêu thương kẻ ghét ta. Khôn ngoan cũng thế, không là thứ khôn ngoan của đời, mà là sự khôn ngoan của thập giá, càng yêu mến thập giá nhiều càng chịu khổ đau nhiều trong tình yêu dâng hiến: “Con tự hiến thánh con, để người anh chị em cũng được hiến thánh” (Ga 17, 19)
Tro của người không chỉ là tro của hư vô mà tro ấy còn là tro của niềm tin xác tín: “Xác loài người ngày sau sống lại”. Thế nên cái khôn, cái dại trong cuộc đời này, cứ theo cách của thân xác hay chết này, rồi cũng chẳng còn mà còn mang tai hoạ vào đời sau. Sự khôn ngoan sách Giảng Viên dạy: “Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui ; ai có tội, thì Người bắt phải vất vả gom góp và tích trữ, để trao lại cho kẻ đẹp lòng Người.” (Gv 3, 26)
Biết là tro, là phù vân, nhưng ở đó vẫn có thể thấy ra đức ái trong cách sống khôn ngoan không thể mất. Sách châm ngôn dạy: “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi. Ai đền ơn đáp nghĩa là biết lo xa, lúc sa cơ, người ấy sẽ tìm được nơi nương tựa. Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Ðừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, dừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ xin nài, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Ðừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con”  (Hc 3, 30 -  4, 5).
Xức tro để nhắc lại đời sống con người không thuộc về thế gian này. Thân xác này không để hưởng thụ, “Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình.” (Gv 12, 7)
Sách Giảng viên kết luận: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu.” (Gv 12, 13 – 14)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây