TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tu Hiếu

Thứ sáu - 25/08/2023 07:07 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   466
Đời sống của người con có thể làm cho cha mẹ, anh chị em mình ngộ ra đuợc chân lý. Đời sống của những người con như vậy gọi là tu hiếu.
Tu Hiếu
Tu Hiếu



Thế nào là tu hiếu? Chắc chắn có nhiều cách thực hiên khác nhau. Một cách tu hiếu trong truyện sau đây là một ví dụ.

Trong chuyện dân gian Việt Nam, có truyện thơ "Nam Hải Quan Âm" rất được ưa chuộng. Đây là truyện một công chúa xuất gia độ thoát cho vua cha là người rất hung ác, một công chúa ở nước Hùng Lâm bên Ấn Độ nhưng lại sang tu ở núi Hương Tích của Việt Nam. Truyện mở đầu bằng những câu thơ, tóm tắt toàn bộ ý tứ của truyện:
"Chân như Đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài".
Truyện tả cảnh núi Hương Tích nơi Phật khuyên công chúa Ấn Độ sang đấy tu hành:
"Đức Phật mới chỉ đường tu
Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn
Gần bể Nam Việt thanh nhàn
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành
Núi cao ngân ngất mịt mù
Âm thanh cảnh vắng bốn mùa cỏ cây
Trên thì năm sắc từng mây
Dưới thì bể nước trong vầy như gương
Cá chim chầu tại tĩnh đường
Hạc thưòng hiếu quả, hươu thường dâng hoa".
Và chính tại núi Hương Tích này, công chúa đã tu hành thành đạo quả và:
"Trên thời hiếu báo sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sanh Ta Bà".



Người con có thể cảm hoá chính cha mẹ của mình.
Chứng từ của một người Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa ở giữa bọn trẻ.
"Thánh Têrêxa Avila nói rằng Thiên Chúa lui tới dễ dàng giữa những xoong chảo trong nhà. Đối với một bà mẹ của một gia đình đông con (bảy đứa con) thì Thiên Chúa còn phải lui tới dễ dàng hơn nữa giữa các con cái trong nhà, giữa những khó khăn và những biến cố xẩy đến cho gia đình".
Làm sao khám phá ra Người? Đây là cách Người tỏ mình ra rất thật cho tôi vào một buổi tối nọ tại phòng ngủ của mấy đứa con lớn nhà tôi.
Đó là một tối mùa đông ở thành phố Salamanca. Trời lạnh, cả gia đình ai nấy đã vào giường. Vào nửa đêm, tôi bỗng nghe thấy những tiếng thì thầm trong phòng bọn trẻ. Hai thằng con trai (20 và 21 tuổi) đang cố gắng một cách vô vọng để an ủi cô em gái (18 tuổi) đang nức nở than thở: "Bạn bè không hiểu em và và làm cho em chán nản, tuyệt vọng. Em ghét chúng nó, dù thật sự em không chắc mình có ghét chúng không". Tôi bước vào và cố gắng an ủi con gái, nhưng cũng hoàn toàn vô ích. Tất cả chúng tôi dường như bất lực... cho đến đứa con trai út chúng tôi lại, và với một giọng nói ôn tồn, nó đặt thẳng vấn đề với đứa con gái đang khốn khổ của tôi:
"Chị Janet, em muốn biết chị đã có bao giờ cầu nguyện cho những người bạn ấy chưa? Em chỉ có thể nói rằng câu chuyện rất hữu ích. Em biết có nhiều người quí mến em nhưng cũng không thiếu những người ác cảm với em, thậm chí không muốn chào em. Em đặc biệt cầu nguyện cho hạng người đó và xin Chúa thứ tha nếu em đã xúc phạm đến họ cách nầy hay cách khác, hoặc giả xin Người giúp họ nhận ra sự thật về em và về các sự việc em làm. Nếu vậy, em mong chị hãy cầu nguyện và cầu nguyện tha thiết cho những người bạn đã làm chị buồn. Chị đồng ý chứ? Em nói nghiêm túc đấy".
Nghe thế, tôi hết sức xúc động. Tôi cảm nhận được Chúa đang hiện diện thật sự giữa chúng tôi, ngay chính chỗ đó, trong đêm lạnh giá đó, trong đám trẻ dễ mến nầy, những đứa mà người lớn như chúng tôi hay đánh giá là khô khan và nguội lạnh với tôn giáo. Chính khi mình không ngờ gì cả, chúng lại cho mình một bài học thú vị như vậy. Thiên Chúa đang thực sự lui tới giữa chúng tôi.
Tôi sung sướng được làm mẹ của những đứa con như thế và cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi thấy rằng việc dạy dỗ và làm gương của mình đã không vô ích. Janet hoàn toàn tỉnh ngộ. Bây giờ nó đã cảm thấy an bình và chúng tôi trở về giường ngủ.
Trong không khí tĩnh mịch của đêm đông lạnh giá, tôi cứ thầm nghĩ "Xin tạ ơn Chúa nhân lành, vì người đang thực sự ở giữa chúng con".  (Vô Danh, Tây Ban Nha; trích trong Sách linh đạo giáo dân của Cha Jess S. Brena)
Đời sống của người con có thể làm cho cha mẹ, anh chị em mình ngộ ra đuợc chân lý. Đời sống của những người con như vậy gọi là tu hiếu.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây