TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giê-su – Ngài là Cứu Chúa đời tôi…

Thứ năm - 24/08/2023 05:16 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1044
“Người ta nói Con Người là ai? – Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Chúa Nhật XXI – TN – A
Giê-su – Ngài là Cứu Chúa đời tôi…

 

tbd 240823c

 

Lm. Phạm Quang Hồng, trong một bài giảng phòng tại Đại Hội Thánh Mẫu La Vang 2023 - Hoa Kỳ, có kể một câu chuyện. Câu chuyện ngài kể như sau: “Có một nữ tu trẻ người Việt Nam phục vụ cho một giáo xứ ở Úc. Vì sinh ra ở Úc, thế nên nữ tu này nói tiếng Úc rất thành thạo.

Vị nữ tu này rất thích nói về Chúa Giê-su với bất kỳ ai. Vào một dịp nhà xứ sửa chữa, do vậy có một số thợ đến nhà xứ làm việc, có thợ người Úc lẫn thợ người Việt. Vào buổi trưa, khi những người thợ nghỉ ngơi, vị nữ tu này mặc thường phục, tay cầm ‘lunch box’ (hộp cơm) đi qua nhà xứ tìm gặp mấy anh chàng thợ hồ người Úc trò chuyện.

Gặp người thợ đầu tiên, vị nữ tu hỏi: ‘Do you know who Jesus is? – Anh có biết Giê-su là ai?’ Anh chàng thợ này trả lời: ‘I don’t know – Tôi không biết’. Nghe trả lời như thế, vị nữ tu này buồn quá bèn quay qua hỏi người thợ kế bên. Người thợ kế bên cũng trả lời là không biết.

Hỏi vài người nữa, họ cũng trả lời ‘chúng tôi không biết’. Thế là vị nữ tu này đi lên tầng lầu trên. Hỏi những người thợ ở tầng lầu trên, câu trả lời cũng là ‘tôi không biết’. Thấy khuôn mặt buồn buồn của vị nữ tu, một người thợ đi tìm ông thầu và nói với ông ta rằng: ông thầu, ông lên tầng lầu ba hỏi xem có thằng nào tên Giê-su không? Vợ nó đem cơm tới kìa.”

Vâng, thực tế thì cách ứng xử của mấy ông thợ người Úc không có gì sai. Có rất nhiều người Tây Phương dùng tên “Jesus” làm tên riêng của họ. Ở Mexico, có một người tên là Jesus Alfredo Guzman Salazar, con trai út của trùm ma túy khét tiếng Joaquin Guzman Loera, biệt hiệu “El Chapo”.

Thật ra thì câu chuyện nêu trên chỉ là một câu chuyện “kể nghe cho vui…”, theo lời Lm. Phạm Quang Hồng nói: “…để bớt buồn ngủ” trước một bài giảng phòng khá dài, dài hơn những bài giảng thường nhật.

Tuy nhiên, đối với chúng ta, với câu hỏi “Anh có biết Giê-su là ai?”, thì đó là một câu hỏi “nghiêm túc”, chứ không phải chuyện đùa.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã đặt một câu hỏi, một câu hỏi nội dung giống như nội dung của câu hỏi trong câu chuyện nêu trên, với những người môn đệ của mình.

Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? – Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Vâng, sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 16, 13-20).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại, sự kiện này xảy ra hôm Đức Giê-su và các môn đệ “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê”.

Tưởng chúng ta cũng nên biết rằng, Xê-da-rê Phi-líp-phê thuộc vùng cực bắc xứ Palestin. Lãnh địa này không thuộc quyền của tiểu vương Hê-rô-đê, nhưng do em của ông là Phi-lip cai trị. Phi-lip là người xây dựng thành Xê-da-rê. Và để phân biệt với thành Xê-da-rê miền duyên hải, nên thành này được gọi là Xê-da-rê Phi-líp-phê. Chính tại nơi đây, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

“Người ta nói Con Người là ai?” Chuyện được kể tiếp rằng: “Các ông thưa: Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” (x.Mt 16, 14).

Sau khi nghe lời tường trình của các môn đệ, Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy là ai ư! Hôm ấy, ông Si-môn Phêrô, một Si-môn Phêrô như là phát ngôn nhân thay cho nhóm mười hai, đã thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

***
Làm thế nào mà ông Si-môn Phê-rô có được câu trả lời như thế! Vâng, Đức Giê-su có câu trả lời cho chúng ta. Hôm ấy, Ngài đã nói với ông Phê-rô rằng: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.

“Cha của Thầy - Đấng ngự trên trời…” Vâng, tuy thánh sử Mát-thêu không nói, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng lời công bố của Đức Giê-su đã khiến các môn đệ “kinh ngạc”. Kinh ngạc vì các ông biết rõ Thầy Giê-su mà các ông đã bỏ hết mọi sự và đi theo là “ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét”, kia mà!

Đúng, là con-ông-Giu-se, nhưng kể từ đây, Đức Giê-su “đặt nền móng cho một chân lý cao diệu: Thiên Chúa là Cha Người, và Người thật sự là Con Thiên Chúa” Lm. Charles E.Miller, trong một bài suy niệm, đã có lời chia sẻ như thế.

“Chân lý cao diệu này”, Lm.Charles chia sẻ tiếp: “vượt qua mọi hiểu biết của con người”.

Thật vậy, suốt chiều dài lịch sử cứu độ, có không ít điều Thiên Chúa đã thực hiện vượt qua mọi hiểu biết của con người. Sự kiện “Đức Giê-su Kitô… bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh…” chẳng phải là “vượt qua mọi hiểu biết của con người”, đó sao!

Trở lại câu chuyện Đức Giê-su với các môn đệ ở Xê-da-rê Phi-lip-phê. Hôm ấy, trước lời tuyên xưng của Si-môn Phê-rô, Đức Giê-su đã có những lời “đáng nhớ” với ông Phê-rô rằng: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-19).

****
Hôm ấy, ông Phê-rô đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”. Còn Đức Giê-su – Con-Thiên-Chúa-hằng-sống, thì đã xây Hội-Thánh-của-Ngài.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào Hội-Thánh-của-Ngài, hôm nay đã trải qua hơn hai ngàn năm có lẻ. Có đúng như lời Thầy Giê-su tuyên phán: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi!” Sẽ-không-thắng-nổi. Hãy tin như thế.

Nhớ, vào năm 2003, Hội Thánh Công Giáo lên cơn sốt vì cuốn sách Mật mã Da Vinci (tiếng Anh: The Da Vinci Code). Đây là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ tên là Dan Brown.

Tôi (người viết) không thể quên khuôn mặt lo lắng của Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế đứng trên tòa giảng, trong một thánh lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ Mai Khôi.

Ngài Lm nói lên nỗi lo lắng của mình về nội dung của cuốn tiểu thuyết. Và, sợ rằng, sẽ có người mất đức tin khi đọc nó.

Vâng, rất đáng lo là vì “cốt truyện của tiểu thuyết kể về âm mưu của Giáo hội Công giáo nhằm che giấu sự thật về Chúa Giê-su. Truyện ám chỉ rằng Tòa thánh Roma biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua, nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực của mình. Sau khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy mạnh mẽ sự tò mò khắp thế giới đi tìm hiểu sự thật về Sự tích Chén Thánh, và vai trò của Mary Magdalene trong lịch sử Giáo hội Công giáo.” (nguồn: Wikipedia).

Sự thật có đúng vậy không? Tôi không biết, vì tôi chưa “rờ” tới cuốn sách, mặc dầu cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt. Với “ấn bản tiếng Việt được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ra mắt vào năm 2005. Bị coi là một ‘thảm họa dịch thuật’ khi nhiều lỗi bị phát hiện, cuốn sách đã bị tạm ngưng xuất bản để hiệu đính lại. Sau này, bản dịch do dịch giả Dương Tường hiệu đính (và) đã được xuất bản vào tháng 5 năm 2006” (nguồn: Wikipedia).

Hai mươi năm đã trôi qua, còn ai nhắc tới Mật mã Da Vinci? Hay nó đã đi vào dĩ vãng! Vào dĩ vãng với nhiều cuốn tiểu thuyết vớ vẩn khác, đại loại như “ruồi trâu - ruồi bò”!

Nhắc đến cuốn sách “mới chỉ dịch ra hơn bốn mươi ngôn ngữ”, để nói tới một cuốn sách khác. Cuốn Kinh Thánh, thưa quý vị. Nói tới cuốn Kinh Thánh “Ông Schweitzer cho biết: hiện nay, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch sang 700 ngôn ngữ, và hơn 1.500 ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước; và mặc dù việc dịch toàn bộ Kinh Thánh hay Tân Ước mất vài năm, mỗi năm vẫn có rất nhiều ngôn ngữ nhận được bản dịch đầu tiên.” (nguồn: vaticannews).

Đó là một “dấu lạ”, và dấu lạ này đủ để chúng ta mạnh mẽ tin, tin rằng: Đức Giê-su “đã” xây Hội Thánh của Ngài, và chưa có quyền lực tử thần nào thắng nổi.

Do vậy, việc kế tiếp mà chúng ta cần làm, đó là hãy xác tín lại niềm tin của mình, như xưa kia các môn đệ (đại diện là Phê-rô), đã xác tín.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? – Giờ này đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Vâng, chúng ta hãy xác tín, không chỉ bằng “lý trí”, rằng: Đức Giê-su: “Ngài là vị mục tử nhân lành. Ngài là cây nho (chúng ta) là cành. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống”, nhưng còn phải bằng “con tim mình”, một con tim mở rộng để nhận ra, rằng: “ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa”.

Nói tắt một lời, với cả lý trí và con tim, chúng ta hãy xác tín, xác tín rằng: Đức Giê-su – Ngài là Cứu Chúa đời ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây