TUYỆT ĐỈNH NGHỆ THUẬT
Mỗi ngày, mới mở mắt ra là đã thấy có biết bao nhiêu thứ việc phải nghĩ đến và thực hiện. Có việc thì ta thích làm, ngược lại có những cái mà ta không thích. Những gì ta nghĩ, những việc ta làm và cái cách mà ta làm việc tạo nên nhân cách và giá trị của đời người.
Có những công việc làm cho người đời ngưỡng mộ. Người ta nâng nó lên hàng nghệ thuật. Nghệ thuật là phương cách tinh tế nhất để thực hiện một điều gì đó.
Có một câu chuyện, dựa theo cốt truyện của nhà văn người Nhật Nakijima Ton trong tác phẩm “Trên đỉnh Hoa Sơn” đã mô tả con đường này.
Câu chuyện về nghệ thuật bắn cung
Thời Chiến quốc, tại thành Hàm Đan, có một chàng thanh niên tên là Chí Thượng. Yêu nghề bắn cung, chàng đến xin thụ giáo với một vị Tôn sư trong vùng tên là Vũ Phi.
Người xưa thường nói về tài nghệ xạ tiễn với câu “bách bộ xuyên dương”: cách xa một trăm bước, bắn đứt ngang chiếc lá thông. Chí Thượng hỏi vị thầy là làm sao để đạt được nghệ thuật này. Ông Vũ Phi trả lời rằng việc gì cũng có cách của nó để đi đến tuyệt đích. Và từ hôm đó, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết bắt đầu học nghề theo sự hướng dẫn của vị thầy khả kính.
Để bắn trúng đích, con mắt của xạ thủ phải bất động. Bài học đầu tiên mà Chí Thượng phải thực tập là làm sao cho đôi mắt không nhấp nháy, không dao động khi chú ý nhìn một vật. Chàng ta bắt đầu nằm ngửa dưới khung cửi của vợ. Khi vợ chàng dệt vải, con thoi cứ lao qua lao lại ngay sát mắt chàng. Và cho đến một hôm, đôi mắt của chàng đã đạt được sự bất động, ngay cả khi có một chú ruồi vô tình bay thẳng vào mắt. Không chỉ đôi mắt bất động, từ đây, những diễn biến chung quanh cũng không còn làm cho tinh thần chàng ta dao động. Tâm của người học đã bước vào cảnh giới thiền định…
Khi đã “trả bài” cho thầy, Chí Thượng được dạy bài học tiếp theo…
Muốn bắn trúng mục tiêu rất nhỏ ở xa, thì tất yếu phải nhìn thấy vật ấy rõ mồn một. Không thể bắn hú họa, cầu may. Để bắt đầu bài tập này, Chí Thượng tìm bắt một con rệp, dán cứng nó vào một cọng cỏ trong vườn và cứ thế ngồi tĩnh tọa để nhìn nó. Con rệp này chết thì lại được thay bằng con khác. Bài tập này bắt chàng ta cấu trúc lại điều kiện tự nhiên của đôi mắt. Ngày này nối tiếp qua tháng nọ và đến một ngày kia, mắt chàng bỗng thấy con rệp vốn chỉ nhỉnh hơn đầu chiếc tăm, nay đã nhìn lớn bằng bàn tay… Chàng lại kiên trì khổ luyện, cho đến một hôm chú rệp tí teo được mắt chàng nhìn thì to bằng con bò! Nhìn ra chung quanh… con bò bây giờ to bằng quả đồi và ngôi nhà thì trông như quả núi. Thật kinh ngạc, Chí Thượng vào nhà lấy cung, lắp tên vào và nhắm vào một chiếc lá trên cây thông xa xa ở cuối con đường. Mũi tên bay xuyên qua chiếc lá chàng bắn, nửa chiếc lá đứt lững lờ rơi rơi theo gió.
………
Chí Thượng giờ đây đạt được tài nghệ “bách bộ xuyên dương”. Và cũng như bao người thành công khác, lòng kiêu ngạo, tính độc tôn thức tỉnh trong tâm hắn. Hắn nghĩ: “Chỉ có thể tồn tại một bậc thầy bắn cung ở thế giới này!” Một hôm khi đi qua cánh đồng vắng, Chí Thượng nhác thấy thầy Vũ Phi đi ở xa xa. Hắn ta rút tên lắp vào cung, trương dây và phóng thẳng mũi tên vào thầy mình. Một tích tắc, linh tính khiến thầy Vũ Phi quay lại, đồng thời cũng lắp tên, không nhắm vào người học trò phản phúc mà là nhắm vào mũi tên đang bay tới mình. Hai mũi tên của hai cao thủ chạm nhau giữa đường, xé dọc thành bốn mảnh và rơi xuống đất. Cuối cùng, Chí Thượng còn một mũi tên, vị thầy bèn sử dụng chiêu cuối cùng là biến chiếc cung đang cầm thành chiếc khiên để đón mũi tên phản nghịch.
Bây giờ là lúc thầy trò đối mặt. Trong tâm Chí Thượng tràn ngập sự hối hận. Còn vị thầy đáng kính vừa qua cơn đối mặt với tử thần, cũng không hẹp hòi, tha thứ tất cả cho đứa học trò. Nhưng ngày nào Chí Thượng còn đó, ông ta vẫn bị nguy hiểm rình mò. Ông ta bảo Chí Thượng:
- Ta và ngươi không phải đệ nhất xã tiễn trên thế gian này, nhưng là một Tôn sư có tên Cẩm Dương. Vị này cư ngụ trên đỉnh núi Hoa Sơn.
Ngày hôm sau, Chí Thượng khăn gói, lại tầm sư học đạo. Qua bao ngày trèo đèo lội suối, chàng đã tìm được nơi ở của vị Tôn sư. Đó là một ông già giản dị nhưng đầy vẻ tinh anh. Ông ta bảo Chí Thượng thử tài bắn cung, đứng bên mỏm đá chênh vênh trên miệng vực, nhắm bắn vào một đàn chim trên cao tít mù. Toát mồ hôi hột, Chí Thượng cố gắng lắm mới bắn được một con. Vị Tôn sư bảo: “Tài nghệ chỉ có vậy thôi sao?”. Như để chứng minh, vị Tôn sư bước vào chỗ đứng của Chí Thượng, với hai tay không, ông ta làm điệu bộ như lắp tên vào cung và nhắm bắn một chú chim. Chí Thượng cố gắng nhìn theo, thấy chú chim xa đến nỗi chỉ to hơn chiếc hạt mè. Bỗng chàng ta nghe thấy giống như tiếng bật dây cung và tiếng rít của mũi tên bay, rồi chú chim rơi xuống…
Chí Thượng ở lại với vị Tôn sư. Qua hết bao nhiêu lần xuân, hạ, thu, đông; và cũng không ai biết rằng chàng ta được học những gì trong suốt bấy nhiêu năm ấy. Và đến một ngày, Chí Thượng “hạ sơn.”
Ông ta trở về làng cũ. Chí Thượng bây giờ không còn cái vẻ kiêu căng, tự mãn, muốn độc tôn như thời trai trẻ. Danh tiếng của ông lan xa khắp vùng. Người ta bắt đầu gọi ông là Tôn sư. Một hôm, ông được mời dự tiệc tại nhà một người bạn cũ. Trò chuyện thăm hỏi xong, ngó khắp căn phòng, Chí Thượng ta bỗng chú ý đến một vật treo trên tường… Nghĩ mãi mà không nhớ nổi nó là vật gì, bèn hỏi chủ nhà là người bạn cũ cho biết đó là cái gì vậy. Ban đầu người bạn tưởng ông hỏi đùa, nhưng nhìn nét mặt, người bạn ấy bỗng dưng hiểu ra… Ứa nước mắt vì xúc động, người bạn cầm tay Chí Thượng trả lời: “Thưa Tôn sư, đó là cây cung.”
…….
Một kiếp người, trần trụi từ thuở lọt lòng mẹ, trải qua bao nhiêu bài học, bao nhiêu nhận thức được hình thành, rồi lại bị xóa đi và tái lập những nhận thức mới cho phù hợp với cuộc sống chung quanh.
Nhận thức nào tồn tại sau cùng và đi theo ta vào cõi vĩnh hằng? - “Yêu mến Thiên Chúa cách tuyệt đối và yêu thương mọi người như chính mình!”
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Phanxicô Xaviê, hai vị đều được Giáo hội tôn phong là “Bổn mạng các xứ truyền giáo.” Thật là trái ngược! Một vị thì bôn ba khắp nơi rao giảng Tin mừng cứu độ. Còn vị Thánh nữ thì chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường của Dòng kín. Nhưng điều đáng nói là cả hai vị đều “giác ngộ” giống nhau: yêu mến Thiên Chúa hết lòng và tận tâm cho việc cứu rỗi các linh hồn. Chiêm ngắm đời sống của các vị, ta thấy nổi bật TÌNH BÁC ÁI, bác ái đúng nghĩa, không vị lợi.
Đức cố Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận, trong tập sách “Đường Hy Vọng” có viết về bác ái như sau:
Bác ái, đồng phục của người Kitô hữu
737. Trước khi xét đoán ai, con hãy cầu nguyện rồi hãy làm như Chúa Giêsu trong trường hợp con.
741. “Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền!” Chỉ có tiền mới bác ái sao? – Bác ái bằng nụ cười, bác ái bằng bắt tay, bác ái bằng thông cảm, bác ái bằng thăm viếng, bác ái bằng cầu nguyện.
742. Đừng đợi gần chết mới làm hoà với nhau. Đừng để gần chết mới phân phát của cải. “Bác ái chẳng đặng đừng”, “Bác ái bất đắc dĩ”. Con sẽ tiếc vì yêu thương quá chậm.
743. Người ta không cần của con, không cần con cho, bằng cần con hiểu họ, thương họ!
756. Có loại bác ái ồn ào: Bác ái phóng thanh.
Có loại bác ái kể công: Bác ái ngân hàng.
Có loại bác ái nuôi người: Bác ái sở thú.
Có loại bác ái khinh người: Bác ái chủ nhân.
Có loại bác ái theo ý: Bác ái độc tài.
Bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu.
Xem thêm tại đây:
http://www.conggiaovietnam.net/upload/article/f__1311509291.%20DUONG%20HY%20VONG.pdf
Và để kết thúc cho chút suy tư mạo muội trên, tôi nghĩ rằng bác ái phải là nghệ thuật tuyệt đỉnh của nghệ thuật sống. Chàng cung thủ số một không còn biết cây cung là cây cung; nhà kiếm thuật tài ba không coi thanh kiếm mình đang cầm là thanh kiếm, đó chỉ là “cánh tay nối dài”; bậc thi hào làm thơ không còn bị gò vào vận và niêm luật…
Và… thực hành bác ái mà không biết là mình đang làm việc bác ái (x. Mt 25,31-46), đó là tuyệt đỉnh nghệ thuật.
Lạc Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn