TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giờ này, đối với tôi… Đức Kitô là ai?

Thứ ba - 11/05/2021 06:18 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1033
Giờ này, đối với tôi… Đức Kitô là ai?

Giờ này, đối với tôi… Đức Kitô là ai?

Tôn giáo là điều luôn gắn bó với con người. Chính vì thế mới có câu nói “con người là con vật có tôn giáo”. Người ta đã thống kê cho biết 80% dân số thế giới là tín hữu của nhiều tôn giáo khác nhau. Riêng Kitô giáo (bao gồm Chính Thống giáo và Tin Lành) cho đến hôm nay có khoảng 2,1 tỷ người tín hữu tin theo.

Sẽ có người hỏi rằng, 2,1 tỷ người đó tin vào ai? Thưa, người ta tin vào một người có tên là Giêsu.

Giêsu ư! Ngài là ai? – “Ngài là ai mà triệu người khắp năm châu trần gian đã suy tôn làm Vua cả đời mình?” (*)

***
Vâng, hơn hai mươi thế kỷ trước, cả kinh thành Giêrusalem xôn xao khi có mấy nhà chiêm tinh xuất hiện và tuyên bố rằng “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Và quả thật, đúng là có một vị vua được sinh ra. Vị vua đó tên là Giêsu, được sinh ra tại Belem miền Giuđê, thời hoàng đế Au-gut-tô.

Chúng ta hãy đi vào cuộc đời của vua Giêsu, bắt đầu từ nơi Ngài đã sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth. Có thể nói rằng, suốt thời gian đó, Ngài không có một biểu hiện gì khiến cho mọi người phải chú ý đến. Và nếu có, thì người ta chỉ nhìn Ngài như một chàng trai con của một bác thợ mộc mà thôi.

Chỉ cho đến khi Đức Giêsu bắt đầu “…khởi sự rao giảng Tin Mừng khi Ngài trạc ba mươi tuổi” (Lc 3,23). Sự xuất hiện của Đức Giêsu trước công chúng, lập tức trở thành một sự kiện. Và sự kiện này đã được “đồn ra khắp nơi trong vùng”…

Người ta đồn gì? Thưa, người ta đồn rằng “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”. Uy quyền đó không chỉ dừng nơi lời giảng dạy mà còn được Đức Giêsu biểu lộ qua những phép lạ Ngài làm.

Thật vậy, bất cứ ai ốm đau hoặc mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, kể cả bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt v.v… Đức Giêsu đều chữa khỏi.

Không ai có thể quên chuyện xảy ra ở “địa hạt Tia”. Hôm đó, Đức Giêsu đã chữa lành con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xyri khỏi bị quỷ ám” (Mc 7, 24). Rồi một anh “vừa điếc vừa ngọng… ở miền Thập tỉnh”. Thêm một “anh mù ở Bêt-sai-đa” (Mc 8, 22). Tất cả những sự kiện đó, góp phần làm cho dân chúng phải tự hỏi rằng “Ngài là ai?...” mà có thể làm được những việc như thế?..

Nhiều nguồn dư luận khác nhau nói về Đức Giêsu nhưng tựu chung cũng chỉ là những nghi vấn hoặc là những lời đồn đãi vô căn cứ.

Những lời đồn đãi đó, có vẻ như đã đến tai Đức Giêsu. Chính vì thế, hôm Thầy và trò “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philipphe”, Đức Giêsu đã có một cuộc chất vấn các môn đệ.

Ngài đã hỏi các môn đệ “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8, …27). Một bản tường trình ngắn gọn đã được các môn đệ thuật lại rằng “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác thì cho là một ngôn sứ nào đó”. (Mc 8, 28).

Chỉ cách trước đó ít lâu, trong dân chúng cũng đã có cuộc nhận định về Ngài.

Cuộc nhận định đó đúng như những lời tường trình của các môn đệ hôm nay. Có khác chăng là các ông quên rằng người ta còn nghĩ Đức Giêsu là kẻ “từ cõi chết trỗi dậy” (Mc 6, …14)

Thay cho việc xác định hay phủ định, Đức Giêsu đặt thêm một câu hỏi, một câu hỏi như muốn thẩm định nhận thức của chính các môn đệ về Ngài, sau những ngày tin và đi theo Ngài. 

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Vâng, Đức Giêsu đã không phải thất vọng khi ông Phêrô lên tiếng trả lời rằng “Thầy là Đấng Kitô”.

Một phút tâm tình và suy tư

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô trả lời “Thầy là Đấng Kitô”.

Thật ra, không phải chỉ Phêrô mới có lời nhận định này. Tại Giêrusalem, dân chúng Israel cũng đã có những tranh luận về nguồn gốc Đức Giêsu. Có người coi Ngài như một vị ngôn sứ không hơn không kém. Nhưng cũng có người nói Ngài chính “là Đấng Kitô” (Ga 7, 41).

Thế nhưng, Đấng Kitô mà các môn đệ tuyên xưng, lại là Đấng Kitô theo cách suy nghĩ của người Do Thái chính thống. Người Do Thái chính thống thời đó được dạy rằng, “Kitô” (hay Mêsia - tiếng Hípri), nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, và một khi đã được xức dầu, đồng nghĩa với việc Đấng ấy được Thiên Chúa tấn phong với ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế.

Với ba chức vụ đó, với việc được dạy dỗ theo truyền thống Do Thái chính thống, các môn đệ được đại diện là Phêrô, không thể không nghĩ rằng, Đức Giêsu sẽ làm vua Israsel, Ngài sẽ phát động một cuộc kháng chiến chống lại đế quốc Roma, và sẽ tái lập lại vinh quang cho toàn dân Israel.

Tiếc thay! Những suy nghĩ đó, lại bị Đức Giêsu cho là những suy nghĩ của phàm nhân.

Với Đức Giêsu, Đấng Kitô đúng là vua, nhưng chỉ là vua, sau khi “từ cõi chết trỗi dậy”. Ngài đã nói cho Phêrô cùng nhóm môn đệ rằng: Đấng ấy phải “chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). 

Trước đám đông dân chúng cùng với nhóm môn đệ của mình, Đức Giêsu phá tan những suy nghĩ lệch lạc của họ bằng một tuyên bố: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).

***
“Người ta nói Thầy là ai?”… Vâng, bước vào thế kỷ 21, với phương tiện truyền thông hiện đại như hôm nay. Chúng ta đã được nghe cả trăm, cả triệu, cả hằng triệu câu trả lời.

Nhưng thật là đáng tiếc, hằng trăm, hằng triệu câu trả lời đó, đã trả lời một cách méo mó, một cách vu vơ, một cách sai lạc về Chúa Giêsu.

Không thiếu những bài viết hết sức văn vẻ “bảo rằng” Đức Giêsu với sự chết và sống lại của Ngài để chuộc tội nhân loại, chỉ là một nhân vật tưởng tượng của tôn giáo. Không thiếu những tên “văn nô, bồi bút” mô tả tôn giáo chỉ là “thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng”…

Vấn đề của chúng ta hôm nay, không phải là đối chất, là tranh cãi với những câu trả lời vớ vẩn đó. Mà điều cần thiết, hay nói đúng hơn, rất khẩn thiết, tại sao chúng ta không tự đặt câu hỏi đó cho chính chúng ta!!!

“Còn tôi. Tôi bảo Chúa Giêsu là ai!”.

Vâng, “Giờ này, đối với tôi. Đức Kitô là ai?”. Chúng ta sẽ có câu trả lời ra sao?
“Thầy là Đấng Kitô. Con Thiên Chúa hằng sống”. Vâng, nếu đó là câu trả lời của chúng ta! Xin thưa “cả ma quỷ cũng tin như thế…” (Gc 2, …19)

Tạ ơn Chúa. Linh mục Jude Siciliano, OP, cho ta lời khuyên rằng “Vào những giai đoạn khác nhau trong đời, chúng ta cũng bị chất vấn những câu như thế và chúng ta phải trả lời chứ không chỉ dừng lại công thức tuyên xưng đức tin hay câu trả lời mà chúng ta học được từ các lớp giáo lý khi còn là trẻ con, nhưng phải là câu trả lời từ một đức tin trưởng thành được nuôi dưỡng bởi các bí tích, bài đọc, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa – cũng như những gì chúng ta học được từ nỗ lực nhằm trả lời cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta”.

Đúng vậy, nếu câu trả lời của chúng ta chỉ là những câu tuyên xưng ngoài môi miệng thì, chẳng khác nào, như lời tông đồ Giacôbê nói “mình có đức tin mà không hành động theo đức tin”.

Hãy tưởng tượng, mỗi Chúa Nhật, chúng ta sốt sáng tham dự thánh lễ, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã “chịu nạn chịu chết để chuộc tội” cho chúng ta, thế nhưng, chúng ta lại phớt lờ lời Chúa dạy dỗ “anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”, chúng ta lại thờ ơ với những mối phúc, một loại “thập giá” giúp chúng ta được thừa hưởng những phần thưởng lớn lao trên Nước Trời… Tuyên xưng như thế, thánh Giacôbê nói, thì “nào có ích lợi gì”. (Gc 2, …14).

Thánh nhân nói tiếp “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.

Vâng, để cho lời tuyên xưng sống động, đó chính là hành động, một hành động dám sống một cuộc sống phản ảnh trung thực một hình ảnh Đức Giêsu “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”, dám “từ-bỏ-chính-mình, vác thập giá mình hằng ngày”, thập giá của tình yêu thương “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” (1Cor 13, 4-5)

Thực hiện những việc đó, chúng ta không chỉ “tái khẳng định” lời tuyên tín của Phêrô khi xưa rằng “Thầy là Đấng Kitô” mà chúng ta còn “tái trả lời” cho mọi người biết rằng, Đức Giêsu, Ngài chính là Thiên Chúa, một Thiên-Chúa-của-tình-yêu.

Có như thế, vâng, chúng ta mới có thể tự hào, tất nhiên là “tự hào trong Chúa” mà nói với cả thế giới rằng “Giờ này đối với tôi Đức Ki-tô là vua trời, vào đời chết cho tôi vì một tình không biên giới. Ngài hằng dẫn lối đưa đường, đồng hành sánh bước ngay bên. Ngài là ánh sáng trong đêm, nguyện lòng không chút nào quên” (**)

Petrus.tran


(*) Ngài là ai – tác giả: Nguyễn Hữu Ái.
(**) Giờ này Đức Kitô là ai? – tác giả: P Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây