TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin thương xót Chúa ơi!

Thứ tư - 26/05/2021 22:36 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   897

Chúa Nhật XXVIII – TN – C

Xin thương xót Chúa ơi!

Người xưa có nói: “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Đây là một đạo lý tốt, một đạo lý dạy chúng ta phải có lòng biết ơn. Là một đạo lý tốt, thế mà, có vẻ như nét đẹp của đạo lý tốt này ngày càng mai một, ngày càng bị đổi thay bằng một đạo lý tồi, đó là sự vô ơn, mà nói theo lối nói dân gian, đó là thứ đạo lý mang tên gọi “qua cầu rút ván”.

Xã hội hôm nay, chuyện qua cầu rút ván nếu kể ra đây, e rằng không đủ giấy mực để ghi lại.

Mà thực ra, sự vô ơn không chỉ xảy ra ở thời kỳ hiện tại hôm nay, nhưng nó cũng đã xuất hiện nhan nhản vào thời xa xưa. Đức Giê-su, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, chính Ngài cũng đã phải đối diện trực tiếp đến sự vô ơn, và thánh Luca chính là người đã ghi lại sự kiện này. Sự kiện này đã được ghi lại qua câu chuyện: “Mười người phong hủi”.

**

Chuyện được kể lại như sau: Một hôm, “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người”.

Vâng, dựa theo lời tường thuật nêu trên, thì hành động của những người phong hủi này quá liều lĩnh. Tại sao? Thưa, liều lĩnh là bởi, theo luật định họ “phải ở riêng ra”, thế mà hôm nay họ lại “đón gặp Người”, thế có lạ không nhỉ!

Chưa hết, theo luật, họ còn phải lớn tiếng kêu “ô uế… ô uế”, để mọi người tránh xa, nữa chứ. Ấy thế mà, tiếng kêu của mười người phong này lại như thể muốn mời gọi người nghe chú ý đến họ.

Hôm ấy, “họ dừng lại đàng xa”, ít nhất là như luật định, và đã kêu lên rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi” (x.Lc 17,13).

Vâng, chúng ta có thể tưởng tượng rằng, mười người phong chính là một ban hợp ca đang cất tiếng ca bài “Xin thương xót”. Rằng: “Xin thương xót Chúa ơi! Xin thương xót Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con! Xin thương cứu chúng con!…”

Ôi! hãy nhìn kìa! hãy nhìn mười khuôn mặt nhăn nhúm bởi sự tàn phá của căn bệnh, cùng lớn tiếng hát, hát rằng: “Chúa ơi xin nhìn đến đoàn con đã ăn năn các tội khiên… chúng con van nài” (Xin thương xót - Lm. Thành Tâm).

Xin Đức Giê-su thương xót ư! Đúng, họ đã tìm đúng địa chỉ. Thầy Giê-su đúng là “địa chỉ của lòng thương xót”.

Thật vậy, đây không phải lần đầu tiên có người bệnh phong cầu cứu Ngài. Có một lần, Ngài đã chữa một người cũng mắc chứng bịnh như họ, bằng cách: “Giơ tay đụng vào anh ta… Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi” (x.Lc 5, 13).

Với lần này, Đức Giê-su cũng ra tay “cứu nhân độ thế”. Chỉ khác một điều, lần này, Ngài truyền cho họ phải làm một việc, một việc khác thường, đó là: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Họ có đi không, khi mà lệnh truyền của Ngài xem ra không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của họ. Thì đây, mười người phung hủi đã được khỏi bệnh đâu! Chưa “được sạch” thì lấy đâu ra chứng cớ để các thầy tư tế “tái khám”, hầu để được tuyên bố là đã thanh sạch!!!

Ấy thế mà, dù chưa được sạch, nhưng họ vẫn đi. Họ đi trong tâm trạng như thế nào? Phải chăng là có một chút gì hồ nghi! Vâng, không thấy thánh sử Luca nói gì. Có một điều chúng ta có thể biết chắc rằng, mười đôi chân của họ đã bước đi trong cơn đau nhức không nguôi. Và, trong cơn đau nhức đó, việc khó tin đã xảy ra, chuyện kể tiếp rằng: “Đang khi đi thì họ được sạch.” (x.Lc 17, 14).

Tới đây, có nên tự hỏi rằng, nếu là chúng ta, chúng ta cũng sẽ “đi”, dù rằng phải đi trong khi cơ thể vẫn còn đang vật vã những cơn đau khôn tả!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, mười người phong đã được lành khi họ chịu bước đi. Trong khi đang đi, họ đã được chữa lành.

Vâng, không thể nghi ngờ gì nữa, hành động bước đi của họ, chính là cử động của đức tin. Thiên Chúa đã nhìn thấy đức tin của họ qua việc họ bước đi, dù phải bước đi bằng một đôi chân đau đớn.

Điều này (việc mười người phong cùng bước đi) có cảm động được lòng tin của chúng ta? Đi vào thực tế của cuộc sống, khi chúng ta cầu xin Chúa cho mình khỏi một căn bệnh nào đó, chúng ta có chịu “bước đi”, dù là phải đi trong một cơ thể đớn đau, để đến một nhà thương nào đó không?

Vâng, thật thú vị khi một nhà truyền giáo cùng chia sẻ rằng: “Chúng ta cầu xin: ‘Lạy Chúa, xin giúp con giảm cân’ nhưng chúng ta từ chối không chịu tập luyện. Tôn giáo thụ động sử dụng Đức Chúa Trời như một lời cáo lỗi chẳng làm một việc gì hết.

Hãy nghe đây, nếu tên của bạn là Nôê và Đức Chúa Trời bảo bạn trời sắp mưa, thì cầu xin cho có một chiếc tàu là đúng khi bạn cầu nguyện, song hãy đi ra rồi đốn một số gỗ gôphe đi.

Nếu tên của bạn là David, và bạn thấy mình đang ở trong trũng đối diện với Gôliát, thì cầu nguyện xin chiến thắng là đúng, nhưng khi bạn cầu nguyện, hãy nhặt lên mấy hòn đá, tra chúng vào cái trành rồi nhắm ngay vào cái trán của Gôliát.

Tin tưởng nơi Đức Chúa Trời không tương xứng với chỗ không làm gì hết. Hãy nhớ, mười người phung đã được chữa lành khi họ bước đi. Đức tin của chúng ta dời núi khi đức tin cảm động chúng ta bước đi” (nguồn: internet).

***

Trở lại việc mười người phung đã được sạch. Vâng, câu chuyện cứ tưởng là kết thúc có hậu, thế nhưng, nó lại không có hậu chút nào. Cái sự việc không có hậu đó, nằm ở bốn chữ “qua cầu rút ván”.

Chuyện là thế này, mười người phong hủi, sau khi được sạch, chỉ có một người “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Và, không chỉ có thế, anh ta còn “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn”.

Đứng trước sự kiện này, Đức Giê-su không khỏi ngạc nhiên và đã chất vấn anh ta rằng: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?” Sao chỉ có một người, mà lại là “người ngoại bang”? Ôi! đáng ngại thật!

Thế thì chín người kia đâu? Phải chăng chín người kia cần phải “trình diện tư tế”, cần phải gặp tư tế để “tái khám” và để nhờ các vị đó “làm lễ tạ tội và… cử hành lễ xá tội (để được) thanh tẩy khỏi sự ô uế… ”?

…Nếu đúng như vậy thì lại càng đáng trách. Tại sao? Thưa, là bởi, họ là người Do Thái (dù thánh sử Luca không nói, nhưng chúng ta có thể tin như thế), thế mà lại quên rằng, đối với quan niệm Do Thái, chữa lành khỏi bệnh phong được coi như là Phục-Sinh-từ-cõi-chết.

Ai là người có thể Phục-Sinh-từ-cõi-chết nếu không là Thiên Chúa? Giữa Thiên Chúa và các thầy tư tế ai quan trọng hơn ai? Giữa Đức Giêsu, người trực tiếp “chữa bịnh phong” cho họ, và các thầy tư tế - người chỉ có thẩm quyền “chứng nhận sạch bịnh phong”, ai quan trọng hơn ai?

Nếu… nếu “chín người kia” hiểu được điều đó và quay lại gặp Đức Giêsu, trước khi gặp tư tế để “tái thẩm định” căn bệnh phong của mình… Vâng, họ đã không “mắc nợ” Ngài “một lời tạ ơn” và đã không “mắc cỡ” trước anh chàng được cho là “người ngoại bang” nhưng lại nhận ra Thiên Chúa, qua hình ảnh Đức Giêsu, chính là người cần phải trình diện để “sấp mình tạ ơn” và hơn nữa để “Tôn vinh Người”.

Phải chi… phải chi chín “ông đạo dòng” này nhớ tới lời khuyên của vua David xưa “chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103, 2), thì Đức Giêsu đâu phải lên tiếng, rằng “Thế thì chín người kia đâu?”

****

Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?

Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, những câu hỏi này cũng là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta? Không và chắc chắn là không bao giờ chúng ta muốn mình là một trong số chín người kia. Chắc chắn là không ai trong chúng ta muốn mình là kẻ vô ơn.

Vậy cớ gì chúng ta không nghe lại lời Abbert Schweitzer đã nói: “Đôi lúc ánh sáng trong cuộc đời ta lịm tắt, và được nhen nhóm lại bởi tia lửa của một ai đó. Mỗi chúng ta phải nghĩ tới những người đã đốt lên ngọn lửa trong ta với lòng biết ơn sâu sắc”.

Đừng quên, nếu hôm nay không còn không khí cho ta thở, chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng là cái chết? Và, ai tạo ra không khí, nếu không phải là Thiên Chúa?

Thế nên, thật phải lẽ khi chúng ta nghe theo lời truyền dạy của thánh Phao-lô, lời truyền dạy rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (x.Tx 5, 18)

Tham dự Thánh Lễ chính là phương cách tạ ơn tốt nhất. Sau một ngày, hay một tuần làm việc chúng ta đến nhà thờ, một hành động “bước đi”, đi “trở lại tôn vinh Thiên Chúa”.

Và đây, chúng ta hãy nghe lời chia sẻ của ngài Lm Charles E. Miller: “Hết thảy chúng ta đều có những lý do riêng để tạ ơn Thiên Chúa trong thánh lễ. Ngày hôm nay, ta có thể cảm tạ Thiên Chúa vì món quà sự sống qua hình ảnh một đứa trẻ sơ sinh, hoặc ơn phục hồi sức khỏe cho một người cao tuổi. Ta có thể muốn cảm tạ Thiên Chúa vì vừa tìm được việc làm sau một thời gian dài thất nghiệp… Mỗi Chúa Nhật ta cần ngẫm lại các lý do riêng tư để tạ ơn, và phải nhớ rằng thật là chính đáng để tạ ơn Thiên Chúa”.

Qua câu chuyện”mười người phung” nên chăng, chúng ta cùng noi theo tấm gương “người ngoại bang”? Nói rõ hơn, bây giờ là lúc chúng ta hãy đến nhà thờ vào mỗi ngày Chúa Nhật để tạ ơn Thiên Chúa?

Vâng, việc thực hiện là tùy mỗi chúng ta.

Thế nhưng hãy nhớ rằng: “Thật ra, Chúa không cần chúng (ta) ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng (ta) chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng (ta) ơn cứu độ muôn đời”. (Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách lễ Rôma)

Đúng vậy, ngày xưa, người ngoại bang đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa, và vị này đã được Đức Giê-su nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Thì, hôm nay, nếu chúng ta đến nhà thờ tôn vinh Thiên Chúa, há lẽ Thiên Chúa lại không “đem lại ơn cứu độ cho chúng ta” sao!

Thế nên, cớ gì chúng ta không cùng “người ngoại bang” này, người đã trở lại tạ ơn, hợp thành một ban hợp ca, cùng cất tiếng ca nguyện với Đức Giê-su, rằng: “Xin thương xót Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con”.

Vâng, chỉ cần một lời ca nguyện với tất cả sự chân thành, rằng: “Xin thương xót Chúa ơi!”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây