TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ 13

Thứ bảy - 21/05/2022 02:51 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   1027
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I
(Kỳ 13)

 

 

- Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.

 

- Và ở cùng cha.

- Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phước lành cho anh chị em.

- Amen.

- Lễ xong, chúc anh chị em về bình an.

- Tạ ơn Chúa.

- Xin cảm ơn quí ông bà anh chị em đã tham dự thánh lễ sáng nay. Chúc quí ông bà anh chị em một ngày vui tươi...

- Xin cảm ơn cha...

- Tôi không hiểu sao sáng nay chúng ta tham dự thánh lễ đông hơn mọi ngày. Hình như cứ mỗi lần tôi bị trễ, quí vị dự lễ đông hơn; thế nên, sáng mai chắc chắn tôi cũng sẽ bị trễ...

 

Mọi người cười nhẹ trong khi cha Lành hôn bàn thờ đoạn quay ngang hướng về nhà tạm bái gối rồi đi vào phòng mặc áo. Sáng nay, còn đang ngon giấc, điện thoại reo một tràng dài làm ngài choàng tỉnh. Điện thoại reo lâu hơn bình thường vì được gọi “intercome” từ nhà thờ. Đưa tay chụp điện thoại trong lúc mắt nhắm mắt mở liếc vô chiếc đồng hồ dạ quang. 6 giờ 39 phút; chiếc đồng hồ được chỉnh chạy nhanh hơn 9 phút nghĩa là bây giờ đúng giờ lễ... Tiếng ông câu giúp việc dọn lễ và lần hạt vang lên trong điện thoại:

- Cha dâng lễ sáng nay?

- Chúa ơi, tôi bị trễ rồi!

- Con nói với mọi người cha trễ ít phút...

- Ông làm ơn.

 

Nghĩ mà xấu hổ, ngủ quên cả giờ dâng lễ. Tối qua đi ăn về muộn lại còn những việc lỉnh kỉnh phải làm cho xong; đọc kinh tối mà mắt cứ gà ra, nhắm tít lại để rồi vừa xong kinh tối cha Lành lăn quay ra ngủ quên cả bật nút hai chiếc đồng hồ báo thức. Đã mấy lần dặn ông câu lúc tới mở cửa nhà thờ nếu không thấy điện nhà bếp sáng thì gọi ngài trước nửa tiếng thế mà mãi tới giờ lễ mới gọi. Biết sao hơn, ai là người không bao giờ quên; hơn nữa, dâng lễ là nhiệm vụ của linh mục, và có trả tiền cho ông ta báo thức mình đâu! Dù ông có gọi hay không thì cũng không phải là bổn phận của ông mà là bổn phận của mình.

 

Buông điện thoại, cha Lành vội vàng vô phòng tắm rửa mặt, đánh răng, vuốt nước chải tóc, xịt keo; rồi nào hối hả mặc quần áo bước vội ra nhà thờ trong khi cặp mắt cứ nhíu lại. Đã bao nhiêu lần ngài tự nhủ phải đi ngủ sớm, muộn nhất là 10 giờ tối; thế rồi nào những nốt ghi treo nơi cửa phòng làm việc nhắc nhở, những quyết định, lý luận thúc đẩy đi ngủ trước 10 giờ nhưng rồi có cũng như không. Có tối nào lên giường trước 11 giờ đâu mà thường thì sớm cũng phải xuýt soát 12 giờ khuya. Nhất là những tối đi nhậu; gỏi cá, tái vịt, tiết canh dê... chẳng lẽ người ta mời mình, đến ăn xong rồi xăm xăm vội về như nhà có con dại.

 

Hơn nữa, bản tính cha Lành lè phè, thích diễu nhất là khi đàn đúm với nhóm thanh niên sồn sồn hoặc những ông già chịu chơi, thích nói chuyện tầm phào với cha. Thôi thì khen cha dễ tính, chịu chơi, bình dân... làm cha ưng ý và rồi ông một ly, cha một ly thi nhau uống trong khi vui câu chuyện trời mưa trời nắng. Cứ thế, người mời càng đông, cha quen thói ngủ trễ càng nhiều để rồi sáng nào mắt cũng cay xè, đồng hồ báo thức kêu gào mà chủ nhân cứ ậm ừ ngủ nướng...

 

Nhìn hình mình trong gương nơi phòng áo, ngài không thể chấp nhận được! Giáo dân sẽ nghĩ gì khi thấy cặp mắt cha còn lờ đờ vì chưa tỉnh hẳn? Rồi nữa, bài Phúc Âm số bao nhiêu; sách lễ trang nào; có kính thánh gì ngày hôm nay không; áo lễ mầu gì? Vội kéo ngăn khăn che bàn thờ, 3 cặp đỏ, trắng, tím... “màu xanh,” ngài thầm nghĩ trong khi đưa tay dịch cánh cửa tủ lấy áo lễ. Thường ngày mặc dầu lễ 6g30 sáng, cha Lành đã phải dậy lúc 5g00. Như một cái máy, đưa tay ấn nắp chiếc đồng hồ điện đang oang oác phát ra những tiếng kêu chói tai. Đã bao nhiêu lần tự hứa với mình nhổm dậy ngay khi đồng hồ reo nhưng hình như những gì cố gắng hứa lại càng khó thực hiện. Bởi thế, thay vì tuân theo một cách khổ não ý định, ngài đã để đồng hồ reo chạy nhanh 9 phút và đồng thời cho báo thức một giờ rưỡi trước giờ lễ.

 

Chiếc đồng hồ điện nhiều khi cũng đã làm ngài cuống lên bởi dòng điện bị trắc trở ban đêm làm sai lệch bộ phận điện tử, ngài đành mua thêm thứ lên dây thiều. Được chừng hơn năm, an tâm với thứ đồng hồ xinh xắn du lịch này, mỗi khi báo thức kêu ầm lên một tràng dài như chuông báo động khiến muốn ngủ nướng cũng khó. Nó lại sinh tật; có lẽ hơn một năm làm việc quá đủ công sức cho số tiền mua nên muốn về hưu; để đứng không thèm làm việc mà đặt nằm mới chịu. Có còn hơn không, nằm mà chạy, cha Lành nghĩ, hãy còn tốt chán. Hơn tháng sau, phải đặt nghiêng nó mới tiếp tục phát ra những tiếng tích tắc đều đều ru ngài vào giấc ngủ. Thế rồi nghiêng một bên suốt hai tháng có lẽ cũng bị mỏi, nó lại ngưng để được nghiêng qua bên kia. Vừa chẵn hai năm, dù cho đứng, nằm, nghiêng ngửa gì chăng nữa nó vẫn cứ chình ình bất động khiến ngài đành lùng cho được chiếc đồng hồ báo thức chạy pin. Những 3 chiếc đồng hồ báo thức ngự trên bàn ngủ choán chật một góc. Chiếc về hưu chính ra phải được vất đi, nhưng mà ai chả thế, những đồ vật mình đã xài dẫu cho không dùng được nữa nếu đem vất đi cũng tiếc; giống như mớ quần áo cũ, không muốn mặc, vất đi chẳng đang tâm; cho không ai lấy và cứ chất đầy tủ. Riêng chiếc đồng hồ điện khi báo thức, cứ ấn chiếc nắp phía trên là ngưng để rồi 9 phút sau lại chịu khó nhắc nhở cha Lành lần nữa. Cũng chính vì đặc tính chịu khó của nó như thế nên ngài có thêm tật ngủ nướng. Mà ngủ nướng tuyệt thật, căn báo thức trước một tiếng rưỡi để có thời giờ ngủ nướng vì sau một hoặc hai, có khi ba lần ngủ nướng, lúc dậy hình như con người cảm thấy tỉnh táo hơn; tỉnh táo hơn bởi ngủ nướng ngon hơn, quí báu hơn.

 

Từ ngày tậu chiếc đồng hồ chạy pin, không sáng nào cha Lành không giật mình. Nó không to chi, nhỏ xí à, chỉ to bằng 3 ngón tay và dầy gấp đôi; thế mà tiếng kêu của nó tàn bạo không thể tưởng; âm thanh gì lạ kỳ, cứ xuyên qua màng nhĩ xoáy vào óc. Không cho nó báo thức e chiếc đồng hồ điện gặp trục trặc; cho nó báo thức, mỗi lần nó kêu là cứ như muốn văng ra khỏi giường. Tuy nhiên, lâu dần riết rồi cũng quen. Những ngày nào đồng hồ điện không gặp trục trặc, cha Lành dậy trước khi đồng hồ pin báo thức, thuận tay đập một cái cho thằng điện ngưng, và một cái cho thằng pin mất cơ hội làm phiền để rồi an tâm ngủ nướng.

 

Có lẽ không có gì thú vị hơn ngủ nướng mặc dầu đã ngủ thì đâu biết gì; mà ai chả thế, sáng nào hưởng đủ ba lần ngủ nướng thì cha Lành cũng phải hối hả suốt diễn trình sinh hoạt buổi sớm: uống cà phê, đánh răng, rửa mặt, tắm, mặc quần áo, đọc trước bài Phúc Âm một lần cho trôi chảy và lật tự điển nếu gặp chữ nào khó đọc. 6g15 có mặt tại nhà thờ đọc kinh nguyện trong khi giáo dân lần hạt để rồi đến ngắm thứ năm ngài vô phòng bận áo cho kịp dâng Thánh Lễ ngay khi xong lần hạt. Lễ 6g30 phải chấm dứt 10 hay 7 phút trước 7 giờ.

 

Kỳ mới chịu chức, thường ngài chỉ uống cà phê sau khi đánh răng rửa mặt. Uống cà phê là một nghệ thuật cần thời giờ thưởng thức. Luật Giáo Hội giữ chay 1 giờ trước khi rước lễ; do đó thi hành xong những chuyện cần buổi sáng đâu còn giờ uống cà phê cho đủ 1 giờ giữ chay. Thế nên nhân một lần nào đó không hiểu nói chuyện với ai hoặc đọc từ bài viết nào, cha Lành nghe người Pháp ăn sáng trước khi làm những chuyện vệ sinh căn bản; ngài hoan hỉ áp dụng uống cà phê ngay sau khi dậy. Hơn nữa, ngài cũng nghe đâu đó rằng khi vừa thức dậy buổi sáng, miệng con người độc vô cùng nếu ngay lúc đó cắn vào cây nào thì cây đó cũng sẽ bị chết. Hơn nữa, chính chất độc nơi miệng con người lại trị những bệnh thông thường. Buổi sáng chưa đánh răng súc miệng mà uống nước thì những chất độc này làm người ta khỏe hơn, ít bệnh hơn. Và thế là từ dạo đó, vừa mắt nhắm mắt mở bước xuống khỏi giường, cha Lành đã vội khoác chiếc áo tắm, vừa đi vừa thắt dây lưng vô nhà bếp pha cà phê.

 

Cà phê không những giúp ngài tỉnh buổi sáng mà còn là nước uống cả ngày. Nước ngọt uống không vô bởi chất đường hóa học, lại nữa, không muốn bị thói quen tiêu tiền vì nước ngọt khi khát, thật là vô cùng hoang phí! Nước lạnh thì có mùi thuốc lọc làm khó chịu cả ngày. Khi nào uống quá nhiều cà phê, ngài muốn uống nước lạnh, phải lọc cọc đun sôi hoặc may mắn có nước đã đun sôi còn thừa lại do cha xứ pha trà thì cả là điều hạnh phúc vì đã hết mùi clor. Hơn nữa nhà xứ không có bình nước lọc thế là cha Lành cứ cà phê tì tì uống. Trên bàn nơi phòng làm việc, có khi 7, 8 chiếc ly uống cà phê ngổn ngang chiếm hết một góc; nhưng không uống cà phê, uống chi bây giờ? Trà thì nóng và nhiều chất cafein gấp đôi cà phê, ai dại bỏ cái hại ít để chuốc lấy thói quen hại nhiều! chẳng lẽ bỏ cà phê để uống bia. Uống bia lại càng không nên vì sẽ bị nghiện. Ngài sợ bị nghiện những thứ không nên nghiện. Mới có cà phê và thuốc lá mà đôi khi đã phiền hà; nghiện rượu bia mới nguy hiểm, không những tự làm hại chính mình mà còn ảnh hưởng đến giáo dân. Đã lỡ không nghiện rượu, chẳng nên tập cho quen dầu ngài có thể uống được rượu bia.

 

Đôi khi nghĩ về mình xem có những tật không nên không phải nào, ngài cảm thấy tự mang mặc cảm với chính mình vì không chịu bỏ hút thuốc. Dùng lý luận, đủ kiểu, đủ cách để minh chứng hút thuốc là không nên nhưng hút vẫn hút. Lắm lúc nói chuyện với người khác về tội tổ tông, ngài đem thói quen hút thuốc ra minh chứng rằng tội tổ tông không phải chỉ là tội của ông Ađam và bà Evà theo nghĩa đen nơi Kinh Thánh mà là tội mình không biết hoặc không cho là tội và đang sống trong nó, với nó, không nghĩ đến sự ảnh hưởng của nó. Một gói thuốc hơn một đồng Mỹ kim trong khi số tiền tương đương với gói thuốc có thể nuôi được một gia đình 5 người tại Việt Nam một ngày vương giả. Nghĩ như thế, mặt trái của những thói quen nói lên lầm lỗi mà mình không để ý. Dĩ nhiên, mình hút thuốc tiền mình nhưng nếu không hút thuốc, lấy số tiền đó giúp những người khốn khổ hơn thì lại là điều tốt lành. Hút thuốc, mình bỏ cơ hội làm điều thiện giúp người nghèo đói. Hơn nữa, hút thuốc thật ra không cần thiết! Dẫu rằng thuốc lào được người xưa quan niệm là thứ Thảo Lam Sơn có tính chất trị sơn lam chướng khí nơi miền rừng núi (không biết có đúng không). Người ở miền núi hút thuốc lào để chống lại chất độc tự nhiên quanh vùng mình ở. Tuy nhiên, xét về mặt tu đức học, những gì mình không cần thiết thuộc về người nghèo. Hút thuốc không cần thiết cho cuộc sống do đó số tiền hút thuốc nên được dùng để cho người nghèo...

 

Nghĩ như thế, lý luận là thế mà hút thuốc ngài vẫn cứ hút, chỉ được cái không đam mê hút nhiều, ngày không đến một gói. Có vài người đề nghị ngài chừa hút thuốc viện cớ hại cho sức khỏe...

- Ông bà không hút thuốc phỏng có thể sống mãi được không?

- Thưa cha ai mà không chết.

- Hút cũng chết mà không hút cũng chết, đàng nào cũng không tránh thoát, thế thì hút có khác chi đâu!

- Nhưng thưa cha hút thuốc chết sớm hơn.

- Nói lạ kỳ, cứ cầu nguyện mong sao cho chóng được hưởng mặt Chúa mà lại muốn sống lâu; vậy sợ chết có phải là kiểu nói dóc không? Như vậy người hút thuốc sẽ được hưởng mặt Chúa sớm hơn kẻ không hút.

 

Lý luận diễu chơi để bảo vệ lý do hút thuốc của mình chỉ cho qua; thực ra, cà phê và thuốc lá ảnh hưởng cha Lành khá nhiều. Muốn viết lách gì, tay cầm bút, tay kia điếu thuốc, rồi cà phê hết ly này đến ly kia. Không có cà phê thì bia nhưng không có thuốc lá lại không được. Khói thuốc bay lên dường như có mãnh lực kéo tư tưởng ra khỏi bộ óc.

 

Lý do chính ngài không muốn bỏ hút thuốc có lẽ cũng vì một phần nào chất nicôtin giúp ngài hứng khởi hơn khi viết. Tuy thế, đã nhiều khi ngài định bỏ thuốc. Dĩ nhiên, định bỏ tức là vẫn còn hút và lý do ngài muốn chừa vì khói thuốc làm phiền; thật lạ kỳ, hút thuốc nhưng không chịu được mùi khói thuốc. Những ngày còn học thần học, thày Lành đã phải mua chiếc quạt bàn nhỏ xíu ráp vô trần phòng mình để thổi khói thuốc ra ngoài. Chính vì không chịu được khói thuốc nên phải ráp quạt, đôi khi lại là cớ cho các anh em khác sang ăn mì ké bởi hơi mì không đọng lại nơi phòng ngài như các phòng khác không có quạt hút hơi. Lắm lúc thày Lành nghĩ, vừa tốn mì vừa mất thời giờ tiếp khách cũng chỉ vì tật hút thuốc.

 

Đàng khác, ngài cũng muốn có chút giọng hát nên muốn chừa hút thuốc, viện cớ hút thuốc làm đứt quãng dây “thiều” rung không đều do chất nicôtin bám vào. Lý do muốn cho giọng hát hay hơn có thể là động lực thúc đẩy ngài tới quyết định chừa hút thuốc. Khi tham gia với bạn bè trong những ngày cuối tuần, sau khi ăn uống, với tình quen biết thân thiện không ngại bị phê bình, ngài chung vui hát với họ. Hết nhạc tiền chiến rồi nhạc thời trang, chia phe hát đối hoặc đơn ca trình diễn. Gọi là trình diễn cho oai chứ thực ra chia phiên mỗi người hát một bài vì đa số ai cũng ngại hát. Hơn nữa, biết nhạc và có thể nói là mê nhạc nên ngài thích hát.

 

Bạn bè cho ngài biết ngài có một cá tính tự nhiên thật hấp dẫn và thu hút khán giả. Mới đầu ngài không để ý bởi nghĩ rằng người ta nói cho qua hoặc đôi khi phỉnh phờ diễu chơi. Nhưng sau nghe riết đến độ nghi ngờ, ngài hỏi một vài người mới biết họ nói thật... Tuy nhiên, lý luận, ý thích, ý kiến... có đến đâu thì ngài vẫn chưa và có thể không bao giờ bỏ hút thuốc bởi quan niệm ai cũng có một tật xấu nào đó, có bỏ được cái này thì vương thêm cái khác; đàng nào cũng là tật. Nếu hút thuốc là một tật xấu, bỏ nó, coi chừng vương tật khác xấu hơn. Lắm lúc trong những khi lý luận diễu chơi ngài mượn quan niệm của Lâm Ngữ Đường trong cuốn Một Quan Niệm Sống Đẹp (Nguyễn Hiến Lê dịch): - Người nào không biết thưởng thức cuộc đời, có được lên thiên đàng cũng sẽ chán - để bào chữa cho tật hút thuốc của mình.

 

Nhớ lại thời kỳ ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, thày mà. Sau năm 1975, sáng hôm ấy sau khi thày Lành giúp cho rước lễ ghé vô nói chuyện với cha Đông Anh tại nhà xứ. Nhân ngài pha cà phê uống nước sáng, ngài hỏi thày Lành có muốn uống cà phê với ngài không. Đang cơn túng quẩn nên cà phê trở thành thứ xa xỉ dầu thèm muốn chết, thày Lành vui mừng trả lời có! Đứng tựa nơi cửa nhìn chiếc lọc cà phê bằng điện kiểu Ý đang chảy cà phê ra ly qua chiếc vòi cong vòng từ trên nắp lọc, thày Lành buông lời ngộ nghĩnh:

- Kể ra thày Lành cũng may mắn gớm chứ!

- Có chuyện gì mà may mắn?

- Thì được cha xứ pha cà phê cho uống.

- Thật đấy, tôi chỉ pha cà phê cho mình thày uống thôi, chứ dù cho đức giám mục có đến tôi cũng không pha.

Khi hai ly cà phê được bưng tới bàn ăn, biết cha xứ không hút thuốc, thày Lành tiếp:

- Nếu cha không đồng ý con hút thuốc thì con bưng cà phê về nhà uống.

- Tôi biết rồi, mỗi người một kiểu thưởng thức “sự vật”. Thày uống cà phê mà không hút thuốc thì thà đừng uống; cứ tự nhiên!

 

Còn gì sảng khoái hơn khi mới thức dậy, đang ngái ngủ có được một ly cà phê nóng và một hai điếu thuốc nhâm nhi trước khi đánh răng rửa mặt. Hôm nào lỡ quên để đồng hồ báo thức, chất đắng cà phê chưa có cơ hội du lịch thấm nhập qua các mạch máu, ngài phải cố gắng hết sức; không cố gắng, nhìn chữ nọ nhảy qua chữ kia. Thế nên, ngài đôi khi tự diễu: có những cố tật không nên sửa vì nếu sửa nó sẽ rơi vào những cố tật tai hại hơn. Dâng lễ trong lúc ngái ngủ không gì tệ hại bằng vì dâng lễ là dâng với tất cả tâm hồn của mình. Lúc còn ngái ngủ thì dù cố gắng cách mấy ngài vẫn cảm thấy như còn thiếu sót điều gì. Làm sao người ngái ngủ có thể dâng lễ với tất cả tâm tình như người tỉnh.

 

Nghĩ lại những lúc ngái ngủ ngài nhớ câu chuyện cô em gái đã kể sau khi mới chịu chức được mấy hôm:

- Mẹ bảo Chúa chọn thày lười.

Nào có gì đâu, kỳ còn nhỏ cần ngủ nhiều lại ham chơi vào buổi tối, sáng ra khó dậy nhưng vì nhà gần thánh đường, ngài bị đánh thức dậy đi lễ hằng ngày như cái máy. Lớn lên, khi còn đang ở chủng viện, ngài mới biết lễ ngày thường không phải lễ buộc nên khi nghỉ hè, ưng thì đi, không ưng ngài tiếp tục ngủ nên bị gọi thày lười. Thế mà bây giờ, dù lười cũng phải dậy lúc 5 giờ sáng. Ngày nào dâng lễ sớm cũng phải thức giấc lúc 5 giờ trong khi lên giường ngủ vào 12 hoặc 1 giờ đêm; thật đáng đời. Ghét của nào trời trao của đó.

 

Đã thế mà cha Lành lại thích dâng lễ sớm vì có nhiều giờ làm việc hơn. Hơn nữa, đến giờ lễ buộc lòng phải dậy nên ngày dài hơn. Cũng đã nhiều lần mặc dầu dâng lễ 8g15 ngài để đồng hồ báo thức lúc 5g sáng tự bảo mình dậy sớm làm thêm ít chuyện cần phải làm cho xong. Thế nhưng, lúc vặn đồng hồ thì tốt lành, hăng say lắm mà khi đồng hồ báo thức cả là một vấn đề. Giỏi lắm, chồm dậy vặn đồng hồ cho báo thức trễ lại một tiếng rưỡi hoặc hai; còn bình thường tắt luôn để rồi lại hối hả cho kịp giờ lễ. Và chưa bao giờ ngài thực hiện được ý muốn tốt lành này gần ba năm. Ôi! thần trí thì sáng suốt nhưng thân xác lại mê đắm... ngủ. Những ngày dâng lễ sớm, cha Lành cảm thấy niềm vui khó tả. Ngồi tại bàn viết được những hai tiếng từ 7g tới 9g sáng, không bị ai làm phiền, muốn làm gì thì làm, viết gì thì viết. Điều thú vị nhất, lúc đã tỉnh táo, ly cà phê và thuốc lá mới thực sự hấp dẫn cũng như có thể làm tròn nhiệm vụ đã được chế biến của chúng.

 

 ***

 

- Cha Lành, điện thoại đường dây số hai. Bà thơ ký gọi cha từ phòng bên kia.

- Hello,

- Con muốn tới gặp cha bây giờ được không?

- Được, vậy lúc nào thì bà tới?

- Con có đánh thức giấc ngủ của cha không?

- Không đâu, bây giờ đã hơn 8g sáng; tôi dâng lễ 6g30 mà. Chừng nào bà tới?

- Cỡ 15 phút nữa được không cha?

- Từ từ lái xe, tôi chờ.

Dĩ nhiên, cuộc đời có người nọ người kia. Đa số giáo dân thật tốt lành ngoại trừ phần nhỏ đôi khi chỉ biết đến mình, không chịu hiểu biết hoặc thông cảm cho người khác, ngay cả đối với các cha. Người thì muốn cha lúc nào cũng phải ở nhà xứ để gọi là gặp ngay. Đồng thời lại cũng có những người muốn cha ghé thăm mà chẳng bao giờ nói để rồi than phiền nào là cha tới nhà người này, người kia mà không tới nhà mình. Có người còn bày ra những câu nặng hơn. Nào có thèm mời, có thèm nói đâu, làm sao cha biết. Ngay cả như vấn đề kiệu Mình Thánh cho người bịnh, chẳng biết bao nhiêu lần yêu cầu nếu nhà có người tật nguyền hay bệnh lâu năm không đi lễ được thì gọi điện thoại báo cho nhà xứ mà người ta có thèm gọi đâu; không gọi để kêu ca cho có vẻ quan trọng, cho oai thôi. Các bà các cô ngày xưa lập gia đình chỉ phải làm dâu một họ nhà chồng đã thấy lắm sự phiền hà, than như bọng. Nào mẹ chồng con dâu, nào chị dâu em chồng, thôi thì muôn thứ chuyện xảy ra. Đàng này, các cha làm dâu trăm họ, ngàn thứ người. Một mẹ chồng khó tính đã đủ chết; các cha có cả mớ mẹ chồng chứ không phải một; mà mẹ chồng nào thì cũng hay, cũng đúng; vì đâu ai chịu nhận phần không nên không phải về mình. Thế rồi cứ “Nếu tôi mà là cha, tôi thế nọ, tôi thế kia.” Thật ra, có thế nọ, thế kia được thì đã là cha cần gì phải nếu.

 

- Chào cha...

- Chào bà, mời bà ngồi. Bà có khỏe không?

- Thưa cha, con cũng thường. Con tới gặp có phiền cha không?

- Có chi mà phiền, đó là công việc của linh mục mà.

- Cha dậy sớm vậy dâng lễ có mệt không?

- Tối nào đi ngủ muộn thì sáng khó dậy, nhưng cũng quen đi.

- Vậy thứ bẩy, chủ nhật lắm công việc cha có mệt không?

- Có chi đâu! Chúa ban cho ai cũng có 24 giờ một ngày và mình có bao giờ làm việc 25 giờ đâu. Hơn nữa, người ta đi làm sò, làm tôm ngày 8 tiếng mà họ không kêu mệt thì mình sao mà mệt.

- Nhưng cha làm việc đầu óc...

- Thì việc nào chả là việc. Mỗi người Chúa ban cho các khả năng khác nhau nên công việc làm khác nhau. Thôi, vào thẳng vấn đề, bà đến gặp tôi có chuyện gì vậy?

- Con muốn xưng tội, nhưng trước khi xưng con có mấy việc thắc mắc.

- Chuyện gì vậy, khó hay dễ nói?

- Thưa cha, chẳng có gì khó nói cả, chỉ là những chuyện thường.

- Thế vấn đề gì...

- Thưa cha con hay nóng giận, chửi bới con cái và đôi khi bực mình với cả bố mẹ con. Con đã cố gắng chừa sửa nhưng chứng nào vẫn tật nấy làm con khổ quá...

- Bố mẹ bà hay bố mẹ chồng?

- Bố mẹ con ấy chứ. Bố mẹ chồng con đâu có đi được.

- Ông bà cụ năm nay Chúa ban cho thọ được bao nhiêu tuổi?

- Ông thì cỡ 80, má con chừng bẩy mấy.

- Ông bà cụ thọ đấy. Bao nhiêu người muốn sống tới tuổi ấy mà đâu có được!

- Bởi thế con mới cảm thấy phiền chứ. Lắm lúc con gắt um lên với bố mẹ con.

- Bà có biết lý do tại sao bà hay gắt gỏng với ông bà cụ không?

- Tại con nóng tính.

- Đâu phải cứ nóng tính mà hay gắt gỏng được. Nếu nói là tại nóng tính rồi cứ làm tưới đi thì sao bây giờ bà không gắt gỏng chút nào?

- Thì khi có chuyện gì xảy ra làm con bực mình con mới gắt chứ.

- Nghĩa là khi có chuyện gì xảy ra không hợp ý bà thì bà mới nổi nóng lên.

- Vâng, ai đời nào mà trời nắng chang chang, bố con cứ hì hục với mảnh vườn bằng bàn tay rồi mồ hôi cái mồ hôi con đổ ra đụng phải gió máy rồi lại ốm. Con nói mãi cũng không thèm nghe làm con cứ phát cáu lên thôi! Con cáu lên, bố mẹ con lại phiền lòng.

- Đâu phải ông cụ làm sai ý bà thì bà gắt đâu. Bà sợ ông cụ ốm đau đấy chứ.

- Ơ! Cha nói đúng.

- Chẳng phải mình bà đâu. Tôi cũng thế! Mấy cụ có tuổi rồi mà cứ làm như mình còn trẻ cỡ 30, 40. Thấy các cụ làm mà mình phát rét lên; mình lo các cụ lỡ ra thì sao; mà nói thế nào thì cũng “Tao còn đẻ ra mày.”

- Con cứ tưởng con hỗn láo với bố mẹ con.

- Cái đó không phải là hỗn láo mà là quá lo cho bố mẹ. Đời nào bố tôi bẩy mươi mấy rồi, đi đứng làm sao mà vững như những người còn trẻ. Do đó tôi đã phải đổ lối xi măng xuôi từ phần đất cao xuống chỗ thấp hơn để khỏi phải bước bậc thang. Thế mà bố tôi đóng ngay mấy bậc bằng gỗ khấp khểnh đi lên đi xuống cho tiện nơi mấy chỗ khác. Đất thịt gặp trời mưa thì trơn té chết người! Mới chỉ trông thấy thôi đã muốn đứng tim mà nói thế nào cũng không chịu phá bỏ. Đến khi má tôi té trật giò mới sợ phá đi. Chỉ có Chúa mới hiểu được các cụ.

- Khổ quá cha ạ, con cáu lên thì bố mẹ con tủi thân mà con thì sợ lắm; lỡ ra có bề nào, con chẳng biết ăn nói sao!

- Biết sao hơn bây giờ! Thôi thì đành chấp nhận rồi phó thác thôi chứ. Nếu mình không thương bố mẹ mình thì đâu có chuyện cáu kỉnh xảy ra. Mình có bao giờ gắt gỏng với mấy người già hàng xóm đâu. Đành dâng các cụ trong tay Chúa, và những gì giúp được thì giúp; chẳng hạn nếu cụ ốm, ráng lo nấu cháo cho cụ ăn, mua thuốc cho cụ uống. Còn những chuyện vớ vẩn nguy hiểm khác không làm sao giúp được thì đành nhắm mắt để khỏi phải nhìn thấy. Ngăn cản thì quí cụ đau lòng, không thể hiểu được!

- Sao cha nói nghe dễ vậy mà lâu nay con cứ áy náy trong lòng...

- Còn vấn đề con cái, lúc nóng mà hò la chúng, chửi bới bậy bạ thì lại tập tành cho chúng ăn nói giống mình; có lẽ phải kiếm cách khác để dạy bảo chúng, chứ la nhắng lên không được ơn ích gì mà cái nhà thì lại um lên.

- Con biết cách nào hơn đâu cha!

- Từ từ, đàng nào thì bà là mẹ, bà hiểu tính tình từng đứa một. Tùy theo cá tính mà chỉ bảo nó. Thế có bao giờ bà để ý đến cá tính từng đứa con của bà chưa?

- Có chứ, nhưng con chưa bao giờ nghĩ đến dạy bảo chúng tùy theo từng đứa, mà thường thì cứ nổi nóng là la toáng lên.

- Không có việc gì cao cả hơn là vấn đề dạy dỗ con cái đâu. Dạy cho chúng nó nên người là bổn phận và cũng là thiên chức Chúa ban cho các bậc cha mẹ. Mình thương con nên dạy con. Bà thấy không, bà đâu có bao giờ nổi nóng với con nhà hàng xóm vì bà đâu cần biết đến chúng nó. Tôi nghĩ, bà nên dành thời giờ suy nghĩ để kiếm cách dạy con cho hữu hiệu; việc đó mới khó! Thế bà còn chuyện gì muốn nói nữa không?

- Thưa cha không, chỉ có thế.

- Vậy bà đã dọn mình xưng tội chưa?

- Thì có bấy nhiêu con đã nói hết rồi.

- Tội lỗi chi ba cái chuyện vớ vẩn; có lẽ cái tội to nhất là tội mình không biết...

 

Dân Chúa đơn sơ và thật tốt lành; chỉ phiền một nỗi là những chuyện không ra gì đôi khi thiếu hiểu biết bị trở thành tội và có khi làm khổ một đời để rồi lại sinh ra muôn sự rắc rối khác. Điều đơn giản sinh ra rắc rối đầu tiên là cứ muốn người khác phải theo ý mình chẳng cần biết như thế là hay hoặc dở cho họ; mà đâu thèm để ý đến trên đời này không ai thích giống ai; mỗi người lại có cái nhìn khác biệt. Đã thế thường thì không chịu nói ra, cứ ấm ức trong lòng ngày này qua ngày khác, tới khi gặp cơ hội là làm toáng lên, moi móc từ đời ông bành tổ trở xuống làm cho kẻ khác mang ấn tượng là họ xấu xa không có được gì tốt lành. Hơn nữa, dạy con thì cứ lôi những cái xấu của nó ra mà la mắng trong khi những điều tốt chẳng bao giờ khen thưởng chúng. Chẳng lẽ đứa bé 11, 12 tuổi chưa bao giờ làm được điều gì hay cho gia đình ư? Thế mà có nói được lời nào khen nó đâu, chỉ những bới tội! Còn nữa, còn muôn thứ chuyện lăng nhăng của người nào đó vắng mặt cũng moi ra cho đỡ “rỗi miệng” và rồi “đình đám người, mẹ con ta;” đôi khi người trong nhà giận nhau cũng chỉ vì chuyện của kẻ khác. Đúng là sinh tội.

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây