TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

VHTK Thánh Đaminh Ngày 8. 8

Thứ tư - 02/08/2023 00:38 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1481
"Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "
VHTK Thánh Đaminh Ngày 8. 8
VUI HỌC THÁNH KINH
THÁNH ĐAMINH

Ds 20, 1-13
Tin Mừng thánh Luca 5, 1-11
Ngày 8 tháng 8

 
Tin Mừng
Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Mt 4:18 -22; Mc 1:16 -20 )

1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."5 Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.


1 While the crowd was pressing in on Jesus and listening to the word of God, he was standing by the Lake of Gennesaret.
2 He saw two boats there alongside the lake; the fishermen had disembarked and were washing their nets.
3 Getting into one of the boats, the one belonging to Simon, he asked him to put out a short distance from the shore. Then he sat down and taught the crowds from the boat.
4 After he had finished speaking, he said to Simon, "Put out into deep water and lower your nets for a catch."
5 Simon said in reply, "Master, we have worked hard all night and have caught nothing, but at your command I will lower the nets."
6 When they had done this, they caught a great number of fish and their nets were tearing.
7 They signaled to their partners in the other boat to come to help them. They came and filled both boats so that they were in danger of sinking.
8 When Simon Peter saw this, he fell at the knees of Jesus and said, "Depart from me, Lord, for I am a sinful man."
9 For astonishment at the catch of fish they had made seized him and all those with him,10 and likewise James and John, the sons of Zebedee, who were partners of Simon. Jesus said to Simon, "Do not be afraid; from now on you will be catching men."
11 When they brought their boats to the shore, they left everything and followed him.
 
I. HÌNH TÔ MÀU
DM KMC
 
* Chủ đề của hình này là gì?
……………………………………………..

* Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Luca 5,10
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..
……………………………………………..

 
II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. Đức Giêsu ngồi trên thuyền của ai để giảng dạy dân chúng? (Lc 5, 3)
a. Ông Simon.
b. Ông Giacôbê.
c. Ông Gioan.
d. Tôma.


a2. Sau khi giảng dạy xong, Đức Giêsu bảo ông Simôn điều gì? (Lc 5,4)
a. Con hãy tin Thầy.
b. Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cả.
c. Con hãy đi theo Thầy.
d. Con thật hạnh phúc vì được Chúa Cha mạc khải cho.


a3. Khi nghe Đức Giêsu nói, ông Simon đã nói gì? (Lc 5,4)
a. Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.
b. Thầy biết con yêu mến Thầy.
c. Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.
d. Thầy đi đâu con cũng theo Thầy.


a4. Khi chứng kiến phép lạ lưới đầy cá, ông Simon đã có hành động gì? (Lc 5,8)
a. Sấp mặt dưới chân Đức Giêsu.
b. Chạy tới ôm chân Đức Giêsu.
c. Quỳ xuống cầu nguyện.
d. Giơ 2 tay lên tạ ơn Thiên Chúa.


a5. Khi chứng kiến phép lạ lưới đầy cá, những người hiện diện với ông Simon có thái độ gì? (Lc 5,9)
a. Bối rối.
b. Vui mừng.
c. Kinh ngạc.
d. Lo lắng.


B.
b1. Thánh Đa Minh sinh năm 1170 tại Caleruega, thuộc dòng tộc vị vọng Guzman thuộc nước nào?
a.Tây Ban Nha.
b. Bồ Đào Nha.
c. Y Pha Nho.
d. Pháp.


b2. Đây là những dấu lạ xảy ra khi người mẹ mang thai và trong ngày lễ rẳ tội của cậu bé Đa Minh :
a. Người mẹ mơ cho chào đời một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đến khắp thế giới.
b. Người đỡ đầu trông thấy trên trán chú bé một ngôi sao sáng, chiếu tỏa chung quanh.
c. Người bố nói được sau thời gian dài bị câm.
d. Chỉ có a và b đúng.


b3. Thánh Đa Minh là Đấng sáng lập Dòng nào?
a. Dòng Giảng Thuyết.
d. Dòng Tên.
c. Dòng Phan Sinh.
d. Dòng Biển Đức.


b4. Để chống lại lạc giáo Albigensê, cha thánh Đa Minh đã phổ biến kinh gì?
a. Kinh Chuỗi Lòng Thương Xót.
b. Kinh Mân côi.
c. Kinh Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ.
d. Kinh Cầu Chịu Nạn.


b5. Năm 1221, trước khi lâm chung, cha Đa Minh nói lời trăn trối với con cái mình là :
a. "Anh em yêu dấu, gia sản cha để lại cho anh em : Hãy sống bác ái, khiêm tốn và khó nghèo tự nguyện".
b. "Hãy hăng say giảng thuyết”.
c. “Chuyên cần cầu nguyện”.
d. Cả a, b và c đúng.



III. Ô CHỮ
OC ÐAMINH
Những gợi ý

01. Với Đức Giêsu, ông Phêrô làm gì khi ông sẽ thả lưới? (Lc 5, 5)

02. Ông Phêrô nhận mình là người thế nào? (Lc 5, 8)

03. Dân chúng chen lấn đến gần Đức Giêsu để nghe lời của ai? (Lc 5, 1)

04. Khi chứng kiến mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người ở đó đều thế nào?
(Lc 5, 9)


05. Đức Giêsu xuống thuyền của ai? (Lc 5, 3)

06. Đức Giêsu bảo ông Simon chèo ra chỗ nào mà thả lưới bắt cá? (Lc 5, 4)

07. Ai nói với ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.  (Lc 5, 11)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
"Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "
Tin Mừng thánh Luca 5,8b
 
VUI HỌC THÁNH KINH
THÁNH ĐAMINH
Ngày 8 tháng 8
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề 
Thánh Đa Minh và Đức Maria
* Tin Mừng thánh Luca 5,10 :
"Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."

II. TRẮC NGHIỆM
A.

a1. a. Ông Simon (Lc 5, 3)
a2. b. Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt ca (Lc 5,4)
a3. c. Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới (Lc 5,4)
a4. a. Sấp mặt dưới chân Đức Giêsu (Lc 5,8)
a5. c. Kinh ngạc (Lc 5,9)


B.
b1. a. Tây Ban Nha.
b2. d. Chỉ có a và b đúng.
b3. a. Dòng Giảng Thuyết.
b4. b. Kinh Mân côi.
b5. d. Cả a, b và c đúng.


III. Ô CHỮ
01. Vâng lời (Lc 5, 5)
02. Tội lỗi (Lc 5, 8)
03. Thiên Chúa (Lc 5, 1)
04. Kinh ngạc (Lc 5, 9)
05. Simon (Lc 5, 3)
06. Nước sâu (Lc 5, 4)
07. Đức Giêsu (Lc 5, 11)


Hàng dọc : Linh Mục

NGUYỄN THÁI HÙNG
 
THÁNH ĐA MINH
Lm. Đào Quang Chính, OP

Ngày nay, các linh mục đều là những nhà giảng thuyết, nhưng cách đây hơn 800 năm, chỉ các bậc giám mục trở lên mới có quyền giảng! Nói như vậy để chúng ta hiểu tại sao dòng Đa Minh được gọi là dòng giảng thuyết, và đặc sủng của dòng Đa Minh quả là một cuộc cách mạng to lớn vào thời đó.
Đa Minh sinh năm 1170 tại Caleruega, thuộc dòng tộc Guzman, nên được gọi là Đa Minh Guzman. Guzman là một dòng tộc vị vọng tại Tây ban nha vào thời trung cổ. Thân phụ ngài là ông Felix, một kiếm sĩ "tuyệt vời và dịu dàng." Bà cố là Joanna d'Aza, xuất thân từ gia đình cao quý. Bà cố đạo đức và được đức giáo hoàng Leo XII tuyên phong chân phước. Bên cạnh Đa Minh, bà cố còn có một người con nữa cũng là chân phước dòng Đa Minh: Mannes. Thực là gia đình đạo hạnh: một thánh, hai chân phước. Cũng nên biết rằng, người anh lớn của Đa Minh, linh mục triều, suốt đời làm việc trong nhà thương giúp đỡ người nghèo


Nhiều dấu lạ xẩy ra khi Đa Minh chào đời. Theo thánh Jordan Saxony, vị ký lục về cuộc đời Đa Minh kể lại, thì khi đang mang thai, bà cố mơ thấy mình cho chào đời một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đến khắp thế giới. Rồi trong ngày thánh nhân rửa tội, mẹ đỡ đầu trông thấy trên trán chú bé một ngôi sao sáng, chiếu tỏa chung quanh. Do đó tại sao ngày nay khi tạc tượng thánh Đa Minh, người ta cũng tạc luôn tượng con chó đang ngậm đuốc sáng nằm dưới chân, còn trên trán ngài thì có ngôi sao sáng.

Cuộc đời thánh nhân lúc còn nhỏ cũng bình thường như chúng ta. Năm lên bẩy, ngài được gửi đến ở với cậu là linh mục đang coi xứ gần Caleruega. Năm 14 tuổi, chú từ giã gia đình và bố mẹ để lên học tại Palencia, là trường học nổi tiếng nhất tại Tây ban nha lúc bấy giờ. Ngay từ hồi nhỏ, chú đã biết dung hòa việc học hành với đời cầu nguyện và các bổn phận tông đồ. Có những lần chú đã bán các sách học để  gíup đỡ người nghèo. Sách vở lúc chưa có nhà in, là những phẩm vật rất quý giá, nhưng người nghèo với chú còn quý giá hơn. Cũng đã hai lần chú muốn bán mình để có tiền chuộc những người bị bắt làm nô lệ. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy chú sẽ dung hòa đời sống chiêm niệm và hoạt động trong tương lai?
Hết trung học, chú xin đi tu và có lẽ được truyền chức vào năm 1194. Sau đó, cha Đa Minh xin làm kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Osma. Kinh sĩ có bổn phận chuyên lo đọc kinh thay cho toàn giáo phận, nhất là thay cho các linh mục hoạt động. Hội kinh sĩ theo tinh thần tu luật của thánh Augustine, sống đời ẩn thân. Với lòng đạo đức và khôn ngoan, cha Đa Minh trở nên rường cột cho hội. Vì vậy, chỉ 2 năm sau, cha được chỉ định làm bề trên hội kinh sĩ. Đây là một vinh dự lớn lao cho 1 linh mục trẻ. Kinh sĩ Đa minh thường mang trên tay sách phúc âm theo thánh Matthêu, các thư của thánh  Phaolô và sách các giáo phụ.

CHUẨN BỊ LẬP DÒNG

Vào năm 1213, đức cha địa phận và Đa Minh được ủy thác sứ mạng thu xếp  cuộc hôn nhân của hoàng tử xứ Marches và công chúa Đan mạch. Trên đường đi Đan mạch, hai ngài phải băng qua miền nam nước Pháp. Có lẽ cuộc du hành này đã thay đổi cuộc đời Đa Minh. Tại Toulouse, trong một quán trọ, ngài đã nhận ra rằng, người chủ quán trọ là một người bỏ Công giáo theo nhóm Albigensê. Cũng nên biết từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, nhóm Albigensê đã rất thành công trong việc thuyết phục người khác theo họ. Vào thời đại mà giáo hội miền nam nước Pháp bị tục hóa, khi các giám mục xa cách dân chúng, ăn mặc sang trọng, đi trên xe tứ mã, sống đời xa hoa, thì triết lý của Albigensê, dựa theo tinh thần lạc giáo Manikêu, quả là hấp dẫn với một số người. Gọi họ là Albigensê vì nhóm này khởi nguồn từ một thành phố miền nam Pháp tên là Albi. Họ chủ trương nơi con người có hai thái cực: tốt do Chúa tạo nên, xấu do Satan chiếm đoạt. Để loại trừ Satan, con người cần diệt dục, không nên lấy vợ, lấy chồng, không ăn thịt, cá và chỉ ăn rau cỏ. Cuộc sống càng đơn sơ, càng trở về với thiên nhiên càng tốt. Trong khi các giám mục địa phương, linh mục Cistercien ăn mặc sang trọng, thì giáo sĩ nhóm Albigensê ăn vận đơn sơ, đi chân không, mặc quần áo đơn giản. Do đó, họ có một bề ngoài gần gũi với đức khó nghèo của Thánh Kinh hơn. Điều quan trọng hơn cả là về tín lý họ chối bỏ 3 ngôi Thiên Chúa. Miền nam Pháp, Ý và Tây ban nha bị ảnh hưởng rất mạnh của nhóm này.

Đa Minh để cả đêm nói truyện với người lạc giáo. Ngài nhận thấy ông chủ quán là người có lòng thành nhưng bị nghe tuyên truyền sai lạc. Đến sáng, sau khi cầu nguyện hồi lâu thì bỗng dưng người chủ quán đổi lòng. Ông xin trở lại Công giáo. Việc trở lại này đã trở thành động lực lớn thúc đẩy Đa Minh lập dòng tu chuyên lo truyền giáo. Truyền thống kể lại rằng chính tại nhà này, Đa Minh đã cầu nguyện bằng phương cách sắp xếp những ý tưởng Thánh Kinh thành một chuỗi giúp cho ngay cả người đơn sơ cũng có thể lãnh hội được. Đây là bước khởi nguồn của tràng hạt Mân Côi sau này.

Chuyến đi của đức giám mục và của Đa Minh thành công tốt đẹp. Hai vị trở về báo Tin Mừng cho nhà vua và chuẩn bị hôn lễ. Nhà vua lại cử đức giám mục và Đa Minh lên đường đón công chúa cho hoàng tử của mình, nhưng lần du hành thứ hai này mang nhiều nét buồn. Hai vị đến hoàng cung đúng lúc nghe tin công chúa mới lìa đời. Sau đó hai vị cùng sang Roma thăm giáo đô. Cũng nên biết, giám mục địa phận Osma, đức cha Diego,  là một nhân vật đạo đức và đặc biệt. Ngài đã làm trưởng hội kinh sĩ tiền nhiệm của Đa Minh. Nhận thấy có nhiều người lạc giáo, khi triều kiến đức giáo hoàng, ngài xin từ nhiệm giám mục để có thêm thời  giờ chuyên lo truyền giáo. Tấm gương sáng càng khiến Đa Minh hăng hái hơn thi hành ước mộng. Tuy nhiên, đức giáo hoàng Innocent III không đồng ý. Ngược lại ngài ủy thác hai vị sang miền Languedoc, hợp lực cùng với các tu sĩ Cistercien chống lại nhóm Albigensê. Đức cha Diego, ngay khi nhận nhiệm vụ mới, ra lệnh cho các tu sĩ Cistercien phải sống đời khó nghèo. Kết quả trông thấy thực rõ rệt. Số người xin trở lại Công giáo tăng lên rất nhanh. Riêng Đa Minh thì còn dành nhiều thời giờ để tranh luận với nhóm lạc giáo. Không cãi nổi với nền thần học chắc chắn, sự thông thái và lý luận sâu sắc của Đa Minh, những người lạc giáo đe dọa giết ngài. Không sợ, Đa Minh tiếp tục rao giảng Tin Mừng cách can đảm. Ngài chọn Prouille làm trụ sở chính rồi từ đó đi đến các miền Fanjeaux, Montpellier, Servian, Beziers, và Carcassonne. Chính tại Prouille vào năm 1206 mà thánh nhân đã lập hội dòng nữ Đa Minh đầu tiên. Ngài biết có nhiều phụ nữ nhiệt thành nhưng vì lầm lạc đã theo nhóm Albi. Họ cần được nâng đỡ. Sau khi trở lại, các phụ nữ này đã xây nhà dòng và chuyên giáo dục các trẻ Công giáo. Đây là cơ sở đầu tiên của dòng nhì Đa Minh trên thế giới.

Năm 1208 đáng được coi là năm "bản lề" của Đa Minh. Vào ngày 15 tháng 1, cha Pierre de Castelnau, vị tông tòa dòng Cistercien bị ám sát chết. Thánh Simon de Montfort quyết định mở cuộc thánh chiến chống lại nhóm Albigensê. Riêng Đa Minh thì thương xót những người lạc giáo hơn là ghét bỏ họ. Ngài cũng quyết định mở cuộc thánh chiến nhưng không trên mặt trận võ khí mà trên mặt trận truyền giáo. Chính ngài đã gặp thánh Simon và hai người trở thành bạn thân đến mãn đời.

PHỔ BIẾN KINH MÂN CÔI

Trận thánh chiến rất thành công cho quân đội Công giáo. Các sử gia nói rằng nơi những trận chiến này kinh Mân côi được đọc lần đầu tiên, kinh Mân côi trở thành khí giới thiêng liêng bảo vệ đạo.

Cuộc đời và sự thánh thiện của thánh nhân nổi bật đến độ ba giáo phận xin ngài làm giám mục: năm 1212, địa phận Bezier; rồi địa phận St. Lizier, cuối cùng vào năm 1215 là địa phận Navarre. Nhưng Đa Minh tuyệt đối xin từ chối những vinh dự trên. Tấm gương của đức giám mục địa phận Osma là Diego vẫn còn in đậm trong tâm trí. Ngài nói nếu bị ép làm giám mục, ngài sẽ trốn đi ngay dù trong đêm tối!
Tuy nhiên, không phải lúc nào Đa Minh cũng rao giảng thành công đâu. Vào những năm 1213 và 1214 lịch sử ghi lại ngài truyền giáo tại miền Carcassonne, nhưng rất ít người trở lại và ngược lại bị nhiều chống đối.

DÒNG TU MỚI

Đến năm 1214 ngài trở về Toulouse, Pháp quốc. Tại nơi đây ngài thực hành quyết định thành lập dòng tu chuyên lo giảng thuyết. Nổi tiếng đạo đức và khôn ngoan nên nhiều thanh niên ngưỡng mộ tìm đến với ngài. Sau khi đức cha Toulouse cho phép, Đa Minh tập họp những môn đệ đó thành một cộng đoàn. Đến năm 1215, ngài chính thức theo giáo luật thành lập nhà dòng trong giáo phận Toulouse với mục đích truyền bá đức tin và luân lý chân chính. Cũng trong năm này ông Pierre Seilan, một người giầu có miền Toulouse, đi theo thánh Đa Minh. Pierre dâng tặng cho thánh nhân nhiều sở hữu. Nhờ vậy ngày 25 tháng 4 năm 1215, tu viện đầu tiên của dòng được thành lập.

Thoạt đầu, dòng chỉ mang tính cách là "dòng địa phận". Đa Minh mong muốn dòng mới sẽ đi truyền bá Tin Mừng khắp thế giới. May mắn thay, vào tháng 11 năm 1215, công đồng chung tại Roma được triệu tập nhằm mục đích "sửa chữa những đồi phong bại tục, dẹp tan lạc giáo và củng cố đức tin chân chính." Điều khoản giáo luật số X của công đồng còn khiển trách cách mạnh mẽ một số giám mục đã quên lãng bổn phận rao giảng, và khuyến khích việc ủy thác cho một số vị có khả năng rao giảng lời Chúa. Những lời tuyên bố đó đúng với tôn chỉ dòng Đa Minh. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, khi công đồng đề nghị "một số vị có khả năng" không có nghĩa là nói đến các linh mục, hoặc cụ thể hơn, các linh mục dòng Đa Minh, một dòng tu còn non trẻ.

Trong khi chân trời mới mở rộng cho Đa Minh, thì một biến cố khác không vui xẩy ra: Công đồng chung cấm việc lập thêm dòng tu mới! Không nản lòng, Đa Minh triệu tập các anh em, thông báo quyết định của đại công đồng. Các tu sĩ Đa minh, cùng đồng ý là, thay vì dùng tu luật mới, thì sẽ theo tu luật thánh Augustino. Cho đến nay, tu luật thánh Augustinô vẫn là tu luật nền tảng của dòng, và các tu sĩ Đa Minh vẫn phải học tu luật thánh Augustinô trước khi học hiến pháp dòng. Tháng 8 năm 1216, Đa Minh xin phép gặp đức giáo hoàng, và ngày 22 tháng 12 cùng năm, đức giáo hoàng chính thức chuẩn y dòng tu có tên hiệu "Dòng giảng thuyết". Cũng nên nhắc nơi đây câu truyện rất thú vị. Một hôm, đức giáo hoàng trong giấc mơ, thấy đền thờ Latêranô bị nghiêng, thì có hai thanh niên bước đến kề vai nâng đỡ. Buổi sáng cùng ngày, ngài có hẹn gặp hai tu sĩ tên là Đa Minh và Phanxicô. Nhớ lại giấc mơ, nhìn lại khuôn mặt, ngài biết ngay rằng đây là dấu hiệu mà Chúa báo trước cho ngài: hai tu sĩ trẻ này sẽ là người nâng đỡ giáo hội. Vào thế kỷ 13, đền thờ Lateranô chính là biểu tượng của giáo hội như đền thờ thánh Phêrô thời nay. Trong thời gian ngắn ở tại Roma, đức giáo hoàng cũng nhờ thánh Đa Minh đi giúp tái lập truyền thống nghiêm ngặt nơi các nhà dòng nữ. Đa Minh đã làm cho đức giáo hoàng rất hài lòng trong việc giúp thăng tiến đời sống tinh thần tại các nhà dòng này.

ĐẶC SỦNG CỦA DÒNG

Đến ngày 15 tháng 8 năm 1217, Đa Minh trở về Prouille thông báo Tin Mừng cho các anh em. Ngay sau đó, Đa Minh đưa ra một quyết định được coi là táo bạo: Ngài sai 17 môn đệ đi truyền giáo toàn miền Âu châu và nhất là giảng thuyết tại các trường đại học. Tuy có một số người phản đối, cho rằng các tu sĩ còn quá non trẻ, nhưng thời gian đã cho thấy quyết định của Đa Minh hoàn toàn đúng. Thứ nhất, ngài tin tưởng các môn đệ của mình; thứ hai Chúa Thánh linh đã không ngừng làm việc nơi 17 tu sĩ Đa Minh đầu tiên, đến nỗi chỉ một năm sau, vào ngày 3 tháng 12 năm 1218, đức giáo hoàng  Honorio III viết tông thư giới thiệu dòng cho toàn thể các giám mục, viện phụ, bề trên tu viện, xin các vị nâng đỡ và cùng làm việc chung với anh em trong dòng. Truyền giáo nơi các trường đại học trở thành một đặc sủng của dòng. Đa Minh muốn các tu sĩ có một trình độ cao về học vấn. Có lẽ hướng đi đó do kết quả thánh nhân thâu thập được khi làm việc tại trường đại học Palencia. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những đặc điểm của dòng. Trong thời ban sơ, đa số tu viện đều được thành lập chung quanh trường đại học, vừa để dễ làm việc mục vụ, vừa để dễ cho các anh em đi học. Các trường  đại học Paris (Pháp quốc) và Bologna  (Tây ban nha) đã là những nơi "thử lửa" đầu tiên của dòng.

Tại Roma, đức giáo hòang Honoriô, thích thú trước những thành công của anh em thuyết giáo, dành tu viện Santa Sabina cho dòng Đa Minh chịu trách nhiệm. Ngày nay Santa Sabina là nhà Mẹ của toàn dòng. Đến năm 1218, trong văn thư ngày 2 tháng 12, đức giáo hoàng còn ủy thác đền thờ Saint Sixtus dưới quyền cai quản của dòng và dành cho Đa Minh chức nghiêm sư thánh điện, tức là nhà thần học của đức giáo hoàng. Dòng Đa Minh giữ chức vụ này cho đến ngày nay.

Vẫn ôm giấc mộng truyền giáo, Đa Minh không muốn vì công việc điều hành mà quên mộng ước. Cuối năm 1218, ngài chỉ định cha Reginal de Orleans làm tổng đại diện, còn mình thì cùng với nhiều anh em đi sang các thành phố khác. Các tu viện đầu tiên của dòng được thành lập tại Bologna, Prouille, Toulouse, Fanjeaux, sau đó tới  Lyons, Segovia, Limoges, Barcelona và nhiều thành phố bên Ý... Tháng 2 năm 1219, đan viện nữ Đa minh, tức là dòng nhì được thành lập tại Madrid, Tây ban nha. Cũng trong năm đó, đức giáo hoàng Honoriô đã ban cho ngài tước hiệu "Bề trên tổng quyền" hoặc bề trên cả (Master General), là danh xưng mà các vị thừa kế giữ cho đến nay. Qua năm 1219, nhân đại hội dòng lần đầu ở Bologna, Đa Minh từ chức bề trên tổng quyền để có nhiều thời giờ đi truyền giáo. Đương nhiên, đơn xin bị từ chối. Tuy nhiên, không gì có thể cản trở Đa Minh truyền giáo. Cùng với các anh em dòng, ngài mở nhiều mặt trận: lịch sử ghi lại, qua phép lạ và lời giảng dậy, Ngài đã chinh phục hơn 100,000 người trở lại cùng Chúa. Theo cha Lacordaire thì tại Lombardy, Đa Minh đã thành lập hội "Đạo Binh Chúa Giêsu" (Militia of Jesus Christ), tức là huynh đoàn Đa Minh hoặc dòng ba Đa Minh bây giờ. Trước những thành công liên tục, vào năm 1221, ngài một lần nữa phải triệu tập công đồng chung toàn dòng lần thứ 2 tại Bologna. Sau đó ngài đi thăm đức hồng y Ugolino, một ân nhân của dòng. Trên đường trở về lại Bologna, Đa Minh bị bệnh, và sau ba tuần chịu đựng cách can đảm, thánh nhân qua đời giữa các anh em. Ngay sau khi qua đời, nhiều người đã đến cầu khấn cùng ngài. Mười ba năm sau, đức giáo hoàng Gregorio, vào ngày 13 tháng 7 năm 1234 tuyên dương ngài lên bậc hiển thánh.

LINH ĐẠO CỦA THÁNH ĐA MINH

"Contemplare, contemplata aliis tradere". Bên cạnh việc truyền giáo qua giảng thuyết, Đa Minh nổi tiếng vì linh đạo đặc biệt của ngài. Linh đạo này là "hãy chiêm niệm và mang kết quả của sự chiêm niệm đó đến cho tha nhân". Như chúng ta đã biết, dòng Đa Minh là một hội dòng "pha", nghĩa là vừa hoạt động, vừa chiêm niệm. Trước đó, các linh mục triều hướng nhiều về hoạt động; còn linh mục dòng khổ tu thì theo tiến trình: "học tập - cầu nguyện - chiêm niệm - (trở về) học tập". Đa Minh đề ra phương cách mới: "học tập - cầu nguyện - giảng thuyết - chiêm niệm - (trở về) giảng thuyết - học tập". Linh đạo này về sau được thánh Thomas khai triển và trở nên nổi tiếng với câu châm ngôn "Contemplare, contemplata aliis tradere." Sống đúng theo câu châm ngôn trên, cuộc đời của thánh Đa Minh được giáo hội ca tụng là ngài chỉ "nói với Chúa, về Chúa và trong Chúa." Làm sao một người có thể làm được như vậy? Chúng ta có thể làm được không? Được. Tất cả những gì Đa Minh thấy trên đường rao giảng đều là phương tiện ca tụng Chúa, để chiêm niệm và chia sẻ sự chiêm niệm đó cho tha nhân. Ở trên chúng ta đã biết, sách Phúc Âm ngài thường mang theo là sách của thánh Matthêu. Như Matthêu thuật lại nhiều chi tiết về cuộc  đời của Chúa Giêsu, thì Đa Minh cũng thấy mọi biến cố trong cuộc sống, đều là phương cách giúp chiêm niệm và rao giảng Tin Mừng. Lòng nhiệt thành với việc rao giảng Tin Mừng của Đa Minh mạnh đến nỗi trong tông thư tuyên dương hiển thánh cho ngài, đức giáo hòang Gregory đã tuyên bố rằng không ai ngạc nhiên gì về sự thánh thiện của Đa Minh đáng nêu gương cho mọi người như sự thánh thiện của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô!

Lậy Cha thánh Đa Minh, xin cầu cho chúng con.

http://www.dongcong.net/TTDM/2003/Thang8/ChuDe8.htm

 
 Tags: vhtk tháng 8

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây